Công tác đối ngoại quốc phòng đang ngày càng có những đóng góp thiết thực vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về mặt công tác này trong thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Khu vực có những biến chuyển mạnh mẽ
Trong những năm đầu Thế kỷ 21, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều biến động về chiến lược, cục diện có những biến chuyển mạnh mẽ, dần trở thành tâm điểm của sự can dự toàn cầu bởi tiềm năng, lợi ích bao la của biển. Điều này có thể thấy rõ qua chính sách “tái cân bằng”, trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, hay có thể nhận biết trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc khi Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ là “cường quốc biển”. Bên cạnh đó, các quốc gia khác, dù ở bên bờ Ấn Độ Dương hay ở Châu Âu xa xôi, cũng đánh tín hiệu mong muốn góp mặt để hợp tác, chia sẻ những lợi ích mà Châu Á - Thái Bình Dương có thể mang lại. Các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, phần lớn là các quốc gia vừa và nhỏ, cũng nhận thức được lợi ích của biển, tăng cường các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khai thác tài nguyên, tích cực tham gia vào các mô hình hợp tác liên quan đến biển.
Như một hệ quả tất yếu, sự can dự mạnh mẽ dẫn đến hai xu thế là hợp tác và cạnh tranh, với những diễn biến cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Dù mỗi nước đều có chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm song biển không phải của riêng ai và những lợi ích từ biển cần được chia sẻ theo đúng luật pháp quốc tế. Đây là một nhận thức rất quan trọng bởi nếu các nước thống nhất cùng tôn trọng chủ quyền của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, sẵn sàng chia sẻ lợi ích một cách minh bạch thì sẽ giảm thiểu mặt cạnh tranh, tối đa hóa mặt hợp tác.
Tuy nhiên, đứng trước lợi ích to lớn đó, nếu không hiểu hoặc cố tình hiểu không đúng quyền và lợi ích của mỗi quốc gia trên biển thì xu thế cạnh tranh sẽ nổi trội, kéo theo những cọ xát với hệ lụy khôn lường. Ngay lúc này, nhiều người cũng đã thấy những nguy cơ xung đột tiềm tàng và dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang đang cuốn theo cả nước lớn lẫn nước nhỏ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các nước lớn tăng cường trang bị vũ khí hiện đại với khả năng chiến đấu cao, tầm hoạt động xa, sức hủy diệt lớn, chủ yếu là cho không quân và hải quân - nhằm khẳng định quyết tâm và từng bước hiện thực hóa vai trò thống lĩnh biển của mình.
Không dừng lại ở đó, đã bắt đầu xuất hiện những tuyên bố về quyền, về chủ quyền trên biển đi ngược lại xu thế thời đại, bất chấp luật pháp quốc tế, xâm hại chủ quyền của các quốc gia khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của tất cả các bên có liên quan…, khiến dư luận trong và ngoài khu vực vô cùng quan ngại, thậm chí có những dự báo rất bi quan, xám màu… Rõ ràng, đó là những nhân tố gây bất lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực chúng ta.
Độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế
Trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được độc lập tự chủ, không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn, đồng thời giữ được quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực hay không?
Chúng ta tự tin trả lời: Hoàn toàn có thể được!
Vì sao như vậy?
Vì chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thời đại, đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, chúng ta khẳng định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền chính đáng của mình, đồng thời sẵn sàng chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, tích cực đóng góp cho sự hợp tác vì hòa bình, phát triển rộng lớn hơn trên các vùng biển quốc tế. Chúng ta bảo vệ lợi ích của chính mình, nhưng đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các nước khác và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Chính vì vậy, trong thời gian qua, chúng ta có được sự ủng hộ rộng rãi trong khu vực và trên thế giới đối với những chủ trương, những hành động cụ thể nhằm bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.
Chúng ta sống trong một thế giới hội nhập, hợp tác đa phương, nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế. Việt Nam ủng hộ sự can dự của các nước lớn trong khu vực, nếu nó đem lại hòa bình, ổn định, phát triển cho tất cả các nước. Nhưng đồng thời chúng ta cũng yêu cầu phải có sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế, dù nước lớn hay nước nhỏ đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế trong các vấn đề liên quan đến lợi ích và đặc biệt là vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam khẳng định không tham gia các can dự có tính chất quân sự, không tham gia các liên minh quân sự, không theo nước này để chống nước khác. Các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam sẽ không gây phương hại cho bất cứ quốc gia nào.
Chúng ta bảo vệ lợi ích trên biển trong bối cảnh quốc tế Việt Nam có nhiều bạn bè tốt và có chung lợi ích ổn định và phát triển, trước hết là các nước ASEAN. Chúng ta đã và đang nỗ lực để các nước ASEAN có cùng tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Việt Nam sẵn sàng hợp tác chia sẻ lợi ích không chỉ với các nước có tuyên bố chủ quyền mà cả những quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, làm rõ những lợi ích mà họ thu được với một Biển Đông hòa bình, ổn định. Trong các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, chúng ta luôn khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập tự chủ và chủ quyền lãnh thổ một cách hòa hiếu, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời đại hôm nay không còn là thời mà quốc gia này có thể ỷ trên sức mạnh áp đặt ý chí lên một quốc gia khác, đặc biệt khi đụng chạm tới vấn đề thiêng liêng là chủ quyền quốc gia.
Đảng, Nhà nước, Quân đội ta có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Với Trung Quốc, bên cạnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển tốt đẹp, vẫn còn nổi cộm vấn đề về chủ quyền lãnh thổ trên biển. Chúng ta cần trực tiếp giải quyết với Trung Quốc những tồn tại giữa hai nước trên Biển Đông, không để ai can thiệp vào vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực, theo tinh thần Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký với lãnh đạo Trung Quốc cuối năm 2011. Bên cạnh đó, chúng ta chủ trương công khai, minh bạch trước cộng đồng thế giới và lắng nghe ý kiến của các nước có liên quan lợi ích trên Biển Đông. Chính do cách tiếp cận như vậy nên khi đề cập đến vấn đề Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn nhận được nhiều tiếng nói ủng hộ.
Với tư cách là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt, chúng ta tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc, đồng thời chúng ta cũng không ngần ngại trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc về những quan ngại của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Chúng ta làm điều này vì lợi ích của Việt Nam, vì chủ quyền của Việt Nam và cũng là vì lợi ích, hòa bình, ổn định của khu vực. Không chỉ vậy, chúng ta muốn nói với các bạn Trung Quốc rằng, không riêng Việt Nam mà nhiều nước khác cũng khâm phục và ngưỡng mộ hình ảnh một nước Trung Quốc XHCN phát triển hòa bình, hợp tác hữu nghị với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam không muốn thấy những tuyên bố, những cách ứng xử không phù hợp của Trung Quốc sẽ làm phương hại đến lợi ích chiến lược, toàn cục của chính Trung Quốc, làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp mà qua mấy chục năm mở cửa, nước bạn mới dày công vun đắp xây dựng nên.
Đất nước ta ngày càng ổn định, kinh tế đang từng bước vượt khó khăn, đời sống nhân dân được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo ngày càng phát triển. Nhân dân ta rất yêu nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc nhưng cũng rất yêu chuộng hòa bình. Tất cả những chủ trương đối ngoại đúng đắn trên chỉ có thể thực hiện có kết quả khi đất nước chúng ta ổn định, kinh tế từng bước phát triển, tiềm lực quốc gia ngày càng vững mạnh. Đất nước cần được chuẩn bị tốt để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, trước hết là hun đúc lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó một trọng tâm là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không điều gì quan trọng hơn là giữ vững ổn định chính trị, làm cho nhân dân ngày càng tin Đảng, Nhà nước, vì bất ổn nội bộ không những cản trở kinh tế, xã hội phát triển mà còn khiến chủ quyền quốc gia bị uy hiếp. Bên cạnh đó là việc xây dựng quân đội mạnh về tiềm lực, sẵn sàng chiến đấu cao. Cùng toàn Đảng, toàn dân, chúng ta sẽ làm tất cả để ngăn chặn chiến tranh, củng cố hòa bình, song cũng luôn vững tay súng, toàn dân là chiến sĩ, sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, thống nhất đất nước.
Cuối cùng, chúng ta luôn phải nhớ bài học kinh nghiệm xương máu về kiến tạo và gìn giữ hòa bình - mục tiêu của mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là kiến tạo hòa bình để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhưng một nền hòa bình chỉ thực sự bền vững khi chúng ta luôn rực cháy ý chí và bảo đảm đủ sức mạnh bảo vệ đất nước trong mọi tình huống, từ mọi hướng. Làm tất cả để gìn giữ hòa bình song chúng ta không được để Tổ quốc bị bất ngờ, dám đánh và biết đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Quân đội ta luôn có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, đất nước luôn được củng cố tiềm lực, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc bằng cuộc chiến tranh nhân dân bất khả chiến bại.
Đối ngoại quốc phòng góp phần xây dựng quân đội vững mạnh
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đối ngoại quốc phòng đã chủ động, tích cực mở rộng quan hệ song phương và hoạt động trên các diễn đàn đa phương để phục vụ cho sự nghiệp đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước, trong đó có góp phần giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
Trước hết, chúng ta tăng cường, mở rộng quan hệ với các quốc gia để tìm kiếm điểm đồng, những lợi ích chung, cùng phát triển, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế với một nước Việt Nam hòa hiếu, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, chúng ta đã chủ động xử lý các vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc nhằm phục vụ mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước theo phương châm “16 chữ và tinh thần 4 tốt”; tăng cường mối quan hệ tin cậy giữa hai Quân đội, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Thứ ba, chúng ta đã tích cực tham gia các diễn đàn đa phương như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong đó luôn chủ động nêu các vấn đề an ninh khu vực một cách khách quan, bình tĩnh, có lý, có tình, trên tinh thần xây dựng. Ý kiến của Việt Nam thường được lắng nghe, tôn trọng, đánh giá cao, đóng góp tích cực, có hiệu quả cho các diễn đàn này và chúng ta được sự ủng hộ của nhiều nước đối với cách xử lý các vấn đề quốc tế của Việt Nam, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Một kết quả quan trọng khác là công tác đối ngoại quốc phòng đã đóng góp không nhỏ cho xây dựng quân đội vững mạnh, tiếp thu khoa học, công nghệ mới, tăng cường sức chiến đấu, sẵn sàng đối phó mọi tình huống trên đất liền, trên không và trên biển.
Chúng ta tin rằng, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, công tác đối ngoại quốc phòng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng đất nước từng bước phát triển, giữ vững hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Tâm Trang (st)