1. Chính phủ: Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020

Nghị quyết nêu rõ, trước bối cảnh tình hình phức tạp, khó dự đoán và có nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu cao hơn nữa của từng bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đã đề ra: vừa quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Covid P19
Ảnh minh họa/Internet

Về phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu:

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình, bình tĩnh, chủ động ứng phó, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trước hết tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Thành phố Đà Nẵng, không để dịch bệnh lây lan.

- Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng phức tạp xảy ra trên địa bàn.

- Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp chặt chẽ bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị về phòng, chống dịch COVID-19trong tình hình hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.

- Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tái chế vật tư, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhất là đối với khẩu trang, găng tay y tế; vi phạm quy định về cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.

Về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: Căn cứ tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội…

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công văn số 3254/LĐTBXH-TCGDNN ngày 20/8/2020 về việc tăng cường chỉ đạo công tác thống kê, báo cáo trên Phần mềm số liệu tuyển sinh và báo cáo tình hình tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Công văn cho biết, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức xây dựng Phần mềm Quản lý số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp và việc làm trực tuyến (sau đây gọi là Phần mềm số liệu tuyển sinh).

Thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý giáo dục nghề nghiệp đồng thời ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp định kỳ nhập số liệu và báo cáo kết quả công tác tuyển sinh, tốt nghiệp, việc làm của cơ sở giáo dục của mình vào Phần mềm số liệu tuyển sinh; Thực hiện quản lý, rút, trích, in ấn, gửi báo cáo số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp, việc làm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền khi có yêu cầu riêng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác thống kê, báo cáo số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm định kỳ; Từ báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Phần mềm số liệu tuyển sinh sẽ tự động tổng hợp tất cả số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp và việc làm trên địa bàn thành báo cáo của địa phương; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thực hiện hoặc chậm báo cáo số liệu trên Phần mềm số liệu tuyển sinh theo quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp, để giúp các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp báo cáo về tình hình tổ chức tuyển sinh, đào tạo đến thời điểm hiện tại trên địa bàn (thực trạng, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất), gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, đề ra những giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.

3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Công văn số 848/TLĐ ngày 17/8/2020 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19và đẩy mạnh hiến máu tình nguyện trong tình hình mới

Theo đó chỉ đạo các cấp Công đoàn, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động, quyết tâm ngăn chặn thành công đợt dịch này; không để dịch lây lan trên diện rộng; chống dịch quyết liệt nhưng áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động” ban hành kèm theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Tuyên truyền kêu gọi tất cả đoàn viên, người lao động cài đặt ứng dụng NCOVI và Bluezone để chủ động khai báo y tế tự nguyện, theo dõi tình trạng sức khỏe cá nhân và phát hiện, cảnh báo sớm việc tiếp xúc gần với các trường hợp đã nhiễm bệnh (F0) hoặc các trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F1, F2); thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi đông người, nơi làm việc, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, tăng cường hoạt động trực tuyến, hạn chế tập trung đông người không cần thiết.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhân ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện - 7/4” đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục thực hiện Công văn số 76/TLĐ ngày 07/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; vận động đoàn viên, người lao động tham gia hiến máu tình nguyện nhằm góp phần đáp ứng đủ nhu cầu máu cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19.

4. Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội: Thông báo số 16/TB-BCĐ ngày 21/8/2020 về Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 57)

Trong Thông báo kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn: Phát huy vai trò các tổ phòng, chống dịch bệnh để tuyên truyền và giám sát việc cách ly của người dân; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đến cơ sở y tế khi có biểu hiện ho, sốt; đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng; không tập trung đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Tiếp tục tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo quyết công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở sản xuất... nhất là các cơ sở ăn uống, quán cà phê, giải khát... Tập trung tuyên truyền để người dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên thiết bị di động, theo đúng chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở chịu trách, nhiệm khi để những tồn tại trong việc phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn, đơn vị; khi nhận được phản ánh của cơ quan báo chí, người dân cần chủ động chỉ đạo xử lý, khắc phục ngay và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về việc để xảy ra vi phạm trên địa bàn, đơn vị. Tiếp tục thực hiện nghiêm và quyết liệt việc khoanh vùng, xử lý ngay khi phát hiện các ổ dịch mới, thực hiện đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly; khẩn trương truy vết nhanh F1, F2 và tổ chức cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Y tế tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đoàn thể; các công trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh... theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy.

Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh phục vụ năm học mới. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục thống nhất thực hiện trên địa bàn thành phố; hoàn thành trước ngày 25/8/2020.

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tốt công tác cách ly tập trung theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên cập nhật nội dung tuyên truyền của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, người dân nâng cao cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ quy định cách ly, không chủ quan, lơ là.

5. Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội: Thông báo số 15/TB-BCĐ ngày 20/8/2020 về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại Phiên họp số 56)

Theo đó, Ban Chỉ đạo Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn:

- Thành lập ngay tổ phòng, chống dịch bệnh để tuyên truyền và giám sát việc cách ly của người dân; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của nhà hàng ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh... trên địa bàn. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đến cơ sở y tế khi có biểu hiện ho, sốt; đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng; không tập trung đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

- Các cơ sở kinh doanh karaoke, quán Bar, vũ trường tiếp tục dừng hoạt động, thường xuyên kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng bên ngoài đóng cửa nhưng trong vẫn hoạt động. Không để quán nước vỉa hè hoạt động, đây là những nơi, tụ điểm có nguy cơ lây lan bệnh dịch trên địa bàn Thành phố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường xây dựng, các cơ quan, đoàn thể, siêu thị, chợ... trên địa bàn đều phải có phương án phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế tối đa họp đông người tại các cơ quan, đoàn thể, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, họp trực tuyến. Trường hợp cần thiết họp thì phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc trong phòng họp theo quy định.

- Kiểm tra việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cụ thể: giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 01m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc tại các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê. Trường hợp không thực hiện đúng quy định cần nghiêm khắc nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm, xem xét cho dừng hoạt động.

- Tiếp tục hạn chế và không tổ chức đối với lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, các sự kiện tập trung đông người ở nơi công cộng, sân vận động chưa cần thiết. Các hoạt động hiếu, hỷ cần hạn chế tối đa đông người và có biện pháp phòng, chống dịch như sát khuẩn, đeo khẩu trang, giãn cách phù hợp, tránh lây lan dịch bệnh.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm và quyết liệt việc xử lý các ổ dịch, khi phát hiện cần xử lý ngay, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly; khẩn trương truy vết nhanh F1, F2 và tổ chức cách ly, xét nghiệm kịp thời. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung trên địa bàn.

- UBND quận Hoàn Kiếm cho tạm dừng hoạt động Phố đi bộ đến khi có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: