Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu dự
Hội nghị sinh viên quốc tế tại Hà Nội, tháng 9 năm 1961
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: "... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em..." và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Trong giai đoạn 1925-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, các tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời, như: Tổ chức Học sinh Đoàn, Đội Ngô Quyền, Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng...
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Với khẩu hiệu: “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” đã tiếp thêm sinh lực mới cho phong trào học sinh, sinh viên. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Phan Văn Giáo, Tổng trấn bù nhìn Trung bộ đã thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối.
Ngày 22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục.
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 1 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Trong cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thế hệ thanh niên như Người đã từng nói: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, Người luôn quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, trong đó có lớp thanh niên trí thức (những sinh viên đang được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng…) Bác đã nhiều lần nói chuyện trực tiếp với sinh viên đang học tập trong nước, ở nước ngoài và sinh viên các nước đến dự hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Trân trọng xin giới thiệu một số nội dung của các bài nói chuyện, những huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệt kê theo thời gian như:
Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam
ngày 19 tháng 1 năm 1955
Hôm nay Bác thay mặt Chính phủ đến hỏi thăm các cháu và chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, thi đua học tập, cố gắng tiến bộ.
Sau đây Bác nêu vài ý kiến về việc giáo dục thanh niên để giúp các thầy giáo và các cháu nghiên cứu.
Trước hết chúng ta phải hiểu rõ học thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?
Trong mấy mươi năm nô lệ, đế quốc và phong kiến đã dùng giáo dục nô lệ để nhồi sọ thanh niên ta, làm cho thanh niên ta hư hỏng. Ngày nay dân tộc ta đã được giải phóng, thì thanh niên ta cũng cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập. Nay Bác chỉ tóm tắt nêu mấy điểm:
Những điều nên làm : Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái.
Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta.
Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới. Thí dụ: Đế quốc Mỹ ép Quốc hội Pháp thông qua hiệp định để Tây Đức vũ trang lại, tức là để gây chiến tranh, nếu có chiến tranh thì sẽ ảnh hưởng không ít đến nước ta. Nhân dân ta ra sức giữ gìn hoà bình, khôi phục lại kinh tế, chống đế quốc Mỹ, như thế là góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hoà bình thế giới.
Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?
Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng.
Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Thanh niên và xã hội:
- Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hoá độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh, v.v... để làm cho thanh niên hư hỏng, truỵ lạc. Thậm chí một số thanh niên hoá ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, v.v... Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận của xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên.
Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là "cá đối bằng đầu". Đồng thời thầy và trò cần giúp đỡ những anh chị em phục vụ cho nhà trường. Các anh chị em nhân viên thì nên thi đua sao cho cơm lành canh ngon để cho học sinh ăn no, học tốt.
Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên.
Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi.
Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên. Ở trường này, các cháu học tập, ăn ở tập thể đông đảo, trai có, gái có. Các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em, chị em; đồng thời phải kính trọng nhau như đồng học, đồng chí. Quyết chớ phóng túng, lôi thôi. Phải làm cho cha mẹ các nữ học sinh yên tâm và tin cậy, phải giữ vững danh dự của trường và danh dự của tất cả học sinh. Trong vui chơi cũng có giáo dục. Cần có những thứ vui chơi văn hoá, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng.
Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa.
Trường này là Trường Đại học nhân dân, các cháu học với các thầy giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có nhiều thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt. Vài thí dụ: Trong bộ đội có những thanh niên anh hùng như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên...; ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu như Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tuỳ, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác. Trong thời kỳ kháng chiến, họ là những chiến sĩ du kích anh dũng. Ngày nay trong công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà, họ là những chiến sĩ lao động anh dũng. Thanh niên ở các công trường, các nhà máy khác cũng vậy. Như Đoàn Thanh niên xung phong, gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng đều xung phong. Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy, các cháu cùng thi đua học tập, thi đua tiến bộ, xung phong công tác xã hội, để góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước, để xứng đáng là lớp đầu tàu của Trường Đại học Nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà.
Báo Nhân dân, số 326, ngày 21-1-1955
Bài nói chuyện tại Đại hội sinh viên Việt Nam
lần thứ hai (ngày 7-5-1958)
Hồi Bác còn đồng tuổi với các cháu ở đây thì Bác phải đi rửa bát hoặc làm nhiều công việc khác để lấy tiền mà đi học. Vì lúc đó chưa có Đảng, chưa có Hội thanh niên hoặc sinh viên, mà lúc đó nói đến yêu nước là thực dân Pháp nó chặt đầu. Còn bây giờ các cháu có thể phát triển hết khả năng của mình.
Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người.
Các cháu ít hay nhiều cũng có mang cái dấu vết của xã hội cũ, cái tư tưởng tiểu tư sản. Tư tưởng tiểu tư sản là cái gì? Nó là cá nhân chủ nghĩa. Cá nhân chủ nghĩa nó đẻ ra cái tư tưởng danh lợi, chỉ muốn làm ông này ông khác, bà này bà khác. Rồi tư tưởng danh lợi lại đẻ ra con nó, rồi con nó lại đẻ ra cháu nó... tức là hai cái khinh là: khinh lao động chân tay và khinh người lao động chân tay và hai cái sợ là: sợ khó nhọc và sợ khổ.
Muốn sửa chữa cá nhân chủ nghĩa thì khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã. Ta có câu nói: "Có khó nhọc thì mình nên đi trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau"; làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau. Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi:
Học để làm gì?
Học để phục vụ ai?
Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình.
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cần phải có cái gì?
Cần có lao động, lao động trí óc và lao động chân tay. Và ta cần lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại.
Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy, cho nên các cháu trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành và tất cả các ngành khác đều phải: lý luận kết hợp với thực hành, học tập kết hợp với lao động.
Lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay. Học lao động phải có quyết tâm; muốn có quyết tâm thì phải có tinh thần, phải có sáu cái yêu:
Yêu Tổ quốc: Yêu như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, biết chia sẻ những lo lắng, những vui buồn, những công tác nặng nhọc với nhân dân.
Yêu chủ nghĩa xã hội: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
Yêu lao động: Muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông.
Yêu khoa học và kỷ luật: Bởi vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật.
Thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng; mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng.
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, trang 399-trang401
Thư gửi cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường
và các lớp bổ túc văn hóa
Nhân dịp bắt đầu năm học 1960-1961, tôi thân ái gửi lời hỏi thăm các đồng chí cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường.
Mười lăm năm qua, các trường học và nghành giáo dục đã thu được những thành tích tốt. Trong những năm gần đây, các trường học đã tiến bộ trong việc xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Năm học này là năm kết thúc kế hoạch 3 năm và bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Các đồng chí cán bộ và các cháu phải thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận ấy.
Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế.
Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất.
Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập.
Thân ái chúc các đồng chí cán bộ giáo dục và các cháu mạnh khỏe, cố gắng nhiều và tiến bộ nhiều.
Ngày 31 tháng 8 năm 1960
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân dân, số 2360, ngày 4 tháng 9 năm 1960
Bác hồ ký lưu niệm cho sinh viên quốc tế (tháng 9 năm 1961)
Bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam
ngày 1-9-1961
Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ chúng tôi thân ái hoan nghênh các đại biểu.
Nhân dịp này, tôi muốn nói chuyện tóm tắt với các đồng chí tình hình của thế hệ thanh niên già ở Việt Nam cách đây 16 năm về trước. Hãy lấy tôi làm ví dụ:
Về văn hoá: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục. Chỉ có một số con em những nhà quyền thế và giàu có mới được học đến trung học và rất ít đến đại học. Dưới thời nô lệ Pháp, năm 1939 là năm nhiều học trò nhất ở xứ Đông Dương. Nhưng tổng số học trò của Việt Nam, Campuchia và Lào cộng lại cũng chỉ có 4 vạn học sinh tiểu học và trung học, 580 học sinh đại học. Còn 95% người dân Đông Dương là mù chữ.
Ngày nay, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chỉ ở miền Bắc đã có hơn 2 triệu 72 vạn học trò vỡ lòng, tiểu học và trung học, 13.600 học trò đại học và hơn 4.000 học tại các trường cao đẳng ở các nước anh em.
Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên ...
Về chính trị: Hồi đó, thanh niên nào nói đến những chữ bình đẳng, tự do, cách mạng, yêu nước đều bị bọn thực dân và phong kiến coi là phạm tội và bị chúng xử tội, nhẹ là bắt bớ, giam cầm, nặng là tù đày, bắn giết.
Tuy vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hăng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi.
Từ sau Thế giới chiến tranh lần thứ hai, nhiều dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đã thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân đế quốc và thanh niên của các nước ấy đã được bình đẳng, tự do. Tuy vậy, trên thế giới hãy còn nhiều thanh niên vẫn bị áp bức. Ví dụ: một nước tự xưng là giàu có nhất và ''dân chủ" nhất thế giới như nước Hoa Kỳ, mà 10% thanh niên là thanh niên Mỹ da đen vẫn bị ngược đãi như nô lệ đời xưa.
Vì vậy cho nên thanh niên toàn thế giới cần phải đoàn kết nhau lại, tin tưởng vào khả năng đấu tranh của mình và hoà mình với công nhân và nông dân để đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ - một đế quốc hung ác nhất, đấu tranh để giữ gìn hòa bình thế giới, để thực hiện hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc để xây dựng đời sống hạnh phúc, vui tươi.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa của thanh niên trí thức là phát triển giáo dục, trước hết là xoá nạn mù chữ. Theo con số của Liên hợp quốc thì cuối năm ngoái số người mù chữ ở châu Phi là 80%, ở Haiti, châu Mỹ là 89%, ở Ấn Độ là 81%, v.v..., đó là gia tài đen tối do thực dân, đế quốc để lại. Trong cuộc đấu tranh diệt giặc dốt, quân chủ lực phải là thanh niên trí thức, dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân.
Các đồng chí và các bạn thân mến,
Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai thanh niên Liên Xô là đồng chí Gagarin và Titốp đã thành công rực rỡ trong việc đưa hai con tàu vũ trụ chọc thủng bầu trời, bay quanh quả đất.
Thanh niên ngày nay cũng là thế hệ sung sướng nhất. Như trong bản dự án Cương lĩnh của Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nói: ở Liên Xô thế hệ này sẽ sống dưới thế hệ cộng sản.
Đời sống hạnh phúc vui tươi của nhân dân và thanh niên Liên Xô chắc chắn sẽ là đời sống hạnh phúc vui tươi của nhân dân và thanh niên khắp thế giới, nếu nhân dân và thanh niên thế giới đều ra sức đoàn kết đấu tranh.
Tôi nói như vậy không phải vì tôi muốn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản đâu. Mà đó là những lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi.
Cuối cùng tôi chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và nhờ các bạn đại biểu chuyển đến thanh niên khắp thế giới lời chào thân ái nhất của Bác Hồ.
_______________
(*) Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế về “Vai trò các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc”, họp từ ngày 29-8 đến ngày 2-9-1961, tại Hà Nội.
Báo Nhân dân, số 2721, ngày 2-9-1961.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho học sinh - sinh viên Việt Nam vẫn mãi còn nguyên giá trị như thủa nào. Những di huấn này là tình cảm, là tư tưởng, là lời dạy, là định hướng cho lớp người sẽ làm chủ tương lai của đất nước và đó cũng luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay luôn cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Kim Yến (Tổng hợp)