Chẳng ai ngờ câu nói trong điếu văn của Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Cát-xtơ-rô tại Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 09-9-1969 “Người ra đi lại là mầm sống vĩnh cửu” lại là nguồn cảm hứng để PGS, TS, nhạc sĩ Chu Minh sáng tác lên ca khúc “Người là niềm tin tất thắng”. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lời ca và giai điệu của ca khúc hùng tráng này đã khắc sâu vào tâm trí người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ thăng hoa, bay bổng trong những sáng tác của mình, tuy nhiên sáng tác về Bác thành công là điều không dễ, bởi trong ca khúc phải khắc họa được một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị, giản đơn. Là người có vinh dự 5 lần được gặp Bác, đã 3 lần được đi trên đường mòn mang tên Bác và vào năm 2017 giành được giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật mang tên Bác, nhạc sĩ Chu Minh là một trong số không nhiều các nhạc sĩ có sáng tác thành công về Bác Hồ.
PGS, TS, nhạc sĩ Chu Minh.
Nhạc sĩ Chu Minh (tên thật là Triệu Đạt Hiền) bắt đầu tham gia kháng chiến trong những năm đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương. Lúc đầu, ông làm nhiệm vụ liên lạc, sau làm công tác tuyên truyền rồi chuyển sang làm văn nghệ. Ông được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Về nước, ông là một trong những người xây dựng Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Năm 1960, ông quay lại Bắc Kinh học tập lần thứ 2 và sau khi tốt nghiệp ông về Chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ngoài sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy và rất nhiều lứa nhạc sĩ tên tuổi sau này như: An Thuyên, Đức Trịnh, Quỳnh Hợp… đều được qua bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình của người thầy kính mến này.
Đã lần lượt đi trên con đường số 16, 18, 20 qua các thời kì mà sau này gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Chu Minh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ông kể, năm 1972 ông đi trên con đường số 20, nơi bom đạn rơi như trút trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) mà 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh. Lúc đó, ông cùng các nhạc sĩ Tân Huyền, Hồng Đăng, Lê Lôi, An Chung, Văn Dung mang từ Hà Nội đi được 2 cây đàn ghi-ta đến gần binh trạm của ta trên đất Hà Tĩnh thì cũng là lúc Mỹ vừa mới thả bom. Xe ô tô không qua được, các nhạc sĩ phải xuống đi bộ. Trời tối om, ông bấm đèn pin thì thấy xung quanh cả một khoảng không gian trên gò cao toàn ngôi mộ chưa xanh cỏ. Trên những ngôi mộ có ghi tuổi của người đã mất mà người nhiều tuổi nhất cũng mới chỉ 21. Cảm xúc mạnh cứ ùa về khiến các nhạc sĩ trong đoàn không ai nói với ai câu nào cả, cứ lùi lũi đi bên những ngôi mộ cho đến sáng mới tới được binh trạm.
Trong ký ức của người nhạc sĩ xấp xỉ tuổi 90 vẫn nhớ như in mỗi lần vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác xem. Bác thường xuống sau cánh gà trò chuyện thân mật với các anh em trong đoàn. “Có lẽ vì tôi tên là Minh giống Bác nên Bác rất nhớ. Mỗi lần gặp, Bác hay khuyên tôi học tập, nâng cao chuyên môn hơn nữa. Qua những lần trò chuyện cùng Bác, tôi cảm giác Bác là người cao siêu nhưng lại rất con người”, nhạc sĩ Chu Minh nhớ lại trong niềm xúc động nghẹn ngào.
Nhạc sĩ Chu Minh đã viết một số bài bài hát sâu sắc về Bác Hồ như “Nước non tên Người”, “Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ”, “Đêm nhớ Bác”… Đặc biệt khi ở nước ngoài, ông viết “Tổ quốc giao hưởng” gồm 3 chương với 2 chủ đề âm nhạc xuyên suốt. Trong đó, ông đã chọn 6 bài thơ trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Bác để viết thành 4 ca khúc. Khi ấy, một vị Giáo sư âm nhạc rất nổi tiếng người nước ngoài có thắc mắc rằng: “Vì sao ông lại chọn 6 bài thơ để phổ thành 4 bài hát mà không phải là 6?”. Ông mới điểm tĩnh trả lời: “Tôi sáng tác theo mạch cảm xúc của âm nhạc chứ có phải theo mạch cảm xúc của thơ ca đâu”.
Mặc dù trước đó sáng tác nhiều ca khúc về Bác Hồ nhưng chỉ đến khi “Người là niềm tin tất thắng” ra đời mới làm ông thực sự ưng ý. Ông kể, ngày 2-9-1969, nhận được tin Bác mất, ông vô cùng buồn bã, đau thương. Dù đã nghĩ sẽ phải viết một ca khúc về Bác nhưng thực sự Bác quá vĩ đại nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Sáng ngày 9-9, ông đi cùng đoàn ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào viếng và được cảnh vệ sắp xếp cho đứng gần Bác. Lúc về, ông cứ băn khoăn mãi lời điếu của Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Cát-xtơ-rô với nội dung “Người ra đi lại là mầm sống vĩnh cữu”, một ý tưởng lóe trong đầu thế là ông nghĩ ngay đến việc phải viết ca khúc ca ngợi Bác. Đêm hôm ấy với một cảm xúc xốn xang đến kỳ lạ, ông đã viết ca khúc bất hủ này.
Viết xong trong đêm, ông trằn trọc không ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để đến nhà ca sĩ Bích Liên (khi ấy là người nổi tiếng nhất Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam) thử giọng hát. Lúc hát Bích Liên cứ khóc khiến nhạc sĩ Chu Minh phải dỗ dành mãi: “Em phải biến đau thương thành ca ngợi, lời ca phải dõng dạc, hùng tráng”. Và bài hát thành công ở chỗ đã thoát ra khỏi lối viết hành khúc tang lễ kiểu phương Tây thông thường. Những câu “đắt” trong bài như “thế giới nghiêng mình” hay “đất nước nghiêng mình” là điều mà ông rất cân nhắc khi dùng do thời ấy dùng từ khá nghiêm ngặt. Sau khoảng chục hôm tính từ ngày Bác mất, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận được 1.500 ca khúc viết về Bác của tất cả các nhạc sĩ từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Hội đồng đã tuyển chọn “Người là niềm tin tất thắng” đứng đầu bảng để thu thanh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài có câu 4 câu rất quan trọng “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi/ Với non sông Việt Nam” mà sau này nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới bảo: “Mày nghĩ ra câu này hay quá, tao chịu thôi không thể nghĩ ra được”.
Điều mà ông hướng đến khi viết ca khúc này là phải để dàn nhạc giao hưởng đệm. Đối với ông việc sáng tác bài hát bất hủ đó là một sự thăng hoa và nhiều lúc ông cảm thấy ngại vì nhiều người sẽ nghĩ mình khoe kỹ thuật cao siêu. Và ông cũng khẳng định mình viết lạ nhưng không hề lập dị. Sau này có một nhạc sĩ nói với ông: “Sao ông lại để nhiều dấu thăng thế?”. Ông mới bảo: “Không sao đâu, tôi đã thử trên đàn piano rồi. Tôi viết thế nhưng dân người ta nghe thích là được rồi”. Ông nhạc sĩ không chịu: “Như thế dân khó hát”. Tôi bảo: “Không, người Việt Nam hát bằng cảm nhận của âm thanh chứ ngày xưa có ai học nhạc ở phổ thông đâu”. Thực tế cho thấy khi đi chấm thi ở nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng, ông cảm nhận các thí sinh hát hay không kém gì ca sĩ chuyên nghiệp. Mặc dù không nhớ tên nhưng ông còn nhiều ấn tượng với giọng hát của người công nhân mỏ ở Quảng Ninh, người trồng cao su ở Tây Nguyên hay các bác cựu chiến binh mà ông đã từng gặp đâu đó trên đường đời.
Một tháng 9 nữa lại về, nhân dân ta lại hân hoan chào đón Ngày Quốc khánh của dân tộc và đó cũng là Ngày Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta trút hơi thở cuối cùng để về với thế giới người hiền. Trong những cảm xúc xốn xang ấy, đâu đó trên khắp phố phường, làng quê lại vang lên lời ca ngập tràn niềm tự hào: “Đất nước nghiêng mình/ Đời đời nhớ ơn/ Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam/ Lời thề sắt son theo tiếng Bác gọi/ Bốn ngàn năm dồn lại hôm nay/ Người sống trong muôn triệu trái tim…”. Bác Hồ của chúng ta là vậy đó, “Người sống trong muôn triệu trái tim”.
Ngô Khiêm
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử
Đức Lâm (st)