Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chân chính cách mạng.
Đảng trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta giành chính quyền, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, với mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, ngày 07-6-1960, tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (trước đây), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Người bày tỏ công khai lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam trước quốc dân đồng bào, vừa thể hiện sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, vừa thể hiện một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ, đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng.
Tư tưởng đó của Người đã dẫn dắt, soi sáng cho Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, làm cho Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là đội tiên phong, gắn bó mật thiết với nhân dân, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc.
Nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của Đảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Cơ sở xã hội rộng lớn và bền vững của Đảng chính là nhân dân, là sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân với Đảng; là đức hy sinh và lòng dũng cảm của đồng bào đã đùm bọc, chở che, bảo vệ Đảng trong suốt những năm tháng gian nan, đầy thử thách. Lý do tồn tại của Đảng là ở đó, “đạo đức và văn minh” của Đảng cũng là ở đó. “Ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Lời khẳng định đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một trong những nội dung cơ bản về công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Thấm nhuần tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Người, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân - một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng ta về đạo đức.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.
Đảng ta luôn phấn đấu vì dân, làm tất cả vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và nhận thức rõ rằng, nếu xa dân là khởi đầu của sự suy yếu, là tự đánh mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân. Đồng thời, phải giữ vững và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đó là sinh mệnh của Đảng - không có dân thì Đảng không có lực lượng. Đảng vì dân nên dân tin, dân phục, dân yêu, dân theo Đảng làm cách mạng; ngược lại, không có Đảng thì dân không có người dẫn lối, chỉ đường.
Để chăm lo lợi ích cho nhân dân, Đảng phải mạnh. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải có lập trường vô sản, có ý thức giai cấp và có lý luận cách mạng soi đường, phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng tham muốn về vật chất”, không quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng. Gây tổn hại tới lợi ích của dân là có tội và tự làm hoen ố thanh danh của Đảng trong mắt nhân dân. Người cách mạng, tự mình phải gương mẫu và làm gương cho người khác làm theo, nhất là cán bộ lãnh đạo. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu có vai trò, tác động rất to lớn, tạo nên sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng, thúc đẩy phong trào cách mạng đi lên, nêu gương và làm gương cho đảng viên, quần chúng noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo.
Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương châm chỉ đạo để Đảng ta tự đổi mới, tự chỉnh đốn làm trong sạch chính mình, có đủ năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đảm đương vai trò, sứ mệnh cầm quyền của Đảng. Chính vì vậy, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi to lớn, là “bức tường thành” vững chắc không gì lay chuyển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, quá trình hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang mở ra những cơ hội để nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết, nhất là thách thức về nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, củng cố quốc phòng, an ninh; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân; chống phá cách mạng nước ta một cách toàn diện.
Trước tình hình đó, Đảng càng phải tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải sâu sát, gần dân, gắn bó với nhân dân, có trách nhiệm với dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tạo ra phong trào cách mạng với sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và được nhân dân tham gia ý kiến. Nhà nước quản lý, thực hiện quyền lực của mình chính là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Vai trò của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy trong việc bảo đảm việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Do vậy, nhân dân cũng phải tham gia tích cực vào công việc Nhà nước, giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Làm được như vậy chính là nhân dân đã tham gia xây dựng Đảng về đạo đức.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo đảm quyền con người ở nước ta không ngừng được nâng cao, Chính phủ luôn kiên định là thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học tập, tiếp cận y tế cho nhân dân. Nhờ các chính sách xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội được nâng cao, bảo đảm công bằng xã hội; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, tạo đồng thuận trong xã hội, đưa đất nước ta ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Thành tựu đó được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó là truyền thống nhân văn của dân tộc và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do, toàn diện của con người, qua đó thêm khẳng định giá trị của xây dựng Đảng về đạo đức.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Đó là một nội dung trọng yếu trong xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay.
Đại tá, PGS, TS. Dương Quang Hiển
- Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Đức Lâm (st)