Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Với tấm lòng “đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ”, những ngày này, cán bộ, nhân viên, người lao động, chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chung sức, chung lòng cùng cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022). Đặc biệt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đón tiếp Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022, chúng tôi rất xúc động, tự hào khi được nghe những chia sẻ của các cô, các bác. Những lời chia sẻ giản dị nhưng mang trong đó là rất nhiều tình cảm với Bác Hồ kính yêu.

Cựu chiến binh Trần Quang Lưu quê ởtỉnh Yên Bái là thương binh 2/4. Ông bị thương tại chiến trường B2 Sài Gòn - Gia Định năm Mậu Thân 1968. Ông vốn là trinh sát tuyến đầu đang tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong lần thực hiện nhiệm vụ, ông bị xe tăng từ trong sân bay bắn ra sát thương nặng bàn tay trái. Cuộc chiến đang lúc cam go, máu lửa, dù bị nhiễm trùng nặng, ông vẫn tiếp tục chiến đấu tại chiến trường đến năm 1971 ra Bắc,  năm 1977 mới nghỉ hưu. Trở về địa phương, với tinh thần thương binh tàn nhưng không phế, quên đi những nhọc nhằn, sống thêm phần đời thay cho những người đồng đội đã khuất, được Đảng, chính quyền giúp đỡ, ông vừa làm bảo vệ vừa tích cực trong công tác xã hội.

Hội thương binh thành phố Yên Bái được thành lập, ông Trần Quang Lưu được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội, ông cùng đồng đội xác định điều lệ: Hội Thương binh thành phố Yên Bái là Hội tình nghĩa; chăm lo về tình nghĩa, chăm lo đến nhau trong mọi lúc vui, buồn; động viên nhau “tàn nhưng không phế”, cố gắng giữ gìn để không có 1 đồng chí thương binh nào vi phạm pháp luật, giáo dục con cháu hiếu nghĩa, tích cực đóng góp xây dựng quê hương. 100% hội viên đều là công dân kiểu mẫu, nhiều đồng chí tham gia cấp ủy của địa phương, chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Ông bảo: Ông hay rất nhiều có công khác có mặt tại Lăng Bác ngày hôm nay đều rất mong muốn được vào Lăng viếng Bác thật nhiều lần, được tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Mỗi lần được “gặp” Bác, niềm xúc động, tự hào về những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng đầy hào hùng lại trào dâng trong trái tim.

bac tran quang luu
Thương binh Trần Quang Lưu.

Bà Lê Thị Hường hiện sinh sống tạithôn 1, xã Hàm Liêm, phường Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Bà nguyên là cán bộ trong lòng địch từ thời kỳ chống Pháp. Năm 1960, bà Lê Thị Hường tham gia cách mạng. Năm 1963, được Bí thư chi bộ giao nhiệm vụ thâm nhập vào “vùng trắng” trong lòng địch, bà Hường cùng tổ công tác xuống xây dựng phong trào cách mạng tại Tổ Du kích 1, thôn Thuận Hào, xã Hàm Liêm. Năm1967, bà được kết nạp, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam - khi ấy bà mới 23 tuổi.

Bà Hường cho biết Hàm Liêm được gọi là vùng đất “đạn cày, bom xới” với những con người cộng sản kiên trung, nổi tiếng với tên gọi “tam giác sắt”. Nơi đây, cán bộ, chiến sỹ ra Bắc vào Nam đã dừng chân ẩn trú, là bàn đạp tiến về Phan Thiết - đầu não của địch, cũng là một trong những vị trí tiền tiêu bảo vệ vùng căn cứ cách mạng. Vì thế, xã Hàm Liêm trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của địch. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vùng đất này luôn bị địch tấn công với các thủ đoạn thâm độc, như bắn pháo, cho quân càn quét, từng tấc đất hứng chịu bom đạn ác liệt. Xã hồi ấy chỉ khoảng 4.000 người, nhưng đến ngày hoàn toàn giải phóng có tới 712 chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống. Hàng trăm thương binh còn mang trong mình nhiều vết thương và di chứng bom đạn. Người có công với cách mạng của xã chiếm hơn 20% dân số. Năm 1972, Hàm Liêm là địa phương đầu tiên của huyện Hàm Thuận Bắc vinh dự được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hàm Liêm là nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất trong toàn tỉnh Bình Thuận với 152 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Có nhiều mẹ, trong gia đình có tới 5 - 6 liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến nhưng vì tuổi cao sức yếu, không thể ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác.

ncc le thi huong
Người có công Lê Thị Hường, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, cùng các đồng đội, bà Lê Thị Hường tiếp tục tham gia cách mạng mãi cho đến ngày giải phóng thắng lợi. Bà có 3 người con, dù cuộc sống khó khăn nhưng với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bà đã luôn cố gắng cho con cái ăn học. Đến nay, những người con của bà đều đã trưởng thành, có những đóng góp nhất định cho quê hương, đất nước.

me nguyen huu tai
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài (bên phải ảnh) và Mẹ Việt Nam Anh hùng
Sơn Thị Kỷ,Thành phố Hồ Chí Minh (bên trái ảnh).

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tàichia sẻ: Đây đã lần thứ 4 mẹ được vào Lăng viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Lần nào cũng được ưu tiên chăm lo như thế, chu đáo từ đường đi, lối lại, Mẹ thực sự rất cảm động.Thấm đượm nỗi đau chiến tranh, có chồng hi sinh tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang năm 1967, con trai thứ hai hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1978, Mẹ Nguyễn Thị Hữu Tài chỉ mong không bao giờ còn chiến tranh nữa để đất nước hòa bình, ai ai cũng được mạnh khỏe, hạnh phúc.

thuong binh
Thương bệnh binh Nguyễn Chiến, thành phố Bắc Ninh.

Cựu chiến binh Nguyễn Chiến (thương bệnh binh loại ¼, thương tật 81%) hiện đang sinh sống tạikhu phố 2, phường Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông  nguyên là bác sỹ quân y tuyến đầu, Đội trưởng Đội phẫu thuật 3, Quảng Trị. Nhớ về ký ức mùa Hè đỏ lửa 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, Ông kể lại: Ngày nào chúng tôi cũng cấp cứu, phẫu thuật, khâu vết thương cho mấy trăm thương binh từ Thành cổ chuyển ra, rồi chuyển họ về tuyến sau điều trị. Nhiều thương binh nặng phải cắt cả hai chân rồi nhưng vẫn vô tư yêu đời, ca hát, không có gì nản chí, không kêu ca. Họ vẫn động viên đồng đội quyết chiến quyết thắng. Nhiều đồng chí khác được chỉ định trở về hậu phương vẫn tình nguyện tiếp tục ra mặt trận chiến đấu, chiến thắng mới trở về.

Phát huy kinh nghiệm chữa trị trong chiến tranh, năm 1977, ông Nguyễn Chiến mở dịch vụ châm cứu tại nhà. Năm 1994, ông phát triển thành Phòng khám đa khoa Phố Viềng - phòng khám đầu tiên tại tỉnh Hà Bắc cũ với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. 28 năm qua, phòng khám của ông đã điều trị cho rất nhiều người, trong đó có các thương bệnh binh. Ông là một trong những người có công tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, một trong 537 người có công đại diện cho gần 9,2 triệu người có công trên cả nước được tham dự chương trình Gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc 2022 diễn ra vào ngày 24/7 tại Hà Nội. Ông chia sẻ: Nguyện vọng tha thiết của người có công chúng tôi là mỗi dịp 27/7 đều được đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy Bác Hồ còn đây, phong cảnh thanh bình, thắp nén tâm hương, mong những người đồng đội nằm lại trên các chiến trường còn chưa tìm được hài cốt hay các liệt sỹ chưa xác định được danh tính cũng được yên nghỉ.

Được gặp gỡ, trò chuyện cùng những người có công tiêu biểu trên Quảng trường Ba Đình, mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động, chiến sỹ, trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như được tiếp thêm động lực để nỗ lực cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; đồng thời tiếp tục tổ chức thêm nhiều các hoạt động “Đền đáp, đáp nghĩa”chăm lo, giúp đỡ người có công với cách mạng theo đúng lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Hoàng Xuân

Bài viết khác: