Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, đồng thời cũng là bản chất tốt đẹp, truyền thống cao quý của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đã tiến hành xử lý và đề nghị Trung ương Đảng, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ quân đội vi phạm kỷ luật quân đội (KLQĐ), pháp luật Nhà nước (PLNN).

Thế nhưng, với nhiều mưu đồ thâm độc, lợi dụng sự nghiêm minh của "kỷ luật thép" được công khai rộng rãi, các thế lực thù địch đã chủ ý cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị tung ra nhiều chiêu trò chống phá, xuyên tạc sự thật, hòng làm sai lệch bản chất và truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam.

1. Không khó để nhận ra, trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, trên nhiều trang mạng xã hội, các lực lượng thù địch đang ra sức tung hô, bịa đặt, đưa ra không ít cái gọi là “ví dụ” hòng bôi nhọ truyền thống và xúc phạm danh dự cán bộ, chiến sĩ và QĐND Việt Nam; phủ nhận sự đóng góp to lớn của QĐND Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công cuộc đổi mới đất nước nói riêng. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch còn nghĩ ra không ít “luận cứ”, quy chụp, cho rằng những sai phạm diễn ra trong quân đội thời gian qua xuất phát từ chính bản chất, truyền thống và đặc thù hoạt động quân sự; cho nên, quân đội không thể sửa chữa sai phạm, khuyết điểm; không thể lấy lại được danh dự, uy tín... Mặt khác, họ cố tình bóp méo, trắng trợn suy diễn rằng nội bộ quân đội đang có vấn đề, biểu hiện mất đoàn kết trước thềm đại hội đảng.

ky luat thep
“Kỷ luật thép” là truyền thống cao quý, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ảnh minh họa / TTXVN.

Đây thực chất vẫn là những luận điệu chống phá cũ rích, hòng đánh tráo bản chất và hiện tượng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt. Đây cũng là chiêu trò thâm độc, hòng “mượn gió bẻ măng”, được vận hành theo lối “đến hẹn lại lên” đã quá quen thuộc của các thế lực thù địch, hiềm khích.

Những âm mưu, thủ đoạn này hết sức nguy hiểm. Bởi lẽ, trong thời đại kỷ nguyên số, bùng nổ mạng xã hội, những luận điệu thâm độc vẫn hằng ngày, hằng giờ tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ việc không nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam, một số ý kiến hoài nghi, lo ngại về thực trạng thoái hóa, biến chất trong quân đội ngày càng phổ biến; đưa ra nhận định sai lệch về hiện tượng quân đội không còn nghiêm minh, tinh nhuệ như những năm tháng chiến tranh... Chính điều đó lại có tác động ngược trở lại, ảnh hưởng ngày càng lớn đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam.

2. Thực tế những năm qua, QĐND Việt Nam đã tiến hành kỷ luật không ít cán bộ, quân nhân, có cả sĩ quan cấp tướng, cấp tá, nhưng đây thực chất là phần việc thường xuyên như “soi gương, rửa mặt” hằng ngày của QĐND Việt Nam kể từ khi được thành lập. Đó là một cách làm cho quân đội ngày càng trưởng thành, lớn mạnh hơn.

Kỷ luật chính là sức mạnh của quân đội. V.I.Lênin từng cho rằng: Trong chiến tranh “kẻ nào có kỷ luật cao hơn, có trình độ tổ chức và kỷ luật cao hơn... thì kẻ đó chiến thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, giáo dục, rèn luyện QĐND Việt Nam cũng đã khẳng định: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua” và “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy kỷ luật phải nghiêm minh”. Thực hiện lời dạy của Người, giữ nghiêm kỷ luật đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, nhiều khó khăn, thiếu thốn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, toàn quân luôn đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ rèn cán, luyện binh. Những trường hợp vi phạm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ đều được các cấp xử lý nghiêm khắc, “đúng người, đúng tội” để giáo dục bộ đội và làm gương cho cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Qua những vụ án, từ thực tiễn minh chứng rõ ràng, thể hiện sự nghiêm minh tuyệt đối của pháp luật và KLQĐ cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và QUTƯ, BQP không hề nương nhẹ kỷ luật đối với mọi quân nhân nếu vi phạm KLQĐ, vi phạm PLNN.

3. Với tinh thần duy trì kỷ luật “tự giác, nghiêm minh”, xuyên suốt hai cuộc kháng chiến, cùng với chống giặc ngoại xâm, QĐND Việt Nam đã tiến hành quyết liệt chống giặc nội xâm, giữ nghiêm kỷ luật, tạo thành sức mạnh nội sinh cho quân đội. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ của kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 21-5-1949, Trung ương Đảng ra Chỉ thị mở Cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” (rèn cán, chỉnh quân). Đây là cuộc vận động lớn, được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp, tạo bước chuyển biến quan trọng. Ngay sau khi chỉ thị về cuộc vận động được ban hành, Tổng Chính ủy mở Cuộc vận động “Rèn luyện đảng viên, chấn chỉnh tổ chức” trong quân đội. Theo đó, nhiều lớp bồi dưỡng chỉnh đốn tác phong, rèn luyện tính đảng, tính giai cấp, đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo trong sinh hoạt ở chi bộ và tổ đảng được triển khai thực hiện. Trong đó, đảng viên được học tập các tài liệu: “Cộng sản sơ giải”, “Đảng là gì”, “Điều lệ Đảng”, “Công tác chi bộ”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Vệ quốc quân người công dân tiên phong”... Qua đó, làm thay đổi sâu sắc nhận thức, tạo sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng chính quy cho quân đội. Kỷ luật nghiêm minh trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để QĐND Việt Nam chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ hùng mạnh; bảo vệ vững chắc Tổ quốc trước các cuộc chiến tranh biên giới và hoàn thành vẻ vang sứ mệnh quốc tế cao cả.

Kỷ luật tự giác, nghiêm minh là truyền thống tốt đẹp, một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam. Kỷ luật đó được bắt nguồn từ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, từ sự nhất trí về đường lối, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ và yêu cầu xây dựng, phấn đấu của quân đội. Truyền thống đó được thể hiện ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi quân nhân; trong chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, PLNN; trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. QĐND Việt Nam đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều đó trở thành lối sống cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam.

Cũng từ đó, kỷ luật là sức mạnh của quân đội trở thành nét văn hóa quân sự đặc sắc. Chính sự nghiêm minh đó càng làm cho quân đội giữ được niềm tin yêu trọn vẹn của nhân dân, coi quân đội là trường học lớn, là lực lượng mẫu mực với những con người được tôi luyện trong một môi trường nghiêm ngặt, tiêu biểu về bản lĩnh, đạo đức, chấp nhận thiệt thòi, khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân, hy sinh cho Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ quân đội phần lớn ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, nơi tiền phương của Tổ quốc, nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; miệt mài cống hiến và gắn bó với gian khổ hy sinh trong huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu.

Thực tế đó cho thấy, trong bất luận mọi thời kỳ lịch sử, QĐND Việt Nam luôn là đội quân tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng, trước nhân dân; là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN. Điều quan trọng là mỗi cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị trong quân đội phải luôn đoàn kết thống nhất, chủ động rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, chấp hành nghiêm KLQĐ, kỷ luật Đảng, PLNN, trở thành tấm gương mẫu mực để cả cộng đồng tin tưởng, yêu thương và học tập, ngăn chặn hiệu quả sự lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Bí thư QUTƯ Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư QUTƯ) tại Hội nghị QUTƯ phiên họp cuối năm 2017: “Phải đặc biệt giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội. Muốn vậy, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm, quân đội phải làm gương cho các nơi khác”.

Tấn Tuân - Trần Chiến
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Đàm Anh (st)

(còn nữa)

 

Bài viết khác: