Trong những ngày tháng Bảy lịch sử, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Đoàn cán bộ của Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến hành quân về với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Trong cái nóng như đổ lửa của miền Trung, giữa khói hương trầm quyện vào không gian linh thiêng, mỗi cán bộ trong Đoàn công tác như cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ nơi tuyến lửa cách đây hơn 50 năm về trước.
Hành quân sau một chặng đường dài, Đoàn cán bộ thuộc Phòng Tham mưu đến với Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn vào một buổi chiều hè nắng gắt. Không chờ dừng chân nghỉ ngơi, tâm trạng của mỗi cán bộ đều mong muốn được đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này để đảm bảo huyết mạch giao thông được thông suốt.
Đoàn nghe hướng dẫn viên thuyết minh bên ngôi mộ tập thể
của 13 Anh hùng liệt sỹ Truông Bồn.
Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, cô thuyết minh viên của Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian cách đây hơn 50 năm về trước để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh huyền thoại, nơi ngã xuống của các Anh hùng liệt sỹ.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong chiến tranh, cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20. Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, chúng đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa. Giữa mảnh đất bom cày đạn xới, khi mà cái chết luôn cận kề, nhưng hàng vạn con người nơi đây đã vượt lên bom đạn, vất vả thiếu thốn, ngày đêm bám trận địa, san lấp hố bom, mở đường, làm cọc tiêu sống để dẫn đường cho xe qua. Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Giọng của người thuyết minh như nghẹn lại khi nói vềsự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317,Tổng đội thanh niên xung phong vàongày 31/10/1968. Đó là một đêm không ngủ, đơn vị đang tổ chức liên hoan chia tay các đồng chí được xuất ngũ thì nhận được mật lệnh đảm bảo thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng. Mọi người lập tức ra trận địa, ai cũng náo nức, hồ hởi lạ thường. Họ chia nhau từng ngụm nước, ăn chung bát cơm nguội và kể cho nhau nghe những ngày nhường cơm sẻ áo, chia bom sẻ đạn và biết bao nhiêu dự định. Khi công việc sắp hoàn thành, bất ngờ, những tốp máy bay của giặc gầm rú, lao tới oanh tạc Truông Bồn, những tiếng nổ xé toang cả bầu trời, mặt đất rung chuyển dữ dội. Toàn bộ đội hình Tiểu đội 2 đã không kịp rút về hầm trú ẩn, lập tức đã bị vùi nát dưới trận bom dữ dội.Khói bom chưa tan, đồng đội đã lao ra tìm kiếm, từng lớp đất, hòn đá được lật tung, những tiếng gọi vô vọng: “Có ai còn sống không? Có ai còn sống không?”.
Sau một hồi bóc từng lớp đất đá, may mắn tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sỹ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây, tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không nguyên vẹn hình hài. Gạt nước mắt, đồng đội gom về những mẩu xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết được của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung.
Một điều vô cùng đau đớn khi mà chỉ còn ít giờ nữa, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, chỉ còn ít giờ nữa thôi họ sẽ được trở về quê nhà với nhiều dự định cho tương lai. Năm chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang gói trong từng chiếc khăn mùi soa; và cũng chỉ 1 giờ đồng hồ nữa thôi, chị Tâm, anh Hòa sẽ đưa nhau về làm lễ ăn hỏi mà gia đình hai bên đã chuẩn bị…
Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ thanh niên xung phong đã gây xúc động mạnh với mỗi thành viên trong Đoàn chúng tôi. Những đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt đã rơi trên gò má của mỗi người bởi sự hy sinh, mất mát của những cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ, niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc, họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho Tổ quốc.
Đồng chí Phan Trọng Lộc, Giám đốc Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, năm 2010,tỉnh Nghệ An đã quyết định đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn.
Cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu Di tích trên diện tích 217.327m² và được hoàn thành vào tháng 7/2015.Giờ đây, Truông Bồn đã và đang là điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền cả nước, hằng năm Khu Di tích đón tiếp hơn 300.000 lượt khách về thăm viếng, tri ân. Khu Di tích lịch sử Truông Bồn đã thực sựtrở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đến với địa danh lịch sử Truông Bồn sau hơn 50 năm, được sống trong hòa bình,được nghe giới thiệu và tham quan các chứng tích của chiến tranh, mỗi thành viên trong Đoàn công tác càng cảm phục về sự hy sinh của các chiến sỹ thanh niên xung phong đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc giải phóng dân tộc. Các chị, các anh đã mãi mãi ra đi, mang theo những ước mơ, hoài bão, khát vọng.
Trong những ngày tháng Bảy lịch sử này, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, xin được tri ân và ghi nhớ công ơn của những cô gái, chàng trai làm nên bản hùng ca bất tử Truông Bồn./.
Trần Duy Hưng