Người cho rằng: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến công tác bồi dưỡng, đào tạo cho Đảng một đội ngũ cán bộ thực sự vững mạnh, có đủ đức, đủ tài để đưa con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang. Người cho rằng: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và "Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
Với tư tưởng khoa học, tiến bộ về đánh giá, sử dụng cán bộ của Bác,
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập
3-11-1946 có cả các nho sĩ, trí thức là người ngoài Đảng
Người cũng luôn căn dặn cán bộ các cấp, nhất là lãnh đạo phải tỉnh táo lựa chọn người để bố trí công việc cho đúng. Làm lãnh đạo mà không biết dùng người, hoặc dùng người một cách thiên lệch, thiếu đúng đắn thì không xứng với cương vị được giao. Cho nên, Người yêu cầu khi đánh giá, sử dụng cán bộ phải đúng và khéo, bảo đảm cả khoa học lẫn nghệ thuật.
Muốn sử dụng đúng và khéo, trước hết phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, công tâm. Muốn hiểu cán bộ, trước hết phải tự biết mình, biết đúng sự phải trái của mình thì mới biết đúng sự phải trái của người khác. Nếu không biết sự phải trái của mình thì chắc không nhận rõ người tốt hay xấu. Hồ Chí Minh cũng phê phán những chứng bệnh mà người lãnh đạo hay mắc phải là: Tự cao, tự đại, ưa nịnh, chán, ghét những người chính trực; đem lòng yêu, ghét mà đối với người, dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người không hợp với mình. Kết quả là họ làm sai mà mình vẫn bao che, bảo hộ, khiến cho họ ngày càng thoái hóa, biến chất. Còn đối với những người chính trực thì “bới lông tìm vết”. Như thế, không chỉ làm hại tới uy tín của Đảng mà còn làm hỏng cả người lãnh đạo. Người lãnh đạo phạm một trong những bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính màu, không bao giờ thấy rõ cái sự thật những cái gì mình thấy.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo phải độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, khiến cho cán bộ không bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa; phải biết giúp đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ; phải sáng suốt, tỉnh táo mới khỏi bị “bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt”; phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí ấy mới gần gũi mình.
Để cán bộ yên tâm làm việc, theo Người, lãnh đạo phải có gan cất nhắc cán bộ. Cất nhắc cán bộ, phải vì công việc, như thế công việc nhất định “chạy”. Trước khi cất nhắc phải nhận xét rõ ràng, thấy được những mặt tích cực, những điểm hạn chế trong từng người cụ thể để có hướng sử dụng đúng. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục mà gây nên “mối lôi thôi” trong Đảng. Khi cất nhắc cán bộ phải vì tập thể, tránh động cơ cá nhân, áp đặt vô nguyên tắc, thiếu dân chủ, cần vì sự ổn định và phát triển của cơ quan, đơn vị.
Phải biết khiến cho cán bộ có gan nói, có gan đề ra ý kiến đóng góp ưu, khuyết điểm của lãnh đạo. Như thế chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại thực hành tốt dân chủ rộng rãi trong Đảng; khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Có nhiều việc hay, việc dở một phần do cán bộ có đủ năng lực hay không, nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo có đúng hay không. Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn được tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn công tác. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ.
Cũng theo Bác, trước khi giao công tác cho cán bộ, phải bàn kỹ với họ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng giao việc đó cho họ. Khi đã giao cho họ thì cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp xếp đầy đủ, vạch rõ những điểm chính và những điểm khó khăn có thể xảy ra. Một khi đã quyết định rồi thì “thả” cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm và phải hoàn toàn tin họ. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần tham gia vào những vấn đề nhỏ nhặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tùy cơ ứng biến”, có như thế mới phát triển tài năng của họ được. Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi thì việc gì cấp trên cũng nhúng tay vào, kết quả thành chứng bao biện mà công việc cũng không xong. Cán bộ sinh ra nản chí, ỷ lại, mất hết sáng kiến.
Đối với cán bộ mắc sai lầm, theo Người, lãnh đạo phải giúp đỡ họ một cách chí tình, làm cho họ tự giác thấy được nguyên nhân của sai lầm và tác hại của nó, để có biện pháp khắc phục, sửa chữa một cách tích cực và hiệu quả. Không phải khi cán bộ có sai lầm mà đã vội cho họ là “động cơ gì”, “mục đích gì”… Những cách nghĩ như thế đều không đúng. Sửa chữa sai lầm một phần là trách nhiệm của người lãnh đạo. Sửa chữa sai lầm bằng giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo là điều nên làm, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nhưng không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Vấn đề là phân tích rõ ràng mức độ sai lầm nặng hay nhẹ một cách thấu tình, đạt lý mà dùng hình thức xử phạt cho đúng, khi xem xét các vấn đề phải dựa trên cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng; đây là yếu tố cần trong lãnh đạo, chỉ huy và cũng là tính nhân văn trong quan hệ cấp trên, cấp dưới, giữa cá nhân và tổ chức.
Sức mạnh của đội ngũ cán bộ nói chung và của từng cán bộ nói riêng chỉ được phát huy, phát triển khi được đánh giá, sử dụng đúng với tài năng của họ. Nếu đánh giá cán bộ không đúng, hoặc là quá cao, hoặc là quá thấp sẽ dẫn tới sử dụng “không đúng người, đúng việc”, “như vậy là có hại cho dân, cho Đảng”. Theo Bác, đánh giá cán bộ không những để sử dụng mà qua đó còn nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; có thái độ khách quan, khoa học, không thổi phồng, tô son, không bôi đen, bóp méo. Phải đứng trên quan điểm, lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin để xem xét, đánh giá, không định kiến, hẹp hòi, “cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất”. Khi đánh giá về cán bộ “không nên chỉ xét mặt ngoài, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”. Như vậy, chẳng khác nào “đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”. Phẩm chất và năng lực của cán bộ có thể không phản ánh trung thực trước cấp trên, song không thể che đậy được trước sự nhìn nhận của mọi người trong cơ quan, đơn vị, do đó "phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải theo…”.
Bác rất quan tâm đến nhân cách của người lãnh đạo và yêu cầu trước khi xem xét, đánh giá cán bộ thì người lãnh đạo phải xem xét lại chính mình. Người nhấn mạnh: "Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.
Trong vấn đề dùng cán bộ, Bác cũng đề cập việc kết hợp cán bộ tại chỗ với cán bộ do cấp trên điều về, nhưng tốt nhất là tạo nguồn cán bộ tại chỗ, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ tại chỗ; nếu không có và thiếu, mới điều cán bộ nơi khác về.
Đã hơn nửa thế kỷ qua, nhưng những yêu cầu cơ bản đối với người lãnh đạo khi đánh giá cán bộ mà Người chỉ dẫn vẫn giữ nguyên giá trị, tiếp tục định hướng, soi đường để chúng ta quán triệt và thực hiện tốt chiến lược cũng như công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới.
Theo Báo Hải Dương online
Huyền Trang (st)