40 năm trước, tại Pa-ri đã diễn ra cuộc đàm phán lịch sử về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam giữa các nhà ngoại giao Mỹ được đánh giá là “lọc lõi” với những nhà ngoại giao còn “non trẻ” của Việt Nam. Nhưng cuối cùng, phần thắng đã thuộc về Việt Nam. Vậy điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu ấy? Gặp ông Lưu Văn Lợi, nguyên Thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri, nghe ông kể chuyện đàm phán 40 năm trước, thắc mắc của chúng tôi đã được giải đáp phần nào.

Kỳ 1: Không nhân nhượng “chuyện nhỏ ý nghĩa lớn”

Đàm phán ở Pa-ri, ta với Mỹ không chỉ tranh cãi và mặc cả với nhau những vấn đề thuộc chương trình nghị sự cụ thể mà ngay cả những chuyện nhỏ cũng xảy ra bất đồng vì “nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn”, không thể dễ dàng nhượng bộ.


4. Nhung cuoc dau tri o Pari
Toàn cảnh Hội nghị Pa-ri. Ảnh Tư liệu

Trước khi đi vào đàm phán chính thức ở Pa-ri, chuyện địa điểm họp ở đâu cũng mất gần tháng trời mới thống nhất được. Có rất nhiều địa điểm được ta và Mỹ đề xuất làm nơi đàm phán nhưng đều không chọn được vì hai bên không đồng thuận. Cuối cùng, hai bên đã nhất trí chọn Pa-ri theo đề nghị của Việt Nam. Mỹ dù chưa thực sự “xuôi” do ngại dư luận ở một trung tâm lớn như Pa-ri, nhất là Tổng thống Pháp lúc đó là Sác Đờ Gôn lại là người có quan điểm ủng hộ Việt Nam, chỉ trích sự can thiệp của Mỹ và mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, song cuối cùng buộc phải chấp nhận vì cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Họp ở Pa-ri sẽ có lợi cho ta vì tại đây ta không chỉ có sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Pháp và quốc tế, mà còn có thể dựa vào sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và cộng đồng Việt kiều.

Sau khi Mỹ chấp nhận chấm dứt ném bom hoàn toàn và vô điều kiện miền Bắc Việt Nam, Việt Nam đã đồng ý họp bốn bên (gồm Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH), Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), Mỹ và chính quyền Sài Gòn).

Tranh cãi đầu tiên xuất hiện lại là chuyện xung quanh việc chọn chiếc bàn có hình thù như thế nào để ngồi họp. Trước khi khởi động họp bốn bên, ta và Mỹ đã tranh cãi gay gắt hàng tháng trời về chuyện này. Chuyện tưởng nhỏ nhưng thực chất lại có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cả ta và Mỹ vì vị trí ngồi ra sao sẽ xác định tư cách pháp nhân của bên tham gia. Ta muốn đề cao vị thế của CPCMLTCHMNVN và muốn thể hiện rõ cuộc họp “bốn bên”. Nhưng Mỹ lại muốn phủ nhận và hạ thấp của vai trò của CPCMLTCHMNVN và thể hiện cuộc họp “hai bên”. Ta đề nghị chiếc bàn hình vuông hoặc hình tròn để thể hiện họp “bốn bên”, còn Mỹ đưa ra một số kiểu bàn khác nhau như bàn hình chữ nhật, hình vòng cung chia đôi…, kiểu nào cũng chỉ nhằm để thể hiện cuộc đàm phán chỉ có hai bên. Một bên là Mỹ và chính quyền Sài Gòn, còn một bên là VNDCCH và CPCMLTCHMNVN. Mỹ còn có “sáng kiến” là dùng một miếng vải màu đỏ vắt ngang chia chiếc bàn tròn làm hai phần.

Tranh cãi quanh cái bàn ngồi họp đã gây không ít chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Tới mức các hãng làm đồ mộc nổi tiếng thế giới khi ấy đã gửi nhiều mẫu bàn tới chào hàng để các bên cùng chọn. Cuối cùng, hai bên quyết định chọn cái bàn tròn bằng phẳng lớn và kê hai bàn thư ký ở hai bên. Không có cờ và biển ghi tên trước mặt các đoàn. Bố trí kiểu “nước đôi” như vậy để dư luận quốc tế hiểu đây là đàm phán “hai bên” cũng được mà “bốn bên” cũng được. Chuyện màu sắc chiếc khăn trải bàn cũng gây tranh luận khiến nước chủ nhà Pháp phải mang cả xấp khăn đủ các màu ra để các bên lựa chọn. Cuối cùng, ta với Mỹ nhất trí lựa chọn khăn trải bàn màu xanh hòa bình.

Còn có những tiểu tiết khác cũng phải tranh luận, đó là quy định thứ tự phát biểu của các Đoàn tại cuộc họp. Có nước gợi ý để cho nước chủ nhà bốc thăm, trúng bên nào thì bên đó được đọc trước. Cuối cùng vì không muốn để vấn đề thủ tục kéo dài, ta đã đồng ý để đoàn Mỹ phát biểu trước, đồng thời chấp nhận đề nghị của Mỹ tổ chức phiên họp thứ nhất của Hội nghị bốn bên vào ngày 18-01-1969. Nhưng về sau, cuộc họp trù bị của các Phó trưởng đoàn đã họp vào ngày này vì Trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn chưa có mặt ở Pa-ri.

Chính sách “câu giờ”, kéo dài thời gian đi vào đàm phán của Mỹ còn thể hiện âm mưu tiếp tục chiến tranh để giành ưu thế trên chiến trường, tăng viện cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời làm cho bè lũ Thiệu - Kỳ bớt làm mình làm mẩy và buộc chúng phải đến Hội nghị. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn sắp rời Nhà Trắng, trao quyền cho Ních-xơn vừa đắc cử. Chính quyền Sài Gòn còn trông chờ tiếng nói của “quan thầy” mới mà họ hy vọng có thể sẽ có lợi cho mình. Vậy nên mãi một tuần sau khi hai bên thống nhất được các thủ tục họp và ngày họp nói trên, chính quyền Sài Gòn mới gửi phái đoàn của họ tới Pa-ri dự họp bốn bên.

Mỹ Hạnh - Anh Thư
Theo http://qdnd.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: