Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Tại nhà riêng ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, ông Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội say sưa kể cho chúng tôi nghe những hồi ức về mùa Thu cách đây 75 năm...

Chiếm diễn đàn cuộc mít tinh

Ông Vân kể, chiều 17-8-1945, tổng hội viên chức tổ chức cuộc mít tinh để ủng hộ chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Thành ủy Hà Nội có chủ trương phá bằng được cuộc mít tinh, chiếm diễn đàn hô hào nhân dân nổi dậy, hưởng ứng lời hiệu triệu cứu nước của Việt Minh. Khi đó, ông Vân là Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội. Ông cùng đồng đội có nhiệm vụ trà trộn vào dòng người xem cuộc mít tinh, đồng thời mang theo lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy, cỡ chừng nửa chiếc khăn tay, chờ thời cơ là phất cao lá cờ. Đến giờ khai mạc, mọi người tập trung hướng về phía Quảng trường thì bất ngờ đồng chí Lê Phan (thành viên Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu) chiếm micro rồi nói: “A lô! Xin đồng bào chú ý, quân Nhật đã chấp nhận điều kiện đầu hàng của Đồng minh, xin mời đồng bào nghe đại biểu Việt Minh nói chuyện”. Lúc này, người dân ở phía dưới quảng trường xôn xao. Sau đó, đồng chí Lê Phan chuyển micro cho đồng chí Từ Trang và lùi lại đằng sau để bảo vệ. Đồng chí Từ Trang nói, đại ý: Nhật đang chuẩn bị đầu hàng, bọn bù nhìn bán nước đang âm mưu tiếp tay cho quân thù, đồng bào thành phố đoàn kết chặt chẽ xung quanh Mặt trận Việt Minh, tiến lên giành độc lập cho Tổ quốc... Nói xong, một người phụ nữ tiến lên diễn thuyết. Đó là chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng.

ky uc mua thu 1
Ông Lê Đức Vân, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội. Ảnh: DUY TIÊN.

“Bấy giờ, phía dưới quảng trường, tôi và các đồng đội lấy lá cờ đỏ sao vàng đem theo ra phất cao rồi đồng thanh hô “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh”. Đồng thời, một lá cờ đỏ sao vàng kích thước lớn được buông xuống từ ban công tầng 2 Nhà hát Lớn. Khi chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng diễn thuyết xong, đồng chí Lê (tức Mai Thiện Chi) - thành viên Đội Danh dự Việt Minh, giương cao lá cờ đỏ sao vàng bằng vải cỡ lớn hô to: “Đồng bào theo tôi”. Mọi sự chú ý hướng về đồng chí Lê, rồi không ai bảo ai cứ thế đi theo đồng chí, hướng từ Nhà hát Lớn, qua phố Tràng Tiền, rẽ sang đường Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), vừa đi vừa hô các khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”... Đi đến đâu, người dân ở khu phố đó cùng nhập vào đoàn biểu tình, trong đó có cả một số lính bảo an. Đoàn biểu tình còn diễu qua Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), lúc này chỉ huy quân Nhật còn tạm chiếm đóng. Lính Nhật gác cổng chỉ đứng nhìn mà không có phản ứng gì. Về tới Cửa Nam, đoàn biểu tình chia thành nhiều tốp nhỏ đi về các ngả trong thành phố, các cửa ô và ngoại thành” - ông Vân nhớ lại.

Từ cuộc họp khẩn tối 17-8-1945

Sau khi cuộc tuần hành kết thúc, nhận thấy thời cơ đã tới, ngay tối 17-8-1945, Thành ủy và Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội triệu tập cấp tốc cuộc họp tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng Tiền (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy). Hội nghị do đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội chủ trì và có các đồng chí cán bộ Xứ ủy: Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa; Cố vấn Ủy ban Khởi nghĩa Trần Đình Long; Thành ủy viên Nguyễn Duy Thân; Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội Lê Đức Vân; Đội trưởng Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu Hà Minh Tuân; Ủy viên Ban Công vận Trần Ngọc Minh và đồng chí Lê Thu, phụ trách tổ chức Phụ nữ cứu quốc. Đồng chí Nguyễn Khang, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa vắng mặt vì đi dự cuộc họp của Thường vụ Xứ ủy.

ky uc mua thu 2
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu tại Phủ Chủ tịch, ngày 16-7-2013 (ông Lê Đức Vân đứng giữa hàng thứ hai). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ông Vân nhớ lại: “Căn nhà của bà Hai Nhã khi ấy có 3 gian, gian giữa để thờ cúng. Chúng tôi họp ở gian phía bên trái, rộng chừng hơn chục mét vuông. Trong gian phòng đó có một chiếc bàn gỗ cao và hai bên là hai ghế trường kỷ để ngồi họp. Cuộc họp tối hôm ấy diễn ra hết sức sôi nổi. Sau khi kiểm điểm và phân tích tình hình, nhất là những diễn biến trong buổi chiều 17-8, tất cả thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào 11 giờ sáng 19-8, hiệu triệu quần chúng ủng hộ Việt Minh nổi dậy tổng khởi nghĩa, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, có lực lượng vũ trang yểm trợ, dùng áp lực quần chúng chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng”. Việc tổ chức đấu tranh chính quyền tại một số xã ven nội thành và khu vực ngoại thành Hà Nội giao cho đồng chí Lê Đức Vân và Đội Tự vệ xung phong ngoại thành do đồng chí Nguyễn Hải Hùng làm Đội trưởng. Việc chiếm trại bảo an binh, nơi tập trung lực lượng vũ trang của chính quyền bù nhìn do đồng chí Nguyễn Quyết và Hà Minh Tuân đảm nhiệm; chiếm Phủ khâm sai do các đồng chí: Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Minh đảm nhiệm; đồng chí Trần Quang Huy đảm nhiệm việc tiếp quản Tòa thị chính. Đến rạng sáng 18-8-1945, cuộc họp kết thúc, ông Vân cùng các đại biểu trở về tiến hành công việc.

Đúng 11 giờ ngày 19-8-1945, hơn 20 vạn người tập hợp tại Nhà hát Lớn, đồng chí Trần Quang Huy đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang, tự vệ chiến đấu dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu theo kế hoạch đã định. Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Tối 19-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi./.

La Duy

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: