“Phát huy ý chí, khát vọng” là một nội dung của chủ đề đại hội được nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thành tố này được xác định là động lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và đấu tranh chống thiên tai, địch họa để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,... hun đúc nên ý chí tự lực, tự cường, không khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách với khát vọng mãnh liệt “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Ý chí, khát vọng ấy luôn tiềm tàng và được phát huy cao độ khi đất nước lâm nguy. Nó trở thành chất kết dính, quy tụ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc, tạo sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta đánh bại các thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Ý chí tự chủ, tự cường, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam ngày càng tỏa sáng, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh. Với ý chí, khát khao cháy bỏng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, cùng quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”,… nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ đã vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh, lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Có thể khẳng định rằng, trong thời đại Hồ Chí Minh, ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam được tiếp nối và phát triển lên tầm cao mới. Những năm gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đứng trước thời cơ, vận hội, thuận lợi và không ít nguy cơ, thách thức, nhưng chính nhờ ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ mà dân tộc ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước; “Thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao,…”1, v.v. Đó là những minh chứng hùng hồn, cơ sở thực tiễn phong phú để Đảng ta đưa thành tố “phát huy ý chí, khát vọng” vào chủ đề Đại hội XIII và xác định là một trong những quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới đất nước trong giai đoạn tới.
Việc đưa thành tố “phát huy ý chí, khát vọng” vào chủ đề Đại hội XIII của Đảng nhằm tiếp tục khẳng định giá trị trường tồn của ý chí, khát vọng vươn tới một tương lai tươi sáng của dân tộc ta là hết sức đúng đắn và cần thiết. Bởi, đó là giá trị đã được tôi luyện, hun đúc và khẳng định qua mấy nghìn năm lịch sử, được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh; được xây dựng trên nền tảng lý luận khoa học, điều kiện thực tiễn sinh động và trở thành động lực to lớn thúc đẩy dân tộc ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, đưa thành tố “phát huy ý chí, khát vọng” của dân tộc vào chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng, làm cho chủ đề Đại hội được rộng mở, phát huy được toàn diện các nguồn lực vật chất, tinh thần cho sự phát triển của đất nước.
Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn, khu vực vẫn gay gắt và có nhiều nét mới từ sự đan xen giữa đối tượng và đối tác; đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền; chủ nghĩa dân túy; chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy,… đã và đang chi phối đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các quốc gia. Trong khi đó, nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng nhằm thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc. Cho nên, hơn lúc nào hết dân tộc ta càng phải đề cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, cần có khát vọng và dám khát vọng để vươn lên không lệ thuộc, phụ thuộc vào bất cứ lực lượng hay quốc gia nào trên con đường phát triển vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vì lẽ đó, từ chủ đề Đại hội trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, Đảng ta đưa ra quan điểm “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển,…tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”2. Đây là một trong năm quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới đất nước trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Thực chất, Đảng ta đã chỉ rõ nội hàm của ý chí dân tộc ta trong thời đại mới phải là “sự tự cường dân tộc”, đó là khát vọng đưa dân tộc ta phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ý chí tự cường dân tộc theo Đảng ta không phải là “tư duy biệt lập”, “khép kín” mà là tư duy biện chứng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường với tích cực và chủ động hội nhập rộng, sâu quốc tế. Trong đó, Đảng nhấn mạnh phải coi trọng nội lực, ý thức tự cường là yếu tố bên trong quyết định và làm cơ sở cho phát huy ngoại lực để phát triển đất nước. Vấn đề cốt lõi của ý chí tự cường của dân tộc đó là phát huy tinh thần, trí tuệ, sức sáng tạo của mỗi “con dân đất Việt” trong sự phát triển đất nước, tránh những biểu hiện khép kín, biệt lập hoặc trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào bên ngoài. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”3. Do đó, phát huy được ý chí tự cường dân tộc sẽ là cơ sở để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa đặc sắc, con người Việt Nam để phát triển đất nước.
Khát vọng của dân tộc cũng chính là mục tiêu cách mạng của Đảng ta được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đó là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII, khát vọng phát triển của dân tộc được Đảng ta phác thảo ở mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng): “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao” và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) “trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”4. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng trong cụ thể hóa ý chí, khát vọng của dân tộc ta. Đó là sự thống nhất và hòa quyện giữa ý chí, khát vọng của Đảng, của nhân dân lao động và toàn dân tộc; đồng thời, trở thành động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy ý chí, khát vọng phát triển dân tộc, Đảng ta nhấn mạnh cần phải nhận thức và phát huy hệ thống động lực của dân tộc, như: sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững,… là cơ sở, điều kiện, nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phát huy ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc, phải đặt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu tối thượng, luôn gắn liền với nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn hiện nay, phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận của nhân dân, “ý Đảng hợp lòng dân”. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là trên mặt trận chính trị, tư tưởng - văn hóa, vô hiệu hóa chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chia rẽ quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa Quân đội với nhân dân, khối đại đoàn kết dân tộc, làm nhụt ý chí, khát vọng vươn lên của dân tộc ta.
Có thể nói, ý chí tự chủ, tự cường, niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa xã hội và khát vọng hòa bình, độc lập, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển là động lực, sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa, ra sức nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nhân dân được hưởng cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Do đó, đưa “ý chí, khát vọng” vào chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng và xác định là một thành tố quan trọng như Dự thảo đề cập là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đây không chỉ là vấn đề nhận thức khoa học về hệ thống động lực trong quá trình phát triển đất nước mà còn là phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của toàn thể dân tộc ta, nhằm thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Sỹ Họa
Đại tá, TS. Nguyễn Trọng Vĩnh
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
__________________
1. ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 02-2020, tr.10.
2. Sđd, tr.11.
3. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 445.
4. ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 02-2020, tr. 59.