Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân lao động Việt Nam trở thành người chủ đất nước, có quyền tự quyết vận mệnh dân tộc sau gần một thế kỷ chịu cảnh áp bức, nô dịch của thực dân, phong kiến. Song, chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nền kinh tế kiệt quệ, văn hóa - xã hội què quặt, thù trong giặc ngoài bao vây tứ phía; vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nghiêm trọng hơn cả là nạn ngoại xâm, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng, theo sau chúng là lực lượng tay sai, phản động kéo vào nước ta với danh nghĩa Đồng minh “giải giáp quân Nhật”, nhưng thực chất là thực hiện mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được. Nam vĩ tuyến 16 trở vào, hơn một vạn quân Anh, dọn đường cho quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngoài ra, trên cả nước còn rải rác hơn 6 vạn quân Nhật; bọn phản động trong nước ngóc đầu dạy làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng. Được quân Anh trợ giúp, ngay từ khi đặt chân tới Sài Gòn, quân Pháp đã có hàng loạt hành động ngang ngược: Đòi quyền quản lý toàn bộ các bến cảng thương mại và quân sự, xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son, ép ta giải tán dân quân tự vệ, giao nộp vũ khí,... và liên tục có những hành động khiêu khích quân sự, đánh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, cơ quan Quốc gia tự vệ cướp Ngân hàng, Bưu điện,... xả súng vào các cuộc biểu tình không vũ trang của nhân dân, gây đổ máu trên đường phố Sài Gòn...

Trước hành động gây hấn của kẻ thù, rạng sáng 23/9/1945, Xứ ủy, Ủy ban Hành chính lâm thời, đại diện Tổng bộ Việt Minh tổ chức hội nghị tại phố Cây Mai, Chợ Lớn. Hội nghị phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta với địch, nhất trí tán thành chủ trương và ra lời kêu gọi quân dân Nam Bộ đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập; quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; đồng thời, báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ quyết tâm kháng chiến của đồng bào miền Nam.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ, tiêu biểu nhân dân Sài Gòn anh dũng đứng lên với ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay chiều 23/9/1945, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn triệt để đình công không hợp tác với giặc Pháp, các công sở, nhà máy, xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, xe cộ ngừng chạy; công nhân bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Bàn ghế, giường phản, hòm tủ,... được chuyển ra khắp các phố phường dựng chiến lũy, ụ chiến đấu; các đội du kích, tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học, phố phường, thôn ấp... kiên quyết đánh trả quân xâm lược và giành nhiều chiến công xuất sắc. Tinh thần kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn vang dội khắp cả nước. Cả nước hướng về Nam Bộ anh hùng. Đó là kết quả của ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh từ sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần; sức mạnh dân tộc và thời đại, sức mạnh trong nước và quốc tế,... dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối cách mạng đúng đắn. Trong đó, chính trị tinh thần là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất đến mọi thắng lợi, như V.I.Lênin đã khẳng định.

Nhân tố chính trị, tinh thần - nguồn sức mạnh để quân và dân ta đứng vững trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, là sự kết tinh và phát triển các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số vấn đề sau:

Sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ được bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước tình thế hết sức nóng bỏng ở Nam Bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí với quyết định của Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ về quyết tâm kháng chiến và kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ, tổ chức những đội quân Nam tiến là thể hiện sự kịp thời, đúng đắn, sáng tạo và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vận dụng sáng tạo quan điểm: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1 của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta là một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”2, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”3 để chống lại quân xâm lược.v.v.. Đây là động lực vô cùng mạnh mẽ, tạo sức mạnh tổng hợp cổ vũ, động viên quân và dân Nam Bộ vượt qua mọi gian nan, vững tin đánh giặc với tinh thần và khí thế sục sôi của cả dân tộc.

Bởi vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ, tiêu biểu là nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng lên chống quân xâm lược, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến, theo phương châm lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, quân và dân Nam Bộ đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, tận tâm, tận lực góp công, góp của, góp sức tham gia kháng chiến, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng, xã là một pháo đài, kết hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang ba thứ quân với đấu tranh cách mạng của nhân dân trong chiến đấu tạo ra được thế trận đánh địch rộng khắp.

Nhân tố chính trị - tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ được kết tinh từ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng tự do, độc lập dân tộc.

Phát huy truyền thống chống giặc, giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử, quân và dân Nam Bộ đã thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá “độc lập hay là chết”, đoàn kết quyết tâm một lòng chiến đấu chống quân xâm lược để bảo vệ nền độc lập. Đó là lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần chiến đấu quả cảm quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Nam Bộ cũng như nhân dân cả nước. Vì thế, trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Nam Bộ đã phát huy tình đoàn kết quân - dân, không phân biệt đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc; chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dám chấp nhận gian khổ, thiếu thốn; không ngừng tiến công, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc; không chịu làm nô lệ, không làm tay sai cho địch. Ngay từ tuần lễ đầu tiên bước vào cuộc chiến đấu đầy quyết tâm và tự tin, quân và dân Nam Bộ đã phá hủy nhiều phương tiện, vật chất phục vụ chiến tranh và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong một tháng (từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/1945), với vũ khí ít ỏi, thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường, gan dạ của quân và dân Nam Bộ cực kỳ sôi nổi, gan dạ, đã làm chậm bước tiến của quân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị tinh thần, lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc.

Nhân tố chính trị - tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ xuất phát từ niềm tin thắng lợi của quân và dân ta về cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa. Niềm tin vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam và đồng bào Nam Bộ trong những ngày đấu kháng chiến chống Pháp, được bắt nguồn từ đường lối kháng chiến, kiến quốc, độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta; nhất là đường lối chính trị, quân sự, biểu hiện tập trung ở đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Là ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh của đồng bào Nam Bộ.

Khi phải bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với thực dân Pháp, quân dân Nam Bộ đã nhận được lời cổ vũ, động viên kịp thời của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng... Nước Việt Nam độc lập muôn năm. Đồng bào Nam Bộ muôn năm"4. Đó không chỉ là ý chí, niềm tin mà còn là điểm tựa để đồng bào Nam Bộ, trước hết là quân dân Sài Gòn, với vũ khí thô sơ và mọi thứ có trong tay, đã anh dũng chiến đấu chống lại kẻ địch có trang bị hiện đại. Sức mạnh kháng chiến của quân dân Sài Gòn đã làm cho quân địch hết sức bất ngờ, lúng túng.

Ngay trong tuần đầu kháng chiến, nhân dân Sài Gòn đã lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều nhà máy, kho tàng của địch bị đánh phá. Điện, nước bị cắt. Quân và dân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch, phá hủy một phần cơ sở vật chất của quân Pháp, buộc chúng phải nhờ tướng Anh Grê-xi làm trung gian để thương thuyết ngừng bắn. Mặc dù sau này, thực dân Pháp đã làm chủ Nam Bộ, nhưng lực lượng kháng chiến vẫn kiên trì bám trụ trong những cánh rừng cao su miền Đông, rừng đước U Minh, rừng tràm Đồng Tháp Mười; xây dựng những nơi này thành căn cứ địa vững chắc để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy hy sinh gian khổ của dân tộc.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thuận lợi to lớn do công cuộc đổi mới đất nước mang lại, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới và khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; sự tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục thực hiện mưu đồ "diễn biến hòa bình" gây bạo loạn lật đổ, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" quân đội hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và xã hội, nhất là vào dịp chúng ta đang tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Bởi vậy, chuẩn bị lực lượng mọi mặt, chủ động nắm bắt tình hình, tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có nhân tố chính trị, tinh thần không chỉ là yếu tố quyết định thành công mà còn là cách tốt nhất đẩy lùi nguy cơ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao tự phê bình và phê bình. Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng; đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tổ chức đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 29/7/2005 của Bộ Chính trị Khóa IX về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội luôn vận hành thông suốt, hiệu quả. Coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần đấu tranh phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; ngăn chặn vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trước mắt, tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết  đại hội đảng các cấp, đề cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ góp phần vào thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, thường xuyên đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Thường xuyên giáo dục, trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là kiến thức quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ý thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, nhận rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam, đối tượng tác chiến của quân đội. Tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự Việt Nam; có tinh thần vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể... Xây dựng ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng, tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tự lực, tự cường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Coi trọng giáo dục chính trị trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, văn hóa ứng xử, giao tiếp cho bộ đội, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc cả về tư tưởng, ý chí, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, đưa công nghệ thông tin vào giáo dục chính trị sát với nhiệm vụ và đặc thù đơn vị; gắn giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật, giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, giáo dục của tổ chức với tự giáo dục, rèn luyện của từng quân nhân.

Tăng cường công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời những vướng mắc về tư tưởng của bộ đội trước sự tác động của các yếu tố tiêu cực, góp phần tạo sự ổn định, đồng thuận trong cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn, tiêu cực từ bên ngoài thẩm thấu vào đơn vị. Tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương, “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh, có đủ số lượng, chất lượng cao, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, phong cách, tinh thông về nghiệp vụ, gương mẫu trong lời nói và việc làm; có đủ khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; là hạt nhân đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp theo Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XI; Quy định 646-QĐ/QUTW ngày 06/11/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho chiến sĩ học tập, noi theo. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập, rèn luyện bản lĩnh, ý chí chiến đấu cho bộ đội

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, cần đưa bộ đội vào hoạt động thực tiễn, rèn luyện về bản lĩnh, ý chí chiến đấu, để khi gặp tình huống phức tạp, khẩn trương bộ đội đã có kinh nghiệm xử lý, không bị bỡ ngỡ, nao núng tinh thần, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ chính trị có vị trí rất quan trọng, thường xuyên trong xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Công tác huấn luyện, diễn tập cần thực hiện tốt theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, cũng như yêu cầu tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; chú trọng diễn tập hiệp đồng quân - binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Năm là, thường xuyên quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và chính sách hậu phương Quân đội.

Bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và chính sách hậu phương Quân đội không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội, mà còn tạo động lực, củng cố niềm tin, tạo nền tảng chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Nhà đồng đội”... góp phần động viên tinh thần, nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Kỷ niệm 75 năm Nam Bộ kháng chiến là dịp chúng ta ôn lại những bài học quý của lịch sử dân tộc, trong đó có bài học về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần - nguồn lực to lớn để dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Nam Bộ nói riêng đứng vững trong thời điểm hiểm nghèo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo tiền đề chuẩn bị tiềm lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Tự hào về chiến công Nam Bộ kháng chiến năm xưa, chúng ta càng coi trọng xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước vững mạnh, trọng tâm là tiềm lực chính trị, tinh thần; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội với nhân dân, Quân đội với Công an, tạo thế trận lòng dân, lòng quân vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa,
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Đức Lâm (st)

__________________

1. V.I.Lênin - Toàn tập, Tập 41, NxbCTQG-ST. H. 2005, tr. 147.
2. Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG-ST, H, 2011, tr. 89.
3, 4. Sđd, tr. 3, 29 - 30.

Bài viết khác: