Trung uý QNCN Nguyễn Tú Tài, Kỹ thuật viên, Xưởng Gia công Cơ khí, Đội Sửa chữa Cơ điện, Đoàn 595 là một điển hình tiêu biểu về tinh thần và nghị lực cống hiến của người lính thợ!
Trung úy QNCN Nguyễn Tú Tài (bên tay trái ảnh) thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng cột cờ hai bên lễ đài Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Tú Tài trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật Cắt gọt kim loại của Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Giỏi, trong điều kiện quê hương - thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều khu công nghiệp mọc lên, Tài có nhiều cơ hội để xin một việc làm phù hợp với khả năng của mình. Nhưng với tình yêu màu xanh áo lính đã thôi thúc anh lên đường nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau gần 2 năm huấn luyện, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ, đón nhận niềm vui vỡ oà khi cuối năm 2015, Tài được tuyển chọn, phong quân hàm Thiếu uý QNCN và chuyển về công tác tại Xưởng Gia công Cơ khí, Đội Sửa chữa Cơ điện, Đoàn 595, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với đặc thù công việc gia công, bảo dưỡng, sửa chữa, chế tạo, lắp đặt các trang thiết bị cơ khí luôn gắn liền với kho xưởng, môi trường làm việc nắng nóng, không gian chật hẹp, cường độ làm việc cao, tiếng ồn lớn, lượng bụi nhiều. Dù vậy, vượt qua khó khăn, anh luôn xác định rõ niềm vinh dự, nhiệm vụ của người lính thợ được làm việc tại Lăng Bác. Với tư chất thông minh, sáng tạo cùng với sự nhiệt huyết, cần mẫn, chịu khó học hỏi, Tài luôn chủ động nắm bắt nhiệm vụ, suy nghĩ, tìm tòi biện pháp để thực hiện công việc hiệu quả nhất, không quản ngại thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ; đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật.
Những nhiệm vụ mà Tài trực tiếp cùng các đồng đội thực hiện như: Gia công, lắp đặt hệ thống tay treo cờ trước Lăng Bác; sửa chữa, lắp đặt cửa Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; thi công hệ thống kéo cờ Cột Cờ Tổ quốc huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh… Các nội dung nhiệm vụ Tài thực hiện luôn được đánh giá cao về chất lượng và tính thẩm mỹ.
Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, Nguyễn Tú Tài nhận thấy việc thực hiện nhiệm vụ luôn phải bắc giáo để thi công, nhưng t thực hiện trong các môi trường, điều kiện địa hình khác nhau, trong khi giáo lại được thiết kế để bắc cho địa hình bằng phẳng nhất định, khi bắc giáo luôn phải kê đệm để có được mặt phẳng tốt nhất, điều này ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nhiệm vụ và mức độ an toàn cho người làm việc trên giáo. Trước vấn đề đó, là người thợ với niềm đam mê sáng tạo và khát vọng cống hiến, Nguyễn Tú Tài luôn trăn trở, phải làm gì và bằng cách nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Suy nghĩ là làm, Tài bắt đầu quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm. “Tôi đã thử nghiệm nhiều lần và cũng không ít lần thất bại. Nhưng sau mỗi lần thất bại tôi lại hiểu được những hạn chế và xác định mình cần cố gắng nghiên cứu nhiều hơn” - Tài chia sẻ.
Thực tế, những lần thất bại đó đó đã làm một số người trở lên hoài nghi với ý tưởng của Tài. Nhưng điều đó không làm thay đổi ý chí quyết tâm của Tài, cùng với sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, Nguyễn Tú Tài đã hoàn thành sáng kiến “Thiết kế, chế tạo bộ gá chân giáo dùng cho địa hình không bằng phẳng”. Sáng kiến này đã được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh công nhận là sáng kiến, giải pháp hữu ích và được áp dụng thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nói về hành trình sáng tạo của mình Nguyễn Tú Tài chỉ khiêm tốn “Thực tế làm việc tại đơn vị đã đặt ra cho tôi, mặc dù chỉ là việc nhỏ, nhưng có lợi cho đơn vị thì tôi luôn cố gắng để thực hiện”.
Trong công việc chuyên môn là vậy, trong các công việc khác anh cũng luôn nhiệt tình, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ và giúp đỡ các đồng đội, kể cả những việc cá nhân và làm ngoài giờ. Còn nhớ từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đơn vi nhiều lần phải cấm trại để vừa thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch bệnh trong thời gian kéo dài, Nguyễn Tú Tài vừa làm việc chuyên môn vừa một mình lo việc cắt tóc cho anh em, đồng đội trong đơn vị để bảo đảm tác phong người quân nhân. Thậm chí có những buổi anh miệt mài cắt tóc cho đồng đội đến 23 giờ đêm, nhiều người nhận xét rằng năng khiếu của Tài đã phát huy đúng thời điểm.
Những đóng góp của anh được lãnh đạo, chỉ huy các cấp ghi nhận qua bảng thành tích “đồ sộ”. Hơn 08 năm tuổi quân, gần như năm nào anh cũng được khen thưởng với đầy đủ bộ sưu tập danh hiệu chiến sĩ tiên tiến, giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành, đặc biệt liên tục từ năm 2019 đến 2021 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và tháng 5 vừa qua được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Đánh giá về Trung uý QNCN Nguyễn Tú Tài, Đại tá Phạm Văn Lực, Bí thư Đảng uỷ, Chính trị viên Đoàn 595 khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Tú Tài là kỹ thuật viên không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn có tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc. Nhiệm vụ nào được giao đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống gần gũi, được đồng đội tin yêu, là tấm gương tiêu biểu trong đơn vị”.
Những thành tích của Nguyễn Tú Tài đã góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, là minh chứng rõ nét nhất về một ấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tô thắm truyền thống Bộ đội bảo vệ Lăng Anh hùng và sáng mãi phẩm chất người lính thợ bên Lăng Bác, góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Đoàn 595 (05/9/1992 - 05/9/2022)./.
Đinh Văn Khang