Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Năm nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ban Quản lý Lăng) và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga (VILAR), cùng nhau tổ chức kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là 30 năm hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và VILAR (1992-2022).

20 nam hop tac truc tiep
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị  tổng kết 20 năm (1992-2012) hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày 19/10/2012.

Nhớ lại thời điểm sau khi Nhà nước Xô Viết tan rã, các hiệp định giữa Liên Xô và Việt Nam trong lĩnh vực giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn hiệu lực; chuyên gia rút về nước, dung dịch phía bạn quản lý trực tiếp; nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, quán triệt tư tưởng tự lực, tự cường; đồng thời bám sát đặc điểm tình hình mới, Đảng ủy, trực tiếp là Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, đã chủ động báo cáo, đề xuất phương án và xin chủ trương Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc hợp tác trực tiếp với Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga (Viện thi hài Lê nin trước đây) và các nhà khoa học y tế Nga trong  nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Về tình hình Viện thi hài Lê nin, sau khi Nhà nước Xô Viết tan rã, Viện được đổi tên thành Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga và được biên chế thuộc VILAR,  nguồn kinh phí bảo đảm cho nhiệm vụ chính trị bị cắt, đời sống sinh hoạt và làm việc của các nhà khoa học  vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc hợp táctrong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự là một việc làm đầy khó khăn, trắc trở và rất khó thành công.Nhà nước Xô Viết vừa tan rã, nước Nga mới được hình thành, luật pháp giữa cũ và mới đang đan xen, nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội Nga cần được quan tâm, thì việc hợp tác với Việt Nam trong một nhiệm vụ cụ thể lại càng phức tạp và chưa thể có ngay những chế tài cần thiết để điều chỉnh....Mặt khác, đại diện phía Nhà nước Nga tại Việt Nam không chấp nhận lời đề nghị của Ban Quản lý Lăng hợp tác trực tiếp với Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga. Tình hình chính trị của Nga đã thay đổi, nếu chúng ta vẫn hợp tác với Nhà nước Nga thì phải qua khâu trung gian, nhiều vấn đề sẽ phát sinh, giải quyết không kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch hồ Chí Minh.

Nắm bắt được đặc điểm tình hình trên vàđược sự đồng ý của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự tham vấn của các bộ, ngành và cơ quan của Bộ Quốc phòng; ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và nhất là tình cảm, quyết tâm của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Ban Quản lý Lăng đối với Bác Hồ kính yêu; ngay sau khi nhận bàn giao chức vụ Trưởng ban Quản lý Lăng và Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, tháng 11/1992, Đoàn cán bộ lãnh đạo của Ban Quản lý Lăng do đồng chí Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng làm Trưởng đoàn đã sang Liên bang Nga trao đổi, đàm phán với bạn về cơ chế hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mục đích chính của chuyến công tác là đàm phán với bạn để tìm hình thức hợp tác cho phù hợp với tình hình mới.

Những ngày cuối năm 1992, mùa đông giá lạnh của nước Nga, như lạnh hơn, rét hơn bởi những biến cố chính trị của Nhà nước Xô Viếtnửa cuối năm 1991 vẫn còn hiện hữu. Đón đoàn cán bộ lãnh đạo của Ban Quản lý Lăng sang làm việc trong bối cảnh như vậy, các nhà khoa học y tế Liên bang Nga rất bùi ngùi xúc động. Trong lúc bắt tay, ôm hôn thắm thiết Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Nguyễn Quang Tấn, Viện sĩ X.X Đề-bốp, Giám đốc Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga,  luôn miệng nói: “cám ơn, cám ơn rất nhiều”. Tuy vậy, khi làm việc và nghe phía Việt Nam trình bày nguyện vọng muốn được hợp tác trực tiếp với Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga, Viện sĩ X.X Đề-bốp rất băn khoăn lo lắng. Ông đã bộc bạch: “Anh Tấn ạ, tôi đã lớn tuổi rồi, tôi không muốn ra vành móng ngựa đâu”? Mọi việc trao đổi tưởng như không có lối thoát, thì may sao, Viện sĩ V.A. Bư-cốp, Giám đốc VILAR, cấp trên của Trung tâm cấu trúc sinh học L.B Nga đến chào xã giao đoàn công tác của Ban Quản lý Lăng, sau khi nghe báo cáo kết quả công việc hai bên trao đổi, đàm phán đã phát biểu: “Luật pháp của nước Nga cho phép chúng ta hợp tác trực tiếp với nhau”. Sự cởi mở và quyết đoán của Viện sĩ V.A. Bư- cốp đã mở ra một con đường mới cho nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.

Ngay sau đó, tại Mat-xcơ-va, văn bản thỏa thuận hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga đã được ký kết. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên được ký kết giữa hai bên kể từ khi Nhà nước Xô Viết tan rã. Đây là bước ngoặt lịch sử trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đây,quan hệ hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga nói chung, các nhà khoa học y tế Liên bang Nga nói riêng, đã mở ra một giai đoạn mới và cũng chính từ đó đến nay, việc hợp tác trực tiếp đã tạo điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý Lăng và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Ôn lại kỷ niệm những ngày đầu hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm cấu trúc sinh học Liên bang Nga, mỗi chúng ta đều xúc động nhớ đến công ơn của các đồng chí lãnh đạo thế hệ trước, đã sáng suốt tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng,  Chính phủ và Bộ Quốc phòng về những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác; đồng thời chúng ta luônghi nhớ công lao của các thế hệ nhà khoa học y tế và kỹ thuật Liên bang Nga đã gắn bó lâu dài với nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.

“Ăn quả, nhớ người trồng cây”, với tình cảm ấy, cuối tháng năm vừa qua,  tại Mat-xcơ-va, Ban Quản lý Lăng đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm hợp tác trực tiếp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Hội nghị tổng kết, Thiếu tướng, TS  Bùi Hải Sơn,Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu nhấn mạnh: “Có được thành công đó, đầu tiên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng là tình cảm của những người dân Xô viết, đặc biệt là của các chuyên gia, các nhà khoa học của Liên bang Nga đối với nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhận định của Thiếu tướng Bùi Hải Sơn cũng là suy nghĩ và tình cảm trân trọng của mỗi người dân Việt Nam đối với các chuyên gia, các nhà khoa học y tế Liên bang Nga đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền

Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: