Là người làm sử, tôi cứ nghĩ mãi một câu hỏi: Bác Hồ sinh ra từ mảnh đất Nghệ An (1890), lớn lên theo cha vào Huế (1905) rồi đi tiếp về phương Nam, đến thành phố Sài Gòn (1911) để rồi từ đó xuất dương. Bôn ba khắp 5 châu bốn biển, 30 năm sau con người ấy trở về với Tổ quốc từ một cửa ngõ địa đầu phía Bắc (1941).
Con người ấy dường như chưa một lần đặt chân lên Hà Nội. Hơn thế nữa nếu tính từ khi nhà Nguyễn lập triều, vua Gia Long đã rời đô từ Thăng Long vào Huế (1802) thì Hà Nội đã không còn là kinh đô từ ngót một thế kỷ rưỡi. Tên gọi Thăng Long bị biến cải chữ (hán) “Long” là “rồng” thành “Long là sự hưng thịnh” để xóa bỏ danh tính gắn với vương triều; rồi hạ thấp tường thành; rồi phá bỏ thành quách cũ để xây thành “vô băng” làm tỉnh thành Hà Nội...
Thực dân biến nước ta thành thuộc địa còn đang tâm chia nước ta làm ba mảnh, chỉ coi Hà Nội là một trung tâm hành chính của Bắc kỳ mặc dù có xây Phủ toàn quyền toàn Đông Dương ở Hà Nội cũng giống như ở Sài Gòn...
Vậy mà cái tâm thức nào đã khiến vị lãnh tụ của cuộc cách mạng, tại Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã đưa ra quyết định sáng suốt chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, đã nối lại mạch nghiệp xưa của kinh đô Thăng Long - Đông Đô?
Rồi lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội sau khi thành phố đã giành chính quyền trước khi nhận được bản quân lệnh số 1. Vì sao nhà cách mạng từng trải ấy lại chọn chỗ ở là nhà của một trong những người giàu nhất, tại giữa một khu phố giàu nhất Hà Nội? Cũng tại ngôi nhà này vị Chủ tịch lâm thời đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng và tiếp đón nhiều thượng khách...?
Với Bác, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Với Bác, tấm áo giáp chở che cách mạng không chỉ là những người cùng khổ mà “hễ là người Việt Nam đều có tấm lòng yêu nước”. Do vậy mà Hà Nội dường như không xa lạ với nhà cách mạng xứ Nghệ.
Rồi trong những ngày căng thẳng nhất của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Bác vẫn gắn bó với Hà Nội và tiên đoán rằng chính bầu trời của Hà Nội sẽ là nơi diễn ra trận quyết đấu định đoạt cuộc chiến. Hơn ba năm sau ngày Bác ra đi, mùa đông 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không” với sự liên tưởng hào hùng về hình ảnh rồng lửa Thăng Long quật nhào B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô đã chứng thực cho lời tiên đoán của Bác. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris đã “đánh cho Mỹ cút” và hai năm sau đó ngụy bị đánh nhào... Cả nước vang lên bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Trả lời cho những câu hỏi trên, có thể tìm thấy dưới chiều sâu của di chỉ hoàng thành, pho sử đầy thuyết phục về truyền thống ngàn năm văn hiến của kinh thành Thăng Long xưa. Và có một câu trả lời nữa đã được ghi tạc trong sử sách: Trong lịch sử Việt Nam, có hai triều đại là nhà Hồ ở đầu thế kỷ 15, và nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ 19, đã nhấc chân lên khỏi mảnh đất thiêng, dời đô khỏi mảnh đất mà đức Lý Công Uẩn đã viết trong “Chiếu dời đô”: “Đó là nơi thắng địa, tụ hội nhìn khắp bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời... mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”. Và lịch sử cả hai triều đại ấy, dài ngắn khác nhau đều không tránh khỏi sự suy vong trước nạn ngoại xâm.
Thật dễ hiểu, Bác Hồ đã từng mở đầu một bài diễn ca bằng lời căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta”.
Dương Quốc Trung
Theo Việt Báo
Kim Yến(st)