Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý) sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bà là Đại tá quân đội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là một trong những thanh niên tiêu biểu của miền Nam được lựa chọn ra miền Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện thân mật các anh hùng Tạ Thị Kiều và Huỳnh Văn Đảnh trong buổi tiếp Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 11/11/1965. Ảnh: BTHCM
Tạ Thị Kiều lớn lên giữa thời khói lửa chiến tranh. Bà nhanh chóng giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện Mỏ Cày. Bà kiên trì vận động nhân dân, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị với địch, tổ chức đội du kích thường xuyên rải truyền đơn, phá rào ấp chiến lược, gài mìn, phá đường, đốt chòi canh…
Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 5/5/1965, Tạ Thị Kiều đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tuyên dương tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất1.
Năm 2006, đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ với bà Tạ Thị Kiều tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn đón tiếp khách và kể cho chúng tôi nghe những điều bà “ghi lòng tạc dạ” về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tháng 11/1965, tôi cùng với bốn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam được ra thăm miền Bắc và thăm Bác Hồ, cùng đi với chúng tôi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Phạm Hùng và các đồng chí thuộc Tổng cục Chính trị.
Bác đón chúng tôi trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Từ xa, trông Người như một ông tiên hiền hòa, giản dị, tác phong nhanh nhẹn. Thấy Bác, chúng tôi chạy ùa đến. Mỗi người chúng tôi đều ôm lấy Bác, tất cả khóc nức nở mà không ai nói được thành lời, cảm thấy Người gần gũi biết nhường nào!
Bác cười đôn hậu và nói:
- Các cháu về với Bác thì phải vui lên, không được khóc.
Nói vậy nhưng giọng Bác trầm xuống: “Bác nhớ đồng bào miền Nam nhiều lắm, nhớ các cụ phụ lão và các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng nên Bác ăn cơm không ngon, Bác ngủ không yên... Đồng bào miền Nam luôn ở trong trái tim của Bác...”.
Chúng tôi chợt nhìn lên, thấy nước mắt Bác rơi mà không sao kìm nén được xúc động...
Đi dạo với Bác quanh vườn hoa một vòng, khi trở lại chúng tôi đã thấy một bàn dài kê sẵn, trên bàn bày hoa và bánh kẹo. Bác bảo: “Các cháu ăn bánh kẹo tự nhiên”. Sau đó, Bác hỏi anh Hồ Vai (dân tộc Pa Kô):
- Cháu Vai! Cha mẹ của cháu sức khỏe thế nào? Cháu có mấy anh chị em? Ăn có được no không? Mặc có được ấm không? Có thiếu muối không?
Anh Hồ Vai trả lời:
- Thưa Bác, nhờ có Đảng, có Bác và đồng bào miền Bắc chuyển muối vô nên đồng bào quê cháu cũng có muối ăn, hăng hái lao động sản xuất.
Khi đồng chí Trần Dưỡng được Bác hỏi thăm, đồng chí ấy ngậm ngùi:
- Thưa Bác, cháu chỉ có một mình côi cút, vì trong lúc gánh hai anh em cháu chạy giặc thì mẹ cháu và em cháu bị giặc Pháp bắn chết. Sau này, ba cháu bị giặc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm giết chết ở đập Vĩnh Trinh. Bây giờ, cháu độc thân, không còn anh em ruột thịt.
Nghe xong, Bác rất cảm động, Bác động viên đồng chí Dưỡng:
- Không sao! Bây giờ cha mẹ của cháu là Đảng, còn anh em của cháu là đồng đội, đồng chí.
Tiếp đó, Bác lần lượt hỏi chuyện các đồng chí Huỳnh Đảnh, Lê Chí Nguyện...
Đây là lần đầu tôi được gặp Bác, vì cảm động nên tôi chỉ kể cho Bác nghe về cha mẹ và anh chị em ruột của mình, chứ không nói được chút nào về cuộc chiến đấu của đồng đội mình.
Dịp này, chúng tôi được ăn cơm cùng Bác, được ăn nhiều món rất ngon. Tôi nhớ, mâm cơm hôm đó có bát canh cải xanh nấu với sườn non, cá kho và cà pháo muối, thêm chén nước mắm và mấy trái ớt. Mỗi người bưng một chén cơm nhưng cứ ngồi ngắm Bác. Thấy vậy, Bác nhắc: “Các cháu ăn đi! Ăn thật ngon, ăn thật hết, đừng để thừa thức ăn”. Tôi có cảm nhận, Người thương chúng tôi như những đứa cháu đi xa mới về. Sự quan tâm, chu đáo của Người, tôi luôn ghi lòng tạc dạ, không bao giờ quên.
Khi Bác đi xa, tôi rất nhớ Người. Những lời dạy của Người năm xưa như vẫn văng vẳng bên tai tôi: Phải có sức khỏe tốt thì mới vượt qua những khó khăn, sóng gió, trở ngại… Là người chiến sĩ cách mạng phải tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân; Hết sức cần cù, nhẫn nại phục vụ nhân dân, đừng hách dịch với nhân dân… Các cháu được đồng bào thương mến, luôn luôn phải khiêm tốn, đừng vì sự thương mến đó mà tự cao, tự đại, đừng coi mình tài giỏi hơn người. Các cháu nên giữ gìn điều đó…”.
Từ sau năm 1965, bà Tạ Thị Kiều còn nhiều lần có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần cuối cùng bà được gặp Bác là lúc Người đi xa mãi mãi. Bà vô cùng xúc động! Trong dịp này, bà vinh dự được túc trực bên linh cữu của Người.
Thời gian đã lùi xa, ký ức về những lần gặp Bác vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà, là động lực khích lệ bà luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Với cương vị Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, khi còn đương nhiệm, bà cùng các đồng nghiệp đã xây dựng và phát triển Bảo tàng trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong và ngoài lực lượng vũ trang Quân khu về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong cuộc đời mình, bà Tạ Thị Kiều đã có dịp được đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Hungary, Cuba… Bà có cảm nhận sâu sắc rằng, những nơi bà đã đi qua, chỉ duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của dân tộc Việt Nam là một con người mẫu mực, giản dị nhất.
Nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều mất năm 2012. Câu chuyện trong ký ức của bà về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ mãi luôn khắc ghi trong lòng mỗi con người Việt Nam./.
Nguyễn Thu Huyền
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đức Lâm (st)
-----------------------------
1. Đại hội tổ chức từ ngày 2 đến ngày 6/5/1965 với gần 150 chiến sĩ thi đuavề dự, trong đó có 23 Anh hùng quân giải phóng (nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).