Thứ sáu, 19/04/2024

Trò chuyện với chúng tôi, TS. Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại rằng mình thật may mắn khi được làm công việc này. Năm 1970, Nguyễn Thị Tình là một trong 3 sinh viên Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) được lựa chọn vào làm việc tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch...

Đến khi Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ (19-5-1990), bà được chuyển sang làm việc ở đây. Trong rất nhiều kỷ niệm khi còn công tác, bà Tình không thể nào quên câu chuyện về hai người bạn nước ngoài luôn yêu kính Bác Hồ và quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Đó là nhà văn Mỹ Lady Borton và ông Jean-Pierre Brard, cựu Thị trưởng thành phố Montreuil, miền Đông nước Pháp...

Từ người bạn Mỹ đến bức tranh quý...

“Ngày ấy, tôi đang là cán bộ thuyết minh của bảo tàng, gặp một người phụ nữ ngoại quốc, gương mặt phúc hậu đang ghi chép tỉ mỉ từng dòng chữ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy vậy, tôi đến hỏi chuyện thì bà giới thiệu là “Lady Borton - nhà văn Mỹ, vì rất yêu kính Chủ tịch của các bạn nên muốn ghi chép thật cụ thể những tư liệu về Người”, bà Tình nhớ lại.

nguoi nuoc ngoai 1
Đoàn đại biểu thành phố Montreuil do Thị trưởng Jean-Pierre Brard (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang)
dẫn đầu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 15-6-2005. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Tình đứng hàng đầu, thứ hai, từ trái sang.
 

Nghe bạn nói chuyện, bà Tình cũng đem những câu chuyện mình biết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể cho bạn nghe. Sau đó, cùng với những chuyến công tác dày đặc của bà Borton ở Việt Nam, hai người lại có dịp trao đổi và ngày càng trở nên thân thiết. Mỗi lần sang Việt Nam, bà Borton đều kể lại cho bà Tình nghe về các chuyến đi. Bằng kinh phí cá nhân, bà Borton đã cất công đi khắp các thư viện, cơ quan lưu trữ ở Anh, Pháp, Hồng Công… để tìm các tư liệu về Bác. “Borton kể với tôi, có lần ở trung tâm lưu trữ Anh, bà đánh từ khóa Hồ Chí Minh, rồi tìm các danh mục về Hồ Chí Minh suốt mấy ngày mà không tìm được bất cứ thông tin gì. Rồi hôm ấy, may mắn thế nào bà thử tìm từ khóa Nguyễn Ái Quốc thì phát hiện một loạt danh mục là các tư liệu, bài báo nói về thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công. Borton đã hét lên sung sướng khiến bạn đọc trong trung tâm lưu trữ đều quay nhìn bà với những ánh mắt kinh ngạc. Nhưng có hề gì, không có niềm vui nào hơn với Borton lúc ấy! Những chuyến đi không mệt mỏi của bà đã giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh sau này xuất bản thành công cuốn sách “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” bằng tiếng Việt và tiếng Anh được bạn đọc đánh giá cao”, bà Tình cho biết.

“Trong vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” kéo dài từ tháng 6-1931 đến đầu năm 1933, có một vị luật sư người Anh luôn ở bên trợ giúp pháp lý và giúp Người tìm lại được tự do là ông Francis Henry Loseby” - TS. Nguyễn Thị Tình tiếp tục câu chuyện: “Sau này, vào năm 1959, thông qua Lãnh sự quán Việt Nam ở Hồng Công, Bác Hồ gửi tặng ông Loseby bức tranh thêu “Chùa Một Cột”. Năm 1960, Bác mời gia đình luật sư sang thăm Hà Nội. Bức tranh đã được gia đình luật sư gìn giữ như một tài sản quý suốt những năm tháng ở Hồng Công. Sau đó, khi vợ chồng luật sư mất, bức tranh đã được người con gái duy nhất của ông bà mang về Anh”.

Có lẽ câu chuyện về bức tranh sẽ dừng lại ở đó nếu như một ngày TS. Nguyễn Thị Tình - thời điểm đó là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh-không được tiếp chuyện một vị khách đến từ Anh. Đó là người cháu họ của luật sư Loseby, ông Paul Tagg, với mong muốn thực hiện di nguyện của con gái luật sư Loseby trước khi mất là được trao tặng nhân dân Việt Nam bức tranh quý. Sau đó, được sự đồng ý của những người có trách nhiệm, ông Paul Tagg tìm đến hãng bảo hiểm để chuyên chở bức tranh thật an toàn về Việt Nam. Ngày 22-5-2005, trong buổi lễ trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Paul Tagg đã trao tặng bảo tàng kỷ vật quý báu của gia đình luật sư Loseby. Hiện nay, bức tranh thêu “Chùa Một Cột” đang được bảo quản tại kho lưu trữ của bảo tàng và sẵn sàng giới thiệu tới công chúng vào những triển lãm quan trọng.

Tượng Bác ở Công viên Montreau

“Khoảng những năm 1999-2000, qua con đường ngoại giao, Thị trưởng thành phố Montreuil, ông Jean-Pierre Brard đã đến gặp chúng tôi đặt vấn đề về việc đặt tượng Bác tại Công viên Montreau của thành phố. Trước đề nghị của ông, chúng tôi hứa sẽ báo cáo việc này lên cấp trên” - TS. Nguyễn Thị Tình cho biết. Ngài Thị trưởng thành phố Montreuil là một người rất yêu kính Bác và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Suốt những năm tháng thanh niên, ông luôn ủng hộ Việt Nam bằng những hoạt động như: Xuống đường phản đối chiến tranh tại Việt Nam; quyên góp, ủng hộ miền Bắc Việt Nam. Thời gian làm thị trưởng, ông dành nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam, như: Kết nghĩa giữa thành phố Montreuil và tỉnh Hải Dương; giúp đỡ về nông nghiệp, trồng lúa và thủy lợi đối với nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam; đặc biệt là việc khánh thành Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống thành phố Montreuil. Tại đây hiện lưu giữ một số kỷ vật còn lại của căn phòng Bác đã ở tại nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris.

nguoi nuoc ngoai 2
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình (bên phải) bên bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Công viên Montreau, thành phố Montreuil, Pháp, ngày 19-5-2005. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trở lại chuyện đặt tượng Bác tại Công viên Montreau. Thực tế, việc đặt tượng Bác ở nước ngoài có những quy định rất đặc biệt. Trước hết, mẫu tượng phải đạt được những quy chuẩn nhất định. Thế rồi, trên cơ sở mẫu bức tượng bán thân Bác của nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường làm thạch cao, trải qua 3 lần duyệt của lãnh đạo TP Hà Nội thì mới chính thức được đúc bằng đồng. Rồi đến việc lựa chọn hoa văn thế nào cho hợp, kích thước, khung lắp đặt bức tượng ra sao đều được tính toán rất cẩn thận.

5 năm sau, mọi công tác chuẩn bị mới được hoàn tất. Đúng dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Người, 19-5-2005, vào hồi 14 giờ 30 phút, lễ đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Montreau đã diễn ra trọng thể trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân Pháp và bà con Việt kiều tại đây. Phát biểu trong buổi lễ hôm ấy, ngài thị trưởng thành phố bày tỏ niềm vui và sự xúc động sâu sắc: “Nhiều người có thể kể lại hay hơn tôi về cuộc đời của Bác Hồ, một cuộc đời chỉ dành cho cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của đất nước mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là nhắc lại cùng các bạn những cơ sở đã gắn bó nhân dân Montreuil với con người đó, ở đây “bảo tàng sống” đã dành một không gian cho Người và dành chỗ cho căn hộ của Người… Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn của tôi với các bạn Việt Nam và tin tưởng rằng, mãi mãi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ dõi theo tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta…”.

Thu Thúy

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: