Từ sự bi quan, chán nản cá nhân, những người mang tư tưởng hoài nghi và chủ nghĩa hư vô nếu không được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời có thể tạo ra “virus” ảo não, bi ai cho xã hội, thậm chí làm rệu rã niềm tin, tác động tiêu cực đến ý chí rèn luyện, động lực phấn đấu của người khác.
Không những vậy, khi tư tưởng hoài nghi, chủ nghĩa hư vô được lồng ghép vào động cơ chính trị, mưu đồ cá nhân không lành mạnh có thể sẽ tạo ra sự rối nhiễu thông tin, đảo lộn giá trị và làm lung lay nền tảng tư tưởng văn hóa, xã hội.
1. Đối với mỗi con người trên hành trình đi tới tương lai không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra bằng phẳng, suôn sẻ, mà lúc này hay lúc khác sẽ ít nhiều gặp thác ghềnh, sóng gió. Trong tình thế khó khăn, thử thách, con người chỉ có thể đứng vững khi đặt niềm tin ở phía trước và đủ dũng khí, bản lĩnh để vượt qua chông gai mới hy vọng đi tới đích thành công.
Lạc quan được ví như liều thuốc bồi bổ tinh thần giúp người cộng sản tìm thấy niềm vui, niềm tin, tình yêu vào cuộc sống, vào sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân. Lạc quan cũng có thể giúp con người nhân lên sự kiên cường để vượt qua thử thách và không nhụt chí, lùi bước trước gian khó, hiểm nguy. Tất nhiên, lạc quan ở đây không có nghĩa là “lạc quan tếu”, mà được hiểu theo nghĩa tích cực, tức là biết gieo mầm hy vọng và hướng về tương lai tốt đẹp trên cơ sở thế giới quan khoa học, niềm tin cách mạng đúng đắn.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn
Khi đã đứng trong hàng ngũ chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cán bộ, đảng viên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần giữ vững bản lĩnh, ý chí, khí tiết để không bị lung lay, dao động trước những tác động khó khăn, thử thách từ thời cuộc. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều luồng thông tin đa chiều, phức tạp tác động thường xuyên, liên tục thì đòi hỏi cán bộ, đảng viên càng phải kiến tạo cho mình một tâm thế vững vàng để làm “điểm tựa niềm tin” cho các tầng lớp nhân dân.
2. Thời gian qua, nhất là những lúc đất nước gặp khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh, trong khi phần đông cán bộ, đảng viên vẫn một lòng, một dạ giữ vững lập trường cách mạng, thủy chung son sắt với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nhạt phai lý tưởng, giảm sút niềm tin vào mục tiêu cách mạng, hoài nghi vào những giá trị tư tưởng tiến bộ của giai cấp công nhân. Điều đáng quan ngại là một số trường hợp có biểu hiện rơi vào chủ nghĩa hư vô. Biểu hiện từ chủ nghĩa hư vô của một số cán bộ, đảng viên thời nay là tự đánh mất phương hướng phấn đấu, tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính của mình, không bằng lòng với xã hội hiện tại, có thái độ buông xuôi, nước chảy bèo trôi, an phận thủ thường, sống nhạt nhòa, vô cảm với thời cuộc. Nguy hại hơn là có người bày tỏ thái độ cào bằng lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, đánh đồng lịch sử với tương lai, không phân biệt đâu là giá trị chân chính, đích thực, đâu là hiện tượng đánh tráo bản chất.
Trong thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng, nỗ lực phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, trên mạng xã hội, trên một số diễn đàn, một số văn nghệ sĩ, tri thức, đảng viên bộc lộ sự hoài nghi về tương lai nhân loại, tương lai dân tộc không có “lối thoát” vì bóng đen đại dịch phủ khắp toàn cầu. Thậm chí có nhiều trường hợp đưa ra những ý kiến, chia sẻ, bình luận, bài viết thể hiện thái độ hư vô rất cực đoan về lịch sử dân tộc.
Việt Nam là quốc gia có bề dày truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đánh giá là một trong những quốc gia có bản sắc văn hóa độc đáo từ thời tiền sử, thì có người lại than thở một cách vô trách nhiệm rằng, họ đang phải sống ở một đất nước lịch sử không có gì đáng tự hào mà cũng chẳng có gì để hối tiếc.
Trong khi Việt Nam từng được nhân loại tiến bộ đánh giá là “phẩm giá, lương tri thời đại” vì đã anh dũng đi đầu trong cuộc chiến đấu, đánh thắng những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất thế giới ở thế kỷ 20. Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn độc lập, thống nhất, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đặc biệt, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong số ít quốc gia tiên phong trong phòng, chống đại dịch Covid-19 rất hiệu quả, trở thành điểm sáng toàn cầu. Vậy mà, vẫn có người rất mơ hồ, vô lối khi phủ nhận thành tựu hôm nay, phủ nhận luôn cả lịch sử huy hoàng của dân tộc ta.
Không chỉ soi xét lịch sử dân tộc một cách mông lung, có người còn để tư tưởng hoài nghi, chủ nghĩa hư vô chi phối tư duy đến mức mụ mị khi cho rằng “bản tính người Việt không tốt, mà cũng không xấu”; rồi “đất nước không đi lên, chẳng đi xuống mà vẫn cứ loay hoay như chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn”, lý do là “tại người Việt thiếu một nền tảng đức tin chân chính về bản thân và lý do tồn tại của nó”...
Thật buồn thay cho những lời than vãn não nề, hư vô trên. Có thể người ta bức xúc về một số vấn đề tiêu cực nào đó đang tồn tại trong xã hội; có thể người ta chưa đồng thuận, ủng hộ một chủ trương, chính sách nào đó chưa thật sự hoàn thiện thì họ có quyền góp ý, phê bình, đấu tranh để cùng chung tiếng nói, góp phần tìm ra chân lý và thực thi chân lý. Nhưng không ai được phép mang tâm trạng bi quan cá nhân rồi sinh ra chán nản, bực bội với chính mình và trút hết những lời nhận định, phán xét vừa mang tính nước đôi, vừa bộc lộ sự ai oán mà thực chất là phủ nhận giá trị lịch sử của một quốc gia - dân tộc có bề dày truyền thống cả nghìn năm và đã có những đóng góp xứng đáng vào tiến trình hòa bình, phát triển của nhân loại.
3. Nhìn nhận, xem xét lịch sử là quyền của mỗi người, nhưng khi nhận định về lịch sử của một quốc gia - dân tộc thì không ai được phép lấy hiện tượng để quy về bản chất, tùy tiện đánh giá lịch sử theo kiểu nửa vời, lờ đờ, mập mờ, thực - hư lẫn lộn nhằm hướng lái dư luận theo cái nhìn loay hoay, hoài nghi vì cách soi xét này gây ra những hệ lụy tai hại. Nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay - những người chưa có điều kiện tìm hiểu, nhận thức đầy đủ, sâu sắc cội nguồn lịch sử dân tộc; chưa am tường, thấm thía nỗi gian lao vất vả của bao thế hệ người Việt đã xả thân, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - khi tiếp nhận những thông tin trên sẽ trở nên nghi ngờ về lịch sử, chông chênh về quá khứ, từ đó dễ bị chao đảo trên hành trình đi tới tương lai.
Thực ra, những biểu hiện hoài nghi, hư vô nằm trong tư duy, nhận thức, thái độ, quan niệm sống ở một bộ phận người hầu như thời đại nào, xã hội nào, thể chế chính trị nào cũng có. Nhưng biểu hiện của chủ nghĩa hoài nghi, hư vô thời nay rất đáng báo động bởi nó được “đánh bóng, chau chuốt” bằng những con chữ tinh vi, ngôn từ xảo trá; được khúc xạ qua lăng kính của một số kẻ sĩ có thể am tường về chính trị, văn hóa, thời cuộc nhưng lại chứa đựng tâm địa nhỏ nhen, động cơ cá nhân ích kỷ; nhất là lại được chia sẻ, lan truyền thông tin trên mạng xã hội gây ra nhiều luồng dư luận rất trái chiều, phức tạp.
Từ sự bi quan, chán nản cá nhân, những người mang tư tưởng hoài nghi và rơi vào chủ nghĩa hư vô nếu không được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời có thể tạo ra những “virus” ảo não, bi ai cho xã hội, thậm chí có thể làm rệu rã niềm tin, tác động tiêu cực đến ý chí rèn luyện, động lực phấn đấu của người khác. Không những vậy, khi tư tưởng hoài nghi, chủ nghĩa hư vô được lồng ghép vào động cơ chính trị, mưu đồ cá nhân không lành mạnh sẽ có thể tạo ra sự rối nhiễu thông tin, đảo lộn giá trị và làm lung lay nền tảng tư tưởng văn hóa, xã hội.
Vì vậy, nhận diện, vạch trần những biểu hiện hoài nghi, chủ nghĩa hư vô để phê phán, đấu tranh nhằm làm trong sạch tư tưởng chính trị nội bộ, từ đó bồi đắp niềm tin cách mạng, tăng cường nhận thức về thế giới quan khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ thiết thực góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
Thiện Văn
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)