Hồ Chí Minh đã suốt đời tận tụy hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa - Người luôn tự cho mình là một “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra Mặt trận”, là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Ngay từ năm 1946, khi trả lời các nhà báo, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” – và Người đã khẳng định với đồng bào cả nước: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc, lợi dân” và “tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại độc lập, thống nhất thực sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau sung sướng và tự do”.

Nhân dân Việt Nam vô cùng kính phục và yêu mến Hồ Chí Minh vì suốt cả đời mình, Người đã đấu tranh không mệt mỏi để thực hiện những điều Người đã nói trên.

Từ ngày hòa bình được lập lại, Người không chỉ kêu gọi nhân dân không ngừng phấn đấu để “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, mà còn khẳng định lý tưởng và nhiệm vụ của XHCN: “muốn tiến lên CNXH thì phải cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người.

Một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động. Ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.

Một xã hội giàu có, mà muốn giàu có thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm...”

Theo Người “Lao động là một nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người công dân đối với Tổ quốc. Ai cũng phải tùy khả năng mình mà tự nguyện, tự giác tham gia lao động góp phần xây dựng nước nhà”.

Để xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Hồ Chí Minh đã kêu gọi cán bộ, đảng viên phải: “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ CNXH”. Và Người đã giải thích rất đầy đủ, súc tích về cần, kiệm, liêm, chính: “Trước hết là cần, tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì.

Kiệm tức là không lãng phí thời giờ của cải của mình và của dân.

Liêm tức là không tham ô và luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân.

Chính tức là việc phải làm dù nhỏ cũng làm, việc trái dù nhỏ cũng tránh.

Bốn điều đó đi liền với nhau”.

Về chí công, vô tư thì Người nói: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. Ham làm những việc ích quốc, lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý” và “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã… Có khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Chí công vô tư chính là biểu hiện sâu sắc ý thức tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh rất ghét chủ nghĩa cá nhân và thói tự kiêu, tự mãn, tự lợi. Theo Người “chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi chung của tập thể. Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong”.

Những đức tính lớn Hồ Chí Minh để lại mà chúng ta phải cố gắng học tập là cần cù, khiêm tốn, giản dị, mẫu mực về mọi mặt, sáng suốt trong công việc, gần gũi quần chúng và tin tưởng ở quần chúng. Luôn quan tâm đến lợi ích và đời sống của nhân dân; đoàn kết đồng chí, thương yêu cán bộ; thắng không kiêu bại không nản, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn luôn bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng tương lai với một niềm tin tưởng sắt đá không gì lay chuyển được.

Đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh trong sáng tư tưởng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đạo đức cộng sản chủ nghĩa và phong thái của các bậc hiền triết phương Đông. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương vĩ đại của sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Trước tình trạng tham nhũng và những tệ nạn tiêu cực xã hội lan rộng hiện nay, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng của những lời dạy và tấm gương về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh.

Theo www.yenbai.gov.vn

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: