1. Bộ Y tế: Công văn số 4674/BYT-MT ngày 31/8/2020 về việc hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày)
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh/thành phố tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian chuyên gia lưu trú tại Việt Nam. Cùng đó, báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày được quy định bao gồm: Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (gọi tắt là chuyên gia); khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ trong quá trình nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam.
- Về mặt nguyên tắc, Bộ Y tế khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương cân nhắc nhu cầu mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ vào Việt Nam làm việc ngắn ngày và phải đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Các chuyên gia, khách nhập cảnh không phải cách ly y tế tạp trung 14 ngày, song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho chuyên gia, khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: Sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương.
Nơi lưu trú cho chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19” hoặc Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/3/2020 ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng.
Chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19. Chuyên gia phải vào trước thời gian làm viêc dự kiến 1 ngày để thực hiên các quy định liên quan đến giám sát y tế;
Toàn bộ kinh phí cho việc cách ly, phương tiện đưa đón, xét nghiệm COVID- 19 do đơn vị, tổ chức mời chuyên gia chi trả. Đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn phí.
Sau 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, nếu chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc và kết quả SARS-CoV-2 âm tính thì được làm việc bình thường, không cần cách ly.
- Đối với người nhập cảnh là chuyên gia, thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn: Trước khi nhập cảnh; tại nơi xuất, nhập cảnh; tại nơi lưu trú; Tại nơi diễn ra cuộc họp, ký kết; tại nơi làm việc, đi thực địa; đảm bảo phương tiện đưa đón chuyên gia.
- Đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ: Các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 cơ bản thực hiện tương tự như đối với chuyên gia. Đối với khách VIP từ cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên: không bắt buộc phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 khi nhập cảnh; không phải cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và không phải xét nghiệm SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh.
- Đối với các cơ quan, tổ chức mời:
+ Xây dựng phương án nhập cảnh, phương tiện đưa đón, lưu trú, nơi họp, ký kết, nơi làm việc, địa điểm thực địa cụ thể cho chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, phương án đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc của chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những người tiếp xúc.
+ Thông tin, hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại hướng dẫn này và các quy định khác liên quan của Chính phủ Việt Nam.
+ Thực hiện đúng các nội dung được quy định tại hướng dẫn này.
+ Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Bộ, ngành tình hình triển khai thực hiện.
- Đối với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ:
+ Thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế điện tử khi nhập cảnh. Sử dụng ứng dụng Bluezone trong suốt thời gian tại Việt Nam (trừ khách VIP từ cấp Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên).
+ Thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, quy định phòng, chống dịch COVID tại hướng dẫn này và các quy định Chính phủ Việt Nam.
+ Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, khi có một trong biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức mời chuyên gia/khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và cơ quan y tế.
+ Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân gồm: Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là trước khi vào phòng họp, trước và sau khi ăn uống; hạn chế bắt tay với người khác; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…
+ Không ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện lịch trình họp, ký kết, làm việc, đi thực địa theo kế hoạch đã được thông báo trước.
- Đối với người tiếp xúc gần với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
+ Phải khai báo với cơ quan y tế để được ghi nhận thông tin.
+ Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ: thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay, đảm bảo giãn cách và thực hiện đúng phòng, chống dịch COVID-19, tự theo dõi sức khỏe.
+ Sau khi dừng tiếp xúc, làm việc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, cần tự theo dõi sức khỏe, vẫn được làm việc bình thường, hạn chế tiếp xúc với cộng đồng trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
+ Nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở cần tư cách ly tại nơi lưu trú, thông báo cho cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế để được tư vấn và khám, xét nghiệm theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
- Đơn vị quản lý địa điểm họp, ký kết, nơi làm việc, địa điểm thực địa: Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể cho các đơn vị trực thuộc và các cá nhân có liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung theo hướng dẫn tại Phần IV để đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
2. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 8777/BGTVT-VT ngày 06/9/2020 về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến thành phố Đà Nẵng
Theo đó, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi/ đến thành phố Đà Nẵng của người dân, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; đồng thời để tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn bảo đảm hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ, hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách đi/ đến Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách (ô tô, tàu hỏa, tàu bay, phương tiện thủy…) đi/đến thành phố Đà Nẵng để hoạt động vận tải trở lại bình thường từ 00 giờ 00 phút ngày 07/9/2020 cho đến khi có thông báo mới. Trong đó lưu ý, phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách đi/đến thành phố Đà Nẵng: Đeo khẩu trang, khai báo y tế, khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.
Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn tại Công văn số 7234/BGTVT-CYT ngày 26/7/2020 của Bộ Giao thông vận tải.
- Đối với các phương tiện vận tải hành khách (ô tô, tàu hỏa, tàu bay, phương tiện thủy…) xuất phát từ thành phố Đà Nẵng: Yêu cầu thực hiện giãn cách ghế trên phương tiện theo các hướng dẫn tại Công văn số 4145/BGTVT-CYT ngày 29/4/2020 và Công văn số 4157/BGTVT-CYT ngày 29/4/2020 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn bổ sung việc giãn cách bảo đảm phòng, chống COVID-19 trên các phương tiện giao thông.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam trong phạm vi quản lý phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là phối hợp với Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng), Sở Giao thông và xây dựng Lào Cai nắm bắt tình hình vận tải hành khách tại địa phương và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới theo đúng quy định của Bộ Y tế.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 3323/BGDĐT-GDTC ngày 28/8/2020 về việc tuyên truyền các bài tập thể dục dành cho học sinh tập luyện nâng cao sức khỏe phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc Việt Nam (UNICEF Việt Nam) xây dựng các bài tập thể dục (dưới dạng video) và tài liệu hướng dẫn tập luyện để nâng cao sức khỏe cho trẻ mẫu giáo và học sinh phòng, chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa/Internet
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-BGDĐT ngày 27/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt 05 bài tập thể dục (video) và tài liệu hướng dẫn tập luyện (kèm theo danh mục), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền, phổ biến tài liệu trên để học sinh tham khảo tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực phòng, chống dịch COVID-19, hình thức như sau.
1. Phát hành đĩa DVD đến các Sở Giáo dục và Đào tạo (03 đĩa/ 01 sở)
2. Đăng tải trên hạ tầng số:
- Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Đường link tải tài liệu:
- Fanpage: https://www.facebook.com/Vugiaoducthechatbgd.
- Phối hợp với các đơn vị truyền thông để tuyên truyền về tài liệu.
Nhằm triển khai tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả và phổ biến rộng rãi tài liệu, đề nghị các đơn vị tăng cường chia sẻ trên các hạ tầng số như: facebook, youtube.
Các bài tập thể dục (Video) gồm:
+ Bài tập thể dục dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học (Bài hát: Bé vui khỏe - Nhạc và lời: Lê Vinh Phúc)
+ Bài tập thể dục dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học (Bài hát: Em phòng chống Corona ở trường - Nhạc và lời: Bùi Anh Tôn)
+ Bài tập thể dục dành cho học sinh trung học cơ sở (Bài hát: Chống dịch như chống giặc - Nhạc và lời: Ưng Đại Vệ)
+ Bài tập thể dục dành cho học sinh trung học cơ sở (Bài hát: Ghen Covy - Thuộc dự án truyền thông phòng chống COVID-19, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế - Nhạc và lời: Khắc Hưng)
+ Bài tập thể dục dành cho học sinh trung học phổ thông (Bài hát: Corona - Đại dịch sẽ phải lùi xa - Nhạc và lời: Bùi Anh Tú)
4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội: Thông báo 20/TB-BCĐ ngày 01/9//2020 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, TP.Hà Nội (tại phiên họp số 60)
Theo đó, trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể Ban Chỉ đạo Thành phố giao các đơn vị:
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện các nội dung sau:
+ Thực hiện tốt công tác kiểm soát các ổ dịch, khi phát hiện ca bệnh COVID-19 mới trên địa bàn, cần rà soát nhanh F1, F2, thực hiện xét nghiệm, cách ly và phối hợp đơn vị liên quan quản lý tốt các khu cách ly tập trung trên địa bàn.
+ Phát huy vai trò của tổ giám sát, tuyên truyền trong cộng đồng nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động, giám sát, kiểm tra để người dân thực hiện tốt việc đeo khẩu trang và không tập trung đông người theo quy định. Thực hiện việc giãn cách trong các nhà hàng ăn uống và cafe giải khát, khách hàng ngồi cách nhau tối thiểu 1m. Đối với chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần tích cực hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị mình, đồng thời tuyên truyên tới khách hàng để thực hiện khi giao dịch, mua bán. Kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có số lượng lớn lao động, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
+ Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
+ Kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành y tế.
+Chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, phục vụ khai giảng năm học mới theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Sở Y tế: Tiếp tục quyết liệt thực hiện công tác kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn theo phân cấp. Phấn đấu kiểm tra 100% các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp an toàn ở mức thấp cần yêu cầu bổ sung ngay các giải pháp để đảm bảo mức an toàn theo quy định; trường hợp không đáp ứng yêu cầu về an toàn cho dừng hoạt động đến khi đảm bảo an toàn.
- Công an thành phố Hà Nội: Tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch trên địa bàn.
- Sở Giao thông vận tải: Tiếp tục triển khai tích cực kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các bến xe, phương tiện giao thông công cộng trong Thành phố, nhất là các tuyến xe liên tỉnh để đảm bảo phục vụ an toàn cho người dân, đặc biệt là dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9.
- Sở Y tế thống nhất Sở Tài chính chủ động phối hợp Sở Du lịch, Bộ Tư lệnh Thủ đô và đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cách ly và thu phí đối với người nhập cảnh vào Thành phố, không phân biệt người Việt Nam và nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ động phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
- Các Sở, ngành Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận huyện thị xã: Chủ động rà soát, thực hiện tôt các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo chỉ đạo nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị.
Thu Hiền (tổng hợp)