Dù đã 40 năm, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ sau.
Quảng trường Hiệp định Paris sẽ được khánh thành vào tháng 3 năm 2013
Để đi tới lễ ký kết cuối cùng tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Clébère, thì trong gần 5 năm, các cuộc thương lượng về Hiệp định hòa bình Paris đã được tiến hành tại nhiều địa điểm trên đất Pháp. Dù 40 năm sau, các địa điểm đã ít nhiều đổi khác, nhưng hình ảnh các Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt Trận miền Nam Việt Nam vẫn in đậm trong ký ức những nhân chứng và thế hệ con cháu họ; cùng như tạo âm hưởng sâu rộng trong lòng những người bạn Pháp nay còn sống tại những địa điểm lịch sử đó.
1. Khách sạn Lutetia - Nơi khởi đầu và nơi ăn mừng chiến thắng:
Năm 1968, khi Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris, đã ở tại Khách sạn Lutetia ở số 45 Đại lộ Raspail, quận 16 Paris. Chỉ vài ngày sau, vì nhiều lý do, Đoàn đã nhờ Đảng Cộng sản Pháp tìm một địa điểm khác. Trường Đảng ở Choisy Le Roi đã được chọn, trở thành nơi lưu lại suốt gần 5 năm của Đoàn. Trở lại thăm Lutetia ngày nay, sau 40 năm, Khách sạn bên ngoài vẫn giữ nguyên dáng hình, trở thành một trong những Khách sạn nổi tiếng nhất ở Paris, bởi những thời khắc lịch sử mà nó đã từng chứng kiến, từ Chiến tranh thế giới thứ 2, cho tới sự có mặt, dù ngắn của Đoàn đàm phán Việt nam.
Theo ông Dương Văn Quảng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO hiện nay, người từng nằm trong số những thực tập sinh học tập tại Pháp vào thời điểm Hiệp định được ký kết, thì Khách sạn Lutetia cũng là nơi hai Đoàn đàm phán của Việt Nam tổ chức tiệc lớn ăn mừng thắng lợi.
Khách sạn Lutetia hiện nay
2. Tòa nhà số 2, Le Verrier, quận 4: “Tổng hành dinh” ngoại giao của Việt nam:
Cũng theo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO ông Dương Văn Quảng, thì cũng chính tại tòa nhà của phái đoàn hiện nay, tại số 2, Le Verrier, quận 4 Paris, 40 năm về trước, ông cùng các thực tập sinh có mặt tại Pháp đã vui mừng đến giúp chuẩn bị những tấm thiệp mời chiêu đãi, mừng Hiệp định được ký kết: “Đây là Tổng đại diện nên toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề chiêu đãi đều làm ở đây. Ví dụ cả tuần trước ngày chiêu đãi, huy động toàn bộ thực tập sinh đến đây giúp ghi thiệp mời. Nhưng vì mời quá gấp, nên phải chia nhỏ thư ra, sáng sớm hôm sau mang ra tận bưu điện của từng quận để họ mang đi phát giúp mình. Nhà này là Tổng đại diện trước khi quan hệ Việt - Pháp lên mức chính thức, sau đó là Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngôi nhà này chứng kiến toàn bộ quá trình dẫn đến đàm phán, rồi đấu tranh để thực hiện hiệp định, rồi chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, tạm gọi là toàn bộ phần ngoại giao của việc đàm phán rồi tiến tới ký kết Hiệp định Paris và tiếp theo đó là quá trình đấu tranh ngoại giao để thực hiện Hiệp định và phục vụ cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, tiến tới hòa bình cuối cùng ở Việt nam”.
Tòa nhà hiện là trụ sở phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cho đến nay được giữ nguyên cấu trúc, kể cả những trang trí trên trần, trên tường khi xưa. Cách đó chỉ vài trăm thước, là trụ sở cũ của Thông tấn xã Việt nam, nơi những thông tin thắng lợi trên bàn đàm phán được thảo và phát đi.
Tấm biển trước khu nhà tại Choisy le Roi
3. Choisy le Roi - Tâm điểm của cuộc đấu tranh của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ cộng hòa:
Nói đến Hiệp định Paris, không thể không nói tới thành phố Choisy-le-Roi nằm ở ngoại ô, cách Paris khoảng 20 km về phía Đông Nam. Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel - người đang làm một bộ phim tài liệu mang tên “Hiệp định Paris” đã gọi Choisy Le Roi là “tâm điểm của thế giới” trong giai đoạn diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình: “Tháng 5 năm 1968, Đoàn đàm phán miền Bắc của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tới ở Khách sạn Lutetia rồi sau đó, chuyển sang Choisy le Roi vì nhiều lý do. Và Đảng Cộng sản Pháp đã quyết định dành tòa nhà của Trường Đào tạo, bồi dưỡng Đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp cho Đoàn ở. Đoàn Hà nội lúc đó dẫn đầu bởi ông Xuân Thủy, tưởng sẽ ở đó vài tháng, nhưng cuối cùng họ đã ở gần 5 năm”.
Trong suốt thời gian đó, Choisy le Roi đã chứng kiến những câu chuyện đàm phán tài tình được giữ kín tới mức “bí ẩn”. Bà Nicole Trampoglieri, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Choisy le Roi cho biết thông tin về Đoàn khi đó được giấu kín tới mức không có mấy người dân ở chính thành phố này biết chỗ Đoàn sống và hoạt động. “Vào thời điểm đó, tôi là một đảng viên rất trẻ trong Đảng Cộng sản Pháp sống gần đây, tôi cũng chỉ biết là nơi này có Đoàn đàm phán của Việt nam ở, nhưng hiếm khi nào tận mắt nhìn thấy gương mặt của ai trong Đoàn. Họ được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Báo chí cũng không tiếp cận được. Nhưng tôi có được nghe kể về “căn phòng hạnh phúc” trong khu nhà này, hồi đó, không ai hiểu vì sao lại gọi là “căn phòng hạnh phúc” nhưng sau đó mới biết đấy là cách các thành viên trong Đoàn “ám hiệu” với nhau là “căn phòng bí mật”. Khi nào có chuyện công việc tuyệt mật cần trao đổi, các thành viên trong Đoàn lại cùng vào căn phòng đó”.
Choisy le Roi còn là minh chứng rõ nét về “tình đoàn kết, hữu nghị” của Đảng Cộng sản Pháp, của bạn bè Pháp yêu chuộng hòa bình đối với người dân Việt nam. Bà Jéanine Rubin, một trong những người từng tình nguyện phục vụ bữa ăn cho Đoàn đàm phán Việt Nam 40 năm về trước, nay đã 80 tuổi, cho biết khi đó bà cũng không biết rõ tình hình do tính tuyệt mật trong hoạt động Đoàn. Nhưng bà vẫn nhớ như in không khí ấm cúng như trong một gia đình khi gặp gỡ các thành viên trong Đoàn. “Khi ấy, tôi đang làm phục vụ trong trường học, Đảng Cộng sản đề nghị tôi có muốn làm việc tình nguyện hỗ trợ cho Đoàn đàm phán của Việt nam hay không, và tôi đã đồng ý. Dù thời gian tiếp xúc không nhiều, nhưng những cảm nhận lúc đó về Đoàn sau này đã là động lực khiến tôi quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia các hoạt động hữu nghị Pháp - Việt cho đến bây giờ”.
Cũng tại Choisy le Roi, tòa biệt thự nằm yên bình tại số 11, phố Darthé giờ vẫn mang dáng dấp cũ, cây cherry vẫn cao vút trong vườn sau nhà. Nhưng ít ai biết rằng 40 năm về trước, các cuộc đàm phán bí mật và gay go giữa Đoàn miền Bắc với đại diện phía Mỹ là Henry Kissinger đã diễn ra tại đây.
40 năm sau, đầu năm 2013, lãnh đạo thành phố Choisy le Roi sẽ cho khánh thành một Quảng trường lớn mang tên “Hiệp định Paris”, ngay trên Đại lộ mang tên người đứng đầu thành phố thời điểm hiệp định được ký kết ông Louis Luc. Vợ của ông, bà Hélène Luc từ hàng chục năm qua vẫn luôn là người bạn thủy chung nhiệt thành đối với nhân dân Việt nam.
Ông Gueguen lưu giữ nhiều tư liệu về Hiệp định Paris
4. Verriere le Buisson và Massy - tràn đầy ký ức về Đoàn Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam:
Nếu như Choisy le Roi từng gắn liền với câu chuyện đàm phán tài tình của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì tại hai vùng ngoại ô Verrière le Buisson và Massy, nằm cách Paris khoảng 10 km về hướng Tây Nam, tràn đầy những ký ức về Đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, dẫn đầu.
Tòa biệt thự tại số 17, đại lộ Cambacérès, Verriere le Buisson đến nay vẫn giữ nguyên kiến trúc tuyệt đẹp trên một con dốc thoai thoải, nhìn ra hồ nước. Đây là nơi trong suốt gần 5 năm đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình cùng một số thành viên trong Đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sống và làm việc. Trong vườn, vẫn còn đó ngôi nhà nơi Đài Phát thanh giải phóng từng phát đi những thông tin nóng hổi về Hiệp định.
Ông Pierre Gueguen, người từng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho tòa nhà, ngày ngày vẫn đi dạo qua đây và nhớ lại những kỷ niệm về một “gia đình Việt nam” thực sự mà ông cảm nhận được khi gắn bó với các thành viên trong Đoàn đàm phán của Việt nam. Kể lại nhiệm vụ khi xưa, ông Gueguen cho biết : “Đó là niềm vui đối với tôi khi được làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt nam. Chúng tôi thường có 6 người chia làm hai ca bảo vệ an ninh trong khuôn viên ngôi nhà. Ngôi nhà nằm ở giữa hai tòa biệt thự, xung quanh các hàng rào với hàng xóm khá thấp, nên chúng tôi luôn phải canh phòng rất kỹ nhất là ban đêm. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nhận nhiệm vụ, đã xảy ra một sự cố là có một người phụ nữ cùng chồng của ông ta xông thẳng vào nhà. Rất may là chúng tôi đã ngăn chặn kịp thời và giao họ cho lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài để họ giải quyết”.
Suốt 40 năm qua, hai vợ chồng ông bà Gueguen đã cần mẫn sưu tầm và gìn giữ nhiều tư liệu về Hiệp định Paris, về Việt nam, từ những chiếc tem thư về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam, cho tới những bài báo bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà ông có được viết về một thành viên nào đó trong Đoàn đàm phán… Bởi đơn giản như ông nói, “Đó là những ngày lịch sử mà cuộc đời tôi có may mắn được là một phần nhỏ trong đó”.
Tại Massy, khu căn hộ chung cư nơi mà các thành viên còn lại trong Đoàn đàm phán Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam từng sống và làm việc trong 4 căn hộ tầng 2 và 3, đến nay gần như vẫn giữ nguyên. Ông Đoàn Hữu Trung, một Việt kiều từng gắn bó với Đoàn suốt những năm đàm phán dẫn chúng tôi quay lại Massy, chỉ vào ngôi Trường Mẫu giáo nằm đối diện, cho biết hơn 40 năm trước, gần như ngày nào, sau khi đưa con vào trường học, ông cũng ghé qua thăm Đoàn đàm phán của Việt nam, xem có thể trợ giúp gì cho Đoàn. Sau này, dù đã chuyển nhà đi thành phố khác, ông vẫn thỉnh thoảng qua lại nơi đây, đi dạo và nhớ lại những câu chuyện về những thành viên Đoàn khi xưa, tài tình, kiên quyết trong công việc nhưng cũng rất giản dị, chân thành trong đời sống.
Ngôi nhà ở Gif sur Yvette
5. Gif sur Yvette – Sự trùng hợp của hai ngôi nhà “hòa bình”:
Đi qua số 106 Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur-Yvette, bắt gặp một căn nhà bình thường như biết bao ngôi nhà khác ở vùng ngoại ô Paris, ít ai biết rằng nơi đây 40 năm trước đã diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Lê Đức Thọ làm Trưởng đoàn với phía Mỹ - do ông Henry Kissinger dẫn đầu. Các tài liệu lịch sử ghi lại những cuộc trao đổi giữa hai ông tháng 10 và tháng 11 năm 1972 tại ngôi nhà này đi vào giai đoạn quyết định, chốt lại ở một dự thảo Hiệp định mà hai bên có thể chấp nhận được. Khi đó, những tưởng hòa bình đã tới rất gần, thì phía Mỹ bất ngờ “tráo trở”, ném bom xuống miền Bắc Việt Nam.
40 năm sau, ngôi nhà không có gì nổi bật, nhìn từ bên ngoài có phần cũ kỹ và bao phủ bởi cây cối um tùm. Một tấm biển khiêm tốn treo trên tường bên ngoài căn nhà với dòng chữ “Tại ngôi nhà này ngày 22/11/1972, đã mở ra các cuộc đàm phán hòa bình giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger”. Chủ nhân ngôi nhà ông Bernard Mimier vui vẻ mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà và hồ hởi kể lại “cái duyên” của họ với nơi này.
“Lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 17 tuổi, tôi có đi qua nơi này, thấy rất nhiều nhà báo vây quanh ngôi nhà và nghe nói có các cuộc đàm phán hòa bình bí mật diễn ra trong đó. Khi đó ngôi nhà thuộc về một họa sỹ tên Fernand Leger - một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và là nơi đón nhiều khách của các Đảng sang Pháp làm việc. Sau này năm 1989, tôi cần tìm một ngôi nhà rộng để mở phòng chụp và làm ảnh; và duyên số đã dẫn tôi đến đây, mua lại ngôi nhà và ở đây cho đến nay. Gia đình chúng tôi rất tự hào được sống ở đây, một ngôi nhà lịch sử đóng góp hòa bình cho người dân Việt nam, vợ tôi cũng từng tham gia các hoạt động phản chiến và con gái tôi cũng có những cảm xúc đặc biệt khi nói về ngôi nhà”.
Tại Gif sur Yvette, các cuộc đàm phán diễn ra hết sức bí mật, đến các nhà hàng xóm cũng không hay biết gì cho đến ngày 22.11.1972 báo chí Pháp và nước ngoài mới biết tới, đổ dồn về đây. Và thật trùng hợp khi họ chạy sang nhà hàng xóm, nhờ sự giúp đỡ để chụp được ảnh vào bên trong ngôi nhà đàm phán bí mật, thì lại được chứng kiến những hoạt động của tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” cũng hướng về Việt nam. Giáo sư Trần Thanh Vân, người sáng lập Tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” và sau này là Hội “Gặp gỡ Việt nam”, dẫn chúng tôi ra vườn sau nhà, chỉ vào rặng cây thông giờ cao ngút, cho biết 40 năm trước, rặng cây còn thấp và phóng viên đứng từ vườn nhà ông hoặc trèo lên mái nhà ông có thể chụp ảnh vào ngôi nhà đàm phán. Và trong khi cuộc đàm phán chính trị bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger đang diễn ra, thì ở ngôi nhà bên cạnh, Giáo sư Trần Thanh Vân cùng các thành viên tổ chức “Giúp đỡ trẻ em Việt nam” đang tích cực với các hoạt động bán thiệp Giáng sinh để quyên tiền xây dựng làng trẻ SOS tại Đà Lạt (sau này làng được khánh thành năm 1974). Hai hoạt động cùng lúc tại Gif sur Yvette, một bên là chính trị và bên kia là nhân đạo, vô tình lại cùng hướng về hòa bình và ấm no ở Việt nam.
Những nẻo đường hòa bình, từ các hướng khác nhau, cuối cùng ngày 27.1.1973 đã dẫn về Trung tâm Hội nghị Kléber. Hiệp định Paris được ký kết. Bên ngoài, kiều bào đổ về đông chật cả đại lộ Kléber, cờ hoa rợp trời, niềm vui như vỡ òa. Dù giờ đây trung tâm đang được phá đi để xây dựng một trung tâm thương mại, hội nghị mới, song những ai từng biết tới câu chuyện của Hiệp định Pa-ri đều như sống lại không khí lịch sử lúc đó khi đến thăm lại Kléber. Một câu chuyện mới đang hình thành, nhưng ký ức khi xưa vẫn mãi mãi được lịch sử lưu lại./.
Theo vov.vn
Huyền Trang (st)