Là một nghệ nhân của làng thêu lớn tại Hà Nội, vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, cô Hoàng Thị Khương (sinh năm 1965) đã tự tìm tòi, học hỏi để thêu nên những bức tranh tinh xảo. Nhưng trong những bức tranh đó, việc lựa chọn và cố gắng để hoàn thành bức chân dung về Bác Hồ chính là điều đáng nhớ nhất trong hơn ba mươi năm làm nghề thêu của người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nghị lực  này.

Bắt đầu từ niềm yêu thích với những bức ảnh của Bác Hồ

Nghe nhan.anh bac

Cô Hoàng Thị Khương cùng bức chân dung Bác Hồ

Sinh ra và lớn lên ở làng thêu Quất Động (Huyện Thường Tín - Hà Nội), trong một gia đình đã có bốn đời làm nghề thêu nên việc đi theo nghề đối với cô Khương là một lựa chọn đầu tiên. Từ khi mới lọt lòng, cô đã được sống trong môi trường của nghề thêu. Hình ảnh cô nhớ đầu tiên về mẹ cũng chính là hình ảnh người mẹ chăm chú, cần mẫn bên từng đường kim, mũi chỉ.

Trong suốt hơn ba mươi năm thêu, cô đã thêu rất nhiều những bức tranh sống động. Và cách đây khoảng mười năm, cô bắt đầu ý tưởng thêu tranh chân dung Bác Hồ. Cô bảo hồi bé mỗi lần được nhìn thấy ảnh Bác Hồ cô đều thích lắm. Có lẽ, chính tình yêu từ khi còn bé đó đã thôi thúc cô quyết tâm thêu bức chân dung của Bác.

Khi được hỏi về việc thêu tranh chân dung của Bác, cô Khương chia sẻ: “Đối với một bức tranh bình thường, mình thêu sao cho khéo, cho có hồn đã rất khó rồi. Nhưng đối với một bức tranh chân dung thì lại càng khó khăn hơn rất nhiều, đối với chân dung của Bác Hồ lại càng là một thử thách không nhỏ. Hơn thế, vào thời điểm đó, cô chưa từng thêu một bức tranh chân dung nào. Tay nghề dù đã có vài chục năm nhưng đó vẫn là sự lựa chọn không hề dễ dàng”.

Nghe nhan.anh bac.2
Bức chân dung luôn được treo trân trọng ở chính giữa ngôi nhà của cô Khương

Cô Khương không thể nhớ là mình đã phải mất thời gian bao nhiêu lâu để hoàn thiện được bức chân dung đầu tiên về Bác và đã bao nhiêu lần cô phải tháo từng đường kim mũi chỉ để làm lại vì không bằng lòng với bức chân dung mình đã thêu. Đến nay, dù đã mười năm trôi qua, cô vẫn còn giữ lại cho mình bức chân dung đầu tiên về Bác mà cô đã thêu. Bởi với cô, đó là một kỷ niệm không thể quên trong suốt cuộc đời gắn bó với nghề.

Nhớ về quãng thời gian hoàn thành bức chân dung đầu tiên của Bác Hồ, cô Khương nói: “Không chỉ phải sửa đi sửa lại từng mũi kim, đường chỉ mà cô phải chú ý thay đổi trong cách phối màu. Bởi nếu thêu theo đúng ba-ren như bức ảnh được dập thì khuôn mặt của Bác sẽ bị tối ở một bên góc. Vì thế khi thêu cô phải thay đổi cách phối màu sắc để khuôn mặt của Bác không bị tối. Bức chân dung phải sáng, phải có hồn thì mới được coi là một bức tranh thêu chân dung thực sự”.

Theo cô Khương, trong bức chân dung Bác Hồ, ba chi tiết khó nhất là mắt, miệng và râu. Cô lý giải: “Bởi thần thái của Bác trong bức tranh rất quan trọng, phải thêu làm sao để toát lên được thần thái cao quý mà rất mực gần gũi của Bác. Người ngắm tranh mà thấy như Bác đang cười với mình vậy”.

Việc thêu chân dung của Bác Hồ hoàn toàn xuất phát từ sự tôn kính Bác của người phụ nữ khuyết tật này. Đối với cô, hình ảnh của Bác là hình ảnh của cả dân tộc ta. Từ việc yêu thích, kính trọng Bác, cô đã ấp ủ và cố gắng thực hiện bằng được điều ý nghĩa này. Dù biết là khó khăn, là thử thách lớn nhưng cô vẫn quyết tâm để thực hiện.

Đã từng liên hệ để gửi tặng bức chân dung Bác Hồ đến chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng rất tiếc ý định đó không hoàn thành được. Bức chân dung ấy giờ được cô giữ lại và treo một cách trân trọng tại gia đình cô. Theo lời cô Khương, cô sẽ vẫn thực hiện những bức chân dung về Bác Hồ cũng như các khung cảnh, đồ vật đã gắn bó Bác.

Người phụ nữ của tinh thần “ tàn nhưng không phế”

Đôi chân của cô Khương bị tật do một cơn sốt khi cô mới chỉ được vài tháng tuổi. Mặc dù gia đình đã cố chữa chạy nhưng mọi hy vọng đều không thể giúp đôi chân của cô lành lặn được. Cô lớn lên nhưng đôi chân lại teo đi, những bước chân dần trở nên khó khăn, yếu ớt nhưng cô không chán nản. Không thể bước đi bình thường như những người khác, cô chọn làm nghề thêu để giúp ích cho gia đình.

Nghe nhan.3

Hàng ngày, cô Khương vẫn tỉ mỉ bên từng mũi thêu

Cô tâm sự: “Đến với nghề là một chuyện nhưng tình yêu nghề, sự bền bỉ mới là điều quan trọng nhất. Chính yếu tố đó đã giúp cho cô có được nghị lực để gắn bó với nghề thêu vốn cần lắm sự tỉ mỉ này”. Và có lẽ đối với một người khuyết tật như cô, nếu không có được nghị lực mạnh mẽ lắm thì cô đã không thể có được những tác phẩm thêu sống động như bây giờ.

Không được đào tạo bài bản, mọi kỹ thuật thêu cơ bản của cô đều được truyền dạy từ chính người mẹ của mình. Nhìn rồi bắt chước, học hỏi mọi người rồi cuối cùng cô đã dần dần học được kỹ thuật thêu một cách thành thạo. Cô bảo: “Không chỉ học thêu đâu, học gì cũng vậy thôi, mình đều phải luôn luôn học hỏi, chịu khó nhận những ý kiến đóng góp của mọi người. Nếu cứ nghĩ mình giỏi thì không thể tốt lên được. Và hơn thế, mình đã quyết định làm một điều gì đó thì phải quyết tâm làm cho bằng được. Nếu không quyết tâm mạnh mẽ thì làm gì cũng sẽ nhanh chán nhanh nản. Thành công hay không thì đều ở mình mà ra hết!”.

Là một nghệ nhân, cô luôn đề cao việc chỉn chu cho từng tác phẩm thêu. Cô nhắc đi nhắc lại điều mà cô tâm niệm với tôi. “ Đã làm nghề thì mình phải thật sự tập trung, bỏ cả tâm trí vào đó. Mình không để cả tâm trí để làm thì tác phẩm đó sẽ không thể có hồn được. Bởi tranh là để ngắm để người ta yêu, để nhớ đến và trân trọng” - cô Khương khẳng định.

Từ nghị lực của mình, cô đã giúp cho nhiều người khuyết tật khác học được nghề thêu cũng như có việc làm nhất định. Đến nay, xưởng sản xuất của cô có khoảng bảy người thợ thêu là những phụ nữ khuyết tật. Cô đã từng được nhận Giấy khen vì đã có thành tích đóng góp cho thành công của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản văn hóa Việt Nam”.

Còn nhớ vào “Tết hòa bình đầu tiên”, trong dịp đến thăm anh chị em ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, Bác Hồ đã dặn dò: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Và đối với người khuyết tật như cô Khương, lời dạy ấy cũng chính là phương châm sống. Đó chính là động lực giúp cô có được sự kiên trì, bền bỉ để vươn lên, vượt qua sự thiệt thòi của số phận để trở thành một người có ích cho xã hội./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: