1. Chính phủ: Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2020
Theo đó, Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng chỉ còn 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm... Đời sống của người dân được cải thiện; số lượt hộ thiếu đói giảm 75,3% so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tiếp tục chú trọng. Tổ chức an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong bối cảnh dịch COVID-19... Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh; trong bối cảnh dịch bệnh đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA 41; tiếp tục tăng cường phối hợp, hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng bởi những rủi ro, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang; cạnh tranh địa chính trị phức tạp. Dự báo khả năng phục hồi của kinh tế thế giới chậm, có thể có những bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu. Trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú, dịch vụ ăn uống. Nguy cơ người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập gia tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng thấp; một số ngành giảm sâu do chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa phục hồi hoàn toàn và cầu thế giới giảm mạnh. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chững lại. Thu ngân sách đạt thấp, trong khi nhiều nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước phát sinh cho phòng chống dịch bệnh, thiên tai và bảo đảm an sinh xã hội...
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng dập dịch; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các bộ, cơ quan tổng hợp điều phối quản lý kinh tế vĩ mô, tiếp tục nhất quán quan điểm chỉ đạo điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế, xã hội. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Đồng thời, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại, đổi mới cách thức quản trị để thích ứng với tình hình mới; tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để phát triển kinh tế số, tạo bứt phá. Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của kinh tế trong khó khăn; nâng cao nội lực của thị trường nội địa, đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa hỗ trợ kích thích nền kinh tế, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN trước ngày 30 tháng 9 năm 2020 và các quy định liên quan theo hướng mở rộng phạm vi thời gian các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…
Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế; cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, rà soát thu hồi nợ đọng thuế. Khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có ý kiến thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để ban hành kịp thời, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người vay vốn bị tác động bởi dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo triển khai có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; tích cực đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, không để xảy ra tình trạng báo cáo không trung thực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát vốn đầu tư, tài sản của Nhà nước...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư với nước ngoài các giải pháp mạnh mẽ để xúc tiến đầu tư, tranh thủ cơ hội thu hút có sàng lọc dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư nước ngoài...
Bộ Công Thương cùng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng; đồng thời kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh thị trường trong nước với các giải pháp, chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, dịch vụ ăn uống, nông sản...; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức, góp phần bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam với một số nước…
Ảnh minh họa/Internet
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tham mưu, chỉ đạo ứng phó trước các tình huống thiên tai nguy hiểm, không để bị động, bất ngờ, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2020 - 2021 gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm môi trường giảng dạy và học tập an toàn cho giáo viên và học sinh. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triên khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, hiệu quả, bảo đảm an toàn với dịch bệnh; đề xuất phương án phòng, chống dịch COVID-19 để phối hợp với Bộ Giao thông vận tải từng bước mở lại các đường bay thương mại quốc tế, bảo đảm an toàn và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; trong đó chú trọng nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các sân bay, khu du lịch... Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai công tác kiểm soát, xử lý triệt ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về những nỗ lực của toàn xã hội trong việc thực hiện "mục tiêu kép”; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc xây dựng nền tảng hạ tầng số chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ xây dụng Chính phủ điện tử.
Bộ Ngoại giao tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao phù hợp với diễn biến tình hình dịch COVID-19, nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị, diễn đàn cấp cao liên quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bộ Quốc phòng nắm chắc diễn biến, phân tích, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là trên biển Đông để có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tăng cường quản lý địa bàn, nơi cư trú; tiếp tục mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh trật tự. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia…
2. Thủ tướng chính phủ: Công văn số 1259/TTg-KTTH ngày 17/9/2020 về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Công văn nêu rõ, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và gặp những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933; các quốc gia, đối tác lớn của ta đều bị tác động, ảnh hưởng rất nặng nề. Là nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn, nhiêu ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, nhất là một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch do tác động trực tiếp của dịch bệnh và xu hướng thị trường quốc tế, trong nước.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp gặp khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong kiểm soát, phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn; nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là rất nặng nề.
Để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2021 và thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
- Lãnh đạo các địa phương và các Bộ, cơ quan Trung ương phải đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiêp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, đồng thời tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
- Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động theo tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ người lao động, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân và các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đồng thời chuẩn bị phục vụ, tổ chức tốt Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
3. Bộ Y tế: Công văn số 4995/BYT-DP ngày 20/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại Hướng dẫn tạm thời việc giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian người nhập cảnh lưu trú tại Việt Nam; và báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
Hướng dẫn này được áp dụng cho người nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam trên 14 ngày, bao gồm người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, các đối tượng theo thỏa thuận hợp tác cùng thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam (sau đây gọi là người nhập cảnh) từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
- Trước khi nhập cảnh, Bộ Y tế yêu cầu người nhập cảnh đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam.
Người nhập cảnh cần chuẩn bị giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với SARS-CoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP...) của cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi nhập cảnh 3-5 ngày.
- Khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần được kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; thực hiện việc đo thân nhiệt, kiểm tra y tế để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, áp dụng các biện pháp xử trí theo quy định.
Thu thập thông tin cơ sở cách ly tập trung, thông báo cho các địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát. Hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết.
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu (nếu có). Trường hợp không thực hiện xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu, tổ chức di chuyển về cơ sở cách ly tập trung đã đăng ký đảm bảo các quy định an toàn khi vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020.
- Tại cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP...):
+ Đối với trường hợp không được xét nghiệm tại cửa khẩu hoặc kết quả xét nghiệm không rõ thì lấy mẫu xét nghiệm ngay khi đến cơ sở cách ly tập trung. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi, giám sát y tế cho đến khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2.
+ Tất cả các trường hợp đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 vào ngày thứ 6 kể từ ngày nhập cảnh hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19. Các đối tượng tiếp xúc gần tiếp tục được cách ly 14 ngày.
Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì được phép di chuyển về nơi lưu trú5 để tiếp tục tự cách ly đến khi đủ 14 ngày và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Việc đi lại từ cơ sở cách ly về nơi lưu trú phải bằng phương tiện riêng theo quy định của Bộ Y tế.
- Tại nơi lưu trú, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát y tế, cách ly, phòng chống dịch, tránh tiếp xúc với cộng đồng và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh theo.
Hàng ngày, nếu có người tiếp xúc với người nhập cảnh thì lập danh sách lưu lại họ tên, số điện thoại của người tiếp xúc đến thời điểm hết ngày thứ 14.
Cơ quan y tế địa phương thực hiện giám sát y tế theo quy định và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút (RT-PCR/RT-LAMP...) vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nghi ngờ thực hiện ngay việc cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc điều trị theo quy định hiện hành với trường hợp mắc COVID-19.
4. Bộ Y tế: Công văn số 4974/BYT-DP ngày 17/9/2020 về việc xét nghiệm COVID-19 cho người có nhu cầu xuất cảnh (thay thế Công văn 4847/BYT-DP ngày 11/9/2020)
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, người Việt Nam có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS-CoV-2 nhằm mục đích xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 08/9/2020; Bộ Y tế (Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19) đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
- Đối với người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài có yêu cầu được cấp Giấy xác nhận không dương tính với SARS- CoV-2: Đề nghị các tổ chức, đơn vị đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài lập danh sách cụ thể, xong chủ động liên hệ với các cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp giấy phép xét nghiệm xác định để được xem xét, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm theo quy định.
- Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cho cá nhân do tổ chức, đơn vị có yêu cầu; nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì lập tức thực hiện ngay các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.
5. Bộ Y tế: Công văn số 4965/BYT-KH-TC ngày 17/9/2020 về việc bảo đảm cung ứng vật tư, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2
Công văn cho biết, trong thời qua, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương, đơn vị đề nghị Bộ Y tế có thông báo chính thức về khung giá trần vật tư, sinh phẩm xét nghiệm. Bộ Y tế có ý kiến như sau:
- Thực hiện Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 14/8/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19: “... Đồng ý việc thành lập Tổ công tác gồm đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và vật tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số bệnh viện lớn làm việc với các nhà sản xuất trong nước, nhờ nhập khẩu để xác định khung giá trần của sinh phẩm, vật tư xét nghiệm...”; Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác và đang khẩn trương hoàn thiện quy trình xác định khung giá trần, tổng hợp nhu cầu, chủng loại vật tư, sinh phẩm cần xác định khung giá trần từ các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện xác định khung giá trần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình xác định khung giá trần cần thời gian nhất định để thực hiện, chưa thể có kết quả ngay và cũng chỉ lựa chọn một số vật tư, sinh phẩm có khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá kế hoạch để xác định khung giá trần.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, đề xuất tổ chức thực hiện việc mua sắm tập trung quốc gia đối với một số sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 để có giá phù hợp và giá thống nhất trên cả nước theo hướng Bộ Y tế ký văn bản thỏa thuận khung theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu; trên cơ sở đó, các Bộ, ngành về địa phương ký hợp đồng để mua sắm.
Bộ Y tế sẽ có thông báo đến các địa phương, đơn vị sau khi có ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia.
- Trong khi chưa xác định và thông báo được khung giá trần vật tư, sinh phẩm xét nghiệm và chưa triển khai đấu thầu tập trung cấp quốc gia, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 9535/BTC-HCSN ngày 07/8/2020 (văn bản kèm theo), Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế các địa phương tiếp tục chủ động mua sắm vật tư, sinh phẩm để phòng chống dịch, theo tinh thần “4 tại chỗ”, cụ thể:
+ Về hình thức lựa chọn nhà thầu: Trong hệ thống các văn bản đã quy định rõ các hình thức thực hiện mua sắm và quy trình, thẩm quyền ứng với từng hình thức, kể cả hình thức chỉ định thầu trong tình huống cấp bách dịch bệnh COVID- 19 theo khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu và khoản 1 Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
+ Về căn cứ xác định giá gói thầu, đề nghị thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính: “Căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau: (1) Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu: trong trường hợp không đủ 03 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 03 báo giá; (2) Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (3) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá; (4) Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet: (5) Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.”
- Trường hợp dịch xảy ra nhưng đơn vị, địa phương có khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, chưa có vật tư, sinh phẩm xét nghiệm để kịp thời phòng chống dịch, đề nghị báo cáo Bộ Y tế để xem xét, hỗ trợ theo khả năng của Bộ Y tế.
6. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 9323/BGTVT-CYT ngày 17/9/2020 về việc yêu cầu đảm bảo cơ sở cách ly thu phí đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác, theo đó Văn phòng Chính phủ "Đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải”, cụ thể như sau: Thời gian triển khai thực hiện từ 06 địa bàn: Từ ngày 15/9/2020 đối với các đường bay: Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan, Trung Quốc (Taipei); Từ ngày 22/9/2020 đối với các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane); Tần suất không quá 2 chuyến/1 tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế); Thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác; Dự kiến, số lượng hành khách nhập cảnh tối đa hàng tuần: Tại Hà Nội: 2.200 khách; Tại TP. Hồ Chí Minh: 2.450 khách và tại Cần Thơ: 400 khách.
Để đảm bảo năng lực cách ly trong nước và có đầy đủ thông tin thông báo đến các Hãng hàng không và hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay này, Bộ Giao thông vận tải trân trọng đề nghị UBND các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ thông báo cho Bộ Giao thông vận tải danh sách các cơ sở cách ly thu phí đủ điều kiện là nơi cách ly y tế tập trung cho người nhập cảnh: Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cơ sở cách ly; Số lượng người tiếp nhận tối đa tại cơ sở và chi phí cách ly tại khách sạn: bao gồm chi phí vận chuyển từ sân bay đến địa điểm cách ly, chi phí ăn uống, nghỉ,...
Đồng thời, UBND các thành phố chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp liên quan trên địa bàn nhằm tăng cường bố trí cơ sở cách ly có thu phí đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam, để bổ sung khả năng tiếp nhận trong nước, giảm tải cho các cơ sở cách ly của quân đội.
7. Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 9325/BGTVT-VT ngày 16/9/20202 về việc triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020
Nội dung Công văn nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác (Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 15/9/2020 nêu trên trong đó lưu ý một số nội dung, cụ thể Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào (bao gồm các hãng hàng không) về đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng NCOVI và khai báo y tế, giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2).
Trên cơ sở văn bản tổng hợp các hướng dẫn, yêu cầu về y tế của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam, thông báo về yêu cầu của Việt Nam đối với hãng hàng không và hành khách trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác về việc các hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam; khi bán vé, hãng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp. Hãng hàng không phải gửi Cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.
Đối tượng được nhập cảnh, quy trình nhập cảnh và những điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này)).
Yêu cầu hãng hàng không, trong trường hợp vận chuyển hành khách quá cảnh từ quốc gia thứ ba, bố trí khoang riêng biệt cho các đối tượng quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam, không ngồi cùng các đối tượng nhập cảnh từ 06 địa bàn: Trung Quốc (Quảng Châu), Nhật Bản (Tokyo), Hàn Quốc (Seoul), Đài Loan - Trung Quốc (Taipei), Campuchia (Phnom Penh), Lào (Vientiane). Áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tại Cảng hàng không, sân bay bay xây dựng và thực hiện quy trình về việc tiếp nhận chuyến bay, hành khách nhập cảnh tại cảng hàng không, sân bay, phân luồng hàng khách và bàn giao cho các cơ quan, đơn vị đón hành khách để đưa đi cách ly theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố nơi có sân bay quốc tế và đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Cục Y tế Giao thông vận tải chủ trì tổng hợp các hướng dẫn, yêu cầu về y tế của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam để Cục Hàng không Việt Nam làm cơ sở thông báo cho nhà chức trách hàng không, hãng hàng không liên quan biết, phối hợp thực hiện; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định về kiểm soát dịch bệnh đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo hoặc trình Bộ Y tế ban hành; không để sơ suất xảy ra.
Chủ trì, phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy trình hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với hành khách trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đúng quy định của Bộ Y tế.
8. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội: Thông báo 24/TB-BCĐ ngày 16/9/2020 về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thành phố Hà Nội (tại phiên họp số 64)
Theo Thông báo, dự báo trong thời gian tới: Hà Nội là đô thị có mật độ dân cư cao, trung tâm giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa với khách trong nước và quốc tế của cả nước; Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có chủ trương tiếp tục mở rộng các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về Hà Nội, gồm các chuyên gia, các nhà đầu tư, các nhà quản lý lao động kỹ thuật cao về cách ly tại các địa phương trong cả nước, trong đó có những trường hợp trên 14 ngày, dưới 14 ngày và từ 15 tháng 9 sẽ mở đường bay thương mại, số lượng người nhập cảnh sẽ tăng nhiều hơn; người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được trở về và thực hiện công tác cách ly; vẫn còn khả năng có mầm bệnh hiện nay đang lưu trú trong cộng đồng mà chưa được phát hiện. Do đó, trên địa bàn Thủ đô vẫn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong thời gian tới, vì vậy, cần nâng cao cảnh giác, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, duy trì thành quả đạt được.
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế; Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo Thành phố.
Thực hiện đúng phương châm cảnh giác, phát hiện, xử lý dịch từ bên trong; ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài, đảm bảo tất cả các trường hợp nhập cảnh phải được quản lý chặt chẽ, không để có ca bệnh lây lan từ nước ngoài, lây chéo và lây ra cộng đồng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn của Thủ đô.
Cụ thể Ban Chỉ đạo Thành phố giao các đơn vị:
- UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn:
+ Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền theo thông điệp 5K, trong đó đặc biệt chú ý việc đeo khẩu trang khi ra đường, tại các địa điểm công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người tại các nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc...
+ Tiếp tục hạn chế các hoạt động như mít tinh, lễ hội, sự kiện đông người tại nơi công cộng. Trường hợp tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế xã hội cần thiết thì do cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, quyết định, trong đó cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, hạn chế số lượng người tham dự và thực hiện giãn cách theo quy định khi tổ chức sự kiện.
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đông người lao động và người giao dịch, cần có phương án xử lý khi có tình huống xảy ra dịch bệnh. Các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại bình thường từ 0h00 ngày 16 tháng 9, tuy nhiên, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định như khử khuẩn, nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ và phải tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Chỉ đạo hoạt động có hiệu quả Tổ giám sát và tuyên truyền tại cộng đồng đã thành lập. Khuyến cáo người dân từ các vùng dịch chưa kết thúc về Hà Nội phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe và khi có triệu chứng thì đến cơ quan y tế để được tư vấn về công tác phòng, chống dịch.
+ Thống nhất đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm tại Công văn số 1178/UBND-QLĐT ngày 11/9/2020 về việc tiếp tục tổ chức hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, cụ thể từ ngày 18/9/2020.
- Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các quận, huyện, thị xã: Thực hiện nghiêm các biện pháp về công tác phòng, chống dịch đối với người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài.
- Sở Y tế chủ trì:
+ Phối hợp Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ, đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình cách ly, đảm bảo quản lý chặt chẽ từ khâu nhập cảnh, vận chuyển cách ly, xét nghiệm, giám sát và kết thúc cách ly với các trường hợp nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lây chéo tại nơi cách ly và lây lan ra cộng đồng từ những trường hợp nhập cảnh.
+ Nghiên cứu, đề xuất trước ngày 20/9/2020 việc UBND Thành phố giao Giám đốc Sở Y tế - Ủy viên UBND Thành phố, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra và phê duyệt danh sách những trường hợp đăng ký nhập cảnh từ các đơn vị đề xuất nhằm giảm thủ tục, thời gian và cải cách hành chính.
+ Tiếp tục tăng cường kiểm tra các bệnh viện, các cơ sở y tế việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đảm bảo tiêu chí an toàn và an toàn cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó cần tổ chức kiểm tra đột xuất để đảm bảo khách quan.
+ Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc tổ chức mua sắm ngay vật tư, dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
- Sở Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát, trình Ủy ban Thành phố quyết định thành lập các khu cách ly tập trung tại các khách sạn, đảm bảo năng lực phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhập cảnh của người nước ngoài, của chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và người Việt Nam về nước có nhu cầu cách ly tại khách sạn, thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên địa bàn của Thành phố theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố.
- Các Sở ngành Thành phố; UBND các quận huyện thị xã: Tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Chủ động rà soát, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Thành phố giao, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo chỉ đạo nội dung vượt thẩm quyền của đơn vị./.
Thu Hiền (tổng hợp)