Trong những năm vừa qua, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các Quy định, Quy chế của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khoá XII, XIII)…, công tác cán bộ trong Quân đội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các vấn đề có tính nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, tuyển chọn cán bộ… đều do tập thể cấp uỷ (thường vụ) quyết định. Nhờ vậy, Quân đội đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ, chất lượng ngày càng cao. Đội ngũ cán bộ quân đội luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn vững vàng, kiên định với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội; là lực lượng nòng cốt bảo đảm cho các đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

bac ho tham bo doi
Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 4, năm 1961. (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, công tác cán bộ trong Quân đội vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác cán bộ của một số cấp ủy chưa sâu sắc, kịp thời và còn thiếu đồng bộ nên dẫn đến tổ chức thực hiện còn lúng túng, hiệu quả hạn chế; công tác quy hoạch còn biểu hiện khép kín, chưa thực sự quan tâm phát hiện, bồi dưỡng tài năng; thực hiện quy định, quy trình bổ nhiệm, đề bạt, tuyển chọn cán bộ đi học có lúc, có đơn vị còn thiếu chặt chẽ... Mặt khác, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, một số cán bộ quân đội, trong đó có cả những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, câu kết lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng, lãng phí, bớt xén tiêu chuẩn của bộ đội, dẫn tới vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước, bị kỷ luật về Đảng và chính quyền... đã làm ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống vẻ vang của quân đội; làm sói mòi niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với Quân đội; là lỗ hổng lớn để các thế lực thù địch, phản động trong nước và quốc tế chống phá sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với Quân đội.

 Những hạn chế, khuyết điểm trên có nguyên nhân khách quan do sự biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá quyết liệt của kẻ thù; sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường…; nhưng nguyên nhân chính là do một số cấp ủy, cán bộ chủ trì chưa quán triệt sâu sắc quan điểm đổi mới công tác cán bộ của Đảng; chưa thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự sâu sát.... Một số cơ quan tham mưu về công tác cán bộ cho cấp uỷ, chỉ huy đơn vị còn vi phạm quy chế, quy định, đề xuất bổ nhiệm, đề bạt, thăng quân hàm cho cán bộ vi phạm khuyết điểm hoặc chất lượng, hiệu quả công tác thấp… Để góp phần thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

 Một làtiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các cấp.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết 109 của Quân uỷ Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; có kiến thức, năng lực toàn diện, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên trong Quân đội cần nhận thức rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng, khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Mọi vấn đề về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức đảng, được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc đổi mới công tác cán bộ phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển, xuất phát từ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng toàn diện đối với công tác này, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược, chiến dịch đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong thực hiện, phải chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì với xây dựng cấp ủy. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch; có số lượng và cơ cấu hợp lý; khả năng tư duy sáng tạo, năng lực lãnh đạo, chỉ huy giỏi; trình độ, kiến thức chuyên môn ngày càng cao; có uy tín trong tập thể; sức khỏe và độ tuổi phù hợp, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng "tinh, gọn, mạnh, cơ động"; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy trình trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội. Thực hiện đồng bộ các khâu: quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển; trong đó, quản lý, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất, quản lý chặt, đánh giá cán bộ đúng thì mới quy hoạch, sử dụng đúng. Quá trình nhận xét, đánh giá cán bộ phải bám sát Quy định 89-NQ/TW, ngày 15-8-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đồng thời, phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín để làm thước đo chủ yếu, đảm bảo thực chất, khách quan, chống chủ quan, cảm tính, phiến diện.

Hai là, rà soát, bổ sung hoàn thiện việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả đối với công tác cán bộ từ Quân ủy Trung ương đến cấp uỷ cơ sở.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là một dấu mốc quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động của Đảng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là lần đầu tiên Đảng xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát, và cũng là lần đầu tiên các hành vi “chạy chức, chạy quyền” gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị. Thẩm quyền của người đứng đầu chủ yếu là chỉ đạo, điều hành các thủ tục, quy trình công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, vận hành theo đúng nguyên tắc của Đảng; người đứng đầu không có quyền quyết định tuyệt đối về nhân sự, vì đó là thẩm quyền của tập thể.  Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ tham nhũng, gây dự luận xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình quản lý. Quá trình tổ chức thực hiện cần coi trọng việc công khai, minh bạch trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị cùng tham gia giám sát, phản biện để có những ý kiến nhận xét khách quan, từ đó lựa chọn được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống và phong cách công tác đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác  kiểm tra, giám sát, gắn với thanh tra, kiểm tra đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế, quy định; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ.

Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, cơ quan chính trị các cấp phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong chấp hành và thực hiện quy chế, quy trình trong công tác cán bộ. Mặt khác, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước và Quân đội; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng, các cơ quan truyền thông, báo chí trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực để có biện pháp xử lý nghiêm minh, giữ vững kỷ cương kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý sai phạm phải kịp thời, nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ với những giải pháp mạnh mẽ, như hủy bỏ, thu hồi các quyết định về công tác cán bộ khi có kết luận vi phạm nghiêm trọng; đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân có liên quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai phạm hoặc không chỉ đạo xử lý khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ ở cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt việc người chủ trì đơn vị (bí thư cấp ủy và người chỉ huy) phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy về việc bổ nhiệm cán bộ thuộc quyền và giới thiệu, báo cáo cấp ủy cấp trên về cán bộ của đơn vị do cấp trên quản lý. Cơ quan tham mưu về công tác cán bộ cho cấp ủy (cơ quan  cán bộ), có trách nhiệm “bảo hành” về nhân sự do cơ quan tham mưu cho cấp ủy đề xuất.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Công tác cán bộ hiện nay là công việc có nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể và trách nhiệm của từng cá nhân người đứng đầu cấp ủy, người chỉ huy đơn vị sẽ là chìa khóa thành công của công tác cán bộ. Qua đó sẽ hạn chế thấp nhất hạn chế, khuyết điểm đồng thời góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, với quyết tâm chính trị cao của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, nhất định công tác cán bộ trong Quân đội thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt./.

Trung tướng, PGS.TS Đặng Nam Điền

Nguyên Chính uỷ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: