Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định”1 là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngành đối ngoại đã quán triệt sâu sắc, đồng thời tích cực, chủ động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên.
Lễ chào cột mốc Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia của đại diện lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới ba nước. Ảnh: TTXVN
Hơn một thập niên qua, tình hình thế giới đã có những biến động sâu sắc. Các nước lớn điều chỉnh chính sách đối ngoại đã tạo ra nhiều xáo trộn trong quan hệ quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương gia tăng, sự quay trở lại của chính trị cường quyền đang thách thức vai trò của các thể chế quốc tế và khu vực. Các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực đã được thừa nhận diễn ra ngày càng phổ biến.
Tình hình đó đã tạo ra các thách thức mới đối với công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tác động không thuận đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực. Trước sau như một, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời, chúng ta hết sức coi trọng, làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng và các nước đối tác khác vì lợi ích của các nước liên quan và vì hòa bình, an ninh, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Biên giới trên bộ vừa là “phên dậu” bảo vệ an ninh quốc gia, vừa là nhân tố quan trọng để bảo đảm quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Trong thời gian qua, công tác phân giới trên bộ tiếp tục có những thành tựu nổi bật. Nối tiếp thành quả phân định biên giới với Trung Quốc và Lào, ngày 05-10-2019, Việt Nam ký kết hai văn kiện pháp lý với Cam-pu-chia ghi nhận hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc cho khoảng 84% tổng chiều dài biên giới hai nước. Đây là kết quả của nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của hai nước trong nhiều thập niên qua nhằm giải quyết thỏa đáng, công bằng những tồn tại lịch sử phức tạp, hướng đến một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, làm cơ sở để hai nước phát triển quan hệ bền vững.
Công tác quản lý biên giới tiếp tục được chú trọng để duy trì trật tự trị an ở biên cương của Tổ quốc. Các lực lượng chức năng của ta đã chủ động phối hợp với các nước láng giềng triển khai công tác quản lý biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý và thoả thuận liên quan. Với Trung Quốc, chúng ta tiếp tục triển khai Chỉ thị số 1326/CT-TTg ngày 27-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ, về việc triển khai các văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, lập các nhóm chuyên gia liên hợp khảo sát song phương xác định hướng đi của đường biên giới, xử lý kịp thời các vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới... Với Lào, chúng ta đã kịp thời phát hiện và xử lý thỏa đáng các vụ, việc nảy sinh, thường xuyên thực hiện tuần tra đơn phương, song phương nhằm quản lý, bảo vệ tốt mốc giới, triển khai Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới. Với Cam-pu-chia, tiếp tục quản lý biên giới theo Hiệp định về Quy chế biên giới năm 1983, Thông cáo báo chí năm 1995 và các thỏa thuận khác giữa hai nước, kịp thời giải quyết các vấn đề mới.
Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên bộ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới. Các công tác như mở, nâng cấp cửa khẩu, lối thông quan; thúc đẩy triển khai Hiệp định bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân; xây dựng các công trình hạ tầng giao thông khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, xã hội... đều được triển khai mạnh và hiệu quả. Thực tế cho thấy phân giới, cắm mốc tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác phát triển. Đồng thời, hợp tác phát triển tốt với các nước láng giềng trên các khu vực biên giới không chỉ giúp nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, mà còn là cơ sở để bảo vệ vững chắc và quản lý hiệu quả các đường biên giới hiện có. Như vậy, về cơ bản, chúng ta đã xây dựng các đường biên giới trên bộ vừa là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, vừa là đường biên giới phát triển2.
Công tác đối ngoại cũng đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông tiếp tục là cơ sở thực tiễn và pháp lý để chúng ta đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Sự hiện diện và thế đứng của chúng ta trên Biển Đông vẫn được củng cố; các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông đã cơ bản được giữ vững; tất cả các hoạt động xâm lấn, vi phạm của nước ngoài, dù phức tạp về quy mô và cường độ hay kéo dài, cũng đều bị đẩy lùi; trong khi đó quan hệ hữu nghị, hợp tác của ta với các nước láng giềng vẫn được bảo đảm.
Sự kiện nổi bật trong năm 2019 là tàu địa chất Hải Dương 08 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã vi phạm dài ngày vùng đặc quyền kinh tế của ta. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các hành động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã phối hợp nhịp nhàng, kết hợp chặt chẽ giữa thực thi pháp luật trên thực địa và kiên trì giao thiệp đối ngoại cùng sự ủng hộ của quốc tế khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; làm rõ thiện chí, mong muốn hòa bình, hữu nghị cùng những quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam và được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.
Đồng thời, chúng ta đã tích cực đối thoại, đàm phán với các nước láng giềng để phân định các khu vực chồng lấn, qua đó tạo lập ranh giới trên biển phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Với Trung Quốc, ta đã triển khai nhiều cơ chế đàm phán ở các cấp khác nhau nhằm trao đổi, xử lý các vấn đề liên quan đến phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm, đồng thời thảo luận cơ hội hợp tác phát triển phù hợp với luật pháp quốc tế. Với In-đô-nê-xi-a, sau khi phân định thềm lục địa, Bộ Ngoại giao chủ trì nhiều vòng đàm phán thúc đẩy việc phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước. Với Phi-líp-pin, chúng ta tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại về các vấn đề trên biển ở cả cấp Thứ trưởng và cấp chuyên gia. Với Ma-lai-xi-a, chúng ta tiếp tục duy trì đàm phán phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn, hợp tác liên quan đến Báo cáo chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a về ranh giới ngoài thềm lục địa.
Việc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại thời gian qua. Việt Nam đã thể hiện tinh thần là một thành viên ASEAN tích cực, chủ động và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình đàm phán để vừa đạt các mục tiêu chung về tiến độ, vừa bảo đảm có tiến triển thực chất. Sau một năm, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc “vòng rà soát thứ nhất”. Tại cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao ở Đà Lạt tháng 10-2019 vừa qua, các bên đã trao đổi thủ tục, cách thức và lộ trình tiến hành “vòng rà soát thứ hai”.
Công tác thông tin, tuyên truyền và vận động dư luận quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chính trị, ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các cơ quan truyền thông trong nước, mạng lưới các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các kênh ngoại giao học thuật đã rất tích cực trong việc đưa thông tin về tình hình trên biển, quan điểm và chính sách của Việt Nam một cách chính xác, kịp thời tới Chính phủ, học giả và dư luận khu vực, thế giới, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ đối với quan điểm và chủ trương của Việt Nam.
Triển khai hiệu quả công tác biên giới lãnh thổ và tiếp tục đóng góp vào nhiệm vụ gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định
Các thành tựu của ngành đối ngoại trong công tác biên giới, lãnh thổ thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình và ổn định của đất nước. Các đóng góp đó thể hiện qua các mặt sau:
Một là, việc chúng ta cơ bản phân định xong biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và phần lớn biên giới với Cam-pu-chia, phân định xong Vịnh Bắc Bộ cũng như đạt được các thỏa thuận pháp lý trên biển với các nước ASEAN là nhân tố then chốt cho việc xây dựng vùng biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Thực tiễn cho thấy sau khi các vùng biên giới trên bộ và trên biển được phân định, tình hình an ninh biên giới cơ bản ổn định, nhân dân hai bên đường biên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, nhất là phát triển kinh tế. Vịnh Bắc Bộ sau khi phân định đã trở thành vùng biển hữu nghị, hợp tác và là một ví dụ điển hình về phân định biển thành công trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi tích cực giải quyết vấn đề còn tồn đọng về biên giới, lãnh thổ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cũng nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng.
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 16 đến 17-01-2020 ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), các Bộ trưởng đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đồng thời nêu cao vai trò thống nhất, trung tâm của ASEAN để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Ảnh: kemlu.go.id
Hai là, thông qua công tác biên giới, lãnh thổ, chúng ta tiếp tục chủ động và tích cực góp phần tham gia vào việc xây dựng, định hình, củng cố các cơ chế, luật pháp, chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia ở cấp độ song phương và đa phương. Chúng ta đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, trong đó có những nguyên tắc về không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hợp tác trên tinh thần bình đẳng giữa các nước có chủ quyền, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; tiếp tục đề cao luật pháp quốc tế như Công ước UNCLOS 1982, là cơ sở cho việc giải quyết chồng lấn cũng như hợp tác trên biển. Chúng ta cũng góp phần xây dựng những luật lệ, chuẩn mực ở khu vực thông qua các tiến trình đa phương của ASEAN, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế. Lập trường nói trên của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trong và ngoài khu vực.
Ba là, chúng ta cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế nhằm biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển trên cơ sở của UNCLOS 1982. Ngành đối ngoại đã cùng các nước trong khu vực tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế tại Việt Nam nhằm tăng cường hiểu biết và nâng cao hiệu quả thực thi, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông, nhất là trong năm 2019 kỷ niệm 25 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực. Chúng ta đã có nhiều sáng kiến khu vực để tiếp tục đề cao thượng tôn pháp luật trên biển, đề cao tính toàn vẹn và nhất quán trong diễn giải và áp dụng UNCLOS 1982 tại khu vực.
Hợp tác quốc tế, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương, nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hạn chế sự cố trên biển đã được triển khai mạnh mẽ hơn. Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ. ASEAN lần lượt cùng với Trung Quốc và Mỹ lần đầu tiên tổ chức diễn tập hàng hải trên Biển Đông trong các năm 2018 và 2019. Các đối tác, bạn bè quốc tế đã cùng triển khai các hoạt động kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng, chống tội phạm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUUF), xây dựng các chương trình hợp tác, đào tạo, cung cấp trang thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho các lực lượng chức năng của Việt Nam như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư...
Các đóng góp kể trên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thêm những cơ sở vững chắc cho chúng ta để vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa tiếp tục đóng góp vào việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong nước và khu vực. Đặc biệt, hợp tác quốc tế còn giúp chúng ta tăng cường khả năng dùng những khuôn khổ, pháp luật, chuẩn mực chung cùng sự can dự tích cực của các nước trong và ngoài khu vực vào vấn đề Biển Đông để hạn chế các chính sách và hành động cực đoan trên biển, qua đó góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Toàn Đảng và toàn dân ta đang tích cực chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tạo điều kiện bảo vệ và phát triển đất nước tiếp tục được đặt ra. Có thể dự báo là xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập trong khu vực tiếp tục nổi trội, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Tuy nhiên, tình hình khu vực và quốc tế còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, trong đó cạnh tranh nước lớn và tranh chấp lãnh thổ vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng hơn. Theo đó, công tác đối ngoại cần đề cao tinh thần chủ động và sáng tạo, tập trung vào các hướng chính sau đây:
Thứ nhất, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, phối hợp tốt với các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi sát chính sách của các nước liên quan, nhất là các nước lớn, theo dõi các phát triển của tình hình trên thực địa, cả trên bộ và trên biển. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể kịp thời đề xuất các biện pháp hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích của Việt Nam cùng các nước liên quan, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Thứ hai, cùng với việc mở rộng và đưa quan hệ với các đối tác vào chiều sâu, tích cực tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, chúng ta tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục cùng các quốc gia chủ động đẩy mạnh việc đưa chủ nghĩa đa phương và tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành giá trị chung, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Trong đó, công việc có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là đề cao và bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và hệ thống các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc, trong đó có UNCLOS 1982, như các chuẩn mực căn bản của quan hệ quốc tế hiện đại. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần thực hiện chủ trương này.
Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN như một cơ chế, công cụ hữu hiệu nhằm thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật ở tầm khu vực. Ngoại giao Việt Nam cần cùng các nước trong khu vực đề cao các nguyên tắc và tiêu chuẩn hành vi của ASEAN, đồng thời sử dụng có hiệu quả các kênh và diễn đàn trong ASEAN để phổ quát các nguyên tắc đó trong hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, ưu tiên áp dụng trên Biển Đông. Theo đó, công tác đối ngoại cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các lĩnh vực để hoàn thành tốt vai trò chủ nhà trong năm ASEAN 2020, từ đó tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hợp tác ASEAN trong các năm tiếp theo.
Các hướng công tác trên là công việc của ngành đối ngoại triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 28-8-2018, của Ban Bí thư, về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chúng ta tin tưởng rằng, với cách tiếp cận đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật thông qua đóng góp chủ động và tích cực trong các cơ chế của ASEAN, Liên hợp quốc và trong quan hệ quốc tế nói chung, trong thời gian tới công tác đối ngoại sẽ tiếp tục thu được những thành tựu mới trong việc triển khai các nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc./.
Phạm Bình Minh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Đức Lâm (st)
Đức Lâm (st)
1. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 59
2. Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, https://baoquocte.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-ngoai-giao-30-76033.html