Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sinh ra nhiều anh hùng giải phóng dân tộc, nhiều người được vinh danh...

Người người nối tiếp nhau, viết lên trang sử vẻ vang cho dân tộc, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị anh hùng vĩ đại nhất, trang sử Người để lại là trang sử vẻ vang nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc vĩ đại, bởi vì, Người là người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, con đường cách mạng vô sản. Người sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước - giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Nhà yêu nước tiền bối Phan Bội Châu đã sớm nhận rõ tư tưởng vĩ đại của người lãnh tụ mới của phong trào cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc, đặt niềm tin vào Nguyễn Ái Quốc. Cụ từng nói với nhiều người khi đến thăm cụ ở Bến Ngự rằng: “… đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi tuy tôi có lòng mà thực bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập. Nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều, đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong. Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không? Ông ấy còn thì nước ta nhất định sẽ độc lập. Vì ông ấy giỏi.”

Đúng như đánh giá của Phan Bội Châu, chính lúc đó, bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua hạn chế của các bậc tiền bối, Người là người đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao của văn hóa nhân loại, tìm ra con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam - cách mạng vô sản, đó là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Từ đó, Người mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn góp phần phát triển học thuyết của V.I Lênin về cách mạng thuộc địa, làm sáng tỏ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; đưa ra luận điểm về tính chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và khẳng định sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân các nước thuộc địa. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm: cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể tiến hành trước, và thắng lợi của nó sẽ “giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.

Đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Đảng lên vị trí đảng cầm quyền. Từ ngày Đảng ra đời, Người luôn chăm lo từng bước trưởng thành của Đảng, rèn luyện Đảng thành đội tiên phong vững vàng, sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đó là khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch vượt qua mọi thử thách khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công". Đây chính là tư tưởng chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Mặt trận là nhân tố quan trọng bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng "trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Những nhân tố quyết định trên đảm bảo vững chắc cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mở đầu là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, khẳng định vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do, sánh vai cùng các dân tộc đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng, tiến bộ, văn minh.

Tiếp đó, những thắng lợi vĩ đại, vang dội khắp năm châu của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, là người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, với những trang hào hùng nhất trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, đã đi vào lịch sử và sống mãi với muôn đời sau.

Vượt lên trên tất cả các bậc tiền bối, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”, mà Người còn có “sự đóng góp quan trọng và nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Người là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”, Người đã được ghi danh vào danh sách “các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hoá trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thê giới” như Nghị quyết 24C/18.65, phiên họp Đại Hội đồng UNESCO, khoá họp lần thứ 24, tại Pari đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khuyến nghị các nước thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người.

Thật khó mà tách rời Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc với Hồ Chí Minh - nhà văn hóa kiệt xuất. Bởi vì, lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, với vinh dự lớn là một nước nhỏ đã đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng nhân dân khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, giành lại cho nhân dân Việt Nam những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa, đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà là cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chính là sự nghiệp văn hóa cao cả nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà văn hóa kiệt xuất, kiến trúc sư của nền văn hóa mới Việt Nam, Người sớm nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hoá, đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước. Để xây dựng một nền văn hoá mới, ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc là phát triển văn hóa, xoá mù chữ, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục. Người nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Do vậy, phải chống giặc dốt đi đôi với chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm, trước hết phải là xóa nạn mù chữ, để tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết đọc, biết viết “Mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền hạn của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát động phong trào xây dựng đời sống mới, để xây dựng một nền đạo đức mới, con người mới; chống những thói quen xấu và hủ tục lạc hậu; phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân. Nền văn hoá mới mà Người chủ trương xây dựng là một nền văn hoá luôn hướng con người tới chân, thiện, mỹ, tới hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, tới tình hữu ái giữa người với người.

Trên hành trình vạn dặm đi tìm chân lý, đến nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, Người đã học tập và làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hoá phương Đông và phương Tây. Người đã từng hấp thụ văn hoá nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hoá Pháp. Người trân trọng mọi giá trị văn hoá nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra chủ trương kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ ”.

Là linh hồn của công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời xúc tiến công cuộc xây dựng nền văn hóa mới nước nhà với các tiêu chí: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Người đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hoá mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hoá của thế giới. Đi trước thời gian, nhiều chủ trương văn hoá được Người để ra rất sớm - từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ XX, như: Xoá mù chữ, trồng cây, trồng người, phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, v.v.., đến thế kỷ XXI này đã trở thành những vấn đề nóng, cấp bách, mang tính toàn cầu, mà nhân loại bắt buộc phải quan tâm, giải quyết.

Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá đang là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời không ngừng mở rộng sự giao lưu văn hoá với thế giới.

Một trong những điều kiện giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa, tiếp thu tri thức nhân loại, là Người biết nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch. Trải qua mấy chục năm học tập và rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước vươn lên tầm cao của trí tuệ thời đại để từ đó mà vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hoá thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn lớn. Thơ của Người phần lớn viết bằng tiếng Việt, có nhiều bài viết bằng chữ Hán, không chỉ là những những vần thơ tuyên truyền, đuổi giặc, mà thơ của Người còn thể hiện khát vọng tự do, công lý, cơm áo, hoà bình, cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đậm chất chữ tình, với nghệ thuật uyên bác. Đó là những nội dung chủ yếu làm nên thơ Hồ Chí Minh, với những giá trị nhân văn cao quý, toả sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người viết nhiều thể loại: truyện ngắn, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận,... Ở lĩnh vực nào cũng có những thành công nổi trội. Văn chính luận của Người giàu tri thức văn hoá, giàu tính luận chiến, lập luận chặt chẽ, lý luận sắc sảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà báo vĩ đại, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người rất khiêm tốn, không nhận mình là nhà báo, chỉ nhận mình là “người có duyên nợ với báo chí”. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng: Le Paria (1922); Thanh niên (1925); Việt Nam Độc lập (1941)... Với trên 60 bút danh khác nhau, Người đã viết hàng nghìn bài báo, góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa, hướng tới CNXH, giáo dục về CNXH, xây dựng kinh tế, bồi dưỡng con người mới… “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói lên được điều lớn, bằng chữ nhỏ”.

“Văn hóa là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc. Những tinh hoa văn hóa của một dân tộc đều là tài sản chung của nhân loại và ngược lại, những đỉnh cao văn hóa loài người là những của báu không dành cho riêng ai. Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nghiệp hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa của mình, đã là người Việt Nam đầu tiên bắc nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa và nhà cách mạng thống nhất hữu cơ làm một, tri thức văn hóa chỉ nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động cách mạng. Không những vậy, chính yếu tố văn hóa trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Người có một sức thu hút mạnh mẽ, một khả năng cảm hóa đặc biệt đối với người xung quanh, ngay cả đối với những người nước ngoài, dù cho từ đâu tới và thuộc hệ tư tưởng nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn còn bởi vì chính bản thân Người, cuộc sống của Người, là hiện thân của nền văn hóa mới Việt Nam, là mẫu mực của con người mới Việt Nam và là đề tài không bao giờ cũ, là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhà báo… tạo ra những tuyệt tác, bởi vì, “ngay giữa cuộc đời mình”, Người đã đi vào truyền thuyết, “Cuộc sống của Người là một bài thơ đầy nét anh hùng ca”.

Là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX, từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị (1919), đến khi từ biệt thế giới này (1969), sau đó 10 năm, 20 năm… sự kính trọng, ngưỡng mộ, đánh giá cao của nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề thay đổi. Một vài nhận thức của chúng tôi trên đây chỉ là đôi nét phác thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh-Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất mà nhân loại đã ghi nhận. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, đã và đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục khai thác, nhằm phát hiện, tôn vinh những giá trị văn hóa, tư tưởng trong cuộc đời Người cho công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới hôm nay. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”, Người sẽ sống mãi và đồng hành cùng dân tộc trên con đường “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Theo TS. Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

www.yenbai.gov.vn

Bài viết khác: