Mỗi quốc gia, mỗi tờ báo và mỗi cá nhân cần nhận thức rõ mối đe dọa của tin giả, đồng thời hành động một cách có trách nhiệm để ngăn chặn “virus độc” này. Đây cũng là thách thức và trách nhiệm đặt ra đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ở Việt Nam.
(Hình minh họa)
KHỐN KHỔ BỞI THÔNG TIN GIẢ MẠO
Maatje Benassi là một nữ quân nhân dự bị người Mỹ có hai con nhỏ. Cô bị những kẻ theo các thuyết âm mưu đổ lỗi là nguồn gốc mang dịch bệnh Covid-19 từ Trung Quốc vào nước Mỹ. Lời cáo buộc sai trái tràn lan trên YouTube mỗi ngày, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem. Mặc dù chưa từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona và cũng chẳng hề có triệu chứng nào, Benassi cùng chồng vẫn trở thành chủ đề của các cuộc tranh cãi truyền thông xã hội liên quan đến dịch bệnh. Cuộc sống của hai vợ chồng trở thành địa ngục, địa chỉ gia đình bị đăng lên Internet, và trước khi đóng tài khoản mạng xã hội thì hộp thư của họ bị ngập trong hàng ngàn hàng vạn tin nhắn về cái thuyết âm mưu quái quỷ nọ.
Gia đình của Benassi không phải là duy nhất bị khốn khổ bởi thông tin giả mạo, sai lệch. Rất rất nhiều người khác cũng trở thành nạn nhân, từ người bình dân cho đến người nổi tiếng. Tỷ phú Bill Gates nằm trong số này. Một số thuyết âm mưu gắn Bill Gates với đại dịch Covid-19 được nhắc tới 1,2 triệu lần trên truyền hình và mạng xã hội trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020, theo một điều tra mà báo New York Times công bố ngày 17/4. Những thông tin sai lệch này nằm trong các video trên YouTube (10 video được nhiều người theo dõi nhất có tổng cộng gần 5 triệu lượt xem) và hơn 16.000 status trên Facebook với tổng số gần 900.000 lượt “like” và bình luận.
Những nội dung ấy kết nối tinh vi với những phát ngôn của vị tỷ phú trong các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn; với quan hệ của ông và những người như Jeffrey Epstein và cựu tổng thống Bill Clinton, cùng chi tiết về các khoản hỗ trợ tài chính và những hoạt động khác của Quỹ Bill & Melinda Gates… đã cáo buộc nhà đồng sáng lập hãng phần mềm Microsoft biết trước về đại dịch, thậm chí chủ mưu làm bùng phát đại dịch để tranh thủ kiếm lợi hoặc để triển khai các hệ thống giám sát và kiểm soát người dân.
TIN GIẢ VƯỢT TẦM KIỂM SOÁT
Dịch bệnh Covid-19 có lẽ là “mảnh đất màu mỡ” để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới và ở Việt Nam: từ những người vô tình hay hữu ý tung tin về việc phát hiện ca nhiễm bệnh ở chỗ này chỗ kia; từ những status vô cùng ngớ ngẩn nhưng vẫn thu hút khá đông lượt chia sẻ như chính phủ phun thuốc lên trời để chống dịch hoặc phải ăn 6 - 12 quả trứng luộc để phòng virus; cho đến những thông tin gây hoang mang và hoảng loạn cho xã hội như việc loan báo có người đầu tiên tử vong vì virus corona, thúc bách người dân tích trữ lương thực thực phẩm và thuốc men, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam... Theo một báo cáo của cơ quan công an, lợi dụng tình hình dịch bệnh với nhiều diễn biến gây lo ngại, nhiều đối tượng thù địch đã thiết lập hàng trăm website và hàng nghìn nhóm (kín và công khai), tài khoản mạng xã hội (Facebook, YouTube, Zalo…) tán phát thông tin dưới nhiều thủ đoạn khác nhau.
Tin giả không chỉ tồn tại trên mạng xã hội mà trên cả các trang báo. |
Một loạt trang web tin tức như Toronto Sun, New York Post, U.S. Sun và Vietnam Insider,... mới đây đăng bài khẳng định mèo đen ở Việt Nam đang bị “thu gom, giết và nghiền thành thuốc chữa virus corona”. Các website này đều trích nguồn từ hãng tin South West News Service, tự nhận là một hãng tin tức và nội dung truyền thông có trụ sở ở Anh và Mỹ với lịch sử hơn 40 năm. Thịt chó và thịt mèo lâu nay là một phần trong ẩm thực của một số vùng miền tại Việt Nam, dù thực tế này gây nên một số tranh cãi, song, thông tin “mèo đen được dùng làm thuốc để đối phó với dịch Covid-19” là hoàn toàn sai trái và vô căn cứ. Trang kiểm chứng thông tin nổi tiếng Politifact cũng đã phải lên tiếng về vụ việc này. Rốt cục, South West News Service đã phải gỡ fake news kể trên, nhưng tin vẫn tồn tại trên nhiều website và mạng xã hội.
UNESCO từ vài năm trước đã đưa ra những lời cảnh báo rằng cách thức trao đổi thông tin sẽ có tác động cả về chính trị, kinh tế, công nghệ và xã hội; đề cập đến tình trạng “nhiễm độc” do những chiến dịch thông tin sai trái gây ra, đe dọa sự ổn định của xã hội và thậm chí mạng sống của con người. Guy Berger, Giám đốc về chính sách và chiến lược thông tin truyền thông thuộc UNESCO, nhấn mạnh rằng “thời điểm xảy ra những nỗi sợ hãi, những điều bất an và những vấn đề không lý giải được chính là cơ hội để những điều bịa đặt - xuyên tạc nở rộ và phát triển mạnh mẽ”. Khi những thông tin sai lệch được lặp đi lặp lại và khuếch đại, nhất là bởi những người có ảnh hưởng, thì người ta lại càng tin vào những thông tin đó, tưởng rằng nó là thực.
Tuy những lời cáo buộc với vợ chồng Benassi rõ ràng là vô căn cứ và quá ảo, nhưng những lời đe dọa mà họ nhận được và nỗi sợ hãi trong họ thì hoàn toàn là thực. Matt Benassi - chồng của Maatje Benassi - lo rằng sự việc của vợ chồng anh có thể biến thành “một vụ Pizzagate khác” - tức là một thuyết âm mưu vô căn cứ khẳng định có một đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng nhiều nhân vật quyền lực nữa, hoạt động dưới tầng hầm của một quán pizza ở thủ đô Washington DC. Quan điểm quá khích này chẳng được chú ý mấy cho đến khi một người đàn ông xuất hiện tại quán vào cuối năm 2016 và nổ súng với lý do ông ta muốn điều tra vụ “Pizzagate”.
Thông tin giả gây nên hậu quả thật. |
ĐỐI PHÓ VỚI TIN GIẢ
Ở những nơi khác, thông tin giả cũng gây nên hậu quả thật. Hơn 300 người Iran đã tử vong, hơn 1.000 người phải nhập viện do ngộ độc rượu sau khi có thông tin trên mạng rằng uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa Covid-19. Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hàng trăm “bài thuốc” thiếu cơ sở khoa học, thậm chí có hại cho sức khỏe đã được đưa lên mạng, từ dùng cây đinh hương tới uống nước tiểu và phân bò. Hồi giữa tháng 2, khoảng 200 tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ đã tổ chức sự kiện uống nước tiểu bò ở thủ đô New Delhi vì tin rằng nó có thể chữa được Covid-19. Bộ Y tế Pháp đã phải đăng tuyên bố bác bỏ thông tin trên mạng rằng “cocaine có thể chữa Covid-19”.
Đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm về sự lan tràn của tin giả và đối tượng chịu sự chỉ trích đầu tiên chính là các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube hay Twitter, Whatsapp. Đương nhiên rồi, bởi mạng xã hội chính là công cụ phát tán tin giả vô cùng nhanh chóng và phi biên giới. Tuy đã có nhiều nỗ lực của các “ông lớn” công nghệ sở hữu các mạng xã hội về việc “dán nhãn” hoặc thậm chí gỡ bỏ thông tin sai lệch, phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống và các tổ chức kiểm chứng thông tin (fact-check) để cảnh báo cho người dùng, nhưng các cố gắng này chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, số lượng thông tin sai lệch chưa có dấu hiệu giảm đi, chưa kể việc sản xuất fake news bằng trí tuệ nhân tạo không còn là chuyện xa vời.
Chính quyền cũng được coi là một thực thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin giả. Sau rất nhiều tranh cãi về việc các quy định pháp lý để ngăn chặn fake news có bị lợi dụng để hạn chế quyền tự do ngôn luận hay không, thì một loạt các quốc gia không còn cách nào khác ngoài việc đặt ra những biện pháp chế tài vô cùng nghiêm khắc đối với tội sản xuất và phát tán tin giả: nhẹ thì phạt vài trăm đến vài ngàn đôla, nặng thì có thể lên tới hàng chục ngàn đôla và thậm chí án tù nhiều năm.
Tại Châu Á, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong kiểm soát việc lan truyền thông tin giả về Covid-19 bằng đạo luật “Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng”, với án tù giam lên tới 10 năm. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả và đề ra mức phạt tiền lên đến hơn 3.200 USD và/hoặc phạt tù lên đến 5 năm. Malaysia, quốc gia hai năm trước đã hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng, coi hành vi tung thông tin sai lệch về nguồn gốc, quy mô và mức độ của dịch bệnh là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.
Theo Luật Hình sự của Trung Quốc, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù 3 - 7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng. Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng.”
Tại Châu Âu, Nga là một trong những nước đi đầu chống tin giả về Covid-19. Đầu tháng 4/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành các sửa đổi Đạo luật Vi phạm hành chính (CAO), theo đó sẽ phạt tiền tối đa 10 triệu rubble (tương đương khoảng 126.000 USD) các pháp nhân phát tán qua các phương tiện truyền thông hay Internet thông tin giả đe dọa tới tính mạng, kể cả dịch bệnh. Trong khi một số nước như Đức, Pháp đã thông qua luật chống tin giả trên mạng xã hội, thì Chính phủ Anh vừa thành lập “biệt đội kiểm soát thông tin sai lệch” nhằm xác định tin tức giả mạo về Covid-19 và yêu cầu các công ty truyền thông xã hội dỡ bỏ. Chính phủ Mỹ đã đề nghị các công ty công nghệ phối hợp ngăn chặn những thông tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sớm phát hiện và loại bỏ những thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi.
Cuộc chiến chống tin giả liên quan tới Covid-19 ở Việt Nam cũng đã diễn ra quyết liệt. Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi dịch xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan, trong đó rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, kích động về tình hình dịch bệnh. Tính đến giữa tháng 3/2020, lực lượng chức năng Việt Nam đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật về Covid-19, xử phạt vi phạm hành chính hơn 140 người.
Những biện pháp mạnh tay của chính quyền tại nhiều quốc gia ít nhiều đã làm “chùn tay” các cá nhân, nhưng cũng cần thừa nhận rằng các quy định pháp lý chỉ răn đe được những người biết sợ luật pháp. Những kẻ thù địch với chế độ hoặc có mưu đồ làm rối loạn xã hội, lại có công nghệ cao trong tay, thì sẽ bất chấp tất cả để thực hiện mục đích của mình.
Có thể nói, chìa khóa của cuộc chiến chống tin giả thực sự nằm trong tay những người sử dụng Internet và mạng xã hội. Ngắt kết nối Internet hay đóng cửa mạng xã hội để giảm nguy cơ phát tán fake news là điều không thể xảy ra và đi ngược lại với xu hướng phát triển cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của con người, nhưng người dùng hoàn toàn có thể quyết định không chia sẻ, thậm chí không đọc những thông tin từ những nguồn không tin cậy. Oái oăm là chúng ta thường tự nhận mình là những người dùng thông thái, nhưng khi bị ngập lụt trong “đại dịch thông tin” - thuật ngữ mới mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng để nói về tình trạng dư thừa thông tin bao gồm cả thông tin tốt lẫn thông tin giả mạo - thì chẳng ai dám chắc là họ miễn nhiễm và không dính bẫy fake news.
TRÁCH NHIỆM CỦA BÁO CHÍ
Còn một nhân tố có thể đóng vai trò chủ động trong cuộc chiến chống tin giả: đó là báo chí chính thống. Trước đây, người ta cho rằng nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo.
|
Nhiều nghiên cứu về tâm lý cho thấy nếu việc bóc trần tin giả không được thực hiện một cách đúng đắn - hoặc khi độc giả chỉ đọc tiêu đề bài báo, tweet trên Twitter hay status trên Facebook mà không đọc phần giải thích đầy đủ - thì bộ não của con người nhiều khả năng sẽ nhớ những thông tin sai. Sự tương đồng và lặp đi lặp lại có ý nghĩa quan trọng trong việc chúng ta ghi nhớ thông tin gì và như thế nào. Vì thế khi nhiều lần nhìn thấy thông tin sai hoặc các thuyết âm mưu trên mạng, rồi lại thấy nhiều tờ báo lớn đề cập với những lý giải tại sao nó không đúng, thì bộ não bắt đầu giằng xé. Nói vậy không có nghĩa là các tòa soạn không nên bóc trần tin sai, mà nên thận trọng về cách làm.
Cần có một phản ứng tập thể của các tòa soạn trước những tin đồn nguy hiểm về virus corona. Những thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Covid-19 sẽ gây ra những tác hại thực sự cho xã hội, dù đó là những thông tin sai lệch về các vấn đề khoa học - y tế, về thực phẩm hay thuốc men, hoặc về những nhóm cộng đồng dựa trên sắc tộc, tôn giáo hay xu hướng giới tính.
Chúng ta cần rút ra bài học từ những ví dụ về đòi hỏi phải đối phó nghiêm túc với thông tin sai lệch. Các tòa soạn cần phải hợp tác với nhau để đưa ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái. Cần viết những tiêu đề có trách nhiệm chứ đừng sử dụng thủ thuật SEO để câu view mà hậu quả là càng tăng thêm sức mạnh cho tin đồn.
Các trường báo chí không dạy cho sinh viên cách bóc trần tin giả một cách có trách nhiệm, nên chúng ta cần bắt đầu đưa những bài học này vào chương trình. Cũng cần có những khóa đào tạo cho các phóng viên đang hành nghề để biết cách làm chậm quá trình phát tán tin giả thông qua hoạt động tác nghiệp. Và cần lưu ý đến cách đặt tít, chọn hình ảnh và đăng tin phù hợp về các tin đồn và thuyết âm mưu cũng như những thông tin sai lệch. Các tòa soạn cần cập nhật các kỹ năng và kiến thức để đối phó với những thách thức mới này.
Mỗi quốc gia, mỗi tờ báo và mỗi cá nhân cần nhận thức rõ mối đe dọa của tin giả, đồng thời hành động một cách có trách nhiệm để ngăn chặn “virus độc” này. Đây cũng là thách thức và trách nhiệm đặt ra đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo ở Việt Nam./.
Nhà báo Lê Quốc Minh
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Tâm Trang (st)