Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Đây là sự kiện hằng năm diễn ra vào mỗi ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba. Đến nay đã có gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới tham gia hưởng ứng. Hưởng ứng sáng kiến của WWF, từ năm 2009, Việt Nam đã tham gia tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất như một nỗ lực cụ thể nhằm kêu gọi người dân, cộng đồng và xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Những năm qua, Chiến dịch Giờ Trái đất đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân Việt Nam với nhiều hành động cụ thể, thiết thực, lan tỏa cao. Qua đó, góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Mỗi tổ chức và cá nhân căn cứ điều kiện thực tế cùng hưởng ứng tham gia hoạt động ‘‘tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 28/3/2020 (Thứ Bảy). Ảnh Internet
Chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất năm 2020 tập trung vào các hành động nhằm nâng cao hành vi để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế rác thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã… Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Để cổ vũ, lan tỏa và truyền tải các chủ đề, thông điệp, ý nghĩa trên, căn cứ tình hình thực tế cả nước đang tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong công văn số 1348/BTNMT-TĐKTTT về việc hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2020 với những hành động cụ thể, thiết thực.
Nhằm cộng hưởng hành động Giờ Trái đất năm 2020, mỗi tổ chức, cá nhân căn cứ điều kiện thực tế cùng hưởng ứng tham gia hoạt động ‘‘tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 - 21h30 ngày 28/3/2020 (thứ Bảy).
Giờ Trái đất không chỉ kéo dài một giờ đồng hồ. Hãy dùng 365 ngày ý nghĩa trong năm để thể hiện quyết tâm, sự kiên trì của mỗi tổ chức, cá nhân vì cuộc sống xanh. Nếu chúng ta không thay đổi ngay bây giờ, Trái đất của chúng ta sẽ ngày càng suy thoái và kiệt quệ. Mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch này. Những hành động nhỏ của từng cá nhân sẽ góp phần tạo ra thay đổi lớn cho cả nhân loại. Hãy để 365 ngày ngày nào cũng có Giờ Trái đất. Có rất nhiều cách để bạn thực hiện điều này như:
- Chủ động tìm hiểu và tích cực tuyên truyền để bản thân và mọi người nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Hãy thực hiện và nhắc nhở bạn bè, gia đình tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết.
- Theo dõi, cập nhật các thông tin hữu ích trên các kênh thông tin chính thống về các vấn đề môi trường nóng nhất hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, về chiến dịch Giờ Trái đất và biết mình có thể làm gì để môi trường sống xung quanh bạn và của cả hành tinh này tốt đẹp hơn.
- Sử dụng các trang mạng xã hội để tương tác và chia sẻ giúp lan tỏa rộng hơn các thông tin hữu ích, chính thống về Chiến dịch Giờ Trái đất, về cách hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường.
- Tiết kiệm năng lượng: Lựa chọn và sử dụng đúng cách các thiết bị điện để tiết kiệm năng lượng như: Lựa chọn máy điều hòa sử dụng công nghệ tiết kiệm điện năng (công nghệ Inverter, chế độ Econo...)); sử dụng điều hòa đúng cách để tiết kiệm điện trong những ngày nắng nóng (như: Đóng kín cửa phòng; vệ sinh bảo dưỡng điều hòa thường xuyên; tắt điều hòa trước khi ra ngoài 30 phút; đặt nhiệt độ thích hợp từ 24 đến 28 độ; không bật tắt liên tục và nhớ ngắt aptomat khi không sử dụng…); dùng quạt gió ở mức thấp để tiết kiệm điện; Tắt/rút phích cắm các thiết bị điện khi không sử dụng; tắt các bóng điện khi không sử dụng; sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện…
- Mua sắm trách nhiệm và bền vững bằng cách mua những sản phẩm được sản xuất bền vững và chỉ mua những gì cần thiết, tránh hoang phí.
- Không trao, nhận quà, mua sắm, sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã (đồ trang sức, đồ trang trí, thuốc…) bất hợp pháp.
- Giảm thiểu rác thải nhựa: Hạn chế tối đa việc dùng túi ni-lông và các đồ nhựa dùng một lần (ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa dĩa nhựa...), chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết; cố gắng tái sử dụng túi ni-lông để hạn chế lượng túi ni-lông sử dụng; tái chế các sản phẩm đồ nhựa để tránh thải hoang phí ra môi trường; sử dụng các bình nước thủy tinh thay vì các chai nhựa; sử dụng các loại túi, hộp tái sử dụng nhiều lần.
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, góp phần hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh có tính chất truyền nhiễm cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
- Tích cực nghiên cứu khoa học để phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường, các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Trong tình hình cả nước đang tích cực, khẩn trương phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhất là việc hạn chế tụ tập nơi đông người, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, việc cố gắng ở nhà trong thời điểm này là điều tốt nhất mà mỗi cá nhân có thể làm. Hãy ở nhà và thực hiện những việc thiết thực để hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, góp phần chung tay bảo vệ cuộc sống của chính bạn và nhân loại. Đơn giản nhất là hãy tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết từ 20h30 - 21h30 ngày 28/3/2020 (Thứ Bảy)./.
Sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ Trái đất 2019 (20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2019), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 492000 kWh, tương đương số tiền khoảng 917 triệu đồng. |
Thu Hiền (tổng hợp)