Ai có may mắn được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần trong đời cũng để lại kỷ niệm quá đỗi thiêng liêng, không thể nào quên. Với bà Hồ Thị Thu - nữ dũng sỹ diệt Mỹ, vinh dự 3 lần gặp Bác, được nghe những lời căn dặn và động viên của Người mãi là hành trang để bà luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và công tác sau này.
Sinh ra trong thời chiến, hằng ngày thấy cảnh trên trời máy bay gầm rú, dưới đất súng nổ, cô gái nhỏ Hồ Thị Thu (sinh năm 1947) ở xã Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã sớm giác ngộ cách mạng. Khi mới 12 tuổi, từ một em bé liên lạc, đưa thư từ, tài liệu vào các cơ sở trong vùng địch, rồi trở thành dũng sỹ du kích bí mật dũng cảm, ngoan cường khi ở độ tuổi 14. Quê hương Thu những năm 1965-1966, nơi có một đại đội Mỹ đóng chốt, từng chứng kiến bao cảnh chiến tranh tàn khốc: Mỹ đốt nhà, giết hại hơn 70 người dân vô tội. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, lợi dụng sự sơ hở của địch, Thu đã đột kích vào đồn địch lấy 5 khẩu súng giao cho du kích. Đồng thời cùng các em nhỏ bỏ cát vào nòng 13 khẩu súng của giặc trước khi báo cho du kích và bộ đội địa phương đánh vào đồn của Mỹ. Nhờ trí thông minh và sự nhanh nhẹn của Thu mà trận đó ta đã thắng lớn. Cuối năm 1967, Hồ Thị Thu được cử đi dự Đại hội Nông dân quyết thắng. Tại Đại hội, Hồ Thị Thu được tặng 2 quả thuốc pháo. Trở về, em nhờ các chú bộ binh cải tiến thành mìn tự tạo và hướng dẫn cho cách đánh. Kết quả, Thu cùng một số em phục kích lính Mỹ đi tuần, giật mìn nổ giết được 15 tên... Chiến công nối tiếp chiến công, Hồ Thị Thu được trao tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Sau trận đó, chị bị thương nặng được ra Bắc điều trị và học tập, vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.
Gặp chúng tôi, niềm vui về ba lần gặp Bác được bà tái hiện lại như mới hôm qua. Bà bảo: Bức ảnh này, ghi dấu lần lần đầu tiên tôi được gặp Bác. Đó là vào một ngày hè năm 1968, tôi được báo tin: “Bác Hồ muốn gặp các cháu thiếu nhi dũng sỹ miền Nam”. Mấy hôm sau, 7 anh em tôi được xe tới đón, đưa vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Khi xe vừa tới cổng, các dũng sỹ nhỏ tuổi đã nhìn thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi chờ nơi ghế đá. Niềm mong ước gặp Bác Hồ của các dũng sỹ miền Nam đã trở thành hiện thực, cả đoàn không ai bảo ai, đều reo to: “Bác! Bác! Bác!...” rồi chạy tới ôm chầm Bác Hồ và Bác Tôn.
Trong đoàn, có Võ Phổ (ở Quảng Đà), Ngô Văn Nết (Quảng Ngãi), Võ Hường (Quảng Nam), Hồ Văn Mên (Thủ dầu Một), Nguyễn Văn Hòa (Thừa Thiên Huế), Đoàn Văn Luyện (Quảng Ngãi) và tôi. Bà cười bảo: Tôi là con gái, nhỏ tuổi nhất nên được ngồi giữa Bác Hồ và Bác Tôn!
Cùng tiếp các dũng sỹ hôm ấy, còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu và đồng chí Vũ Kỳ. Sau khi được nhà thơ giới thiệu lần lượt tên, tuổi, thành tích, Bác đã âu yếm xoa đầu từng cháu. Đến lượt Hồ Thị Thu, Bác hỏi: “Cháu có phải là Thu không, cháu học hết lớp mấy rồi ?”. “Thưa Bác, ba cháu mất sớm, gia đình cháu nghèo lại đông anh em, nên không có điều kiện đi học, cháu chưa biết chữ ạ”- Chị Thu đáp.
Chợt chị thấy trên khóe mắt Bác cũng ngấn lệ, Bác bảo: “Cháu sẽ được đi học”. Rồi chị kể chuyện chiến đấu, chuyện lấy súng của địch, cách đánh Mỹ và thành tích cho Bác nghe. Chị kể đến đây, Bác Hồ và Bác Tôn đều gật đầu vui lòng.
Qua câu trả lời của các dũng sỹ nhỏ tuổi và ước nguyện đánh thắng kẻ thù để sớm đón Bác vào thăm, thể hiện tình cảm và mong ước của đồng bào miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác hỏi tiếp: “Đồng bào miền Nam sống, chiến đấu thế nào?”. Thu thưa với Bác: “Bà con quê cháu không sợ hy sinh gian khổ, chỉ sợ sau này nước nhà thống nhất, mắt bị mù không nhìn thấy Bác”. Nghe chị thưa, Bác đã khóc, cả đoàn cũng xúc động khóc theo.
Hôm đó, đoàn dũng sỹ được Bác mời ở lại ăn cơm. Trong bữa cơm, Hồ Thị Thu và Ngô Văn Nết được Bác cho ngồi bên cạnh. Bác gắp thức ăn bỏ vào bát cho từng cháu, động viên các cháu cố gắng ăn uống, rèn luyện sức khỏe. Sau đó, Bác tặng cho mỗi cháu 3 cuốn sách “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, riêng Thu được Bác tặng thêm một bông hồng, kèm theo lời dặn: “Cháu về học, nhớ viết thư cho Bác...”.
Lần thứ hai, Hồ Thị Thu được gặp Bác ngày 20/12/1968, chị cùng các cán bộ và chiến sỹ đặc công từ miền Nam ra báo cáo thành tích tại Hội trường Ba Đình. Bác vẫy các cháu dũng sỹ lên sân khấu, xoa đầu từng cháu và hỏi thăm sức khỏe, sinh hoạt của các cháu khi ra miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sỹ diệt Mỹ ở miền Nam
ra thăm miền Bắc, tháng 12 năm 1968. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Sau đó gần hai tháng, dịp Tết Kỷ Dậu năm 1969, Hồ Thị Thu trong đoàn thiếu niên dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc vào chúc Tết Bác, Người mời ăn cơm và bánh kẹo. Vinh dự hơn, các dũng sỹ còn được Bác cho phép cùng Người tiếp Đoàn đại biểu Cu Ba sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thời gian ở miền Bắc, khi biết chị đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 108, Bác đã điện cho các bác sỹ chăm sóc trực tiếp, hàng ngày phải thông báo cho Người biết về tình hình sức khỏe của chị. Mặc dù bận trăm công ngàn việc trước vận mệnh của đất nước, nhưng Bác vẫn dành sự quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của chị. Biết được điều đó, Hồ Thị Thu thực sự xúc động, thầm hứa với Bác sẽ cố gắng điều trị và có sức khỏe tốt để học tập… Sau năm 1975, bà công tác tại Đoàn Không quân B72, trở thành một nữ y tá. Đến năm 1992, bà Hồ Thị Thu nghỉ hưu trong căn nhà nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Chính Giản, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Về với gia đình, bà luôn là tấm gương mẫu mực: “Lúc còn công tác, ở đơn vị tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, hòa nhã với đồng nghiệp. Ai có khuyết điểm, tôi nhẹ nhàng góp ý. Sau khi nghỉ hưu, về địa phương tôi tham gia sinh hoạt các Chi Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh… ai cũng thương, quý bởi tôi làm hết trách nhiệm. Làm được những điều đó, phần nhiều do tôi học tập được từ Bác, cố gắng vươn lên theo lời căn dặn của Người” - bà Hồ Thị Thu chia sẻ.
Hơn 50 năm đã trôi qua, ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên, là hành trang dẫn đường cho người dũng sỹ năm xưa. Đó mãi là kỷ niệm vô giá để bà không ngừng cố gắng vươn lên, sống có ích và truyền lửa cho thế hệ trẻ./.
Phí Thị Hồng Vân
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh
Tâm Trang (st)