Hơn mười ngày qua, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới đã được dư luận rộng rãi trong và ngoài Đảng nhiệt liệt hoan nghênh. Báo chí và các phương tiện truyền thông nói chung đã phản ánh ý kiến tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và cả những đảng viên bình thường bày tỏ sự đánh giá cao bài viết ấy, coi đó là một văn kiện chỉ đạo có tầm tư tưởng và chiến lược rất cao.
Tôi hoàn toàn đồng tình với sự đánh giá ấy. Ngay trong phần mở đầu bài viết, đồng chí Tổng Bí thư (xin viết gọn) đã có lời khẳng định đặc biệt gây ấn tượng, rằng Đại hội XIII “chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”.
Với tôi, cụm từ “có ý nghĩa định hướng tương lai” đã làm dậy lên biết bao kỷ niệm về các Đại hội của Đảng ta từ buổi đầu đổi mới đến nay.
Tôi có may mắn được là thành viên Tổ biên tập Báo cáo chính trị các Đại hội VI, VII, VIII, IX và X của Đảng. Với các văn kiện Đại hội XI và XII, tôi cũng được đóng góp ý kiến từ bước chuẩn bị qua sinh hoạt của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tôi hiểu “định hướng tương lai” của mỗi kỳ Đại hội là chức năng của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng người phát ngôn tiêu biểu bao giờ cũng là Tổng Bí thư của Đảng.
Nói đến Đại hội VI của Đảng, chúng ta không quên câu nói nổi tiếng của đồng chí Trường Chinh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Về xây dựng Đảng, đồng chí nói: “Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.
Chúng ta cũng không quên lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bế mạc Đại hội: “Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức… Không một trở lực nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta về phía trước”.
Nói đến các Đại hội VII, VIII, IX và X, chúng ta ghi nhớ những nấc thang phát triển từ thấp đến cao của sự nghiệp đổi mới đất nước: từ khủng hoảng kinh tế - xã hội đến ra khỏi khủng hoảng và bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ ra khỏi tình trạng nước kém phát triển đến nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Và dưới góc nhìn của Cương lĩnh, đó là từ chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, đã chuyển sang thời kỳ tiếp theo với bước tiến ngày càng vững chắc hơn.
Chúng ta cũng không quên nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng mà những người phát ngôn là các đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh.
Trở lại tư duy “định hướng tương lai” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ta sẽ thấy những thành tựu đạt được của 20 năm, rồi 30 và 35 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đó là cơ sở vững chắc để Tổng Bí thư khẳng định một cách mạnh mẽ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu đó tuyệt nhiên không phải của trời cho mà là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đạt được nhưng nhất định không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng khó lường. Đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức đó do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan mà chủ quan là đáng nói nhất. Tổng Bí thư căn dặn: “Những khó khăn, hạn chế và khuyết điểm đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nước ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng được”. Đồng chí còn nói: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, Đảng ta phải thật sự vững vàng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến...”.
Vậy giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng là gì? Đồng chí Tổng Bí thư đã có một sự lý giải hết sức thuyết phục: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho ai được phép ngả nghiêng, dao động.
Cùng với ba điều kiên định nói trên, Tổng Bí thư còn chỉ rõ: Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi mầu”. Cho nên phải hiểu rõ, vận dụng đúng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Về mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư nói: Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vì bài báo có hạn, tôi không thể đưa ra nhiều hơn nữa những dẫn chứng và lập luận. Nhưng từ những dẫn chứng nêu trên, phải chăng chúng ta vẫn có thể nói rằng, thông qua một văn kiện chỉ đạo rất bình dị, đồng chí Tổng Bí thư đã gửi cho chúng ta một bức thông điệp rất có giá trị về “định hướng tương lai”, như cái đầu đề của bài báo này?
Tháng 9-2020
Hà Đăng
Theo Báo Nhân Dân
Tâm Trang (st)