Các thế lực thù địch luôn xem thanh niên là đối tượng đặc biệt để thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Vì thế, nêu cao cảnh giác, kịp thời nhận diện, vạch trần các thủ đoạn của chúng là nhiện vụ cấp thiết, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị hiện nay.

Trong bất cứ giai đọan nào của lịch sử, thanh niên luôn là lực lượng đi đầu, chủ yếu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tuổi trẻ có nhiều điều kiện, cơ hội để phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ đi trước, vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện mới cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, khi sự trải nghiệm cuộc sống của họ chưa đủ để có thể sàng lọc, miễn dịch trước những tiêu cực xã hội đa chiều, phức tạp. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng những đặc điểm của tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình, nhưng nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội còn chưa đủ độ chín nên tìm mọi cách tuyên truyền, kích động, mua chuộc, tha hóa nhằm băng hoại lực lượng dự bị hùng hậu này của cách mạng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp của con người. Đây chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng xã hội để tác động lên tâm lý hòng lôi kéo thế hệ trẻ. Chúng đăng tải nhiều tài liệu có nội dung phản động, thông tin lập lờ, suy diễn, không đúng bản chất, với dụng ý xấu, như: phủ nhận những thành quả của đất nước, dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại cũng như vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra các diễn đàn trên mạng để nhiều người trẻ truy cập và định hướng bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất phương hướng chính trị. Phát tán các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy cho lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc và cống hiến. Căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” đang là hiện trạng có thật của một số ít người trẻ tuổi. Khi sự ham muốn bản năng trở thành mục đích duy nhất thì tất yếu dẫn đến sao nhãng quá trình học tập và rèn luyện; sự bồng bột, thiếu thực tế, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng của lối sống đua đòi, dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Họ bàng quang, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng; không ít thanh niên chưa thực sự vững tin vào tương lai phát triển của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động.

Bên cạnh đó, họ đưa lên các thông tin hạ thấp, bôi nhọ danh dự cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để hướng luồng dư luận và kích động lớp trẻ tỏ thái độ bất mãn với cái mà chúng gọi là “thảm kịch của đất nước”. Đặc biệt ở những địa bàn nhạy cảm, trước các sự kiện chính trị, xã hội lớn, như: các ngày kỷ niệm, trước thềm đại hội Đảng các cấp,... các thế lực thù địch tăng cường tuyên truyền, xúi giục thanh niên chống đối chính trị, hoặc tham gia các hoạt động gây rối, làm mất an ninh trật tự. Đáng tiếc, thời gian gần đây đã xuất hiện một số trí thức trẻ, học sinh, sinh viên cũng bị ảnh hưởng bởi những chiêu trò ấy. Họ bị kích động và đăng lên các bình luận, hùa theo tư tưởng phản động, nói xấu chế độ, đề cao cái gọi là “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”,... mà không biết đã mắc bẫy các thế lực thù địch. Hậu quả là, vì một phút nông nổi, kém hiểu biết mà một số bạn trẻ vô tình “nối giáo cho giặc” và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với sinh viên và đội ngũ trí thức, các thế lực thù địch tăng cường móc nối, lôi kéo một số du học sinh, nghiên cứu sinh đang học tập, công tác ở nước ngoài để tuyên truyền phản động; tập hợp, bồi dưỡng một số thanh niên có xu hướng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh tăng học bổng, hỗ trợ kinh phí từ các NGO, liên kết đào tạo, thẩm thấu những “giá trị” xã hội tư bản một cách tự nhiên, nhưng rất thâm độc, nhằm nuôi dưỡng đội ngũ này với âm mưu làm thay đổi chế độ ở Việt Nam trong tương lai. Họ gieo rắc vào giới trẻ khái niệm “cấp tiến”, “tự do”, “dân chủ” vô tổ chức, bất chấp luật pháp, tung hô những ý kiến “phản biện” ảo tưởng, xa rời thực tiễn. Hậu quả là một số bạn trẻ đã “sập bẫy”, hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tự đề cao cái tôi cá nhân, lối sống vị kỷ, cá biệt có trường hợp tha hóa về nhân cách, trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch. Với những thay đổi tinh vi cả về thủ đoạn và sách lược của các thế lực thù địch nhằm “tẩy não” làm chuyển hóa tư tưởng, dẫn tới quá trình “tự diễn biến” ở lớp người đang là rường cột, tương lai của đất nước, nếu thanh niên không được trang bị lý luận, nhận thức đúng để đủ sức “đề kháng” sẽ gây hậu quả khó lường. Để giúp cho thế hệ trẻ nhận diện được bản chất âm mưu của các thế lực thù địch, tỉnh táo, bản lĩnh, không để chúng lôi kéo, kích động, cần tập trung một số giải pháp chính như sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần do các thanh niên”1. Khi đề cập về thanh niên và công tác thanh niên, Đảng ta đã nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động: công tác thanh niên là nội dung quan trọng trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa các nội dung bằng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện với những chỉ tiêu, biện pháp thiết thực. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến quyền lợi thanh niên, nhất là quyền được học tập, lao động, tự do ngôn luận, v.v.

Hai là tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước hết, cần vạch trần bản chất âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, làm cho thanh niên thấy được chống “diễn biến hòa bình” là một việc làm thường xuyên, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các tổ chức đoàn thanh niên cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; nội dung linh hoạt, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý thanh niên và điều kiện thực tiễn. Tăng cường giáo dục cho thanh niên hiểu rõ, nắm chắc về lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, xây dựng, bồi đắp lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, gia tăng sức mạnh chính trị - tinh thần, làm động lực giúp thanh niên thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ. Dễ nhận thấy một thực tế, một số bạn trẻ tiếp thu không chọn lọc, đua đòi theo văn hóa, lối sống nước ngoài không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vì  thế, để giáo dục có hiệu quả, mỗi chủ thể cần phải nêu cao trách nhiệm và khả năng của mình. Trong đó, nhà trường phải không ngừng cải tiến nội dung và biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhận diện rõ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng các hoạt động thanh niên vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Gia đình phải tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý giáo dục con em mình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, thường xuyên tập hợp thanh niên vào các tổ chức đoàn, đảng và các tổ chức chính trị xã hội. Đây là một trong những phương thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Theo Người, muốn giáo dục tốt thanh niên, trước tiên phải đưa họ vào tổ chức đoàn, hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là môi trường thuận lợi để họ học tập, rèn luyện, phát triển và cống hiến. Trước hết, các tổ chức cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, đoàn viên, đảng viên về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên trong giai đoạn mới. Thường xuyên coi trọng giáo dục ý thức cách mạng để thanh niên biết nhận diện, đề phòng và tránh xa những cám dỗ vật chất, văn hóa tầm thường. Nắm bắt kịp thời, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên, tạo cơ hội để họ làm việc, cống hiến, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ.

Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Các ban, ngành đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong tham gia giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, cấp bách của ngành mình, cấp mình và cả xã hội. Qua đó, trực tiếp tôi luyện, giáo dục cho thanh niên lý tưởng, hoài bão và khát vọng cống hiến; hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng thời, làm tốt công tác tôn vinh những tập thể, cá nhân năng động, sáng tạo, có nhiều thành tích, từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra cuộc sống, tạo động lực tinh thần để thanh niên cống hiến và trưởng thành.

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, đồng thời cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần xây dựng cho mình tư tưởng vững vàng trước thông tin xấu độc, luôn kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; kịp thời phát hiện và tích cực đấu tranh, ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Văn Đảng

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tâm Trang (st)

_____________

1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 216.
2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài viết khác: