Từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, các thế hệ cha ông chúng ta đã sớm hình thành ý chí, khát vọng phát triển quốc gia, dân tộc, trước hết là ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ, hùng cường. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ý chí, khát vọng phát triển đã trở thành giá trị tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc, là cơ sở để khơi dậy, phát huy sức mạnh tinh thần, ý chí quật cường, niềm tự hào, tự tin, sự nỗ lực của cả dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ mới, chúng ta càng cần phải phát huy ý chí, khát vọng phát triển để phát triển đất nước nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đến giữa thế kỷ, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc”1, và bài viết này khẳng định rõ thêm ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc như một nguồn nội lực phát triển.

Từ khi có Đảng, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc lại được nhân lên, được củng cố sâu sắc thêm cơ sở khoa học và gắn với thực tiễn đất nước hơn. Do vậy, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc càng trở thành một nguồn nội lực xã hội quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc không xa rời bản chất đích thực thì nó phải tiếp tục được làm giàu bởi những giá trị truyền thống tinh thần quý báu của dân tộc, những tinh hoa của văn hóa nhân loại. Đặc biệt, ý chí, khát vọng phát triển này phải dựa trên sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự kiên trì độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới toàn diện đúng đắn của Đảng. Nếu chúng ta không dựa trên những cơ sở, nền tảng tư tưởng phát triển này thì ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc sẽ mất nguồn động lực, mất phương hướng, thiếu cơ sở khoa học và khó được phát huy. Bởi lẽ, trong thời kỳ mới, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam không thể tách rời con đường phát triển xã hội chủ nghĩa và nhằm phát triển một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Trên cơ sở đó, chúng ta mới giải phóng con người Việt Nam khỏi giặc dốt, giặc đói, khỏi mọi bất công xã hội, làm cho con người Việt Nam có cơ hội, điều kiện phát triển toàn diện.

Thực tiễn hơn 75 năm qua từ khi dân tộc ta giành được độc lập cho thấy, nếu xa rời, vận dụng không sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, không có đường lối đúng đắn, khoa học của Đảng thì ý chí, khát vọng phát triển không được phát huy đầy đủ, trọn vẹn. Thực tế lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc cũng cho thấy, nếu tách rời mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, thì ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc đó cuối cùng cũng sẽ rơi vào ngõ cụt. Ngày nay, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam còn phải được dựa trên đường lối đổi mới toàn diện, đúng đắn của Đảng. Thực tế gần 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, bảo vệ môi trường,... rất đáng tự hào. Cơ hội, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của dân tộc ta ngày càng được nâng cao, củng cố. Phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ. Tất cả những điều đó cho thấy đường lối đổi mới toàn diện của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Đường lối đổi mới đó cũng là sự thể hiện sinh động cho việc hiện thực hóa có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong tình hình mới. Những thành tựu này cũng đồng thời củng cố niềm tin, sự quyết tâm của chúng ta, khẳng định sự lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhân dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp quy luật khách quan, với thực tiễn đất nước, đúng xu hướng phát triển của thời đại.

Trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều đổi thay phức tạp, khó lường như hiện nay cùng sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học, công nghệ, sự biến đổi bất lợi của khí hậu, việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta cần dựa trên tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước là phát triển nhanh và bền vững. Nếu chúng ta không phát triển nhanh thì cơ hội phát triển sẽ mất, nhưng nhanh mà không bền vững thì cuối cùng cũng không phát triển. Để phát triển nhanh chúng ta phải dựa trên đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trước hết là ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Chúng ta đều rõ, các nguồn lực cho phát triển nhanh như tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ,... đã đến tới hạn, hoặc ngày càng giảm vai trò. Do vậy, chỉ có phát huy hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, hệ giá trị con người Việt Nam, trong đó có ý chí, khát vọng phát triển thì mới có những cơ hội, tiềm năng mới cho phát triển nhanh và bền vững. Dựa trên đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ chúng ta mới rút ngắn được con đường phát triển, bỏ qua được những giai đoạn trung gian, quá độ không cần thiết để đi tắt, đón đầu trong phát triển. Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới không bị tụt lại phía sau và mới thoát được bẫy thu nhập trung bình. Tất nhiên, sự phát triển nhanh phải bảo đảm không có những bất ổn về chính trị - xã hội, môi trường,... Bởi lẽ, với những bất ổn ấy thì kinh tế cũng không thể phát triển. Đồng thời phải đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo, cũng như phát triển khoa học, công nghệ. Giáo dục, đào tạo ngoài việc giáo dục, đào tạo con người phát triển toàn diện thì phải hướng đến chú trọng giáo dục, đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo; kỹ năng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa,... cho người học.

Đồng thời phải đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xuất phát và dựa trên quan điểm nhân dân là trung tâm, mục tiêu vì nhân dân, cho nhân dân và do nhân dân, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Với quan điểm, mục tiêu như vậy đã tạo nên sức mạnh thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh giúp chúng ta khống chế, kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân trong điều kiện hạn hẹp về kinh tế, kỹ thuật. Một lần nữa cho thấy, nếu biết phát huy tốt ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc thì đây cũng là một nguồn nội lực xã hội phát triển quan trọng trong thời kỳ mới.

Để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, khơi dậy, nhân lên, phát huy giá trị, sức mạnh nội sinh của ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Chúng ta đều rõ, chính ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc khi được khơi dậy, nhân lên, phát huy phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh muôn người như một. Nhờ có ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”2 mà Đảng ta mới 15 tuổi đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chúng ta còn rõ, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực tìm kiếm giải pháp thương lượng, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để loại trừ mầm mống chiến tranh. Nhưng khi thực dân Pháp cố tình gây hấn thì ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc được thể hiện rất rõ qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3. Chính ý chí, khát vọng độc lập này là cội nguồn sức mạnh để chúng ta chiến thắng thực dân Pháp. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trở thành ý chí, khát vọng phát triển của mỗi một người con đất Việt. Trước hết, mỗi đồng chí đảng viên hãy gương mẫu, lan tỏa, nhân lên ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.

Thứ hai, để ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trở thành nguồn nội lực phát triển của đất nước, cần tuyên truyền, khẳng định về những thành tựu rất đáng tự hào mà dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được. Những thành tựu đó cũng là kết quả của sự phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Từ đó chúng ta thêm tin tưởng, thêm tự hào, thêm quyết tâm, thêm cơ sở khẳng định sự đúng đắn của con đường phát triển mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn - con đường phát triển xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý văn hóa, quản lý con người,... Xóa bỏ triệt để cơ chế bao cấp, xin - cho. Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh “cởi trói”, “phá rào”, tạo ra những đường nét cơ bản của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho phát triển, nhưng còn rất nhiều rào cản như bộ máy cồng kềnh, quan liêu, tham nhũng, chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp, phân nhiệm còn chồng chéo; lợi ích nhóm xấu chưa được loại bỏ; đâu đó vẫn còn sự tham nhũng chính sách. Tất cả những rào cản này đang làm hạn chế việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc chỉ có thể được phát huy trên nền tảng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Điều này phải được coi là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.

Thứ tư, muốn phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong bất kỳ thời đại nào cũng phải dựa vào dân; tin vào sức mạnh phi thường của quần chúng nhân dân. Thiếu sức mạnh của toàn thể nhân dân, thiếu sự quyết tâm của tất cả nhân dân, không có sự ủng hộ của nhân dân; không có sự tham gia của nhân dân chúng ta không thể làm được gì chứ chưa nói đến phát huy ý chí, khát vọng phát triển. Có thể nói, sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.

Trong tình hình mới hiện nay, với “sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài”4, chúng ta nhất định sẽ phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam.

GS, TS. Trần Văn Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)

----------------------------

1, 4. Bài viết Chuẩn bị tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử; tập 2, NXBCTQG,H.2016, tr.225.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXBCTQG,H. 2011; tập 4, tr.534.

Bài viết khác: