Thứ sáu, 19/04/2024

Gói bánh chưng ngày Tết là một phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng. Hòa chung không khí đó, hàng năm Đoàn 195 đều tổ chức gói bánh chưng để góp phần tạo nên hương vị ngày Tết cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị.

Theo phong tục, nếu bánh dày tượng trưng cho trời, thì bánh chưng tượng trưng cho đất, thể hiện quan niệm về vũ trụ nhân, sinh của người Việt, nói lên ước mơ của mọi người, mọi nhà có một cuộc sống ấm no, sung túc. Bánh chưng ngày Tết được dâng lên bàn thờ tổ tiên thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn” đối với ông cha, cũng có thể để dùng làm quà biếu, là món ăn ngon mời khách, để khách và chủ cùng thưởng thức lấy may đầu năm.

Banh chung Doan195

Đồng đội đầm ấm bên nhau quanh nồi bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng đối với mỗi người còn có vị trí đặc biệt, được gói bánh chưng vào dịp Tết luôn gợi nhớ hình ảnh về quê hương, gia đình vào những ngày cuối năm. Đồng chí Hạ sĩ Nguyễn Văn Hào, chiến sĩ Tổ vệ binh, Ban Tham mưu - Kỹ thuật kể: “Lúc còn nhỏ, mỗi dịp Tết đến những đứa trẻ chúng em rất háo hức ngồi xem người lớn gói bánh chưng và nghe kể những câu chuyện truyền thuyết về bánh chưng, bánh dày, về thời đại Hùng Vương. Hôm nay, chúng em được tham gia gói bánh chưng tại đơn vị đúng vào dịp chuẩn bị đón năm mới Tân Sửu 2021, em rất phấn khởi, nó không chỉ đem lại cho chúng em không khí đầm ấm gia đình mà còn giúp chúng em vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm công tác”.

Để có được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi rất công phu, tỷ mỷ trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị đến cách luộc bánh. Đồng chí Thượng úy QNCN Phùng Đỗ Hương Giang, người có nhiều năm kinh nghiệm gói bánh chưng cho biết: “Bánh chưng ngon phải chọn được gạo, đỗ, thịt lợn ngon. Gạo thì chọn loại nếp cái hoa vàng để chất lượng bánh dẻo, chọn gạo nếp hạt phải bóng mẩy và đều nhau. Gạo trước khi gói ngâm khoảng 10 đến 12 giờ bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và trộn muối trắng với lượng vừa phải để thêm vị đậm đà. Đỗ xanh thì chọn đỗ màu vàng tươi mới thơm ngon. Lá dong dùng loại lá bánh tẻ, chọn lá dong không to quá cũng không nhỏ quá, không non quá mà cũng không già quá để khi khi bóc bánh ra sẽ có màu xanh đẹp. Chọn loại lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ, sau đó rửa sạch, phơi thoáng gió, không phơi quá khô mà chỉ cần ráo nước sau đó lau khô. Thịt lợn phải có cả nạc và mỡ, tốt nhất thịt ba chỉ, thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương vị, sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ”.

Gói bánh chưng cũng là khâu rất quan trọng và đòi hỏi sự khéo léo, người có kinh nghiệm thì gói bằng tay, người mới làm thì gói bằng khuôn để cho bánh có hình dáng đẹp. Bánh chưng không được gói chặt quá cũng không được gói lỏng quá. Đồng chí Binh nhất Bùi Minh Thọ, chiến sĩ năm thứ nhất, Tổ Vệ binh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp gói bánh chưng, lúc đầu cũng thấy hơi khó, bánh không vuông, nhưng sau khi được các anh, các chị đi trước “cầm tay, chỉ việc” em đã làm được; một, hai chiếc đầu còn chưa đẹp nhưng những chiếc sau đã hoàn thiện, sang năm sau chắc chắn em sẽ gói đẹp hơn và nhanh hơn”.

Luộc bánh cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, nếu không bánh chín sẽ không ngon. Theo đồng chí Thượng úy Bùi Quang Vinh, Trưởng ban Hậu cần, người trực tiếp chỉ đạo khâu luộc bánh cho biết: “Trước khi cho bánh vào nồi phải đặt những cuống lá, sống lá dong thừa vào đáy nồi để bánh có thêm hương vị và không bị cháy ở đáy nồi. Xếp bánh thẳng đứng rồi đổ ngập nước và đặt lên bếp đun, củi đun tốt nhất là dùng củi gỗ. Đun lửa to cho đến khi sôi thì giảm bớt. Bánh luôn phải ngập nước, cứ khoảng một giờ kiểm tra mực nước một lần, nếu nước giảm thì tiếp nước vào, không được để thiếu nước. Bánh chưng phải luộc từ 10 đến 12 tiếng khi chín không lo bị “lại gạo”. Sau đó vớt bánh ra và xếp thành nhiều lớp ép hết nước là được”.

Lại một mùa Xuân nữa đã về, năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đồng chí ở lại làm nhiệm vụ và ăn Tết cùng đơn vị, chắc chắn trong mâm cơm ngày Tết sẽ có món bánh chưng do chính tay cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị tự gói, có thể bánh chưa được đẹp, nhưng đó là tấm lòng, là tình cảm, là không khí đón Tết đầm ấm tại Đoàn 195, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Hải Tiếp

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: