Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ lo lắng, đấu tranh cho dân tộc, cho đời sống đồng bào trong cảnh nước mất nhà tan cũng như khi đất nước thống nhất, mà Người còn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em - đây luôn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bác.

Với Bác, tình yêu thương trẻ em thật vô bờ bến. Tình thương đó bắt nguồn từ lý tưởng của Người: Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, đó là điều "ham muốn tột bậc" của Bác. Sự quan tâm đặc biệt đó, còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa, trông rộng "Vì lợi ích trăm năm", từ chiến lược con người, Bác đã dày công vun trồng thế hệ mầm non của đất nước. Và Bác đã làm một tấm gương mẫu mực trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chủ tịch về trẻ em đến nay tiếp tục được phát huy “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.

 Vì vậy, khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 10 tháng 8 năm 1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 146/SL trong đó quy định:“ Bậc ấu trĩ nhận trẻ dưới 7 tuổi và sẽ tổ chức tùy theo điều kiện thuận lợi do Bộ Quốc gia ấn định sau”. Ngày đó được coi là ngày thành lập ngành Giáo dục mầm non và được Ủy ban bảo vệ Bà mẹ trẻ em quản lý về mặt tổ chức. Trong cuộc đời làm cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã hết lòng chăm sóc và dạy dỗ lớp mầm non cho Tổ quốc. Những lời dạy của Bác với các cô giáo hay với các cháu nhỏ cũng đều ngắn gọn, dễ nhớ, giản dị, gần gũi nhưng  hết sức sâu sắc. Bác nói: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt, dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Anh chị em giáo viên mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo...”; ...“Đối với trẻ em phải dạy thế nào cho các cháu biết đoàn kết ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các cháu có kỹ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đấy”.  Bác ví các cháu như “Búp trên cành”, đang tuổi ăn tuổi ngủ nên Bác căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành xum xuê trong tương lai nhưng dễ bị gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu, chăm sóc. Bác khẳng định: “ Nhờ sự chăm sóc như thế, trẻ lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”.

Lòng yêu trẻ sâu sắc và tha thiết mong muốn trẻ được sống hạnh phúc là một nét đặc trưng mang tính nhân văn sâu sắc, tạo nên nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tấm lòng yêu trẻ thơ, chăm lo cho trẻ thơ, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta có thể tìm thấy ở Người một tấm gương sáng ngời về tình yêu con trẻ. Chúng ta biết rằng: Đi đến đâu, Bác cũng luôn có kẹo hoặc bánh để chia cho các cháu. Chúng ta có thể đọc được biết bao lời âu yếm của Bác viết cho các cháu bé thơ, Bác viết: “Các cháu vui cười hớn hở, Bác cũng vui cười hớn hở với các cháu vì Bác rất yêu mến các cháu”; “Bác chỉ muốn các cháu được học hành, vui chơi, lớn lên xây dựng và bảo vệ đất nước”… Trong mỗi bức thư gửi cho các cháu, Bác đều gửi cho các cháu nhiều cái hôn. Và chính Bác cũng đã viết:

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh 

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh".

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lực lượng lao động nữ ở các ngành tăng nhanh, tỷ lệ sinh đẻ cũng tăng, kéo theo nhu cầu tổ chức các nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo. Nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ, phong trào các nhà trẻ, lớp mẫu giáo phát triển thu hút số cháu đến nhà trẻ, mẫu giáo tăng nhanh. Đội ngũ những người làm công tác nuôi dạy trẻ được quan tâm bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và chế độ tiền lương, công điểm.  Những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, Đảng và Bác Hồ kính yêu đã có những quyết sách đúng đắn và sáng suốt: Các cháu nhỏ được sơ tán về vùng nông thôn và tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện thời chiến, vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ vừa chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình của Ủy ban bảo vệ Bà mẹ trẻ em. Sự chăm lo cho trẻ thơ của Bác được thể hiện không chỉ qua lời dạy bảo gần gũi, ân cần của Người, mà còn thể hiện bằng những việc làm, những cử chỉ thân thương, trìu mến qua các bức ảnh quý báu còn lưu giữ như: Bác Hồ đang xúc cơm cho bé, Bác ôm hôn, bồng bế các cháu, chia kẹo cho các cháu... đó là những hình ảnh, những bài học hết sức quý giá, gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với suy nghĩ của các cháu, giúp các cháu cảm nhận một cách nhẹ nhàng và sâu sắc công ơn của Người. Cho đến ngày sắp phải đi xa, trong Di chúc thiêng liêng của Người, Bác vẫn muốn để lại “muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Nhà thơ Tố Hữu đã cho chúng ta thấy tình cảm thương yêu trẻ thơ của Bác không lúc nào nguôi qua những vần thơ xúc động: “Ô vẫn còn đây, của các em/ Chồng thơ mới mở, Bác đang xem/ Chắc người thương lắm lòng con trẻ/ Nên để bâng khuâng gió động rèm..."

Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thời gian quý báu cho các cháu nhỏ, đó là những bài thơ nhân dịp Tết Trung thu: “Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...”. Hay những chuyến thăm, gặp gỡ các cháu nhỏ chứa chan tình thương của Người dành cho các cháu. Bác cũng đã dạy rằng: “Trẻ em như tờ giấy trắng, ta vẽ lên như thế nào thì sau này nó sẽ phát triển như thế...”. Vì vậy, Người luôn đề cao vai trò giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, nền tảng của những công trình tương lai. Bác chỉ rõ "mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc", do vậy, phải giáo dục các cháu trở thành "những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà", "những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta". Bác yêu cầu giáo dục trẻ em toàn diện "không những có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng". Về phương pháp giáo dục, Người nói dạy trẻ em học "phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn". "Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học". Trong các thư gửi thiếu niên, nhi đồng, Người đều viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung gần gũi với các em; bao giờ Bác cũng khen ngợi, động viên, khích lệ và thưởng kẹo cho các cháu. Đối với những câu từ, các cháu không hiểu thì hỏi cha mẹ, thầy cô, hoặc "viết thư hỏi Bác".

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với nhiều chính sách kinh tế, xã hội được ban hành, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối luật, chính sách, văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình hành động, chương trình mục tiêu, các dự án, xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí và đào tạo cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đội ngũ giáo viên mầm non cũng xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng cũng không ít khó khăn vất vả, đã thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để trở thành những cô giáo mẫu mực, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Bằng những việc làm thiết thực hàng ngày mỗi giáo viên mầm non đã chăm sóc, nuôi dạy các cháu tốt, tạo cho trẻ có những tình cảm gần gũi, thân thiết với lớp học như nhà của mình, cô giáo như mẹ hiền. Tuy nhiên, bên cạnh những cô giáo luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, yêu thương, chăm sóc các cháu, lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, đến vui chơi học tập, thì vẫn còn đâu đó những cô giáo chưa hết lòng yêu nghề, yêu trẻ, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, còn quát nạt, đánh mắng trẻ, đối xử không công bằng với trẻ. Những điều đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín và truyền thống tốt đẹp của đội ngũ những người làm công tác giáo dục mầm non.

 Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục các cháu, đội ngũ những người làm công tác giáo dục mầm non cần phải thi đua học tập tấm gương yêu trẻ của Bác, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất mà nhà trường và gia đình có được để giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển nhân cách con người mới. Mỗi cô giáo mầm non cần phải học phải đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm, mẫu mực trong công việc, trong lời ăn tiếng nói để làm gương cho trẻ. 

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Với Người, trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc và thế giới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, sự quan tâm, tình cảm yêu thương của Người đối với trẻ em, những mầm xanh tương lai của đất nước và những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa sẽ mãi là những bài học, những định hướng, kim chỉ nam cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và làm tấm gương mẫu mực để các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh noi theo.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Trường Chính trị Quảng Bình

Bài viết khác: