1. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1257/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền 02 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

- Tỉnh Quảng Nam: 01 tấn Chloramine B;

- Bộ Y tế (để hỗ trợ khẩn cấp hóa chất cho các địa phương, các vùng trọng điểm): 01 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg.

 Covid P18
Ảnh minh họa/Internet

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo; thực hiện quản lý, xuất cấp, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định hiện hành.

2. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Quyết định này quy định việc giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo đó, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp (nếu có) đối với: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất, thửa đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.

Người thuê đất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất của mình, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất theo quy định tại Quyết định này.

Trình tự, thủ tục giảm tiền thuê đất như sau:

- Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) cho cơ quan thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, cơ quan khác theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020; trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 01/01/2021 trở về sau thì không được giảm tiền thuê đất theo quy định này Quyết định này.

- Căn cứ hồ sơ giảm tiền thuê đất do người thuê đất nộp theo quy định khoản 1 Điều này; không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 4 Quyết định này, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định tại pháp luật về thu tiền thuê đất.

- Trường hợp người thuê đất đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm tiền thuê đất theo quy định của Quyết định này nhưng sau đó phát hiện qua thanh tra, kiểm tra việc người thuê đất không thuộc trường hợp được giảm tiền thuê đất theo quy định tại Quyết định này thì người thuê đất phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền thuê đất đã được giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Trường hợp người thuê đất đã nộp tiền thuê đất của năm 2020 mà sau khi cơ quan có thẩm quyền xác định và quyết định giảm tiền thuê đất có phát sinh thừa tiền thuê đất thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất của kỳ sau hoặc năm tiếp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan; trường hợp không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất tiếp theo thì thực hiện bù trừ hoặc hoàn trả số tiền nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

3. Bộ Y tế: Công văn số 4393/BYT-KCB ngày 18/8/2020 về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Trong Công văn cho biết, tình hình bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-COV-2 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Đà Nẵng đã phát hiện nhiều ca nhiễm SARS-COV-2 mới trong đó có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Một số địa phương khác cũng đã xuất hiện các ca nhiễm liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và những ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc nghiêm túc thực hiện:

- Tổ chức rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành.

- Thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế. Bảo đảm mọi người khi vào bệnh viện, khi vào các tòa nhà và các khoa phải mang khẩu trang và vệ sinh tay.

- Thực hiện sàng lọc, cách ly và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm ca bệnh nghi ngờ theo quy định cho người bệnh, người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh đó tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng. Chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS- COV-2, những người đi từ vùng dịch về hoặc những người có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp để phát hiện sớm, cách ly phù hợp theo quy định.

- Mọi khoa lâm sàng phải có buồng cách ly để cách ly tạm thời người bệnh nghi nhiễm trong quá trình điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ .

- Tăng cường các biện pháp thông khí, vệ sinh bề mặt (đặc biệt là các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay), quản lý chất thải đúng quy định tại các khoa phòng đặc biệt khu khám sàng lọc, khu cách ly, khu vệ sinh, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm. Bảo đảm giãn cách giường bệnh theo quy định.

- Bảo đảm cung cấp đầy đủ và sử dụng đúng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-COV-2 đặc biệt là khi thực hiện các can thiệp trên người bệnh có tạo khí dung.

- Bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa trọng điểm như khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm, khoa bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác. Tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn hiện nay. Giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng người bệnh khác, trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người nhà hỗ trợ chăm sóc cố định. Thực hiện khai báo y tế, kiểm soát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh của người hỗ trợ chăm sóc.

- Dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay, thực hiện giãn cách ngay khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Giao cho bộ phận giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn thường trực kiểm tra, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 của nhân viên y tế, người bệnh và các đối tượng liên quan đặc biệt tại khu vực khám sàng lọc, khu cách ly, khu điều trị người cao tuổi, người bệnh nặng, người bệnh nguy kịch.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Công điện số 07/CĐ-UBND hồi 08 giờ 30 ngày 18/8/2020

Công điện nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Công điện số 1290/CĐ-BYT ngày 16/8/2020 của Bộ Y tế. Căn cứ tình hình diễn biễn dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đã có 35 ca mắc, 11 ca mắc tại cộng đồng, đã có 02 ca mắc thứ phát, có ca không có triệu chứng khi phát hiện đã qua 14 ngày, nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra diện rộng trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan quán triệt thực hiện nghiêm túc văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14/8/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời thực hiện các nội dung:

- Tiếp tục quyết liệt công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định, khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

- Các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê từ 00 giờ ngày 19/8/2020 thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể: giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 01 mét, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

- Sở Y tế:

+ Tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh; mở rộng đối tượng làm xét nghiệm SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân, bệnh nhân nặng, viêm phổi cấp cứu tại các bệnh viện.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh lý nền; thực hiện giãn cách tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh, tạo môi trường thoáng khí cho các buồng bệnh; thực hiện chăm sóc người bệnh một cách toàn diện tại các đơn vị cấp cứu và hồi sức tích cực; kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

+ Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng về Hà Nội xong trong ngày 20/8/2020 và thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

- Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung theo quy định.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại tất cả các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở nuôi dưỡng và chăm sóc Người có công, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn Thành phố.

- UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp Sở Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng, sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, truy tìm “dấu vết”, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan rộng ra cộng đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

- Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch cùa UBND Thành phố đã chỉ đạo tại văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14/8/2020, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm công tác phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn không do quân đội quản lý.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: