I. “Chống dịch như chống giặc” - mệnh lệnh từ trái tim
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Trong lịch sử hiện đại, trên thế giới đã chứng kiến biết bao lần các nước phải gồng mình chống dịch để duy trì sự sống và phát triển, song chưa khi nào mức độ lan tỏa và nguy hại của dịch lại tác động mạnh, làm đảo lộn đời sống xã hội, sự mất mát về con người như dịch Covid-19 hiện nay. Với tâm dịch là thành phố Vũ Hán, sau đó nhanh chóng lan rộng buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp mạnh: kiểm dịch nghiêm ngặt, phong tỏa, hạn chế di chuyển của gần 60 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc cũng như đối với hàng trăm triệu công dân và người nước ngoài ở một số tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3/2020, Trung Quốc đại lục ghi nhận có trên 81.000 người nhiễm bệnh, hơn 3.200 người tử vong, 71.740 người điều trị khỏi, chỉ còn 6.011 ca đang được điều trị, số ca mắc mới giảm và chủ yếu là người nước ngoài nhập cảnh. Sau hơn 03 tháng khởi phát, dịch Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên 720.000 người nhiễm bệnh; trong đó, trên 33.000 người tử vong, đứng đầu là Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Pháp, Iran, Mỹ, v.v. Tình hình phức tạp và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tiếp tục diễn ra ở nhiều nước, với sự gia tăng nhanh chóng, số ca nhiễm tử vong cao, v.v.
Trước tình hình đó, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu, có nguyên thủ gọi đó là “thảm họa quốc gia”; trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới trong thời điểm hiện tại và việc phòng, chống nó là nhiệm vụ hàng đầu của mọi quốc gia. Điều nguy hại nhất là, dịch Covid-19 trực tiếp đe dọa tính mạng con người, gây thiệt hại vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, thương mại, du lịch,… với mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu. Nếu dùng một từ khái quát để lột tả tính chất nguy hại của Covid-19 đối với con người thì đó là “thảm họa nhân loại”. Điều đáng quan ngại là “cuộc chiến” với loại “kẻ thù vô hình” này trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết. Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài, hoặc thờ ơ, thậm chí độc lập “tài chính”, bởi như vậy có nghĩa là “tự sát”, đòi hỏi sự “chung sức, đồng lòng” của mọi quốc gia và cả nhân loại. Đáng mừng là, thế giới đang hành động theo hướng này nên dù cuộc chiến còn nhiều khó khăn, gian nan, phức tạp, nhưng chúng ta có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, sớm muộn gì nhân loại cũng vượt qua thảm họa như đã từng vượt qua trong lịch sử.
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ra nhiều nước trên thế giới với diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn lây nhiễm đa dạng, ngày 06/3/2020 (sau 22 ngày kể từ khi ca nhiễm thứ 16 được xác nhận), Việt Nam ghi nhận ca nhiễm mới. Giai đoạn 2 của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu với sự xuất hiện của bệnh nhân số 17 nhiễm bệnh từ châu Âu. Các bệnh nhân tiếp theo phần lớn là những người trở về từ vùng có dịch và những trường hợp bị lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân số 17, 34, Bệnh viện Bạch Mai. Theo Bộ Y tế, tính đến cuối ngày 30/3/2020, Việt Nam có 203 người nhiễm bệnh; trong đó, 55 người đã bình phục, 148 ca đang điều trị, chưa có trường hợp nào tử vong. Hiện nay, dịch diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch Covid-19.
Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19, ngay từ thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ, ngành chức năng chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ diễn biến của dịch. Theo đó, ngày 23/01/2020, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 121/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; trong đó, yêu cầu triển khai các biện pháp tích cực, quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam. Ngày 29/01/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW, yêu cầu cấp ủy đảng các cấp xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ liên tục ra các chỉ thị: 05/CT-TTg, 06/CT-TTg, 10/CT-TTg, 11/CT-TTg, 13/CT-TTg; Công điện số 121/CĐ-TTg, 156/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Trong giai đoạn đầu phòng, chống dịch (từ ngày 23/01 đến 25/02/2020), với phương châm “phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng triệt để”, Việt Nam đã thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với sự tích cực, chủ động, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn quân và mỗi người dân. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/01/2020, Chính phủ đã kích hoạt Trung tâm phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp để ứng phó dịch Covid-19. Ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, “chống dịch như chống giặc”.
Còn hơn cả một cuộc chiến thần tốc, nhất là khi dịch lại xảy ra đúng thời điểm cả nước nghỉ Tết Nguyên đán nên chỉ trong ba ngày (từ ngày 28 đến 31/01/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành liên tiếp 02 chỉ thị về công tác phòng, chống dịch; đồng thời, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đồng loạt ra quân 45 đội cơ động phản ứng nhanh, thiết lập 22 đường dây nóng; Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh làm Trưởng ban, thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm “4 tại chỗ”.
Với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt từ Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, Việt Nam đã ứng phó khẩn cấp, có hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực phòng, chống Covid-19 của Việt Nam khi dịch mới khởi phát, kịp thời phát hiện và chữa khỏi 16 trường hợp mắc bệnh. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết để khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm nhu cầu hàng hóa, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với chủ trương vừa quyết liệt chống dịch, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện sự thống nhất cao, quyết tâm “chống dịch như chống giặc” từ Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đến địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ. Đó cũng là thể hiện sự hòa quyện giữa ý Đảng - lòng Dân trong cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, đem lại sự tin tưởng của Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động ứng phó bằng các biện pháp mạnh mẽ và dứt khoát hơn ngay khi bước vào giai đoạn 2 của “cuộc chiến”. Để giảm thiểu tối đa sự lây lan, chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Việt Nam đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn quân và toàn dân vào cuộc. Hiện nay, cùng với việc quyết liệt ngăn chặn nguồn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào, Việt Nam đang khẩn trương triển khai các giải pháp tầm soát, sàng lọc tất cả các đối tượng nghi nhiễm, người có nguy cơ cao,... nhằm phát hiện sớm ca bệnh, tiếp tục thành lập các khu cách ly tập trung mới để đưa những người nghi nhiễm, người trở về từ vùng có dịch vào cách ly bắt buộc, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác trong phòng, chống dịch của mỗi người dân, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài” trong mặt trận phòng, chống dịch.
Trong diễn biến mới nhất, trước nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh ra cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp trong cả nước, nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương “tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch”. Theo đó, chính quyền cấp cơ sở phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện sớm nhất các nguồn lây, đề nghị mọi người dân khai báo y tế và thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ. Đồng thời, có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các thành phố; khẩn trương thiết lập hệ thống chỉ đạo, điều hành theo dõi diễn biến phòng, chống dịch và điều trị bệnh của từng thành phố; sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi cần áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp giới nghiêm, thiết quân luật hoặc cách ly toàn thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 30/3/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện hiệu quả những chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, nỗ lực hợp tác, phối hợp kịp thời với các nước đảm bảo chiến thắng đại dịch này.
Lời Hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và tinh thần “Chống dịch như chống giặc” - mệnh lệnh từ trái tim - của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng được lòng mong mỏi và sự hưởng ứng tích cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, với khí thế “thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa”. Ý thức rất cao về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 khi Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống dịch với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng các cấp, các ngành, lực lượng và toàn dân tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm chiến thắng “giặc” Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, góp phần lan tỏa hình ảnh cao quý, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phòng, chống dịch trong thời bình.
Phùng Chất - Phạm Bình
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
____________
Kỳ sau: II. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tỏa sáng trên mặt trận chống Covid-19