Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là những người làm công tác y tế chung tay phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả để “không ai bị để lại phía sau” thì những tấm gương hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc làm sáng mãi phẩm chất cao quý “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ.
“Lương y như từ mẫu” - chuẩn mực y đức cao quý nhất của thầy thuốc
Cách đây 65 năm, ngày 27-02-1955, trong Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế, Bác Hồ đã căn dặn những người làm công tác y tế phải thực hiện cho kỳ được tinh thần trách nhiệm lớn lao trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân: “Lương y phải như từ mẫu”1. Thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ thầy thuốc và ngành Y tế Việt Nam luôn coi đây là phương châm hành động cao cả, là trách nhiệm chính trị đối với nhân dân khi được Đảng và Bác Hồ giao cho.
Thăm Bệnh xá Vân Đình (1963), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện
“Lương y như từ mẫu”. Ảnh tư liệu
Khẳng định vai trò to lớn của ngành Y, từ rất sớm - ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công - Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chăm lo xây dựng y đức cho thầy thuốc. Vì vậy, trong Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3 năm 1948, đăng trên Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 908 ngày 23-4-1948, một mặt, Người khen ngợi những nỗ lực lớn của lực lượng Quân y trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp “Từ ngày kháng chiến đến nay, quân y phát triển rất khá và các bác sĩ, khán hộ, cứu thương, ai cũng chịu khó, cố gắng. Đó là những điểm rất tốt”2. Mặt khác, Người cũng chỉ ra những khuyết điểm đó là: “Song, quân y cũng như mọi việc khác, chúng ta đang mới mẻ, chúng ta còn nhiều khuyết điểm. Chúng ta phải cố gắng nữa, để tiến bộ hơn nữa”3.
Để phát huy những thành tích đã đạt được và từng bước khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm, Người căn dặn Quân y phải nêu cao tinh thần ““Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”4. Đây là phẩm chất cao quý nhất trong thang giá trị y đức của người thầy thuốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi theo Người, người thầy thuốc phải thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa chữa bệnh tật, vừa chữa “tâm bệnh” như một nhà tâm lý học thân thiết như người mẹ hiền của bệnh nhân: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”5. Luận giải rõ hơn vấn đề này, trong Thư gửi cán bộ Hội nghị y tế, Người khẳng định: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân”6. Theo đó, “Thầy thuốc như mẹ hiền” là một đòi hỏi khách quan trong thực hành y nghiệp, y đức, cũng là nhiệm vụ vẻ vang, là trách nhiệm của thầy thuốc trước Đảng và chính phủ; do đó, Người nhắc nhở đội ngũ thầy thuốc: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”7. Không những vậy, Người còn chỉ ra phương thức để người thầy thuốc thực sự là “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Cán bộ y tế nên cố gắng thực hiện mấy điểm này”8:
Thứ nhất, phải nâng cao trình đội chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc tích cực, chủ động tự học tập, tự nghiên cứu trau dồi kiến thức y học, y sinh, làm chủ phương tiện khám, chữa bệnh: “Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hiện nay”9.
Thứ hai, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trau dồi đạo đức cách mạng, vươn lên địa vị người làm chủ trong chế độ xã hội mới - chế độ dân chủ nhân dân: “Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: Yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”10.
Thứ ba, xây dựng các cơ sở, trung tâm và toàn ngành Y tế vững mạnh về tổ chức theo hướng “giản chính, tinh cán” làm điều kiện tiên quyết để xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng y đức, giỏi y nghiệp: “Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”11.
Thứ tư, làm tốt công tác cán bộ ngành Y. Nhất quán tinh thần “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Người yêu cầu phải xây dựng được đội ngũ cán bộ y tế đủ số lượng, chất lượng ngày càng cao và có cơ cấu hợp lý, trong đó phải khéo lựa chọn và đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ mới ở vùng tạm chiếm, vùng núi - căn cứ địa cách mạng: “Về cán bộ: Cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong số thanh niên nam nữ, dạy cho họ những công tác cần thiết trong nhân dân, trong dân công ở vùng tạm chiếm và vùng rừng núi”12.
Tất cả những phương thức trên chẳng những đào tạo được đội ngũ “thầy thuốc như mẹ hiền”, mà còn góp phần xây dựng nền y học nhân đạo, vì nhân dân: “Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng”13.
Xây dựng chuẩn mực y đức “Lương y như từ mẫu” theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực y đức của thầy thuốc: “Lương y như từ mẫu” chẳng những đã góp phần đào luyện nên một thế hệ thầy thuốc tài năng, giàu lòng nhân ái để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân nhằm góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công trước đây, mà còn là kim chỉ nam cho xây dựng đội ngũ thầy thuốc vững mạnh về mọi mặt, trong đó y đức là quan trọng hàng đầu để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho toàn dân trong tình hình mới; đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam phải đối mặt với dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là những cán bộ, nhân viên ngành Y tế trực tiếp tham gia khám, chữa cho các bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Bệnh nhân Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) được ghép chi thể đồng loài thành công. Ảnh: TL
Thấu triệt và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mọi cán bộ ngành Y tế làm việc với tinh thần và trách nhiệm “Lương y như từ mẫu” đã không quản khó khăn, gian khổ, bất chấp ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân và thân nhân luôn đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh; họ thực sự là “dũng sĩ” trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả là: Từ khi bệnh nhân đầu tiên dương tính với Covid-19 ở Việt Nam và dừng lại ở con số 16 người, thì đến hết ngày 25/2/2020 đã có 16/16 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và đã hơn 10 ngày Việt Nam không phát sinh người dương tính với Covid-19, đặc biệt là không có người tử vong. Theo đó, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên thế giới và được Tổ chức Y tế đánh giá cao. Phát huy những kết quả đã đạt được, việc xây dựng chuẩn mực y đức “Lương y như từ mẫu” theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục y đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung giáo dục, xây dựng đội ngũ thầy thuốc trung thành với Tổ quốc, Đảng và nhân dân; chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Sẵn sàng đem hết năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm để khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phát triển ở người thầy thuốc tấm lòng nhân ái, ứng xử có văn hóa với bệnh nhân và đồng nghiệp. Trong điều kiện hiện nay cần tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20-NQ/TW) ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng vừa chuyên”, giỏi về y thuật, y lý, sáng về y đức. Theo đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, bác sỹ, y tá, là những người có tình thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Phát huy tấm lòng yêu thương con người của các thế hệ thầy thuốc và coi đây sức mạnh nội sinh của y tế cách mạng Việt Nam, của người thầy thuốc cách mạng. Xử lý nghiêm minh với những trường hợp y, bác sỹ vi phạm pháp luật, đặc biệt vi phạm nguyên tắc, đạo lý trong ngành Y.
Thứ ba, tiếp tục tinh giản cơ cấu bộ máy ngành Y tế. Trong đó, ngành Y tế cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17 tháng 04 năm 2015 của Bộ Chính trị, Khóa XI về tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Thứ tư, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và các bộ, ngành có liên quan. Trọng tâm là cán bộ nhân viên ngành y phải thật thà đoàn kết nội bộ theo đúng chỉ dẫn của Bác Hồ: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì, công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân”14./.
Nguyễn Bảo Minh
Theo Trang thông tin điện tử Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)
----------------------
1, 7, 13, 14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.343; tr.343; tr.343-344; tr.343
2, 3, 4, 5. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.487; tr.487; tr.487; tr.487
6, 8, 9, 10, 11, 12. Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, tr.154; tr.154; tr.154; tr.154; tr.155; tr.155