Tăng cường giáo dục, rèn luyện, phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước cho quân nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng, phát hiện nguyên nhân, tiến hành đồng bộ các giải pháp phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”1 và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”2; đồng thời, quán triệt, thực hiện khâu đột phá về chấp hành kỷ luật, pháp luật mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã xác định, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn tuyệt đối, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật là: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân có sự đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, phương pháp và từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều đơn vị đã lồng ghép công tác giáo dục với biện pháp quản lý hành chính, duy trì kỷ luật, kỷ cương và quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, gắn bó xây dựng cơ quan, đơn vị, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, công tác, học tập, sinh hoạt được duy trì chặt chẽ, nghiêm túc; nội bộ đoàn kết, thống nhất, mối quan hệ cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới được giải quyết hài hòa, phát huy tốt những giá trị, nét đẹp văn hóa quân sự, phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật trong toàn quân có chuyển biến tích cực, toàn diện, rõ nét, có chiều hướng giảm dần trên các tiêu chí về tổng số vụ, số đối tượng vi phạm3. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, sự chuyển biến tiến bộ về chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị an toàn của các cơ quan, đơn vị chưa thực sự vững chắc. Tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm kỷ luật, pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản vẫn còn xảy ra. Đáng chú ý là, những năm gần đây, xuất hiện một số loại tội phạm mới, phi truyền thống, có tính chất rất phức tạp, như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản. Một số loại vụ việc xảy ra chiếm tỷ lệ cao trên tổng số vụ việc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội, điển hình là: tai nạn giao thông chiếm 34,81%; cố ý gây thương tích chiếm 5,05%; tự tử, tự sát chiếm 3,97%; đánh bạc chiếm 1,7%; giết người chiếm 1,08%; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí chiếm 0,68%, v.v.
Nguyên nhân của các vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật trong Quân đội có cả khách quan và chủ quan, nhưng qua tìm hiểu thấy rằng chủ yếu là do: cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật; thực hiện có lúc, có nơi còn chiếu lệ, hình thức; chưa phát huy tốt vai trò và huy động được mọi lực lượng tham gia. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả còn thấp; nội dung, hình thức, phương pháp còn đơn điệu; việc lồng ghép, gắn giáo dục chính trị với phổ biến, giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật bộ đội còn hạn chế; chưa chú trọng giáo dục, rèn luyện tích lũy kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho bộ đội, nên khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp dễ dẫn đến chán nản, tiêu cực, mất phương hướng, bế tắc về tư tưởng và hành động. Việc duy trì, thực hiện nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất,… tại một số đơn vị chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, đôn đốc của chỉ huy các cấp chưa thường xuyên, thiếu tỷ mỷ, chưa chủ động, kiên quyết; phương pháp, tác phong công tác của một số cán bộ cấp phân đội chưa gương mẫu, chưa khoa học, còn chủ quan, đơn giản, chưa có nhiều biện pháp, kinh nghiệm trong quản lý, rèn luyện kỷ luật và xây dựng nền nếp chính quy. Khi phát sinh những biểu hiện tiêu cực hoặc có vụ việc xảy ra, chưa chú trọng tìm hiểu nguyên nhân, thiếu kiên trì giáo dục, thuyết phục, nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh; xử lý chưa kiên quyết, dứt điểm, không dự kiến được tình hình để có biện pháp phòng ngừa; báo cáo chưa kịp thời, không trung thực, còn che giấu khuyết điểm vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị và cá nhân. Một số cán bộ, chiến sĩ nhận thức, tinh thần tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước còn hạn chế. Công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ, tuyển sinh quân sự còn có những sơ hở, thiếu sót; việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và gia đình quân nhân trong nắm tình hình địa bàn, tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của quân nhân thuộc quyền chưa thường xuyên, bị động khi có vụ việc xảy ra.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm; phòng, chống vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là kỷ luật nghiêm trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về tư tưởng, kỷ luật, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, thực hiện một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật trong Quân đội. Đây là nguyên nhân chung dẫn tới những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị thời gian qua. Do vậy, thực hiện tốt nội dung, giải pháp này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, chấp hành kỷ luật, xây dựng đơn vị an toàn, phòng, chống vi phạm kỷ luật, pháp luật trong Quân đội. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên, trọng tâm là: Kết luận số 1249-KL/QUTW ngày 27/11/2019 của Quân ủy Trung ương về tình hình chấp hành kỷ luật của toàn quân; Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Hướng dẫn số 2556/HD-CT ngày 30/12/2019 của Tổng cục Chính trị về công tác đảng, công tác chính trị trong quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật, kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v.. Cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo tăng cường công tác quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn; nghị quyết, kết luận lãnh đạo thường kỳ của các cấp ủy cần xác định rõ công tác giáo dục pháp luật, phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị là một khâu đột phá, nội dung trọng tâm, phải thường xuyên rà soát, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo. Đồng thời, phải được cụ thể hóa vào kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp, sát yêu cầu nhiệm vụ. Trong thực hiện, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy, duy trì cơ quan, đơn vị chấp hành nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn. Để thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả, các đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống quy chế, nội quy, quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tiến hành tốt việc sơ kết, tổng kết, phát hiện, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả; chấn chỉnh, khắc phục khấu yếu, mặt yếu, nhân rộng đơn vị vững mạnh toàn diện “tiêu biểu, mẫu mực” ở các cơ quan, đơn vị.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng. Đây là nội dung cấp thiết, đồng thời là yêu cầu đã được đưa vào chương trình giáo dục chính trị bắt buộc cho các đối tượng trong Quân đội. Vì vậy, hoạt động giáo dục cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện theo hướng đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, với các biện pháp phù hợp tình hình cơ quan, đơn vị, đối tượng quản lý, được tiến hành thường xuyên, liên tục; gắn công tác này với mọi hoạt động của đơn vị. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, vấn đề giáo dục, xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ có ý nghĩa rất quan trọng. Phải lấy việc xây dựng lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đấu tranh có hiệu quả lối sống thực dụng, vị kỉ, vi phạm nhân cách đạo đức, vi phạm kỷ luật, pháp luật; coi trọng giáo dục những tiêu chí đạo đức của người quân nhân cách mạng. Bên cạnh đó, cần chủ động giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, hoạt động và các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, giữa cá nhân với tập thể, cấp trên với cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ với nhân dân. Để đạt hiệu quả, cần gắn kết với thực hiện các cuộc vận động, phong trào Thi đua Quyết thắng, nhất là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh; phát huy tốt vai trò của các thiết chế văn hóa. Cán bộ các cấp gần gũi, gắn bó cán - binh, coi chiến sĩ như những người thân để nắm, quản lý tốt tình hình, diễn biến tư tưởng bộ đội; chủ động phát hiện những biểu hiện tiêu cực, không để xảy ra bất ngờ. Kịp thời động viên, giải quyết những vướng mắc và có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra, tránh các biểu hiện thụ động, giản đơn trong công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, kỷ luật và nắm tư tưởng bộ đội.
Ba là, thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp xây dựng chính quy, quản lý bộ đội, vũ khí trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất và xử lý nghiêm vi phạm. Đây là nội dung rất quan trọng trong xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện - vấn đề then chốt trong duy trì chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Trong thực hiện, chỉ huy các cấp, nhất là ở cơ sở cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; nắm chắc các quy định của Điều lệnh, chế độ công tác của người chỉ huy; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tính kế hoạch trong chỉ huy, điều hành đơn vị; khắc phục tình trạng độc đoán, tùy tiện. Quản lý chặt chẽ đơn vị và mọi hoạt động của quân nhân, tạo thành ý thức tự giác, thói quen chấp hành chế độ, chấp hành kỷ luật, pháp luật. Tăng cường công tác quản lý con người, vũ khí, cơ sở vật chất, tài sản công, các giấy tờ tùy thân của quân nhân theo đúng quy định. Duy trì thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn trong huấn luyện, học tập, công tác, lao động và tai nạn rủi ro gây hậu quả nghiêm trọng. Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, cần quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị, phương tiện, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, tránh để xảy ra các vụ việc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ và các vi phạm khác. Tổ chức, duy trì lực lượng kiểm soát quân sự thường xuyên kiểm tra người và phương tiện quân sự; cấm hạ sĩ quan - chiến sĩ sử dụng xe máy tham gia giao thông; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định về sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt, học tập công tác và khi tham gia giao thông. Khi có vụ việc xảy ra, phải báo cáo kịp thời chỉ huy và cơ quan chức năng để chỉ đạo, giải quyết; nhanh chóng ổn định tình hình đơn vị, tránh để xảy ra đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Căn cứ vào tính chất, mức độ và thẩm quyền theo quy định, phải điều tra, xử lý nghiêm những người vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước và trách nhiệm liên đới của người chỉ huy để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Kiên quyết khắc phục tình trạng che giấu vụ việc, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và việc dự báo, đánh giá tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng.
Đồng bộ với các giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị, như: hội đồng quân nhân, đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và gia đình quân nhân,… để giáo dục, rèn luyện, phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật cho quân nhân. Quan tâm chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh không để các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu cài cắm, móc nối vào nội bộ và những tiêu cực xã hội xâm nhập vào cơ quan, đơn vị, xây dựng đơn vị an toàn, gắn với địa bàn an toàn.
Nguyễn Đình Bằng
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Giang Hải (st)
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H.2011, tr. 537.
2. Sđd, Tập 7, tr. 483.
3. Theo số liệu thống kê: năm 2018 giảm 8,0% so với năm 2017; năm 2019 giảm 1,2% so với năm 2018.