Từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất diễn ra ở Châu Âu và Bắc Mĩ giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mà xuất phát điểm là ở nước Anh, nhân loại đã bắt đầu nhận thức được sức mạnh thực sự của khoa học, kĩ thuật. Có thể nói, cách mạng công nghiệp là một trong những nguyên nhân cơ bản hình thành lên chủ nghĩa tư bản và các đế quốc hùng mạnh thời bấy giờ. Chính nhờ tàu bè, súng ống mà năm 1858 người Pháp đã nổ phát súng đầu tiên lên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cho mấy chục năm Pháp thuộc, làm cho nhân dân ta lâm vào cảnh lầm than. Những thành tựu khoa học, kĩ thuật nổi bật của phương Tây thời kì đó là động lực thôi thúc các chí sĩ yêu nước của dân tộc ta như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…và sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh làm ra các cuộc vượt biển lớn, đi tìm con đường giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khoa học và công nghệ giai đoạn mới hiện nay bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 40 thế kỷ trước và đặc trưng rõ nét nhất từ khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên chinh phục không gian vũ trụ, tiếp đó là con người bay vào vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng, các công trình nghiên cứu vũ trụ khác; sự ra đời của các ngành công nghệ mới như công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ năng lượng tái tạo…Đến cuối thế kỷ XX, có thể khẳng định rằng nền sản xuất xã hội đang biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ tạo nên sự phát triển nhảy vọt, một bước chuyển lịch sử sang một kỉ nguyên hoàn toàn mới - kỉ nguyên tri thức. Tri thức đã thực sự trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội loài người và khoa học - công nghệ chính là yếu tố tạo ra tri thức đó. Khoa học - công nghệ là một trong những thế mạnh chủ yếu giúp cho các nước phát triển duy trì được vị thế của mình, đồng thời cũng trở thành động lực, cơ hội, là đòn bẩy giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam tiến lên. Sự trỗi dậy của những “con rồng, con hổ” Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là những ví dụ xác thực nhất cho luận điểm đó.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nhận định: Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, sự cố gắng của các doanh nghiệp và nhân dân, khoa học và công nghệ nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc….Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chậm được đổi mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế tài chính còn chưa hợp lý. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp….Từ những đánh giá trên, một lần nữa chúng ta cùng nhìn lại, ngẫm lại và học hỏi từ những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch về phát triển khoa học và kỹ thuật.
Bác Hồ với phong cách làm việc khoa học, tiến bộ. Ảnh internet
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến Khoa học, kĩ thuật Việt Nam năm 1963, Bác đã nói: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó”1. Như vậy, một mặt Bác chỉ rõ yếu kém của trình độ khoa học, kỹ thuật nước nhà, một mặt chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của khoa học. Nhiệm vụ đó chính là:“Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân…”. Điều đó có nghĩa, khoa học phải hướng tới người lao động, giúp họ thay đổi, cải tiến lề lối sản xuất, công việc bớt nặng nhọc mà năng suất lao động đạt được cao hơn. Quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và mai sau vẫn còn nguyên giá trị, là bài học lớn cho các nhà hoạch định chính sách đối với sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện nay ở nước ta.
Trong thời gian qua, một vấn đề nổi bật đã được đặt ra, đó là chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học, là tính ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội của các đề tài nghiên cứu khoa học còn rất hạn chế. Ở nước ta, có hàng trăm trường đại học, số lượng các nhà khoa học rất đông đảo, hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, hàng chục nghìn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ….được đào tạo bài bản, công phu, có cơ sở và thiết bị để nghiên cứu, có ngân sách của Nhà nuớc bảo đảm thực hiện….Nhưng những phát minh, sáng chế có hiệu quả ứng dụng thực tiễn cao cho bà con nông dân như máy gặt lúa, máy tách hạt, máy thái hành, tỏi, máy thu hoạch hoa quả, máy cắt tỉa cành…lại do chính những người nông dân tự mày mò, học hỏi, nghiên cứu sáng tạo ra, trong khi đó rất nhiều đề tài, dự án khoa học hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng do các nhà nghiên cứu khoa học thực hiện thì lại “đắp chiếu” và không có ứng dụng trong thực tế, cũng không có nhiều đóng góp vào tri thức khoa học cơ bản. Nói như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Các nhà khoa học lo về tiền còn vất vả hơn nghiên cứu, dẫn đến hiệu quả hạn chế, làm xong ứng dụng thực tế thì ít mà lưu kho thì nhiều, trong khi chính người nông dân lại tự sáng tạo ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất hiệu quả”, hay như gần đây nhiều báo chí đưa tin, giật tít “Nông dân Việt Nam “đánh bại” các nhà khoa học thế nào?”…Đó là điều mà các nhà khoa học, cũng như các nhà quản lí khoa học - công nghệ cần phải thực sự thẳng thắn nhìn nhận và có biện pháp, định hướng phát triển chiến lược hiệu quả, nghiêm túc.
Bàn sâu hơn về vấn đề này, Bác căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kĩ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kĩ thuật; phải góp tài góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”2 . Bằng những câu từ giản dị dễ hiểu đó, Bác đã chỉ ra đường hướng cơ bản cho sự phát triển khoa học - công nghệ, đó là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học với lao động sản xuất và đời sống xã hội. Đồng thời Bác cũng đã chỉ ra trách nhiệm lớn lao của các nhà khoa học trong việc “cải biến bộ mặt xã hội”, định hình bộ mặt văn hóa của đất nước và sứ mệnh làm cho đời sống của nhân dân “khoa học, lành mạnh và vui tươi”. Các nhà khoa học, thông qua hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến kiến thức, phải có trách nhiệm giúp người dân sinh hoạt và làm việc khoa học, hợp lý hơn, loại bỏ những thói quen sống và làm việc lạc hậu, trì trệ. Có thể nói, tư tưởng đúng đắn đó của Người càng cần phải được áp dụng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh hiện nay, khi sự liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu, người làm khoa học với người dân, các doanh nghiệp và rộng hơn là đời sống thực tiễn xã hội chưa thực sự sâu sắc và chặt chẽ; sự xa rời thực tế, ít có tính mới, tính sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học là những trăn trở cần phải có những đường lối, chính sách lãnh đạo, biện pháp thực hiện quyết liệt của Đảng và Nhà nước.
Nghiên cứu khoa học luôn có tính kế thừa. Nhận thức sâu sắc điều đó, Người đã căn dặn các nhà khoa học nói chung phải có “nhiệm vụ dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học, kĩ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học” 3. . Đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, về vai trò của các em đối với sự phát triển của khoa học - công nghệ nói riêng và của đất nước nói chung. Bác đã nhấn mạnh một triết lý giáo dục rất khoa học đó là phải tạo cho trẻ em tình yêu khoa học, ham hiểu biết, khám phá ngay từ thuở nhỏ; không phải dạy cho học sinh thật nhiều chữ nghĩa, mà là khơi dậy ở các em niềm yêu thích, tự học hỏi và sáng tạo. Khi các em đã có tình yêu với tri thức thì các em sẽ tự giác học tập và từ đó hiệu quả giáo dục cũng sẽ được nâng cao. Bác cũng nhận định rằng, khi các em đã biết yêu khoa học từ nhỏ thì lớn lên sẽ trở thành người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học. Điều đó thực sự rất quan trọng và có ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc thực hiện CNH-HĐH đất nước và hội nhập toàn cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ảnh internet
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển khoa học, kĩ thuật nước nhà không chỉ thể hiện qua những bài nói, bài viết, mà còn qua chính cách Bác trọng dụng nhân tài nói chung và đối với các nhà khoa học nói riêng. Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, Bác đã thu hút được rất nhiều trí thức, nhà khoa học về phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước; giao cho họ những công việc hợp sở trường, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa năng lực, hiểu biết của mình góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Xuất phát từ lòng yêu nước, niềm tin, niềm cảm phục đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, biết bao nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống êm ấm, giàu có ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo hay Paris để tham gia cách mạng, sẵn sàng chịu nhiều hi sinh, gian khổ, lập nên những kỳ tích về khoa học, kĩ thuật trong kháng chiến và phát triển đất nước. Trong ký ức của mình, ông Vũ Kỳ rất ấn tượng về bức thư kêu gọi những người tài giỏi ra giúp đỡ Chính phủ của Bác năm 1945 và việc Bác cho đăng tin trên báo chí: Sẵn sàng dành thì giờ tiếp 15 phút với bất kỳ ai để nghe kiến nghị, góp ý phê bình về các vấn đề quốc kế, dân sinh... Như vậy, với tư tưởng tiến bộ và phong cách làm việc khoa học của mình, Bác luôn tôn trọng ý kiến đóng góp của các trí thức, các nhà khoa học đối với mỗi quyết sách lớn của đất nước. Bác không chỉ lắng nghe những ý kiến hợp tình, hợp lý, đúng đắn mà còn trân trọng lắng nghe cả những ý kiến phản biện, trái chiều, miễn sao các ý kiến đó có mục đích chung là giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Tinh thần cầu thị đó của Bác với các trí thức, các nhà khoa học chính là bài học lớn đối với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý đất nước ta trong thời kì hiện nay, khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra ngày càng phổ biến và nhức nhối, rất nhiều nhà khoa học ưu tú của đất nước đang cống hiến tri thức của mình cho các nước tiên tiến vì trong nước không có được điều kiện tốt nhất để phát huy, phát triển tài năng…. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nền khoa học - công nghệ nước ta chưa bắt kịp các nước phát triển trên thế giới.
Gần đây trên báo chí cũng đã có nhiều bài viết, nhiều chuyên đề thảo luận về các vấn đề như làm thế nào để đưa nền khoa học Việt Nam đi lên, làm thế nào để thu hút các nhà khoa học giỏi về nước. Có thể nói, trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, yếu tố con người là quan trọng nhất, được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, Bác đặt biệt coi trọng xây dựng “con người mới” vì đây là động lực quyết định hướng đi lên của xã hội Việt Nam tương lai. Con người mới vừa là nhân vừa là quả của quá trình đấu tranh xây dựng xã hội mới. Bác nói: “Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ”. Điều đó nghĩa là, con người mới phải có tri thức văn hóa và khoa học, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ dựa trên những phẩm chất đạo đức được tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Do đó, muốn khoa học - công nghệ nước ta ngày càng phát triển thì vấn đề ưu tiên trước nhất là phải thu hút được người tài, người giỏi và đặc biệt là thu hút được các nhà khoa học đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế. Để làm được điều đó phải tạo điều kiện cho họ được làm việc, giao những trọng trách xứng đáng dựa trên tài năng, tạo ra cho họ môi trường tự do học thuật, không bị gò bó bởi các yếu tố chính trị. Các nhà lãnh đạo cũng như cán bộ các cấp cần thực sự cầu thị, tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của họ trong những vấn đề liên quan tới phát triển khoa học, kĩ thuật, phát triển đất nước. Tiếp đến là cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế để các nhà khoa học có được điều kiện tốt nhất để làm việc, nghiên cứu. Và yếu tố cũng rất quan trọng và được quan tâm đó là mức lương chi trả cho các nhà khoa học ít nhất cũng phải bảo đảm được cuộc sống cơ bản của họ và gia đình, để họ không phải gánh thêm nỗi lo “cơm áo gạo tiền”….
Từ hơn nửa thế kỷ trước, Người đã khẳng định “Nhiệm vụ của khoa học, kĩ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kĩ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi” 4 . Điều đó có nghĩa, nhiệm vụ phát triển khoa học, kĩ thuật là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà khoa học có vai trò tạo ra tri thức và phổ biến tri thức cho nhân dân và nhân dân cũng cần tích cực học hỏi, sống, làm việc một cách khoa học để đưa đất nước đi lên, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thấm nhuần những lời dạy sâu sắc đó của Người, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, định hướng phát triển chiến lược, quan trọng cho nền khoa học - công nghệ nước nhà, đặc biệt Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020; ngày 01/11/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ; Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2012/NĐ-CP ngày 25/12/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 02 năm 2013 và thay thế cho Nghị định số 62/2008/NĐ-CP ngày 12/5/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.…sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để nền khoa học - công nghệ Việt Nam phát triển đi lên, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
1, 2, 3, 4: Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, XB lần 3, tập 14, trang 96.
Huyền Trang