Khi những giọt sương sớm còn chưa kịp tan họ đã lên đường. Đoàn xe dài 10 chiếc nối đuôi nhau rồi dừng lại trước cửa một ngôi nhà, ngôi nhà ấy đã trở nên quá đỗi thân thương với tuổi trẻ, mà nhiều nhất là với các chiến sĩ Hải quân - nhà của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh.
Họ thắp hương, tưởng nhớ người anh hùng quả cảm mà tên anh đã được đặt cho nhiều trường học, đường phố và đặc biệt một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa - đảo Phan Vinh. Họ cũng đã được gặp gỡ, nghe các nhân chứng lịch sử trên đoàn tàu không số, những chiến sĩ quả cảm trong chiến thắng trận đầu mùng 2 và 5/ 8/ 1964 kể những câu chuỵện chiến đấu thật oanh liệt trong chiến thắng trận đầu. Họ là tuổi trẻ của 5 lực lượng: Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng.
Họ đang đứng trước hương hồn của một người anh hùng đã đi vào sử sách đầy tự hào, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. Hôm nay ngoài các bạn trẻ của lực lượng vũ trang, Đài truyền hình Việt Nam, còn có cả các cháu học sinh của trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, một ngôi trường mang tên người anh hùng. Dù mới học lớp 5 nhưng cháu Nguyễn Thị Mai Huyền, vẫn kể với các cô chú đầy tự hào về ý nghĩa tên ngôi trường cháu đang học. Cháu kể: Cháu và các bạn ai cũng biết về người anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, chú ấy là thuyền trưởng tàu Hải quân 235 vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Chú ấy đã chỉ huy tàu chiến đấu quyết liệt với kẻ thù khi bị chúng bao vây bằng hàng chục tàu chiến, máy bay. Tôi đã kể thêm cho cháu nghe về Nguyễn Phan Vinh: "Chú Vinh đã chiến đấu chống trả cả tiểu đoàn địch để cho các chiến sĩ còn lại rút lui. Một tiểu đoàn có quân số bằng 3 lớp học của cháu ý". Bên tôi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mai đã xúc động đứng lên phát biểu: "Em cũng biết nhiều về anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Anh ngã xuống ở tuổi 35 mà chưa một lần được yêu". Cũng trong sáng hôm ấy, các bạn trẻ đã tới thăm hỏi và tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn quê hương mà anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh đã lớn lên. Mảnh đất Điện Nam Bắc cũng hằn những chứng tích của chiến tranh cam go, ác liệt. Trên mảnh đất này, mỗi người dân cũng đều xứng đáng là anh hùng.
Buổi giao lưu tại Vùng C Hải quân giữa các bạn trẻ với các nhân chứng lịch sử đầy xúc động. Bạn Tuấn Anh, Bí thư chi đoàn Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng sau khi trình bày rất thành công bài hát "Vết chân tròn trên cát" thổ lộ với các bác nhân chứng lịch sử: "Thế hệ chúng cháu chỉ hình dung được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh nhưng cũng chưa thể hiểu hết". Tâm sự của Tuấn Anh được bác Lê Văn Tiếu, nguyên là thuyền trưởng tàu HQ 187 trong trận đánh không quân hải quân Mỹ 43 năm trước kể về câu chuyện tình yêu của bác ngày ấy. Trận đánh mở màn ấy diễn ra ở Cửa Hội (Nghệ An) bác Tiếu bị thương phải cắt bỏ cánh tay trái. Nhưng rồi chính sự tiếp máu của người dân địa phương đã giúp bác sống được. Sau đó, vì tình yêu và sự cảm phục người thương binh dũng cảm mà một thiếu nữ địa phương, người tiếp máu cho bác... đem lòng yêu. Và người thiếu nữ ấy giờ chính là vợ của bác Tiếu. Tuổi 37 người thanh niên thương binh ấy cũng mới bắt đầu yêu. Chiến tranh thật khốc liệt nhưng nó vẫn chứa đựng những điều thiêng liêng cao quý với ai đã dám xả thân vì Tổ quốc. Trong mắt mỗi chiến sĩ Hải quân, bác Tiếu là anh hùng quả cảm, nhưng trong mắt người Việt Nam, người phụ nữ đã dám yêu và gắn bó cả đời với một thương binh không còn cánh tay cũng xứng đáng là một người anh hùng.
Câu chuyện của bác Lê Chừng, đại tá nguyên là Thuyền trưởng tàu H25 đã giúp các bạn trẻ hiểu thêm nhiều điều. Trong chiến thắng trận đầu năm 1964 có công lao rất lớn của lực lượng Phòng không-Không quân. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa các quân binh chủng mà đặc biệt là giữa Hải quân và Phòng không đã lập nên nhiều kỳ tích. Lời hứa sẽ tiếp bước xứng đáng truyền thống của các thế hệ đi trước đã được các bạn trẻ cùng nhau thể hiện trong buổi giao lưu và đêm lửa trại đầm ấm với chủ đề "Thanh niên với chủ quyền biển, trời, biên cương Tổ quốc" được tổ chức tại Đoàn Phòng không B75 trước đó.
Những câu chuyện về chiến thắng trận đầu với các nhân chứng cứ muốn kéo dài mãi. Tôi nhìn lên, bầu trời đầy sao và ánh trăng sáng vằng vặc. Cảnh vật thanh bình thật hạnh phúc. Cả thành phố Đà Nẵng lung linh trong ánh đèn yên bình. Vậy mà vài chục năm trước, tại chính nơi đang diễn ra buổi giao lưu này đã từng diễn ra những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thành phố Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà vẫn còn in dấu những phát đại bác mở màn cuộc xâm lược nước ta của thực dân Pháp năm 1858.
Những câu chuyện của những năm tháng đánh giặc và yêu thương chưa dừng lại. Màn hát múa "Tổ quốc và người lính" được các bạn trẻ hôm nay trình diễn mở đầu cho chương trình văn nghệ, cho tiếng lòng của lớp trẻ hôm nay tự hào tiếp nối sự nghiệp của ông cha dựng nước và giữ nước.
Bài và ảnh: Tuấn Nguyễn