Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành quốc bảo, bởi giá trị to lớn của nó; trong đó, khẳng định quyền con người của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay là một nội dung quan trọng.
Việt Nam là quốc gia có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng: là cửa ngõ đi ra Biển Đông của lục địa phương Bắc; cầu nối giữa quốc gia đông dân nhất thế giới với khu vực Đông Nam Á đa dân tộc, giàu tài nguyên,… nên trong lịch sử dân tộc ta đã từng bị quốc gia phương Bắc xâm lược và cai trị một cách tàn bạo.
Là một dân tộc anh hùng, bất khuất, dân tộc Việt Nam đã nhiều lần đứng lên, theo tiếng gọi của các anh hùng áo vải tiến hành đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Đến thế kỷ XI, sau các cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, không ít các triều đại mới ra đời với các Quốc hiệu khác nhau cùng với những văn kiện - tuyên ngôn, tuyên bố có giá trị lịch sử trọng đại. Nổi bật là: Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, v.v. Về bối cảnh lịch sử và nội dung tuy có sự khác nhau nhưng đều có những điểm chung, đó là: sự khẳng định chủ quyền Quốc gia, tính chính nghĩa gắn với tinh thần anh hùng - bất khuất của dân tộc.
Lập luận về nền độc lập của dân tộc, Thơ thần (của Lý Thường Kiệt), thế kỷ XI đã viết “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời); ý chí bảo vệ độc lập và niềm tin chiến thắng được viết ngắn gọn: “Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám xâm phạm? Chúng bay rồi sẽ chuốc lấy bại vong”. Cùng một tư tưởng lớn, với ngòi bút thiên tài của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã đi sâu hơn về tính chính nghĩa, chủ nghĩa nhân văn, truyền thống văn hiến của dân tộc ta. Bình Ngô đại cáo viết: “Việc nhân - nghĩa cốt ở yên dân,… Như nước Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn - hiến đã lâu,… Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương; Dẫu cường nhược có lúc khác nhau; Song hào kiệt đời nào cũng có….”.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa Thơ Thần và Bình Ngô đại cáo. Tuy nhiên, bản Tuyên ngôn này khác xa hai văn kiện trên về bối cảnh lịch sử và mang những tư tưởng lớn của thời đại. Thơ thần (thế kỷ XI) và Bình Ngô đại cáo (thế kỷ XV) ra đời khi nhân loại đang ở trong thời đại phong kiến; khi dân tộc ta và kẻ thù phương Bắc cùng tồn tại trong một hình thái kinh tế xã hội: chế độ phong kiến. Trong khi đó, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, từ chế độ thuộc địa nửa phong kiến với chủ nghĩa thực dân và phát xít là những chế độ xã hội trong hình thái tư bản chủ nghĩa. Nói cách khác, kẻ thù của dân tộc ta trong thời kỳ này đến từ một hình thái kinh tế xã hội cao hơn hình thái kinh tế xã hội của dân tộc ta lúc đó một thời đại. Đây là sự khác biệt rất lớn về bối cảnh lịch sử giữa Thơ thần và Bình Ngô đại cáo với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Sự khác biệt này không những không phủ nhận mà còn nâng cao được tư tưởng chính trị - pháp lý và mục tiêu giành độc lập của nhân dân ta. Về mục tiêu giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề cập tới sự toàn vẹn lãnh thổ mà còn vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, chia cắt đất nước ta làm ba miền “Trung, Nam, Bắc” để “ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 có tầm nhìn vượt thời đại, thể hiện rõ quyền con người vừa là cơ sở chính trị - pháp lý vừa là mục tiêu đấu tranh của dân tộc ta. Những dòng đầu của bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn những tư tưởng về quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, Người đề cập tới quyền công dân khi trích dẫn bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp” năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi,… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Như vậy, Bác đã chỉ rõ: độc lập dân tộc trong thời đại ngày nay phải gắn liền với quyền con người và quyền công dân; phải gắn liền với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước. Đây là một chân lý mới của thời đại.
Có nhiều cuộc kháng chiến trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã giành được độc lập cho dân tộc, nhưng chế độ đẳng cấp, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại, nhân dân lao động vẫn bị áp bức, bóc lột. Vì thế, trong phần sau của Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp đã xóa bỏ quyền “tự do, dân chủ” của dân tộc ta. Với Người, “tự do”, “dân chủ”, “bình đẳng” là những quyền quan trọng nhất mà sau này cộng đồng quốc tế đã ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc (năm 1945) và trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948).
Là một người từng bôn ba qua nhiều quốc gia, từ những nước lạc hậu đến những nước tư bản phát triển, Hồ Chí Minh hiểu rõ bảo vệ và bảo đảm quyền con người phải dựa trên cơ sở pháp lý. Cho nên, ngay sau khi giành được độc lập với trách nhiệm trước lịch sử, trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định Tổng tuyển cử trong cả nước, bảo đảm quyền công dân và quyền con người. Chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải ứng cử mà là Đại biểu đương nhiên của Quốc hội, nhưng Người không đồng ý. Người nói, bầu cử và ứng cử là quyền bình đẳng của mọi người. Tôi là một công dân Việt Nam, tôi cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân như mọi người.
Với Người, ý nghĩa quan trọng nhất của độc lập dân tộc là quyền của người dân phải được tôn trọng và bảo đảm trong thực tế. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì,… Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Trước lúc đi xa, tư tưởng về độc lập dân tộc gắn với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân được Người nhấn mạnh trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
75 năm qua, kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời - từ một nước Việt Nam thoát khỏi chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dân tộc ta đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử gắn với những biến động dữ dội của tình hình chính trị khu vực và thế giới. Đi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã thực hiện sứ mệnh của dân tộc và nhân loại, đứng lên đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà. Đồng thời, xây dựng đất nước từ mô hình xã hội chủ nghĩa (với nhà nước chuyên chính vô sản, xóa bỏ thị trường thực hiện kinh tế kế hoạch hóa,…), theo sự phát triển chung của nhân loại chuyển sang mô hình mới của chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986) với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ giữ nguyên giá trị lịch sử mà còn mang tính thời đại. Độc lập dân tộc có giá trị “cứng” và giá trị “mềm”. Giá trị “cứng” của Độc lập dân tộc ngày nay phải gắn với chủ quyền quốc gia và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Khi nói đến chủ quyền quốc gia chúng ta không thể xem nhẹ, sao nhãng công tác quản lý xuất nhập cảnh, cả ở những khu vực có đường mòn, lối mở,… trên bộ và ở Biển Đông. Nói đến chủ quyền quốc gia, ngày nay, không thể không nói đến quản lý - bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Nhằm bảo đảm quyền của người dân được sử dụng internet, mạng xã hội, Nhà nước ta đã cho phép nhiều hãng công nghệ hàng đầu, như: Google, Facebook, Microsoft,… được phép kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam cũng đang phải ứng phó với tình trạng tin giả, tin lừa đảo,… không kể những thông tin giả nhằm làm hại cá nhân, tổ chức và nhằm đến các lợi ích kinh tế của nhiều công ty. Trong đại dịch Covid-19, có nhiều thông tin sai sự thật về chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương; lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân, như: bán vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch (nước rửa tay, khẩu trang, máy đo thân nhiệt,…).
Để bảo đảm quyền, lợi ích của cá nhân và xã hội trên không gian mạng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, trong đó có Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, v.v. Pháp luật nghiêm “cấm” đưa thông tin: “cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân,…” (Luật Báo chí năm 2016).
Kỷ niệm 75 năm ra đời bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, chúng ta có dịp ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc. Bản Tuyên ngôn độc lập là một dấu mốc lịch sử lớn lao, bền vững nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đó không chỉ khẳng định nền độc lập của dân tộc ta mà còn mang giá trị thời đại: Nền độc lập dân tộc vừa dựa trên chính nghĩa, vừa hướng tới mục tiêu bảo vệ, bảo đảm quyền công dân và quyền con người của nhân dân Việt Nam. Nét đặc sắc của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là ở sự tích hợp hai giá trị mang tính thời đại: độc lập là quyền và khát vọng của các dân tộc và nhân quyền là quyền và nhân cách của con người.
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta phải thực hiện đổi mới tư duy chính trị theo các văn kiện của Đảng, xác định và ứng xử đúng với các quốc gia theo quan điểm về “đối tác” và “đối tượng” của cách mạng Việt Nam: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”, “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Nhất quán quan điểm trên trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày nay đã là đối tác bình đẳng với trên 180 nước, trong đó có tất cả các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã từng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu).
Trong bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực ngày nay, bảo vệ độc lập dân tộc vẫn phải: kiên quyết và kiên trì bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải; đồng thời, còn phải bảo đảm an toàn, an ninh internet, mạng xã hội. Cùng với đó, chúng ta cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước, hướng tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TS. Cao Đức Thái
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Tâm Trang (st)