Tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc, vừa là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra của Đảng nói riêng, giúp Đảng ta phát huy ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Do vậy, đổi mới tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra và kỷ luật đảng hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết.
Tự phê bình và phê bình trong Đảng là rất cần thiết
Tự phê bình và phê bình trong Đảng là một hoạt động tự giác của mọi tổ chức đảng và đảng viên, thường xuyên phải tự phê bình và phê bình; tức là phải tự kiểm điểm, tự phê phán và phê phán, tự chỉ trích và chỉ trích, tự kiểm tra và kiểm tra, tự đánh giá và đánh giá về những ưu điểm, khuyết điểm, sai lầm (nếu có) của mình trong việc nhận thức và hành động theo đường lối, quan điểm, nguyên tắc của Đảng, thể hiện trong việc chấp hành và thực hiện nhiệm vụ đảng viên; lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra của Đảng cũng là một bộ phận của công tác đảng, công tác xây dựng Đảng. Tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra chỉ được thực hiện trong các cuộc kiểm tra cụ thể với nội dung kiểm tra nhất định để làm rõ đúng, sai về các nội dung cụ thể đó. Công tác kiểm tra được tiến hành theo phương pháp công tác đảng, công tác xây dựng Đảng nói chung; trong đó, tự phê bình và phê bình là một vấn đề cốt lõi của phương pháp công tác đảng nói chung và phương pháp kiểm tra nói riêng. Năm phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra là dựa vào ý thức tự giác của tổ chức đảng, đảng viên; vai trò quản lý của tổ chức; tiến hành thẩm tra, xác minh; vai trò xây dựng Đảng của quần chúng; công tác thanh tra, kiểm tra của hệ thống chính trị, được tổng kết trong quá trình hoạt động công tác kiểm tra của Đảng. Để công tác kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì phải hết sức coi trọng vai trò tự giác của đảng viên và tổ chức đảng, coi đó là vấn đề mấu chốt có tính nguyên tắc trong công tác kiểm tra của Đảng. Tự phê bình và phê bình không chỉ được sử dụng là một phương pháp chủ yếu trong công tác kiểm tra của Đảng, mà còn qua kiểm tra phải từng bước nâng cao tính tự giác, tự phê bình và phê bình của đối tượng được kiểm tra và tổ chức đảng quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy. Như thế, thì cán bộ càng thêm trọng kỷ luật và lòng phụ trách”1.
Như vậy, thật thà là yêu cầu đầu tiên và mấu chốt quyết định chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra đảng. Các tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải trung thực, khách quan, có sao nói vậy, không thêm bớt trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra. Chỉ khi thực hiện đúng yêu cầu này thì mới làm rõ được bản chất sự việc, kết luận mới khách quan, chính xác, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm. Đó cũng là yêu cầu đặt ra cho mỗi cuộc kiểm tra, xử lý kỷ luật. Trong công tác kiểm tra, kỷ luật, nếu không dân chủ, khách quan mà áp đặt sẽ dẫn đến xử lý không đúng người, đúng lỗi vi phạm, gây oan sai cho đối tượng, làm phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Tự phê bình và phê bình trong công tác đảng nói chung và trong hoạt động kiểm tra, kỷ luật đảng nói riêng có mặt đồng nhất nhưng cũng có yêu cầu đặc thù của từng loại hình công tác cụ thể. Mối quan hệ giữa chất lượng tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, kỷ luật với chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kỷ luật đảng tốt hay xấu phụ thuộc vào chất lượng của công tác kiểm tra; đặc biệt là chất lượng công tác thẩm tra, xác minh, làm rõ các chứng cứ thuyết phục trong tự phê bình và phê bình. Chứng cứ càng rõ ràng, càng xác đáng thì chất lượng trong đấu tranh tự phê bình và phê bình càng cao. Sự kịp thời trong tự phê bình và phê bình không những phát huy được các ưu điểm mà còn khắc phục sớm các thiếu sót, khuyết điểm, không để khuyết điểm nhỏ trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm nghiêm trọng.
Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành ở các khâu trong quy trình kiểm tra và xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Theo quy trình, khi đảng viên hoặc tổ chức đảng được kiểm tra thì phải tự phê bình và phê bình trước các tổ chức đảng mà mình là thành viên để thành viên của các tổ chức đó tham gia đóng góp ý kiến. Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa thể hiện bản chất tự giác và cách mạng của một đảng chân chính. Để đạt được yêu cầu đề ra, các thành viên trong tổ chức phải phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, thẳng thắn, nghiêm túc và tự giác trong tự phê bình và phê bình. Nếu không, việc tự phê bình và phê bình sẽ trở thành hình thức, chiếu lệ và đạt hiệu quả thấp.
Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, tự kiểm tra và kiểm tra. Thông qua tự phê bình và phê bình đã làm rõ khuyết điểm, vi phạm, xử lý kỷ luật đúng người, đúng lỗi vi phạm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nhiều cuộc kiểm tra đã chỉ rõ khuyết điểm, vi phạm của cá nhân, tổ chức, thu hồi tài sản cho Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân. Kết quả các cuộc kiểm tra được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân theo dõi, kiểm tra, giám sát. Việc công khai các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thể hiện tinh thần nghiêm túc, công khai tự phê bình và phê bình của Đảng.
Việc công khai các khuyết điểm, vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thể hiện tinh thần nghiêm túc, công khai tự phê bình và phê bình của Đảng (Trong ảnh: Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: vnanet.vn
Những hạn chế, bất cập cần được khắc phục
Công tác tự phê bình và phê bình, tự kiểm tra và kiểm tra còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện; nhiều vụ, việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp kéo dài nhiều năm không được kịp thời phát hiện, xử lý gây bức xúc dư luận. Nhận định về tình hình tiêu cực, vi phạm của cán bộ, đảng viên, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Vi phạm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay giảm sút ý chí chiến đấu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển. Trong khi đó, công tác kiểm tra ở nhiều nơi không nghiêm túc, không thường xuyên, ảnh hưởng không tốt tới vai trò và uy tín của Đảng. Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm trong nội bộ còn rất hạn chế, chủ yếu thông qua dư luận, báo chí phản ánh qua đơn, thư tố cáo, kiến nghị của đảng viên, công dân, công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Tính nêu gương của một số người đứng đầu chưa thường xuyên, có biểu hiện sa vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, thậm chí có đảng viên xa rời, thoát ly sự lãnh đạo của tổ chức đảng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Khi tự phê bình trước tổ chức đảng, không ít đảng viên còn thiếu tự giác, thiếu thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm mà thường quanh co, đổ lỗi cho điều kiện khách quan, cho tập thể. Các thành viên trong tổ chức đảng thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh trực diện với khuyết điểm, vi phạm của đồng chí mình khi mắc phải khuyết điểm, vi phạm; hoặc có phê bình thì cũng chỉ làm qua loa cho xong chuyện, nặng về ca ngợi thành tích. Có tình trạng ngay cả khi UBKT đưa ra đầy đủ chứng cứ có sức thuyết phục về những sai phạm của đảng viên thì các thành viên trong tổ chức vẫn tìm cách né tránh phê bình, nhất là khi đối tượng kiểm tra là những đảng viên đứng đầu địa phương, đơn vị thì việc phê bình của cấp dưới đối với cấp trên là rất khó khăn. Biểu hiện nể nang, né tránh trong đấu tranh tự phê bình và phê bình dễ thấy nhất là kết quả biểu quyết phân tán không đủ số phiếu cần thiết cho một hình thức kỷ luật; thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng nhưng tỷ lệ số phiếu đề nghị kỷ luật chỉ chiếm từ 5% - 10% số thành viên trong tổ chức đảng biểu quyết đề nghị kỷ luật. Có những trường hợp đối tượng kiểm tra có mâu thuẫn với người đứng đầu đơn vị thì việc phê bình và tự phê bình lại trở nên căng thẳng, trở thành một cuộc “đấu đá” nội bộ, chụp mũ, loại trừ nhau nên kết luận kiểm tra thiếu khách quan, chính xác, không thể hiện đầy đủ quan điểm, chính kiến của các thành viên trong tổ chức mà chủ yếu là ý chí của người đứng đầu.
Trên thực tế, có trường hợp lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, trù dập người đấu tranh phê bình, góp ý trái với ý kiến mình, thậm chí vô hiệu hóa hoạt động của UBKT, trù dập cán bộ kiểm tra có bản lĩnh, tính chiến đấu cao. Đối tượng kiểm tra thiếu cộng tác, mặc cảm, định kiến, đối phó, kiên quyết không chịu nhận khuyết điểm, vi phạm. Hiện tượng nhận khuyết điểm của tập thể thì dễ, nhận khuyết điểm của cá nhân mình thì khó đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều tổ chức đảng, nhất là một số cán bộ có chức, có quyền. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm không tự giác, ý thức tự phê bình và phê bình kém, hiện tượng bao che cho nhau, sợ “đụng chạm”, “ô dù, vây cánh”, đoàn kết một chiều cũng làm suy yếu sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đang trở thành một vấn đề bức xúc, là thách thức không nhỏ đối với kỷ cương, kỷ luật của Đảng nói chung và công tác kiểm tra của Đảng nói riêng. Ý thức tổ chức kỷ luật kém đã gây tổn hại đến sự thống nhất trong Đảng. Một số tổ chức đảng ở các cấp không chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ trong xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Các thành viên trong tổ chức đảng chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc phê bình, chưa tập trung phân tích, làm rõ nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân dẫn đến vi phạm của cán bộ, đảng viên nên đề xuất hình thức kỷ luật chưa tương xứng với lỗi vi phạm.
Chính sự thiếu tự giác, thiếu trung thực của đối tượng kiểm tra trong tự phê bình và phê bình, cộng với sự nể nang, e ngại hoặc bao che của những người, những tổ chức có liên quan là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thi hành kỷ luật không công bằng, “nhẹ trên, nặng dưới”. Cùng một lỗi vi phạm như nhau, nhưng cán bộ có chức vụ, quyền hạn thì xử lý nhẹ, cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ thì lại xử lý nặng. Tính tự giác của đảng viên có vi phạm chưa cao nên khi biểu quyết tự nhận hình thức kỷ luật bao giờ cũng thấp hơn so với tính chất, mức độ vi phạm. Nhiều nơi, trong sinh hoạt ở chi bộ, cơ quan, đảng viên không dám nói sự thật vì sợ bị trù dập nên xảy ra tình trạng “trong hội nghị nói khác, ngoài hội nghị nói khác”. Trong thi hành kỷ luật có tình trạng độc đoán chuyên quyền, gia trưởng, bảo thủ, áp đặt ý kiến chủ quan, nhằm loại bỏ những người không “ăn cánh” ra khỏi tổ chức cùng với tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi. Đúng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, thiếu tự giác, rèn luyện, tu dưỡng, thủ tiêu tính tiền phong gương mẫu trong điều kiện mới. Trong khi đó, sự kiểm tra của tổ chức đảng, trước hết là của chi bộ, của cấp ủy đối với đảng viên, cấp ủy viên còn lỏng lẻo. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp chưa đồng đều, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế; chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Nhiều cấp ủy và tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức và chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng trong điều kiện thực hiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng; chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đức và tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo yêu cầu của thời kỳ mới, từ tuyên truyền, kết nạp, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đến bố trí, sắp xếp, sử dụng, bổ nhiệm, quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý khi có vi phạm... Chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi phát triển, trong khi đó công tác kiểm tra từ trên xuống và từ dưới lên không thường xuyên đã ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng. Hạn chế, bất cập trong công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng còn có nguyên nhân là trong điều kiện hiện nay, nhiều đảng viên chỉ thiên về lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nếu tích cực đấu tranh sợ mất việc làm, mất địa vị, sụt giảm thu nhập, trong khi đó lại chưa có cơ chế bảo vệ có hiệu quả người dũng cảm, thẳng thắn đấu tranh vì lợi ích chung.
Như vậy, có thể thấy rằng việc tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra và kỷ luật đảng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện, cần phải đổi mới phương pháp và cách thức thực hiện, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Một số nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới
Một là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nhận thức và yêu cầu mới. Xây dựng, thực hiện có nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Trong 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu ra, có giải pháp đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nâng cao tính đảng cho mọi tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ủy ban kiểm tra phải chủ động nắm chắc tình hình chấp hành kỷ luật, khuyết điểm, vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý để tham mưu giúp cấp ủy gợi ý kiểm điểm; tập trung vào những địa phương, đơn vị đang có nhiều vấn đề bức xúc, như có đơn, thư khiếu nại, tố cáo về những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, điều tra, truy tố, xét xử...
Hai là, UBKT các cấp chủ động kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, kết luận khách quan, chính xác và xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm. Bên cạnh việc phát huy tính tự giác, tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa trong nội bộ các tổ chức đảng, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện, từng bước khắc phục tình trạng “nể nang, né tránh”. Ủy ban kiểm tra các cấp phải xác định trách nhiệm của mình đối với việc tổ chức thực hiện và kết quả kiểm tra của cấp ủy, UBKT cấp dưới, nhất là cấp dưới trực tiếp trong tự phê bình và phê bình theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ việc nắm chắc tình hình, thẩm định, có ý kiến về chương trình, kế hoạch kiểm tra của cấp dưới, có định hướng về nội dung, đối tượng kiểm tra được chỉ ra cụ thể hoặc trực tiếp thực hiện các cuộc kiểm tra đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của cấp ủy và UBKT cấp dưới (kiểm tra các cấp). Qua đó, cảnh báo, nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới nghiêm túc, tự giác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ Trung ương tới cơ sở. Để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong kiểm tra và xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã có Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18-6-2019, “về chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” nêu rõ: “Xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu dung túng, bao che hoặc bỏ lọt vi phạm. Chuyển hồ sơ vụ việc lên ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, xử lý khi có căn cứ cho thấy ủy ban kiểm tra cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm phải được tổ chức thực hiện triệt để, toàn diện, đồng bộ ở tất cả các cấp ủy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Ba là, đổi mới việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Hiện nay, việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng chủ yếu vẫn theo một quy trình từ dưới lên, như tổ chức đảng cấp dưới đề nghị, tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định. Trong điều kiện đấu tranh tự phê bình và phê bình, tự kiểm tra và kiểm tra còn nhiều hạn chế, bất cập như hiện nay thì việc cấp dưới đề nghị lên cấp trên bao giờ cũng ít, thậm chí không đề nghị. Do vậy, khi tổ chức đảng cấp trên lấy sự đề nghị từ tổ chức đảng cấp dưới làm căn cứ để quyết định hình thức kỷ luật là không phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, việc coi trọng ý thức tự giác, tự phê bình của đảng viên phải kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục và đấu tranh để họ nhận thức rõ sai phạm, tự giác chấp hành kết luận, quyết định của tổ chức. Ủy ban kiểm tra cần chủ động làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; nếu từ chối kiểm điểm và không nhận rõ sai phạm, khuyết điểm thì vẫn xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
Bốn là, việc tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình phải coi trọng giáo dục về lý luận chính trị, về phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở. Tăng cường việc giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có dấu hiệu vi phạm để kịp thời kiểm tra, kết luận. Có cơ chế phù hợp để lấy ý kiến quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên theo định kỳ hằng năm, kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên, bảo vệ những người dám nói thực về khuyết điểm, sai phạm của đảng viên; đồng thời, xử lý những người lợi dụng phê bình để vu cáo, đả kích, bôi nhọ với động cơ không trong sáng, nhằm hạ thấp uy tín cá nhân.
Năm là, thực hành và mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cán bộ chủ chốt các cấp cần thực hiện trách nhiệm nêu gương trong tự phê bình và phê bình. Phát huy vai trò tự soi, tự sửa, tự chỉ trích của mỗi cán bộ, đảng viên. Xây dựng môi trường văn hóa và bầu không khí dân chủ thực sự trong tự phê bình và phê bình; coi “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”2 như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn.
Sáu là, tất cả các cấp ủy và tổ chức đảng đều phải tăng cường chủ động thực hiện chức năng kiểm tra, trước hết về ý thức và năng lực chấp hành nghị quyết của Đảng, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác kiểm tra cần được tiến hành ngay từ khâu chuẩn bị nghị quyết đến các khâu cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết; tăng cường vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và cán bộ có chất lượng cho các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra Nhà nước.
Bảy là, coi trọng công tác tư tưởng cho đối tượng được kiểm tra, khắc phục các biểu hiện lệch lạc, chấp hành nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Khi đối tượng kiểm tra thực hiện tự phê bình và phê bình yếu, chủ thể kiểm tra phải chủ động làm tốt công tác tư tưởng, vừa động viên, thuyết phục, vừa kiên quyết đấu tranh bằng nhiều phương pháp để đối tượng kiểm tra thay đổi thái độ tự phê bình và phê bình; góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Hà Quốc Trị
Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Tâm Trang (st)
----------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 637
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 325