Căn lán Nà Nưa đơn sơ, mộc mạc nằm ở Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã gắn bó với Bác Hồ trong 92 ngày đêm. Dù thiếu thốn, gian khổ nhưng từ căn lán nhỏ, Bác đã có nhiều quyết sách quan trọng, mang tính quyết định cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Lựa chọn giữa núi rừng
Buổi sáng mùa thu tháng 9, tôi may mắn được cùng các đồng chí đại diện cho các tổ chức quần chúng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tham quan, học tập tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Khung cảnh núi rừng bên ngoài lán Nà Nưa.
Núi rừng xanh mát hòa quyện cùng chút se lạnh của mùa thu làm lòng người như tĩnh lặng hơn. Bước qua 79 bậc thang, đoàn chúng tôi đến với căn lán Nà Nưa. Đó là một chiếc lán đơn sơ, mái lá, vách nứa, sạp tre. Nơi đây, Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc trong 92 ngày đêm.
Theo lời hướng dẫn viên của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, chúng tôi được biết ngày 04/5/1945, Bác Hồ bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) theo con đường Nam tiến mà Bác đã vạch ra cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày trước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đang công tác tại phía Nam căn cứ địa được tin, lên đón Người ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Người yêu cầu “Cần phải chọn ngay trong vùng Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, địa hình tốt làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược, ra nước ngoài, làm nơi ở và làm việc”.
Nhận chỉ thị của Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về Kim Quan Thượng (thuộc huyện Yên Sơn, cách Tân Trào 10km) bàn với đồng chí Song Hào, quyết định chọn Tân Trào, Sơn Dương, làm nơi đặt đại bản doanh của đồng chí Hồ Chí Minh. Trải qua 18 ngày đêm xuyên rừng vượt suối, ngày 21/5/1945, Bác đến Tân Trào. Nơi dừng chân đầu tiên của Bác là đình Hồng Thái, sau đó Bác vào làng Tân Lập ở và làm việc tại gia đình ông Nguyễn Tiến Sự (chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long). Hai nhân viên điện đài theo Bác suốt hành trình bố trí vô tuyến điện dưới các tán cây trong vườn nhà ông Sự, giữ liên lạc với quân Đồng Minh.
Ít ngày sau, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, Bác bàn với các đồng chí cán bộ địa phương dẫn Bác đi chọn địa điểm để ở và làm việc. Qua vài địa điểm, đến nơi căn lán bây giờ Bác đồng ý dựng lán. Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập 500m về phía Đông, được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp đảm bảo bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Từ Nà Nưa theo hướng Đông Bắc vượt qua đèo De sang Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên); qua Điềm Mạc ra ngã ba Quán Vuông; ngược phía Bắc lên thị trấn Chợ Chu, Chợ Đồn; theo hướng Đông Nam về thị xã Thái Nguyên và huyện Đại Từ; qua Kim Trận ra huyện Sơn Dương đi Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên và lên thị xã Tuyên Quang.
Những ngày tháng gian khổ
Giữa tán cây của núi Nà Nưa, cả đoàn chúng tôi như hòa vào những lời thuyết minh của hướng dẫn viên. Căn lán nhỏ ở giữa rừng rậm âm u, Bác đã sống một cuộc sống gian khổ. Ăn uống chủ yếu chỉ măng rừng luộc chấm muối, nước trà thay canh, kết hợp với việc thức đêm suy tính cách mạng đã khiến sức lực của Bác gần như cạn kiệt.
Câu chuyện trùng xuống khi hướng dẫn viên kể về lần Bác ốm rất nặng tưởng chừng không qua khỏi. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp, người gần gũi nhất với Bác bấy giờ kể rằng, một hôm, như thường lệ, đồng chí lên báo cáo tình hình chiến sự thì không thấy Bác làm việc được ở gian ngoài. Ðồng chí nhìn vào gian trong thấy Bác đang tựa vào vách nứa, hai mắt Bác nhắm nghiền, áo ướt đẫm mồ hôi, toàn thân sốt run bần bật, một hình ảnh chưa thấy ở Bác bao giờ. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác đêm ấy. Trong đêm, Bác sốt liên miên. Cứ mở được mắt ra là Bác lại bàn việc nước. Có một lần tỉnh lại sau cơn sốt miên man kéo dài, có lẽ Bác nghĩ mình không qua khỏi nên đã căn dặn: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Lán Nà Nưa
Bác ốm nặng, thuốc men thiếu thốn, các cụ già và quần chúng cứu quốc trong làng bảo nhau đi tìm kiếm thuốc bằng lá, rễ cây về để đưa cho “đồng chí già” sắc uống. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già người Tày đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi bắt mạch, cụ lang vào rừng rồi đem về một thứ củ, đốt cháy hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Uống vài lần như vậy, Người đỡ dần và gượng dậy tiếp tục làm việc.
Cả đoàn chúng tôi lặng đi vì xúc động. Vì thương nhớ Người. Qua mỗi câu chuyện, chúng tôi lại cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm, sự hy sinh của Bác dành cho dân tộc. Bởi ngay cả khi sức yếu, tưởng chừng sắp từ giã cõi nhân thế vậy mà Bác vẫn không màng đến bản thân, một lòng nghĩ đến cách mạng, nghĩ đến độc lập, tự do cho dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân.
Từ căn lán nhỏ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch của Cách mạng Tháng Tám đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo. Ngày 04/6/1945, tại lán Nà Nưa, Người đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Ngày 22/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Người cử một số đồng chí: Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu ở lại Tân Trào để chỉ huy kháng chiến.
Về với Nà Nưa hôm nay…
Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe giới thiệu tại Lán Nà Nưa.
So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, 92 ngày đêm Người sống và làm việc tại Tân Trào là một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu rừng Nà Nưa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam đã chấm dứt những ngày tháng nô lệ, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Giờ đây, đất nước đã thống nhất. Cả nước cùng chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam như Bác hằng mong muốn. Những câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Người sống và làm việc ở Tân Trào được người dân truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các đoàn đại biểu ở các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… đông đảo người dân trong cả nước vẫn hàng ngày hướng về nơi đây để thêm cảm phục và biết ơn công lao trời biển của Người.
75 năm đã trôi qua, Lán Nà Nưa đã phủ lên mình màu thời gian và trở thành điểm đến của những trái tim Việt Nam hướng về nguồn cội. Tôi cũng như rất nhiều, rất nhiều người con đất Việt, khi về nơi đây, nhìn chiếc lán đơn sơ giữa núi rừng đều có thêm hình dung, thêm hiểu hơn về Bác kính yêu. Từ đó, mỗi người xác định rõ về trách nhiệm của bản thân, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần bé nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước./.
Thanh Huyền