09 giờ 47 phút ngày 02 tháng 9 năm 1969, trái tim Bác Hồ kính yêu đã ngừng đập, đó là tổn thất tinh thần to lớn không gì bù đắp được đối với những người con đất Việt. 50 năm Bác đã đi xa, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người luôn gắn bó với muôn triệu trái tim, khối óc của người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Người ra đi nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người vẫn còn sống mãi: “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” (Võ Nguyên Giáp).

Tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Công tác đón tiếp, tuyên truyền. Khu Di tích Kim Liên xin được trao đổi một số kinh nghiệm với đồng chí, đồng nghiệp trong việc đón tiếp, tuyên truyền về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê hương.

chung kim lien
Đoàn cán bộ Ban Quản lý Lăng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
 tại Khu Di tích Kim Liên.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (gọi tắt Khu Di tích Kim Liên) là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam, nơi lưu giữ những di tích, kỷ vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê. Mảnh đất này đã ghi dấu quá trình hình thành nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Với mong muốn du khách về tham quan quê Bác, được cảm nhận đầy đủ như thời kỳ Người và gia đình đang sinh sống cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong những năm qua, Khu Di tích Kim Liên đã luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng nâng cao chất lượng và hướng tới phải trở thành chuyên nghiệp trong tất cả các khâu đón tiếp.

Hàng năm, Khu Di tích Kim Liên đón tiếp từ 1,5 đến 1,8 triệu/ lượt khách; trong đó có nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn lãnh đạo quốc tế và hàng trăm đoàn của các tổ chức làm lễ báo công với Bác, vì vậy Khu Di tích Kim Liên luôn nhận thức được rằng việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và đón tiếp hướng dẫn khách tham là điều tất yếu tại di tích quốc gia đặc biệt nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị đặc biệt của Khu Di tích Kim Liên.

Khu Di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956 và đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi: Ban xây dựng quê hương (1956 - 1970); Bảo tàng Kim Liên (Bảo tàng về Hồ Chí Minh đầu tiên tại Việt Nam) (1970); Khu Di tích Kim Liên theo Quyết định số 492 VP/UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An (từ ngày 10/5/1983 cho đến nay). Khu Di tích Kim Liên được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng chính phủ.

Năm 1970, Khu Di tích Kim Liên mở cửa đón khách tham quan, yêu cầu được đặt ra phải làm như thế nào để chuyển tải được đầy đủ nội dung đến với du khách, vì vậy, vai trò của người thuyết minh chính là cầu nối quan trọng, thông qua những hiện vật sẵn có để truyền tình cảm và linh hồn từ hiện vật đó cho người nghe, người xem. Người thuyết minh không chỉ phải vững về kiến thức mà cần thiết phải có đủ kỹ năng và nhiệt huyết sáng tạo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về Kim Liên đã tâm sự với cán bộ thuyết minh: “ Thuyết minh là những người phải thông qua những hiện vật truyền được tình cảm và linh hồn từ hiện vật đó cho người nghe, người xem. Để cho mọi người có suy nghĩ về quãng đời niên thiếu của Bác và cả những người thân của gia đình Bác. Không được căn cứ vào một bài học thuộc, bài có sẵn để nói như một con vẹt...”. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những kỷ vật thiêng liêng, vô giá và những kỷ niệm gắn bó với tuổi thơ của Bác và 02 lần Người về thăm quê, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên luôn được coi trọng. Từ năm 1970 đến nay, đã tổ chức bảy lần thi tuyển cán bộ thuyết minh phục vụ cho công tác đón, hướng dẫn, tuyên truyền (1970, 1990, 1992, 1996, 2000, 2004, 2010).

Trong khoảng 10 năm trở lại đây số lượng khách đến với quê Bác ngày càng tăng: Năm 2008 đón 16.332 đoàn; đến năm 2018 đón 58.347 đoàn với 1.716.000 lượt người; sáu tháng đầu năm 2019 đón được 40.371 đoàn với 1.048.807 lượt người, có ngày đón trên 500 đoàn, có đoàn đến 2.000 người. Đối tượng khách đến với Kim Liên rất đa dạng và phong phú. Khách nghiên cứu học tập: 35%; học sinh, sinh viên: 20%; các đối tượng khác: 25%; khách đi tự do: 17 %; lượng khách nước ngoài chiếm khoảng 3% trong tổng lượng khách đến với Khu Di tích Kim Liên. Du khách về với Kim Liên không chỉ đến một lần, có nhiều người đã trở lại nơi này. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê Bác đến lần thứ tám đã xúc động nói: “Về thăm quê Bác nhớ Bác vô cùng’’.

Trải qua hơn 60 năm khôi phục và mở cửa đón khách về thăm với hơn 40 triệu lượt người, Khu Di tích Kim Liên tổ chức nhiều đợt tập huấn, rút kinh nghiệm về công tác đón và hướng dẫn khách tham quan với mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho du khách được nghe hướng dẫn (60% đến 65% du khách được nghe hướng dẫn), tham quan, tưởng niệm. Khu Di tích Kim Liên đã thực hiện quy trình đón và hướng dẫn khách như sau:

Một là: Tập trung công tác nghiên cứu về chuyên môn nghiệp vụ, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày hiện vật một cách khoa học nhằm làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích. Đặc biệt là thường xuyên làm tốt công tác chống xuống cấp di tích, để cho di tích luôn bền vững, đảm bảo được yếu tố gốc, làm hài lòng du khách khi về thăm quê Bác.

Hai là: Đăng ký, hướng dẫn tham quan và tổ chức cho du khách vào tham quan: Đây là khâu rất quan trọng, ngoài việc nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng của khách để phục vụ đúng nội dung mà đoàn khách đề ra. Thông qua việc nhận đăng ký này, cán bộ phụ trách phòng có thể phân công người dẫn đoàn cho phù hợp với yêu cầu và người được phân công có thời gian để chuẩn bị kỹ hơn những nội dung mà đoàn đề ra.

Việc đón và tổ chức cho khách vào thăm sao cho thuận tiện. Nếu đoàn đông chúng tôi chia thành những tốp nhỏ để thuyết minh cho du khách nghe rõ được nội dung ở các di tích.

Tổ chức cho khách vào di tích được nghe hướng dẫn, đây là khâu chủ yếu và quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục tại Khu Di tích Kim Liên. Ở Kim Liên mùa đông khách ít hơn so với mùa hè, do vậy thuyết minh không thể di chuyển từ di tích này sang di tích khác (các di tích ở cách nhau từ 2 km đến 4 km), thuyết minh ở Kim Liên mỗi người chỉ hướng dẫn một điểm di tích (nhiều hướng dẫn thuyết minh tại các điểm khác nhau cũng tạo được sự mới mẻ, tránh nhàm chán).

Đối tượng khách tham quan đa dạng, phong phú, trình độ khác nhau. Căn cứ vào trình độ, yêu cầu của khách để cử những cán bộ thuyết minh cho phù hợp với từng đối tượng. Có như vậy buổi tham quan mới đạt được kết quả nhất định. Trong quá trình tham quan người cán bộ thuyết minh còn phải tùy thuộc vào thái độ, sở thích của khách để hướng vào những vấn đề khách quan tâm, tránh sự nhàm chán, đều đều của một vài thuyết minh dành cho mọi đối tượng.

Thời gian tham quan dài hay ngắn là do khách quyết định, không ít đoàn khách lúc đầu chỉ yêu cầu đi thời gian ngắn nhưng trong quá trình hướng dẫn họ thực sự thích thú và yêu cầu được nghe nội dung dài hơn, với cách này đảm bảo buổi tham quan đạt được chất lượng cao.

Ba là: Là quần thể có 03 cụm di tích chính và các di tích phụ cận nằm rải rác lại nằm đan xen trong vùng dân cư, các tuyến đường tham quan cũng là đường dân sinh, số lượng khách đến tham quan hàng năm rất đông, nên công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt và an toàn tuyệt đối cho di tích và du khách là rất quan trọng, luôn được Khu Di tích Kim Liên đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, Cơ quan đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan như: PA 83; PK02; đội PCCC số 7, Công an tỉnh, Công an huyện Nam Đàn, huyện đội Nam Đàn, Tiểu đoàn 38 hóa học QK4, chính quyền địa phương 02 xã: Kim Liên, Nam Giang, công an 03 xã Kim Liên, Nam Giang, Nam Lĩnh và Ban quản lý rừng phòng hộ… để đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt và an toàn tuyệt đối cho khách tham quan, tài sản và hiện vật phục vụ khách tham quan được tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc bức xúc, nổi cộm làm mất an toàn cho du khách. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền ứng xử văn hóa với du khách nên tệ nạn bán hàng rong, dịch vụ bán hàng ngày được cải thiện trật tự hơn, chèo kéo khách được đẩy lùi, không để tình trạng bán hàng lộn xộn xảy ra trong khuôn viên Khu Di tích.

Bốn là: Công tác thuyết minh tại điểm, là chiếc cầu nối giữa khách tham quan với di tích, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Bác Hồ về thăm quê. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh thường xuyên được quan tâm, để "nói đúng, đủ, rõ, hay", tạo ấn tượng tốt đẹp cho mỗi lần khách về thăm quê hương Bác. Không những thế, thuyết minh viên phải là một nhà sư phạm, đội ngũ thuyết minh thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong làm việc tận tình, tận tâm, phục vụ một cách chu đáo, thuyết minh không chỉ một bài rập khuôn mà thuyết minh phù hợp theo từng đối tượng khách tạo sự hấp dẫn, không nhàm chán, cũng như truyền tải được nội dung phù hợp cho đối tượng... Công tác tuyên truyền hướng dẫn khách tham quan không chỉ bó hẹp ở việc khai thác tại chỗ giá trị di tích, tài liệu, hiện vật mà còn được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh cổ động trực quan, triển lãm lưu động, nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ... Ngoài ra năm 2018, Khu Di tích Kim Liên đã đào tạo được 06 thuyết minh viên bằng tiếng Anh và đã phục vụ các đoàn khách quốc tế được đánh giá cao; để phát huy tốt hơn nữa trong việc đón khách quốc tế, năm 2019 Khu Di tích Kim Liên tiếp tục đào tạo tiếng Pháp và tiếng Lào.

Năm là: Cảnh quan môi trường luôn được quan tâm, đảm bảo luôn xanh, sạch, đẹp và ngày càng quy chuẩn, các vườn cây, tuyến đi tham quan được trồng theo từng loại cây phù hợp với từng khu vực… Ngoài ra hàng năm Khu Di tích còn thêm bổ sung các hạng mục cho như: Hát dân ca ví dặm, ao cá Bác Hồ, chim bồ câu đi cùng du khách, bổ sung phong phú các sản phẩm địa phương có chất lượng tốt, có trung tâm thông tin để giới thiệu cho du khách các điểm đến của Nghệ An, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, thú vị cho khách tham quan khi về với Khu Di tích Kim Liên. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn để khách tham quan khi về thăm quê Bác thì muốn quay trở lại.

* Trong khuôn khổ bài viết này Khu Di tích Kim Liên xin trao đổi một số kinh nghiệm:     

1. Phải xác định được vinh dự và trách nhiệm lớn lao của một cán bộ hướng dẫn khách tham quan tại một quần thể di tích lưu niệm Bác Hồ.

Du khách đến đây không chỉ đơn thuần là khách du lịch mà trước hết và hầu hết họ tìm về nguồn cội của một vĩ nhân đã mang lại hạnh phúc cho một đất nước, một dân tộc, cho mỗi con người trong dân tộc đó và góp phần giải phóng cho nhiều dân tộc trên thế giới. Đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mỗi kỷ vật đang được lưu giữ ở đây rất đỗi thiêng liêng, phản ánh tâm hồn cốt cách của một người giàu lòng yêu nước, thương dân, hội tụ nhân cách cao cả, tâm hồn văn hóa đương thời của xứ Nghệ, niềm cảm xúc ban đầu rất mãnh liệt góp phần hình thành hoài bão lớn lao, những phẩm chất cao đẹp ở tuổi thiếu niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả luôn tỏa sáng với sức cảm hóa kỳ diệu nhưng nếu người hướng dẫn ở đây biết khơi dậy tình cảm của người nghe, người xem bằng tất cả trái tim mình, để người xem thật sự xúc động trước mọi kỷ vật để mọi kỷ vật thật sự sống lại linh hồn của nó. Và chính sự xúc động đó mà làm cho người xem tự rút ra bài học cho riêng mình: “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học được một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn” (Vĩ đại một con người - NXB Trẻ) qua đó góp phần thực hiện những hoài bão và lý tưởng của người.                                                         

2. Nắm vững đối tượng để hướng dẫn

- Lứa tuổi: Tùy theo lứa tuổi mà chọn nội dung thích hợp, không thể hướng dẫn cho người lớn như giới thiệu với các em thiếu nhi và ngược lại, không thể hướng dẫn cho người già như lứa tuổi thanh niên hoặc trung niên.

- Trình độ: Khi nhận đoàn để hướng dẫn phải nắm qua trình độ của các thành viên trong đoàn (sơ lược qua trưởng đoàn) kể cả trình độ lý luận chính trị và học vấn... Với người khiếm thính, khiếm thị phải chọn những phương pháp đơn giản, dễ hiểu.

- Với người nước ngoài phải thông qua phiên dịch hay thông dịch phải chọn nội dung cho phù hợp. Đặc biệt phải chú ý về mặt an ninh, điều gì đáng nói, điều gì không đáng nói. Điều gì khách hỏi nên trả lời, điều không nên trả lời, giữ vững nguyên tắc đối ngoại...

-  Giới tính: Nếu đoàn toàn nam phải nói thế nào và cử chỉ thế nào phải tế nhị. Nếu đoàn toàn nữ thì nên nói thế nào.

-  Số lượng đoàn: Nếu số lượng khách đông có thể dùng micro, đoàn vừa thì nói âm lượng đủ nghe, nếu đoàn ít có thể nói nhỏ nhẹ gợi cảm.

- Thời gian của đoàn: Nói nhiều hay ít tùy vào thời gian của đoàn, vì khi tiếp xúc với đoàn cần phải biết thời gian khách yêu cầu để từ đó mà chọn nội dung cho phù hợp.

3. Thường xuyên học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt

Trình độ lý luận: Cập nhật được thông tin để vận dụng linh hoạt cho từng đoàn, từng thời gian. Ví dụ: Khi đón một đoàn khách nước Pháp vào đúng Ngày Quốc khánh của họ thì câu đầu tiên phải “Chúc mừng quý ông, quý bà nhân ngày Quốc khánh”, hoặc  thế giới đang có sự kiện gì thì có thể nhắc tới sự kiện đó khi có đoàn khách nước đó đang ở thăm, để tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa người nói và người nghe. Hoặc một địa phương trong nước có sự kiện gì vui, buồn có thể chúc mừng hoặc chia buồn với bà con địa phương đó (Sinh thời là địa phương được đón Bác về thăm, mới khánh thành hoặc khởi công các công trình lớn, hay bị thiệt hại do thiên tai gây ra...)

- Ghi nhật ký tham quan để rút kinh nghiệm hàng ngày. Sau một ngày làm việc ghi lại những cảm xúc trong ngày, nhất là những đoàn để lại ấn tượng sâu sắc hoặc những điều mình thấy hài lòng khi tiếp một đoàn khách nào đó để rút kinh nghiệm, sửa chữa, điều chỉnh...

- Trao đổi kinh nghiệm với các đồng chí, đồng nghiệp cùng làm hướng dẫn để học hỏi, bổ sung cho nhau.

- Sắp xếp thời gian để đi thực tế nhằm bổ sung kiến thức cho mình về mọi mặt, nhất là đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các bảo tàng, di tích.

4. Tổ chức khoa học và giải quyết tốt các mối quan hệ gia đình, xã hội, tập thể, cá nhân... để yên tâm công tác và nâng cao hiệu quả công tác. Khi lên di tích đi làm là vui vẻ, cảm hóa khách ngay từ ánh mắt, nụ cười tạo tiền đề ban đầu cho buổi tiếp đoàn cho hiệu quả.

5. Trang phục, ngữ điệu, thái độ đối với khách

- Trang phục mặc đồng phục phù hợp theo mùa, không lòe loẹt, kiểu cách kín đáo, hợp thời, nữ nên có trang điểm nhẹ tôn vinh vẻ đẹp, không dùng phấn son quá đậm...

- Ngữ điệu: Âm điệu vừa đủ nghe, không nói nhanh quá, không nói đi, nói lại một nội dung trong nhiều lần, hạn chế dùng tiếng địa phương mà khách khó hiểu, không được pha tiếng vùng này, vùng khác. Khi nói không khua tay múa chân, không được phát ngôn tùy tiện hay bông đùa trong khi tiếp khách.

- Trong quá trình giới thiệu phải bám vào các di tích và hiện vật, phải có điểm nhấn, nhất là những kỷ vật dễ gây xúc động lòng người và có ấn tượng sâu sắc, phải biết nhắc nhở khách những điều cần tránh khi vào di tích: Không hút thuốc, không thắp hương, không ngồi, sờ lên hiện vật... phải nhẹ nhàng khéo léo. Những nơi không được thắp hương tránh khách phật lòng làm ảnh hưởng về mặt tâm linh.

- Tuyệt đối không được nói hoặc có cử chỉ gợi ý khách để bồi dưỡng, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của cơ quan trong việc tiếp khách.

6. Kinh nghiệm cuối cùng

- Phải thật sự yêu mến công việc của mình, coi đây là công việc để mình gắn bó, từ đó yên tâm công tác dù quá trình đào tạo có khác ngành nhưng khi đã nhận công tác này thì trau dồi nghề nghiệp, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, coi đây là niềm tự hào được góp phần vào việc tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Người với đồng bào trong nước và bầu bạn quốc tế.

Có thể nói: Bên cạnh những thành công thì công tác hướng dẫn khách tham quan vẫn còn bất cập, hạn chế:

- Về phương pháp tuyên truyền: Chủ yếu vẫn là phương pháp tuyên truyền một chiều, khách tham quan thụ động tiếp nhận các thông tin mà cán bộ thuyết minh cung cấp.

- Về trình độ ngoại ngữ: Hiện nay, Khu Di tích Kim Liên mới thuyết minh được tiếng Anh.

* Để từng bước giải quyết những hạn chế và bất cập nêu trên, Khu Di tích Kim Liên đề xuất một số giải pháp như sau:

- Tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với những kiến thức, hiểu biết về di sản văn hóa để tạo sự thu hút đối với khách tham quan.

- Công tác tuyên truyền phải duy trì thường xuyên, luôn đổi mới hình thức tạo sự phong phú, hấp dẫn đối với du khách (tạo điều kiện cho du khách khai thác thêm những tư liệu về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích chính, di tích phụ cận, nhà trưng bày bổ sung...).

- Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tuyên truyền, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hướng dẫn tuyên truyền giáo dục không chỉ truyền tải mà còn phải đối thoại khơi nguồn sáng tạo cho khách tham quan.

- Thường xuyên đổi mới nội dung và cung cấp cho cán bộ hướng dẫn những kết quả nghiên cứu mới nhất về khoa học bảo tồn, bảo tàng, về các lĩnh vực liên quan. Cập nhật thông tin thời sự, chính sách và các tài liệu tham khảo cần thiết để họ vững vàng trong công tác tuyên truyền, có thể giải đáp đầy đủ và cụ thể các câu hỏi của khách tham quan trong và ngoài nước. Định kỳ tổ chức kiểm tra, thi hướng dẫn viên giỏi để cán bộ tuyên truyền tích cực hơn trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của Khu Di tích Kim Liên trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát huy các giá trị đó trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phối hợp với các cơ quan tổ chức, báo, đài để tuyên truyền vận động quần chúng đến với Khu Di tích bằng nhiều hình thức: Tham quan, tưởng niệm, báo công, khen thưởng, sinh hoạt truyền thống...

- Hàng năm các đơn vị trong hệ thống nói chung, Khu Di tích Kim Liên và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng có những buổi tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nói chung và công tác tuyên truyền, đón tiếp hướng dẫn.

- Liên kết, trao đổi và chia sẻ những thông tin, bài viết, tư liệu trên trang thông tin tư liệu của các đơn vị. Đặc biệt là các bài viết chia sẻ về những kinh nghiệm và những giải pháp hay trong công tác tuyên truyền và đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan.

Thực hiện một cách có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tại Khu Di tích Kim Liên chính là một hoạt động thiết thực trong việc giới thiệu tuyên truyền và quảng bá đến đông đảo nhân dân trong nước và bầu bạn quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất./.

Nguyễn Văn Chung

Phó Giám đốc Khu Di tích Kim Liên

Trích tài liệu Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: