1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 13/9/2020 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19
Trong Thông báo Kết luận, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương và nhiều địa phương khác đã thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đã có 10 ngày liên tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng; các địa phương có ca nhiễm đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội. Từng đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch.
- Tăng cường kiểm tra, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; ban hành các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.
- Chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lượng lao động lớn, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
- Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chuẩn bị tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn.
Ảnh minh họa/Internet
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
- Bộ Y tế tập trung chỉ đạo:
+ Phối hợp với các Bộ, ban, ngành để phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Nghiên cứu, hướng dẫn việc kiểm tra, theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Đối với khách quốc tế nhập cảnh phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.
+ Rà soát, cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó khi dịch bệnh quay trở lại, tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho các tình huống dịch bệnh.
+ Tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch trong các cơ sở y tế không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở y tế. Tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến.
+ Tăng tốc nghiên cứu phát triển vắc xin, tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19.
+ Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và công tác chuẩn bị phòng, chống dịch tại các địa phương, bảo đảm luôn sẵn sàng, chủ động đáp ứng với các tình huống của dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế các địa phương phải nêu cao trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, kịp thời phát hiện, báo cáo cấp ủy, chính quyền chấn chỉnh các bất cập, lệch lạc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Bộ Giao thông vận tải:
+ Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra. Lịch bay cụ thể do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI).
Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
+ Phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn.
+ Phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
- Về thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú có thu phí:
+ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí.
+ Các địa phương, trước hết là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10 ngàn người và có thể tăng dần trong thời gian tới.
+ Bộ Công an và chính quyền các địa phương nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng.
- Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội.
- Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh lý nền; khuyến khích khai báo y tế tự nguyện, cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone.
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tích hợp các phần mềm ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm việc tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cảnh trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động là người nhập cảnh trái phép.
- Các Bộ, ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất với thủ tục nhanh gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm việc cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Việt Nam.
- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy triển khai công việc theo hình thức trực tuyến trên môi trường mạng; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới, đề cao cảnh giác, thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tại các cơ sở và hoạt động thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế.
Các Bộ, ngành, địa phương theo trách nhiệm và thẩm quyền được giao tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để phải nhắc lại.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ việc giải ngân giai đoạn 2 gói an sinh xã hội, nhất là cho người lao động mất việc, mất thu nhập.
2. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:
- Thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn:
+ Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei).
+ Từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).
- Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).
- Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.
Đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba):
- Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân:
+ Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
+ Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
+ Được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
- Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam:
+ Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
+ Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
+ Được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định
- Đối với người Việt Nam:
+ Phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này);
+ Được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
+ Được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định
- Xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho các đối tượng nêu tại Khoản 1, 2 và 3 Mục II trong văn bản này sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính; sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan (đối với chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài được làm việc theo kế hoạch gắn với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch) theo quy định.
Đối với đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại
- Áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
- Được xét nghiệm RT-PCR với SARS-CoV-2 ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly.
- Về thực hiện cách ly:
+ Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân: Được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
+ Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam: Được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
+ Người Việt Nam: Được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.
+ Các trường hợp nêu tại Khoản này thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo đúng quy định, trừ trường hợp đặc biệt theo sự chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền
- Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
3. Bộ Y tế: Công văn số 4847/BYT-DP ngày 11/9/2020 về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh
Công văn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động, học tập ở nước ngoài; Bộ Y tế (Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
- Đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam cần xuất cảnh và có yêu cầu được cấp giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2: Đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao hoặc tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam hoặc tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, gửi cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Bộ Y tế) hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố (Sở Y tế) để được xem xét và hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.
- Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu; nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì lập tức thực hiện biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quyết định số 1369/QĐ-BKHĐT ngày 07/9/2020 Tổ chức điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Theo đó, quyết định điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký Quyết định ban hành phương án điều tra, dự toán kinh phí tổ chức thực hiện điều tra.
5. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Quyết định số 1383/QĐ-TCTK ngày 09/9/2020 về việc ban hành phương án Điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Mục đích của cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách của Chính phủ, các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp trong thời gian qua. Thông qua đó, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương có các chính sách, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn trước dịch COVID-19 lần 2.
Phạm vi điều tra là các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; hoạt động trong tất cả các ngành thuộc hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018), không bao gồm ngành O (hoạt động của Đảng cộng sản; tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc) và ngành T (hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình).
Nội dung điều tra bao gồm 5 nhóm thông tin: 1) Nhận dạng đơn vị điều tra (tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính); 2) Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 3) Các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; 4) Đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19; 5) Chuyên đề về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (áp dụng cho các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).
Phương pháp thu thập thông tin: Doanh nghiệp cung cấp thông tin qua bảng hỏi điện tử trên Trang thông tin điện tử điều tra trực tuyến của Điều tra doanh nghiệp năm 2020. Điều tra viên có trách nhiệm cung cấp tài khoản, mật khẩu và trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp đăng nhập vào hệ thống và điền thông tin vào bảng hỏi điện tử.
Cuộc điều tra triển khai thu thập thông tin từ ngày 10-20/9/2020.
Thu Hiền (tổng hợp)