Vi rút Corona (nCoV) là một loại vi rút đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Vi rút này là chủng vi rút mới chưa được xác định trước đó.
Việt Nam xác định bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: Sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính. Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
Vi rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, vi rút lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng vi rút, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Vi rút cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ.
Cơ chế lây lan này của vi rút nCoV cho thấy các công sở, văn phòng làm việc, nhà chung cư, trường học, bệnh viện có thể được xem là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao bởi những nơi này tập trung đông người, không gian thường kín và có nhiều đồ vật sử dụng chung như thang máy, cửa ra vào, máy móc thiết bị làm việc chung, đồ dùng học tập, ăn uống... Chính vì vậy, mọi người khi sinh sống, làm việc ở những nơi đông người cần phải chủ động tìm hiểu, nắm được những khuyến cáo của cơ quan chức năng để chủ động bảo đảm an toàn cho chính bản thân và mọi người khi làm việc, học tập, sinh sống cùng nhau.
1. Khuyến cáo Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tại nơi làm việc (Không áp dụng cho cơ sở y tế)
Trong Công văn số 490/BYT-MT ngày 06/02/2020, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo đối với người lao động như sau:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay.
- Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,... thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp chủ động kiểm tra thân nhiệt của người lao động trước khi vào làm để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Internet
Khuyến cáo đối với người sử dụng lao động:
- Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,... bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc.
- Có quy định và hướng dẫn người lao động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh (nếu được).
- Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,... tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.
- Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095).
2. Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trong trường học
Ngày 06/02/2020, Bộ Y tế có Công văn số 525/BYT-MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
Phun thuốc khử trùng tại các trường học để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh Internet
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sau:
- Đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi tới khu vực tập trung đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ nơi công cộng; vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay.
- Tránh việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế, đặc biệt một số thời điểm: Sau khi ho, hắt hơi; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tham gia các hoạt động thể chất; khi thấy tay bẩn.
- Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng.
- Hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã.
Các nhà trường cần bảo đảm vệ sinh môi trường trường học bằng các biện pháp:
- Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
- Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay.
Khi phát hiện trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, đồng thời thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan quản lý để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
3. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nhà chung cư
Ngày 07/02/2020, Bộ Xây dựng ban hành Công văn số 418/BXD-QLN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng chống dịch do nCoV gây ra tại nhà chung cư. Theo đó, các khu nhà chung cư cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Nhiều tòa nhà chung cư đã chủ động phòng dịch Covid-19. Ảnh Internet
- Thực hiện tiêu độc, khử trùng phòng dịch cho các tòa nhà chung cư; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
- Ban quản lý tòa nhà/ Ban quản trị dán thông báo tuyên truyền, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách với xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn tại các điểm trong nhà chung cư như sảnh lễ tân hoặc thang máy. Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tránh tập trung đông người tham gia trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch. Khuyến cáo người dân trong các khu nhà chung cư có ý thức đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, ho, khạc nhổ trong thang máy, thường xuyên sử dụng nước rửa tay kháng khuẩn và sử dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Ban quản lý tòa nhà/ Ban Quản trị phải nắm bắt tình hình đi lại của cư dân, đặc biệt là đối với các tòa nhà, chung cư có người nước ngoài; kịp thời phát hiện, theo dõi các trường hợp đi qua vùng dịch hay nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện việc cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp cư dân đến từ hoặc đi qua các tỉnh, thành phố của Trung Quốc theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trường hợp nghi ngờ có người nhiễm bệnh trong nhà chung cư thì phải khẩn trương thông báo ngay với cơ quan y tế địa phương để cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh; thực hiện việc khử trùng các điểm nghi ngờ dịch bệnh trong nhà chung cư theo quy định.
- Nhân dân trong nhà chung cư chủ động thực hiện các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn về y tế, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nghiêm cấm công bố thông tin sai lệch, không chính xác, gây hoang mang về diễn biến dịch do nCoV trong nhà chung cư.
4. Phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bệnh viện
Để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch Covid-19 trong bệnh viện, trong Công văn số 96/KCB-ĐD&KSNK ngày 24/01/2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:
Bệnh viện bố trí khu vực cách ly, khám sàng lọc bệnh nhân để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh Internet.
Tại khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu:
- Tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.
- Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
- Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng).
- Khi phát hiện có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV đủ tiêu chuẩn nhập viện, chuyển người bệnh vào nơi thu nhận người bệnh đúng quy định.
- Người bệnh cấp cứu đến thẳng khoa cấp cứu, thực hiện như các nội dung trên.
- Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn; quản lý chất thải; vệ sinh bề mặt…) và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí).
- Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp; khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến kho aKhams bênh (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp bằng poster, tờ rơi…).
- Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng lưu người bệnh nhiễm nCoV được thông khí tốt.
Tại các khoa thu nhận, điều trị người nhiễm nCoV
- Có biển cảnh báo tại khu vực cách ly. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly.
- Tuân thủ phòng ngừa chuẩn. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn. Áp dụng phòng ngừa cách ly lây truyền qua đường không khí khi có các thủ thuật có thể tạo ra hạt khí dung. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
- Có thể bố trí kíp nhân viên y tế riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc các người bệnh khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm.
- Bảo đảm thông khí buồng bệnh tối thiểu 3 lần/ngày.
- Áp dụng triệt để gói biện pháp phòng ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy, nếu người bệnh có đặt nội khí quản và gói giải pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết bệnh viện.
- Hạn chế di chuyển người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ra khỏi khu vực cách ly. Nếu cần vận chuyển, bố trí đường vận chuyển riêng, ít người lưu thông.
- Người bệnh và người nhà mang khẩu trang y tế, đặc biệt khi vận chuyển bệnh nhân ra ngoài khu vực cách ly.
- Dụng cụ sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại Trung tâm Khử khuẩn - Tiệt khuẩn.
- Đồ vải sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại nhà giặt.
- Tất cả chất thải rắn phát sinh trong khu vực cách ly được quản lý, xử lý như chất thải y tế nguy hại.
- Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định.
Tại các khoa phòng khác:
- Tuân thủ nội dung phòng ngừa chuẩn. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
- Bảo đảm thông khí buồng bệnh.
- Phổ biến các poster, tờ rơi về các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh. Hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang y tế khi có các dấu hiệu ho, sốt…; thực hiện quy tắc che miệng khi ho, hắt hơi. Yêu cầu tất cả người bệnh và người nhà người bệnh của khoa Hô hấp mang khẩu trang.
- Khi phát hiện có người bệnh có dấu hiệu nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV, chuyển người bệnh đến khoa tiếp nhận theo quy định.
- Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định.
- Thu thập, đóng gói, vận chuyển và xử lý bệnh phẩm xét nghiệm của người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Phòng ngừa cho nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách đến thăm:
Hạn chế tối đa nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách đến thăm vào buồng cách ly. Người vào buồng cách ly phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng khi vào khu vực cách ly./.
Thu Hiền (tổng hợp)