1. Thông tư số 29/2019/TT-BKHCN ngày 27/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.

Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

- Thông tư số 03/2011/TT-BKHCN ngày 20/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015.

- Thông tư số 07/2011/TT-BKHCN ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015.

- Thông tư số 22/2011/TT-BKHCN ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc quản lý chất lượng đối với dây và cáp cách điện bằng polyvinyl clorua có điện áp danh định đến và bằng 450/750v.

- Thông tư số 31/2014/TT-BKHCN ngày 06/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

- Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

- Quyết định số 1649/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/9/2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành quy định xét duyệt, quyết định xuất cảnh, nhập cảnh đối với cán bộ, công chức, nhân viên của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Quyết định số 22/2005/QĐ-BKHCN ngày 27/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy chế xét tặng Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ”.

- Quyết định số 32/2007/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc kiểm tra thiết bị X quang chẩn đoán y tế.

- Quyết định số 09/2008/QĐ-BKHCN ngày 01/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết mới phát sinh ở địa phương.

- Chỉ thị số 13/2006/CT-BKHCN ngày 07/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ.

2. Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH ngày 25/02/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.

Theo Thông tư, chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP:

- Chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

- Trình tự xác định, quản lý và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Chế độ mai táng phí đối với Cựu chiến binh quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 157/2016/ND-CP:

- Cựu chiến binh khi từ trần, nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

- Hồ sơ, thủ tục xét hưởng chế độ mai táng phí đối với Cựu chiến binh từ trần thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Điều 39 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

Chế độ trợ cấp khi thôi công tác Hội cựu chiến binh quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP. Theo đó, Cựu Chiến binh đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hàng tháng, khi thôi làm công tác Hội được hưởng trợ cấp thôi công tác Hội, gồm các đối tượng sau:

- Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện.

- Cựu chiến binh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã.

- Cựu chiến binh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã.

Thông tư cũng quy định cụ thể cách tính trợ cấp thôi công tác Hội đối với từng đối tượng cụ thể.

3. Thông tư số 18/2019/TT-BCA ngày 20/02/2020 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/4/2020.

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và đơn vị Công an được giao thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và đơn vị Công an thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo quy định tại Thông tư, những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân được giao nhiệm vụ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không được làm là:

- Lợi dụng danh nghĩa công tác, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Nhận tiền, quà biếu hoặc các lợi ích khác để giải quyết thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Tự ý đặt ra các thủ tục, giấy tờ hoặc thu thêm các khoản phí, lệ phí ngoài quy định.

- Có thái độ hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ.

- Tiếp công dân làm thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nhà riêng hoặc tại địa điểm khác ngoài địa điểm quy định.

- Nhũng hành vi trái với quy định của pháp luật và quy định của Bộ Công an.

Những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến gồm:

- Biện pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Phương án, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nơi cư trú, nơi làm việc.

- Việc thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Đề nghị biểu dương khen thưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.

Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam:

- Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

- Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/01/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

- Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc.

- Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

vb thang 4 covid
Ảnh minh họa: Internet

- Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

- Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

- Các biện pháp phòng, chống dịch: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm:

+ Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch.

+ Khai báo, báo cáo dịch.

+ Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.

+ Tổ chức cách ly y tế.

+ Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

+ Các biện pháp bảo vệ cá nhân.

+ Kiểm soát ra, vào vùng có dịch.

+ Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch.

+ Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.

+ Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

- Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh:

+ Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, bệnh viện trong ngành Công an, Quân đội và các bệnh viện khác có điều kiện.

+ Bệnh viện dã chiến (khi được huy động).

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác: