Đã 67 năm trôi qua kể từ Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6/1/1946), nhưng ý nghĩa chính trị - lịch sử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và mãi về sau. Có thể nói, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ. Thắng lợi đó cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối sâu sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, ý thức chính trị của nhân dân ta trước vận mệnh lịch sử của đất nước.
Sau đây là tổng hợp một số bài viết, bài nói và bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí minh về bầu cử Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
1. Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đề nghị: “Trước do chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Các thành viên Chính phủ lâm thời sau phiên họp đầu tiên ngày 3/9/1945. Ảnh internet
2. Trên Báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về “Ý nghĩa Tổng tuyển cử”: “ Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.
Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.
Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.
Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là:
Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập!
Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.
Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử lần này”.
3. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”. Toàn văn như sau:
“Ngày mai mồng 6 tháng 1 năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một là phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hướng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
4. Trong buổi Lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) ngày 5/1/1946, Người có lời phát biểu:
“ Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc về cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao nguời đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật… mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay.
Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
5. Báo Quốc hội, số đặc biệt ngày 6-1-1946 đã trân trọng in ở trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích lời kêu gọi của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.
6. Ngày 2-3-1946, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I long trọng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Cũng như các Đại biểu khác, Bác Hồ mang thẻ Đại biểu số 305. Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội, Bác nói: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc… Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu, mà các đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối….”.
7. Ngày 22 tháng 4 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Lời phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri” nhân dịp bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964):
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận phiếu bầu cử Quốc hội khóa 2, Hà Nội 8/5/1960.
“Thưa đồng bào thân mến,
Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi "ra mắt cử tri". Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta.
Trước hết, tôi xin tóm tắt về Luật Bầu cử. Cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Luật Bầu cử của ta thật là dân chủ. Tất cả công dân, gái cũng như trai, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, tự do lựa chọn người thay mặt cho mình ở Quốc hội.
Tại các nước tư bản thì không như thế. Vài thí dụ:
- Ở nước Mỹ, đối với công dân Mỹ da đen đến tuổi cử tri chỉ một phần năm được đi bầu cử. ở Quốc hội Mỹ chỉ có đại biểu tư sản, không có đại biểu nhân dân lao động và giai cấp công nhân.
- Ở Pháp trong cuộc Tổng tuyển cử vừa rồi (Tháng Mười một 1958):
Đảng Độc lập được non 15% tổng số phiếu mà được 120 đại biểu vào Quốc hội.
Đảng Cộng sản được hơn 20% tổng số phiếu mà chỉ được 10 đại biểu vào Quốc hội.
Đảng Cộng hòa mới được hơn 26% tổng số phiếu mà được 185 đại biểu vào Quốc hội.
Hơn 25.000 cử tri phe phản động được một đại biểu.
Hơn 373.000 cử tri của phe tả mới được một đại biểu.
Cái gọi là "Tổng tuyển cử " ở miền Nam còn tệ hơn nữa. Bọn Ngô Đình Diệm đã dùng đủ mọi cách lừa bịp và khủng bố để bắt buộc đồng bào miền Nam đi bỏ phiếu. Chúng còn dùng cách gian lận trắng trợn, có nơi số phiếu nhiều gấp bội số cử tri.
- Do Luật Bầu cử của ta thật sự dân chủ, cho nên Quốc hội ta thật sự đại biểu cho lợi ích của nhân dân.
Quốc hội khóa I là Quốc hội chiến đấu. Quốc hội đã đoàn kết nhân dân và giúp đỡ Chính phủ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang. Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, như Luật Lao động và Luật Công đoàn, Luật Cải cách ruộng đất, Luật Hôn nhân và gia đình... Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và Luật Tổng tuyển cử, v.v... Quốc hội khóa I đã hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách vẻ vang.
Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội.
Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri.
Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà. Nhân dân ta đã đấu tranh lâu dài và anh dũng, đã hy sinh biết bao xương máu trong cách mạng và trong kháng chiến mới giành được và giữ được quyền dùng lá phiếu ấy. Vì vậy, đối với lợi ích chung của Tổ quốc cũng như đối với lợi ích riêng của mỗi người, đồng bào cử tri phải làm tròn nhiệm vụ của mình là phải nhắc nhủ nhau hăng hái đi bỏ phiếu ngày Tổng tuyển cử.
Nói đến đồng bào cử tri, tôi rất vui lòng nêu lên một điểm là: Trong cuộc Tổng tuyển cử này, chúng ta sung sướng hoan nghênh rất nhiều cử tri mới. Trong cuộc Tổng tuyển cử trước, họ là các cháu bé bốn, năm tuổi. Nay họ đã trở nên những người công dân cứng cáp, những người cử tri sáng suốt, những chiến sĩ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ cùng ông bà, cha mẹ, anh chị, cả nhà vui vẻ đi bầu cử. Điều đó càng khiến chúng ta làm cho ngày Tổng tuyển cử vui vẻ, tưng bừng như ngày Tết và hơn ngày Tết. Vui hơn ngày Tết bởi vì mỗi năm có một ngày Tết, mà cách mấy năm mới có một ngày Tổng tuyển cử.
Sau ngày Tổng tuyển cử, đồng bào Thủ đô ta cần phải tiếp tục nêu cao tinh thần làm gương mẫu cho toàn thể nhân dân ta hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay và chuẩn bị đầy đủ để bước sang kế hoạch 5 năm sắp tới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta quyết tâm làm được như thế. Mà làm được như thế thì chúng ta nhất định thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, và nhất định sẽ thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình.
Cuối cùng, tôi xin thay mặt cho các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam ra ứng cử, và nếu các vị cho phép thì thay mặt cho cả các vị khác ra ứng cử ở Hà Nội, hứa với đồng bào rằng:
1. Thủ đô Hà Nội ta được bầu ba mươi đại biểu vào Quốc hội khóa II, mà có gần bốn mươi người ra ứng cử, đó là một điều tốt.
Chúng tôi nhận rằng được đồng bào đưa ra ứng cử là một vinh dự lớn. Người được bầu và người không được bầu sẽ đều vui vẻ, phấn khởi và đều cảm ơn đồng bào.
2. Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
8. Ngày 10 tháng 7 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Quốc hội ta vĩ đại thật” đăng Báo Nhân dân số 2304. Nội dung bài viết như sau:
“Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới thành lập. Chính phủ ta đang chân ướt chân ráo. Nạn đói khủng khiếp do Nhật và Tây gây ra, đang hoành hành. Ở miền Nam, đế quốc Anh đang giúp thực dân Pháp đánh nhau với ta. Ở miền Bắc thì quân Tưởng Giới Thạch ra sức giúp bọn Quốc dân đảng Việt Nam quấy rối... Hồi đó, có người nói: Nhân dân ta trình độ còn kém, không nên vội tổ chức Tổng tuyển cử. Nhưng Đảng ta kiên quyết nói: Đồng bào ta phải được hưởng quyền dân chủ, chúng ta phải tổ chức Tổng tuyển cử.
Đảng đã làm đúng. Khắp cả nước từ Bắc đến Nam, đồng bào đã sôi nổi tham gia Tổng tuyển cử. Trong vùng tạm bị chiếm ở miền Nam, mặc dù giặc khủng bố ráo riết, đồng bào ta vẫn hăng hái tham gia bầu cử. Nhiều đảng viên và cán bộ vì hoạt động cho cuộc bầu cử mà đã bị giặc bắt bớ, bắn giết.
Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khoá I - đã được toàn dân bầu ra. Những việc quan trọng nhất Quốc hội đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua Luật cải cách ruộng đất, thông qua Hiến pháp mới.
Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp đã đưa nước ta dâng cho Nhật. Sau cuộc kháng chiến, Pháp lại tình nguyện để cho Mỹ hất cẳng chúng ra khỏi miền Nam và đã trốn tránh trách nhiệm họ đã cam kết trong Hiệp định Giơnevơ. Đế quốc Mỹ tạm thời thực hiện được âm mưu cướp nước và Ngô Đình Diệm đã tạm thời thực hiện được âm mưu bán nước. Vì Mỹ - Diệm và Pháp mà năm 1956 không có cuộc Tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam. Vì Mỹ - Diệm và Pháp mà trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá II của ta, đồng bào miền Nam chỉ có thể tham gia bằng tinh thần.
Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá II là một thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta. Khắp miền Bắc, bình quân hơn 97% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nơi dân cư thưa thớt và giao thông khó khăn nhất (như Hà Giang) số phiếu cũng đạt gần 93%. Một phần tư trong số 22.530 khu vực bỏ phiếu, 100% cử tri đã tham gia bầu cử.
Điều đó chứng tỏ trình độ chính trị cao của đồng bào ta.
Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ của 91 vị đại biểu do đồng bào miền Nam bầu cử trong khoá I. Có 34 đồng bào miền Nam tập kết đã được bầu trong khoá này.
Điều đó chứng tỏ tinh thần đoàn kết và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân ta.
Trong 362 đại biểu mới, có:
50 công nhân
46 nông dân
20 quân nhân
65 lao động trí óc
56 đại biểu đồng bào miền núi
49 phụ nữ
40 thanh niên
78 vị là anh hùng quân đội, anh hùng và chiến sĩ lao động
2 vị đại biểu đạo Phật
14 vị linh mục và đại biểu công giáo.
Không có Quốc hội một nước tư bản nào được nhân dân tín nhiệm với số phiếu cao như vậy; tỏ rõ sự đoàn kết, bình đẳng và bao gồm những thành phần thật sự đại biểu cho đại đa số nhân dân như vậy. Không cần so sánh với những cuộc "tuyển cử" gian lận của bọn Mỹ- Diệm, chúng ta hãy lấy Quốc hội Pháp làm ví dụ. Vì luật tuyển cử không dân chủ và không bình đẳng, mà trong Quốc hội Pháp hiện nay:
1 Nghị sĩ của Đảng Liên minh Cộng hoà mới chỉ đại biểu cho 19.068 cử tri,
1 Nghị sĩ Phong trào Cộng hoà bình dân (MRP) đại biểu cho 46.938 cử tri,
1 Nghị sĩ Đảng Cộng sản thì đại biểu cho 388.220 cử tri.
Quốc hội khoá I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khoá II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Vì vậy, để xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, nhiệm vụ của mỗi vị đại biểu là phải:
- Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,
- Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội,
- Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.
Nói tóm lại, phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.”
9. Ngày 15 tháng 7 năm 1960, Bác có buổi “Nói chuyện tại buổi Lễ bế mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II”:
“Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Chúng tôi rất cảm ơn Quốc hội, và kinh qua Quốc hội, cảm ơn đồng bào đã tin cậy và giao cho chúng tôi nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là lãnh đạo Nhà nước.
Nhân dịp này tôi muốn tóm tắt so sánh tình hình khó khăn những ngày đầu của Quốc hội khoá trước và tình hình tươi sáng hiện nay, để thấy rõ những bước tiến to lớn của phe ta và của nước ta.
- Năm 1945-1946, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đang phải ra sức hàn gắn những vết thương khủng khiếp do Chiến tranh thế giới lần thứ hai gây ra. Trong phe xã hội chủ nghĩa, số người chưa đông và đất đai chưa rộng bằng ngày nay, vì cách mạng Trung Quốc chưa thắng lợi. Bọn thực dân còn thống trị nhiều nước ở châu Á, châu Phi.
Ở nước ta lúc đó Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công và nhân dân ta đang phải đối phó với sự đe doạ, sự bao vây của đế quốc, với bọn phản cách mạng trong nước, với những thiên tai liên tiếp.
Ngày nay, tình hình đã khác hẳn, phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại bao gồm một phần tư đất đai toàn thế giới và hơn 1.000 triệu người đoàn kết như anh em một nhà. Nước ta đã dính liền với đất đai rộng lớn bao la của phe ta. Kinh tế và văn hoá của phe ta tiến bộ vùn vụt, ví dụ: tên lửa của Liên Xô đã đổ bộ lên mặt trăng, mà nếu cần thì có thể đổ bộ lên đầu bọn đế quốc gây chiến.
Nhiều nước châu Á và châu Phi đã giành được quyền độc lập và đều mong muốn hoà bình, đều chống chủ nghĩa thực dân. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đương phát triển vô cùng mạnh mẽ. Địa bàn và thế lực của bọn đế quốc đã rút hẹp rất nhiều. Phong trào chống đế quốc, nhất là chống đế quốc Mỹ sôi nổi khắp nơi. Lực lượng hoà bình đương đẩy lùi lực lượng hiếu chiến của phe đế quốc. Rõ ràng chủ nghĩa đế quốc đương đi đến tan rã không thể nào tránh khỏi.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa. Do sự cố gắng không ngừng của nhân dân ta và sự giúp đỡ hết lòng của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, ta đang tiến nhanh về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá...
So sánh bản địa đồ thế giới ngày nay với mười lăm năm trước thì ai cũng thấy rõ rằng:
Phe địch xuống dốc, phe ta lên cao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Tình hình chung thế giới rất có lợi cho ta. Nhưng do Mỹ - Diệm mà nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Đồng bào ta ở miền Nam đang bị đày đoạ dưới ách thống trị dã man của chúng và đang đấu tranh anh dũng để đòi thống nhất và tự do. Vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ ta là: phải ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông - Nam Á và thế giới.
Kỳ họp này của Quốc hội ta đã kết quả thắng lợi.
Quốc hội đã nhất trí thông qua bốn đạo luật tổ chức bộ máy lãnh đạo Nhà nước.
Thông qua báo cáo công việc của Chính phủ trong sáu tháng đầu năm.
Bầu các cơ quan và các người lãnh đạo Nhà nước.
Tôi mong rằng các đồng chí đại biểu trở về địa phương và đơn vị của mình sẽ báo cáo với đồng bào những thắng lợi ấy để khuyến khích đồng bào càng thêm hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, nhất là ra sức làm vụ mùa thắng lợi.
Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đày tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải:
Thực hành cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.
Gương mẫu về mọi mặt: Đoàn kết, công tác, học tập, lao động.
Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hoà mình với quần chúng thành một khối.
Nhân dân ta rất anh dũng. Chúng ta làm đúng những điều đó thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thành công. Một lần nữa tôi xin thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội gửi lời chào thân ái nhất đến toàn thể đồng bào miền Bắc và miền Nam.
Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!
Hoà bình thế giới muôn năm!”.
10. Cũng ngày 15 tháng 7 năm 1960, Bác có buổi “Nói chuyện với đồng bào Thủ đô nhân dịp mừng Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thắng lợi”:
“Thưa đồng bào,
Thưa các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng Thủ đô,
Trong cuộc Tổng tuyển cử miền Bắc ta nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách thắng lợi. Nghĩa là hơn 99% đồng bào đã đi bỏ phiếu.
Trong Quốc hội khoá này, trong lúc thảo luận các vấn đề quan hệ đến quốc kế dân sinh, trong lúc bầu những cơ quan và những người lãnh đạo Nhà nước, khi bỏ phiếu toàn thể đại biểu Quốc hội cũng là 100%. Quốc hội đã thể hiện rõ ý nguyện của đồng bào. Quốc hội và đồng bào là đoàn kết nhất trí. Đó là một thắng lợi lớn. Thắng lợi đó chẳng những đồng bào miền Bắc phấn khởi, đồng bào miền Nam cũng phấn khởi, cả nước ta phấn khởi mà cả phe xã hội chủ nghĩa phấn khởi.
Tối mai, để mừng thắng lợi của ta thì vệ tinh của Liên Xô sẽ bay qua Hà Nội. Nhưng chúng ta phải biết, đó là thắng lợi bước đầu.
Bây giờ chúng ta phải tiếp tục cố gắng, cố gắng hơn nữa để đi đến thắng lợi nhiều hơn nữa.
Anh em công nhân ở các nhà máy phải phát triển hơn nữa thành tích đã có, đã thu được trong cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp. Cán bộ thực sự tham gia lao động, công nhân thực sự quản lý xí nghiệp.
Đồng bào nông dân phải ra sức cố gắng, cố gắng nữa để làm vụ mùa thắng lợi.
Anh chị em lao động trí óc phải cố gắng hơn, đưa hết tài năng, tri thức của mình để giúp công nhân, nông dân và giúp nhân dân nói chung để đẩy mạnh hơn nữa việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Bộ đội phải cố gắng hơn trong học tập quân sự, chính trị, kỹ thuật và trong việc giúp đỡ đồng bào sản xuất.
Đồng bào công thương gia, đồng bào thủ công nghiệp, đồng bào tiểu thương từ năm ngoái đến năm nay đã cải tạo khá, bây giờ phải cố gắng để cải tạo cho tốt, làm sao trong năm nay cải tạo cho được gần 100%.
Các cháu thanh niên ở những nhà máy, ở trường học, ở nông thôn, ở các cơ quan văn hoá đều cố gắng và đều có thành tích, bây giờ cố gắng vượt lên hàng đầu mà có thành tích nhiều hơn.
Các cháu nhi đồng năm nay cũng ngoan, các trường thi đỗ 90%. Đỗ nhiều như thế là tốt. Nhưng bây giờ phải cố gắng học tập, lao động, giữ gìn kỷ luật và vệ sinh hơn nữa để sau này thành những công dân xã hội chủ nghĩa và công dân cộng sản chủ nghĩa.
Hôm nay Quốc hội đã kết thúc công việc phiên họp đầu tiên thắng lợi. Thắng lợi đó là nhờ sự ủng hộ, nhờ cố gắng của tất cả đồng bào. Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào.
Một lần nữa cảm ơn đồng bào, bây giờ tôi đề nghị cho hát bài Kết đoàn.”
11. Ngày 14 tháng 4 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Bài nói với Đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt các vị ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa III ở Hà Nội”, đăng Báo Nhân Dân số 3669 ngày 15/4/1964:
“ Thưa đồng bào thân mến,
1. Trước hết, tôi cảm ơn Mặt trận, cảm ơn đồng bào và các cháu thanh niên Hà Nội đã mời tôi ra ứng cử ở Thủ đô.
Tôi được cử làm đại biểu Quốc hội đã gần 20 năm nay. Đáng lẽ tôi nhường chỗ cho lớp người trẻ hơn ra gánh vác công việc nước nhà. Nhưng hiện nay ở miền Nam ruột thịt, từ các cụ già, các bà mẹ, đến các cháu thanh niên và nhi đồng đều đang anh dũng hy sinh, ra sức chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp nước và bọn Việt gian bán nước, để giành lại quyền độc lập, tự do, thì tôi không thể:
Thảnh thơi vui thú thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.
Vì vậy tôi cứ phải cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh. Phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam. Phấn đấu cho sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà. Phấn đấu cho:
Bắc Nam sum họp một nhà.
Cho người thấy mặt thì ta vui lòng.
2. Mặt trận Hà Nội giới thiệu 45 vị ra ứng cử. Nhưng khoá này Thủ đô ta chỉ được cử 36 đại biểu vào Quốc hội. Như vậy là trong các vị ứng cử, có người sẽ được bầu, có người không được bầu. Tuy vậy tôi nghĩ rằng: người không được bầu cũng như người được bầu đều vinh hạnh, vì đã được đồng bào tin cậy và giới thiệu mình. Cho nên được bầu hoặc không được bầu, chúng ta đều phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, như những người đày tớ trung thành nhất của nhân dân.
3. Các nước tư bản tự xưng là họ văn minh hơn ta. Song nhân dân ta có thể tự hào rằng ta dân chủ hơn họ. Ví dụ một nước tư bản mà ta quen biết nhất là nước Pháp.
Nhân dân Pháp là một nhân dân anh hùng. Họ đã làm cách mạng tư sản cách đây 175 năm26 . Kế đến Công xã Pari27 cách đây 94 năm. Họ cũng có Tổng tuyển cử. Nhưng chế độ Tổng tuyển cử của họ đã diễn ra như thế nào?
Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1962 ở Pháp, Đảng Cộng sản được hơn 4 triệu phiếu mà chỉ được 41 đại biểu vào Quốc hội.
Đảng của tướng Đờ Gôn được 5 triệu 80 vạn phiếu mà được 234 đại biểu vào Quốc hội.
Như vậy là Đảng Cộng sản phải có 97.000 phiếu mới được một đại biểu vào Quốc hội.
Đảng tư sản thì chỉ cần 25.000 phiếu đã được một đại biểu.
Nếu Tổng tuyển cử Pháp mà thật sự dân chủ thì hoặc là đảng của tướng Đờ Gôn chỉ được 59 đại biểu, chứ không phải 234, hoặc là Đảng Cộng sản được 160 đại biểu chứ không phải chỉ có 41 đại biểu mà thôi.
Về thành phần thì trong 480 đại biểu Quốc hội Pháp chỉ có 8 phụ nữ, 21 công nhân, 41 người làm nghề nông.
Một điều đáng chú ý nữa là hơn 8 triệu 60 vạn người, tức là hơn 31% số cử tri đã không đi bỏ phiếu.
Còn ở ta thì trong khoá II Quốc hội có 91 vị đại biểu miền Nam và trong 362 đại biểu miền Bắc thì có:
49 đại biểu phụ nữ,
50 đại biểu công nhân và cán bộ công nghiệp,
47 đại biểu nông dân và cán bộ nông nghiệp,
56 đại biểu đồng bào miền núi,
42 đại biểu thanh niên,
21 đại biểu anh hùng lao động và quân đội.
Khắp miền Bắc nước ta hơn 95% cử tri đã đi bỏ phiếu. Có nơi đến 100%.
Với những con số trên đây, đồng bào ta có thể so sánh và tự trả lời: nước ta và các nước tư bản, ai dân chủ hơn ai?
4. Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội.
Hôm tuyển cử phải là một ngày rất long trọng và rất vui vẻ của nhân dân ta. Chúng ta phải tổ chức, giải thích, tuyên truyền và cổ động cho thật rộng khắp. Sao cho mọi người phấn khởi làm trọn nhiệm vụ công dân của mình trong cuộc tuyển cử này.
Các ban tổ chức phải nhắc nhủ l00% đồng bào cử tri đi bỏ phiếu. Đó cũng là một cách làm cho thế giới thấy nhân dân ta thật là đồng tâm nhất trí, thật là đoàn kết, thật là hùng mạnh. Với tinh thần đoàn kết và lực lượng hùng mạnh đó, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
5. Tôi nghe nói rằng hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, khắp miền Bắc đang có đợt thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để chúc mừng cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá III. Như thế là rất tốt. Đối với Hà Nội, tôi đề nghị thêm một điểm nữa trong cuộc thi đua, tức là thi đua làm tốt vệ sinh phòng bệnh. Trước đây, đồng bào Hà Nội đã có những cuộc thi đua như thế, nhưng phong trào khi lên khi xuống, không được liên tục. Lần này phải làm cho phong trào thường xuyên và bền bỉ. Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi.
Toàn Đảng, toàn dân ta phấn khởi làm tốt cuộc Tổng tuyển cử và hăng hái tiến lên xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
12. Với Bút danh Chiến sĩ, Báo Nhân Dân số 3679 ngày 25/4/1964 đã đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Kiều bào về nước và cuộc Tổng tuyển cử”:
“Toàn thể đồng bào miền Bắc đang sôi nổi chuẩn bị cho ngày Tổng tuyển cử Quốc hội khóa III. Đặc biệt vui mừng là kiều bào mới về nước.
Cụ Lã ở Thái Lan mới về năm ngoái. Trong cuộc họp khu phố, cụ đã nói một cách phấn khởi và cảm động như sau:
“Về đến Tổ quốc, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng, bà con ạ! Khi còn bọn Pháp, ai nói đến yêu nước, nói đến tự do, là bị bắt bớ ngay. Ai còn mơ đến quyền dân chủ và Tổng tuyển cử! Năm 1908, đồng bào nông dân mấy tỉnh Trung Kỳ nổi lên chống thuế. Bọn thực dân và vua quan đã bắt bớ và chém giết nhiều người. Chúng gọi là cuộc nổi loạn “tiễn phát đồng bào” . Vì những người đi biểu tình đều cắt tóc ngắn. Sau đó, hễ ai có tóc ngắn đều bị bắt bỏ tù. Tôi cùng mấy anh em nông dân phải chạy trốn sang Xiêm. Lênh đênh trên đất khách quê người đã hơn 50 năm. Khi ra đi, Tổ quốc là một xứ thuộc địa, mình là một đứa vong quốc nô. Nay trở về, mình là một công dân tự do, Tổ quốc là một nước độc lập. Mừng này biết lấy gì cân! Gần 70 tuổi rồi, lần này là lần đầu tiên tôi mới biết cầm lá phiếu bầu đại biểu của mình vào Quốc hội. Sung sướng biết bao! Càng sung sướng thì càng biết ơn Đảng ta, quân đội và nhân dân ta đã hy sinh chiến đấu, đưa cách mạng đến thành công, kháng chiến đến thắng lợi. Và tôi càng tin chắc rằng đồng bào miền Nam ruột thịt sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”.
Các anh, chị vừa đúng 18 tuổi từ Thái Lan, Tân Đảo và nước Pháp mới về, càng tỏ ra phấn khởi. Cô học sinh Xuân Oanh nói: “ Thanh niên Pháp đến 21 tuổi mới có quyền cử tri. Thanh niên ta 18 tuổi đã có quyền đi bầu cử. Tôi từ nước Pháp về, tôi rất tự hào là chế độ ta dân chủ hơn chế độ Pháp. Đến ngày Tổng tuyển cử, tôi sẽ dậy thật sớm và đi mời tất cả bà con cô bác trong khu phố đi bỏ phiếu 100%”.
Quốc hội khóa này có hai kiều bào ra ứng cử: Ông Đại và chị Thái. Chị Thái mới về nước hơn ba năm nay và đang làm việc ở Nhà máy Dệt thảm len (Hải Phòng).
Chị nói: Khi được Mặt trận giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội, tôi rất lấy làm vinh dự và cảm động. Bà con Việt kiều khác khi nghe tin ấy đều vui mừng và nói rằng: Đảng và đồng bào ta rất quan tâm đến Việt kiều về nước. Chỉ có dưới chế độ ta phụ nữ mới được quyền thật sự tham gia bàn việc nhà nước. Vinh dự này là vinh dự chung cho tất cả kiều bào. Nếu tôi được bầu vào Quốc hội, tôi sẽ cố gắng hết sức mình vận động nhận dân thực hiện thật tốt chủ trương và chính sách của Đảng và của Nhà nước.
Mấy nét sơ lược trên đây đủ chứng tỏ tinh thần hăng hái và tấm lòng sung sướng của Kiều bào ta trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Tổ quốc yêu quý.”
Từ 6/1/1946 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa nhiệm kỳ, mỗi một kỳ bầu cử Quốc hội khóa mới diễn ra đều là dịp để mỗi công dân Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn và trực tiếp bầu những đại biểu xứng đáng, những người thật sự có đức, có tài và có tâm, những người thật sự vì dân, vì nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào Quốc hội và cơ quan quyền lực các cấp. Nhắc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngày bầu cử để mỗi chúng ta nhận thức rõ hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người, từ đó ra sức phấn đấu học tập, lao động, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyên, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập toàn cầu, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Huyền Trang (tổng hợp)