II. Những thách thức đối với sứ mệnh lãnh đạo của Đảng
Những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam 90 năm qua đã khẳng định vai trò, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó. Tiếp nối sự nghiệp vẻ vang đó, hiện nay, Đảng tập trung lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là sứ mệnh lịch sử cao cả của Đảng, sự nghiệp vĩ đại của toàn dân, toàn quân trong thời kỳ mới. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, khó lường, hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động nhiều chiều cả tích cực và tiêu cực đối với nước ta càng đòi hỏi Đảng ta phải hết sức tỉnh táo, khôn khéo, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, các vấn đề có liên quan trong quá trình hội nhập, hợp tác, phát triển gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, cần nhận thức đúng những khó khăn, thách thức và những thời cơ, thuận lợi để có giải pháp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức thành cơ hội cho phát triển. Ở đây xin đề cập một số thách thức đang hiện hữu, mà nếu chúng ta mất cảnh giác và thiếu biện pháp triệt tiêu thì rất dễ trở thành mối hiểm họa đối với đất nước; nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tiễn chúng ta thấy, hiện đang tồn tại không ít những thách thức gay gắt tác động xấu, cản trở sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong đó, có thách thức từ bên ngoài, có thách thức từ nội tại hoặc kết hợp cả yếu tố trong và ngoài, có thách thức từ vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, lại có thách thức từ sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo vệ, thách thức trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội, cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế, v.v.. Đáng chú ý, những thách thức này tồn tại đồng thời, có thách thức biểu hiện rõ, có thách thức tiềm ẩn không dễ nhận biết, liên quan trực tiếp với nhau và dẫn tới hệ lụy nguy hiểm, khó lường.
Trước hết, đó là thách thức từ vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm mà chúng ta phải hết sức cảnh giác, phòng, chống hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, cùng với đánh giá đa số cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: còn một bộ phận không nhỏ cán bộ có bản lĩnh chính trị chưa thật sự vững vàng, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguy hiểm hơn, gần đây có một số cán bộ, đảng viên biểu hiện rõ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đòi “đa nguyên”, “đa đảng”, từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Một số cán bộ có biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, nói không đi đôi với làm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, chỉ biết và luôn đặt lợi ích riêng của cá nhân, gia đình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc; đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, xa dân, v.v.. Để nhận diện và có biện pháp phòng, chống, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tình trạng nêu trên, nếu không được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả sẽ làm suy thoái trầm trọng tư tưởng chính trị, phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức đảng. Đặc biệt nguy hiểm là, các thế lực thù địch ra sức tận dụng vấn đề này để thực hiện âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì thế, lường trước nguy cơ, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là tiền đề để phòng, chống hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Kinh nghiệm thực tiễn chỉ ra rằng, không thế lực thù địch nào, dù mạnh và hiểm độc đến đâu có thể đánh bại được chúng ta, ngoại trừ chính chúng ta tự làm yếu và tan rã.
Đó còn là thách thức từ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên gây nhức nhối trong xã hội. Đây không chỉ là thách thức mà còn là nguy cơ lớn khi Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền. Tham nhũng là vấn nạn quốc gia, là “giặc nội xâm” nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm như lời Bác Hồ từng chỉ dạy. Vẫn biết tham nhũng là một hiện tượng xã hội mà sự tồn tại của nó luôn gắn liền với nhà nước và rất dễ nảy sinh từ cán bộ “có chức, có quyền”. Tham nhũng xuất hiện với nhiều hình thức, “muôn hình vạn trạng”, từ tiền bạc, tài sản, đất đai, đến tham nhũng chính sách, tham nhũng trong công tác cán bộ, có thể diễn ra ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, với nhiều cấp độ, từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt, v.v.. Vì thế, triệt tiêu tham nhũng là việc làm không dễ, nhưng phòng, chống, ngăn chặn, hạn chế tham nhũng cả về mức độ, số lượng vụ việc và tính chất nguy hại của nó thì lại là điều hoàn toàn có thể. Tham nhũng gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, xói mòn bản chất của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá, phương hại lớn tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là thách thức ngay trong công tác xây dựng Đảng. Cần khẳng định rằng, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và xác định rõ vị trí then chốt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng. Vì thế, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ số một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trên thực tế, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về công tác xây dựng đảng, nhằm đảm bảo cho tổ chức đảng các cấp luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Vậy “nút thắt” của vấn đề, hay nói cách khác là thách thức trong công tác xây dựng đảng nằm ở đâu? Câu trả lời là ở việc tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu, còn nhiều sai phạm. Chúng ta biết, sức mạnh của Đảng là sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trên cơ sở những nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng. Thế nhưng, ở không ít nơi, nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được thực hiện nghiêm túc, thậm chí bị vi phạm nghiêm trọng dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Nguy hại hơn, có nơi nhân danh nguyên tắc này để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức đảng nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng”,... để thực hiện mưu đồ cá nhân, “phe nhóm”, “phường hội”, v.v.. Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức và là khâu yếu trong sinh hoạt đảng, chưa trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên tiến hành chưa thường xuyên, thiếu chủ động, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp phòng ngừa cũng là nguyên nhân, thách thức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, dân tộc và đất nước lên trên hết. Chính vì điều đó, nhân dân một lòng theo Đảng để làm cách mạng, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là nguồn gốc tạo nên sức mạnh nội sinh của Đảng và là bản chất của Đảng ta. Trong suốt chặng đường 90 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn “một lòng một dạ tận tụy phụng sự Tổ quốc và Nhân dân”, ngoài ra, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng được hiện thực hóa trong thực tiễn là nhờ có sự đồng thuận, ủng hộ, thực hiện từ nhân dân. Nhưng do những nguyên nhân khác nhau, niềm tin đó ở một bộ phận nhân dân ít nhiều bị phai nhạt. Đó cũng là sự day dứt, trăn trở, nỗi đau không gì bù đắp được của Đảng và mỗi đảng viên. Vì thế, việc xây dựng “thế trận lòng dân”, nhằm bồi đắp, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời ở khía cạnh nào đó cũng là một khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Một trong những thách thức gay gắt không thể không đề cập, đó là sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hiện nay, đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Quá trình hội nhập đó, chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh, trong điều kiện đối tác và đối tượng đan xen, chuyển hóa không dễ nhận biết. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch với bản chất hiếu chiến, phản động vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, bằng mọi hình thức và thủ đoạn thâm độc hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt, chúng ra sức lợi dụng và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; do đó, nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Trên đây là những thách thức tác động trực tiếp đối với sự trường tồn của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong tình hình mới mà chúng ta không thể xem thường. Bởi, nếu không nhận thức rõ, có biện pháp, phương án xử lý phù hợp, hiệu quả thì những thách thức đó sẽ rất dễ trở thành mối hiểm họa đe dọa sự tồn tại, phát triển của Đảng, chế độ và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, đó chưa phải là tất cả, chúng ta còn phải dè chừng và chủ động phòng ngừa các mối hiểm họa từ các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, các yếu tố có thể gây đột biến đến từ bên ngoài và bên trong, mà đại dịch Covid-19 là một minh chứng điển hình.
Quang Hợp - Văn Sử - Minh Đạt
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)
(Số sau: III. Quyết tâm và hành động của chúng ta)